×

Liên hệ với chúng tôi

[Tóm Tắt & Review Sách] “Hồng Lâu Mộng” : Cái Đẹp, Cái Tình Trong Áng Văn Bất Hủ

Thời gian là thứ vô tình nhất, bởi nó mài mòn hết đi tất thảy mọi thứ, từ cả những đền đài, lăng tẩm đến sự thịnh vượng rồi suy tàn của một đế chế, tất cả đều có thể bị thời gian, sương gió làm cho mòn đi. Nhưng có một thứ dường như là bất diệt, dường như vượt ra ngoài tất thảy dòng chảy thời gian, đó là văn chương. “Hồng Lâu Mộng chính là một tác phẩm như thế, nó vượt ra ngoài dòng chảy thời gian, đem theo những bài học và cuộc đời truy ngược đến mấy trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng bàn tán về nó. Hay như Nam Cao nói, đó là một tác phẩm có thể “ đánh bại tất cả những tác phẩm khác cùng thời”. Vậy rốt cuộc, Hồng Lâu Mộng có gì mà bất hủ đến vậy?

I- Giới thiệu tác giả

Tào Tuyết Cần người gốc Hà Bắc, xuất thân quý tộc, người Hán nhập tịch Mãn Châu. Tào Tuyết Cần sinh năm Bính Thân 1716, thân phụ là Tào Ngung, thân mẫu là người họ Mã, khi Tào Tuyết Cần đang còn trong bụng mẹ, thì Tào Ngung bị bệnh mất. Sau khi ra đời, Tào Tuyết Cần được người chú là Tào Phủ nhận làm con nuôi, lúc đó Tào Phủ đang được vua Khang Hy (1654 – 1722) cho giữ chức ở Giang Ninh, vì vậy mà tuổi thơ của Tào Tuyết Cần được ăn ngon mặc đẹp.
Tào Tuyết Cần được xem là một trong những tác giả vĩ đại nhất của nền văn học Trung Quốc với nhiều tác phẩm thơ ca, văn học, trong đó có Hồng Lâu Mộng. Sinh ra trong một gia đình quý tộc hiển hách, tác giả đã chứng kiến tận mắt sự sụp đổ của dòng họ và những thăng trầm của xã hội phong kiến. Nỗi niềm chua chát, nuối tiếc quá khứ huy hoàng cùng sự phẫn nộ trước thực tại thối nát đã thôi thúc ông cầm bút viết nên Hồng Lâu Mộng, như “một lời than thở” cho số phận con người trong thời phong kiến.
II- Tác phẩm

1. Tóm tắt tác phẩm


Hồng Lâu Mộng là bức tranh tái hiện lại đầy chân thật cái hiện thực thối nát của xã hội phong kiến Trung Quốc đang trên con đường suy tàn. Cái sự xa hoa tráng lệ hòa với vẻ ngoài tôn nghiêm, nề nếp không thể che đi được cuộc sống dâm ô, nhục nhã của giới thượng lưu thời bấy giờ, mà cụ thể ở đây là Giả phủ, không thể cứu vãn nổi. Đó cũng là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc thời mạt Thanh. Là một nhà văn hiện thực Trung Quốc, Tào Tuyết Cần đã báo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến Trung Quốc. Với nhãn quang của một nhà văn có tinh thần dân chủ, ông đã nhìn thấy những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Tựa như Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc, “ những đứa con bất hiếu” ấy mang theo những quan niệm “ngược dòng”, chống lại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chán ghét những khoa cử công danh chỉ mang tính hình thức khoe mẽ. Họ là những lớp người theo đuổi cuộc sống tự do, không bị ràng buộc bởi những khuôn phép quy củ. Và rồi họ yêu nhau vì chính cái tư tưởng phản nghịch đó. Hồng Lâu Mộng là cuộc đấu tranh âm thầm giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ thời kì đầu và tư tưởng phong kiến cố hữu.


Mở đầu tác phẩm là huyền thoại về Nữ Oa vá trời bằng đá ngũ sắc và chính bản thân mình. Viên đá thiêng còn sót lại được đưa về trời chăm sóc cây tiên Giáng Châu. Chuyện tình yêu đầy duyên nợ giữa Thần Anh và Giáng Châu buộc họ phải xuống trần gian để trả nghiệp, mang theo bao oan trái và dẫn đến những bi kịch sau này. Đá thiêng hóa thân thành Giả Bảo Ngọc, còn cây thiêng hóa thành Lâm Đại Ngọc.

Gia đình họ Giả từng là thế gia vọng tộc với nhiều công lao to lớn với triều đình. Họ sinh sống trong hai tòa dinh cơ lộng lẫy, với số lượng người hầu kẻ hạ lên đến 448 người. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng ấy là những mâu thuẫn nội bộ, những cuộc tranh giành quyền lực và sự mục rỗng theo thời gian dẫn đến sự sụp đổ của cả gia tộc.

Trên bối cảnh suy tàn của gia đình họ Giả, mối tình tay ba giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa được thể hiện đan xen với các sự kiện của gia tộc. Bảo Ngọc và Đại Ngọc vốn có mối tình trong sáng, gắn bó từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, do những hủ tục phong kiến, những âm mưu toan tính và sự sắp đặt của gia đình, Bảo Ngọc cuối cùng lại kết hôn với Bảo Thoa. Kết cục tàn nhẫn khi Đại Ngọc mang theo nỗi buồn và u uất, chìm trong nước mắt và qua đời đầy bi thương, còn Bảo Ngọc rời bỏ thế tục và chọn cách xuất gia.

Những tuyến nhân vật trong truyện

Lâm Đại Ngọc – một cô gái mảnh mai với tinh thần kiên cường

Mặc dù mang một vóc dáng mảnh khảnh và yếu đuối, tưởng chừng như một ngọn gió cũng có thể quật ngã được cô, ấy thế mà nằm sâu trong chính con người cô chính là một bộ giáp mạnh mẽ và dám đứng lên đấu tranh vì bản thân mình.

Với một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành khiến bao chàng trai say đắm, nhưng chính vẻ bề ngoài yếu đuối của mình đã làm cho chẳng còn ai muốn đến gần và ngỏ ý với nàng cả. Ngay chính gia đình cô còn cảm thấy số phận của nàng sẽ chẳng bao giờ gặp được hạnh phúc khi lúc nào cũng bắt gặp trên khuôn mặt vạn người mê ấy là sự mỏng manh, bi thương có thể bị tan vỡ bất kỳ lúc nào.


Giả Bảo Ngọc – một anh chàng với nội tâm nhút nhát

Xuất thân từ một gia đình lập nhiều công với triều đình, nên cuộc sống của anh ở trong một tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành và luôn được kẻ cung người hạ. Và với vị trí là cậu ấm duy nhất tại nơi này, chàng tìm người trong mộng và thầm ước từ lâu chính là Lâm Đại Ngọc. Nhưng gia đình cậu lại tỏ ra hết sức ngăn cản khi chính nàng cho rằng Bảo Ngọc không nên chạy theo những vinh hoa phú quý, thi đỗ để vào chốn quan ngục. Trong khi đó, Bảo Thoa – người con gái đúng với chuẩn mực phong kiến xã hội lúc bấy giờ và luôn được gia đình Bảo Ngọc thúc giục thành đôi.

Xuyên suốt tác phẩm, Tào Tuyết Cần đã thể hiện những tư tưởng thanh cao, tiến bộ thông qua nhân vật Giả Bảo Ngọc. Bảo Ngọc thường bị cho là “điên khùng”, “ngớ ngẩn” vì những lời nói, hành động khác biệt so với chuẩn mực xã hội phong kiến. Tuy nhiên, những “lời nói điên khùng” ấy lại chính là tư tưởng vượt qua thời đại, quan điểm tiến bộ mà xã hội cổ hủ xưa cũ chưa thể nào chấp nhận.

Trong thời đại mà vai trò của người phụ nữ bị xem thường, sự xuất hiện của Bảo Ngọc dường như là làn gió mới mẻ thay đổi hoàn toàn thế giới quan của rất nhiều người, thổi bùng lên ngọn lửa tự do cho nhiều người phụ nữ.

Nhân vật nam chính dành cho các cô gái xung quanh là sự trân trọng, thấu hiểu và che chở, là mong muốn họ có cuộc sống hạnh phúc. Hồng Lâu Mộng vẽ nên bức tranh về những con người dù tài năng, dù xinh đẹp, dù có phẩm chất tốt đẹp đến đâu cũng không thể thoát khỏi sự tàn nhẫn của số phận dưới thời phong kiến áp đặt, giáo điều cổ hủ.

Cho đến mối tình bi kịch của hai kẻ đáng thương…

Nhưng làm sao sự cấm cản của gia đình có thể phá vỡ được tình cảm lứa đôi? Chính vì thế, hai người cứ thế nghe theo trái tim mình để đến với nhau và thực hiện một cuộc hôn ước. Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách khi lúc này, hai phủ họ Giả mắc tội với triều đình và lâm vào cảnh đường cùng. Để cứu gia đình mình, Phượng Thư (chị dâu của Bảo Ngọc) đã đặt kế tráo hôn để gia đình mình thoát khỏi cảnh tù tội. Khi mở khăn che mặt, phát hiện đó không phải là Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc quyết định bỏ đi và hóa thân thành một tảng đá với trái tim không thể rung động lại một lần nữa. Để rồi khi Đại Ngọc nghe được tiếng pháo hoa chúc mừng từ bữa tiệc đại hỷ của người yêu mình, nàng uất ức sinh bệnh mà chết.

Hồng Lâu Mộng không đơn giản chỉ là một câu chuyện tình ái, mà còn chứa đựng những ý nghĩa triết lý sâu sắc về kiếp sống và nhân sinh của văn hóa phương Đông. Ngòi bút của tác giả Tào Tuyết Cần đã khéo léo đưa vào những khát vọng, lý tưởng sống của “xã hội mới” vào những nhân vật trẻ tuổi thời phong kiến. Song, cuối cùng số phận của họ vẫn bị cái bóng phong kiến giam giữ và ghì chặt. Dù vậy, Hồng Lâu Mộng cũng gieo mầm nhiều tư tưởng tiến bộ, hy vọng sống tốt đẹp hơn đến cho nhiều độc giả của nhiều thế hệ.

Trích dẫn và bài học từ Hồng Lâu Mộng

Vàng kia vạn lạng còn dễ kiếm, tri kỷ một người thật khó thay.”

Trong hồi 57 của tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Tử Quyên đã bày trò để thử lòng của Bảo Ngọc dành cho Đại Ngọc và khuyên Đại Ngọc rằng: \"Nhà người ta có người, có thế, thì không sao, chứ như cô đây, cụ sống ngày nào còn khá, cụ mà chết đi thì mặc cho người ta hất hủi thôi. Vì thế tôi bàn với cô, cần phải lo liệu trước đi. Cô là người sáng suốt, chẳng lẽ không nghe câu tục ngữ: \"Hàng vạn lạng vàng kia dễ kiếm, tri kỉ một người thật khó thay\" hay sao?\"

Thế giới gần 7 tỉ người và bạn sẽ gặp nhiều người trong cuộc đời mình, nhưng chỉ có một người chúng ta thực sự yêu và muốn kết hôn với người đó.

Trên thế giới này, có rất nhiều người có thể đến với bạn khi bạn giàu sang, nhưng không có nhiều người sẵn sàng đi cùng bạn qua bão giông và đi đến cuối cuộc đời cùng nhau.

Vạn người yêu không bằng một người hiểu. Người hiểu bạn xứng đáng để bạn trao gửi cả cuộc đời.

“Người làm sách xin nói: “Trải qua quãng đời mộng ảo, nên có ý giấu những việc thực, mượn chuyện “Hòn đá thiêng” mà viết ra bộ Thạch đầu ký này; vì vậy tôi đặt nhân vật của tôi là Chân Sĩ Ẩn… Trong sách chép việc gì? Người nào? Người làm sách lại xin nói: “Nay tôi đã sống cuộc đời gió bụi, không làm nên trò trống gì. Chợt nghĩ đến những người con gái ngày trước cùng sống với tôi, so sánh kỹ lưỡng, thấy sự hiểu biết và việc làm của họ đều hơn tôi. Tôi đường đường là đấng mày râu, lại chịu kém bạn quần thoa, thực rất đáng thẹn! Bây giờ hối cũng vô ích, biết làm thế nào! Tôi nghĩ trước kia được ơn trời, nhờ tổ, mặc đẹp, ăn ngon, mà phụ công nuôi dạy của cha mẹ, trái lời răn bảo của thầy bạn, đến nỗi ngày nay một nghề không thành, nửa đời long đong, nên muốn đem những chuyện đó chép thành một bộ sách bày tỏ với mọi người. Tôi biết rằng mang tội rất nhiều.

Nhưng trong khuê các còn biết bao người tài giỏi, tôi không thể nhất thiết mượn cớ ngu dại muốn che giấu lỗi mình, để cho họ bị mai một. Cho nên, đám cỏ lều tranh, giường tre bếp đất, cùng cảnh gió sớm trăng chiều, sân hoa thềm liễu, đều thúc giục tôi thực hiện lòng mong ước dùng bút mực viết ra lời. Dù tôi học ít, hạ bút không viết nên văn, tôi cũng chẳng ngại gì mượn lời nôm na thêu dệt bày tỏ ra đây câu chuyện để mua vui cho mọi người. Vì vậy tôi lại đặt nhân vật là Giả Vũ Thôn…”. Đó là đầu đề và ý chính của hồi này. Mở đầu cuốn truyện, thấy câu phong trần mơ người đẹp, chắc ai cũng biết người viết sách vốn chỉ ghi chép những chuyện bạn bè, tình tứ trong khuê các, chứ không có ý chửi đời. Tuy có một vài chỗ nói đến nhân tình thế thái, nhưng đó là bất đắc dĩ, mong độc giả nhớ cho”.


\"Người đời đều cho việc dâm dục là tình, vì thế mà gây ra chuyện thương phong bại tục, lại còn tự cho là trăng gió đa tình, không quan hệ gì. Họ không hiểu mừng, giận, buồn, vui chưa lộ ra thì đó là tính. Mà lúc lộ ra rồi thì đó là tình. Đến như tình của tôi và chị, chính là cái tình chưa lộ ra. Cái tình như bông hoa còn đang nụ. Nếu chờ phát tiết ra rồi, thì cái tình ấy không phải là chân tình nữa\"


“Ta thích anh vì anh là người dâm nhất trong thiên hạ. Dâm có nhiều kiểu dâm, anh sinh ra đã có mối si tình với nữ nhi, nên ta gọi anh là “ý dâm”, chỉ có thể hiểu trong lòng chứ không nói ra được.”


“Chả cứ trẻ con nhà này hay bên ấy, dù chúng có bướng bỉnh ương gàn thế nào chăng nữa, khi gặp người lạ đến cũng phải giữ lễ phép đúng đắn. Dù đã không biết giữ lễ phép, cũng không khi nào để cho nó gàn bướng mãi được. Người lớn nuông chiều nó, cũng chỉ vì một là thấy nó có vẻ dễ coi, hai là nó biết giữ lễ phép hơn người lớn, ai trông thấy cũng phải yêu phải thương, nên mới chợp mắt bỏ qua, nuông chiều nó một chút. Nếu cứ một mực bất chấp kẻ quen người lạ, làm xấu mặt cả người lớn, thì dù xinh đến đâu cũng đáng đánh chết”. 


Có một lần, Giả phủ có người khách từ xa đến chơi, bèn bảo Bảo Ngọc ra ngoài gặp khách. Người khách thấy Bảo Ngọc trông đáng yêu, bước đến nắm tay cậu bắt chuyện. Bảo Ngọc vừa cười vừa trả lời, không dám có chút thất lễ nào. 

Trước lúc rời khỏi, tất cả khách đều cảm thán: “Bảo Ngọc là một quý công tử được nuông chiều ngay từ tấm bé, sao tính cách lại tốt đến như vậy được nhỉ? Bị mấy người lạ lôi đi kéo lại, còn hỏi này hỏi nọ nữa, không những không tức giận, lại còn ngoan ngoãn lễ phép đến như vậy!“. 

Có thể thấy, Bảo Ngọc tuy là công tử cưng của Giả phủ nhưng đã sớm học được cách ứng xử lễ nghi, trước mặt người ngoài luôn tuân theo khuôn phép, tuyệt không tùy tiện làm càn. 

Bảo Ngọc vẫn là đứa trẻ, hồn nhiên, phóng túng cũng là đương nhiên. Nhưng sự phóng túng của bản tính tiên thiên (bản tính trời sinh ban đầu) cần phải dựa trên nền tảng của gia giáo, quy củ, lễ nghi. Có thế mới tạo ra một Bảo Ngọc hồn nhiên đến mức đáng yêu như vậy.

Bảo Ngọc tuy là công tử cưng nhưng đã sớm học được cách ứng xử lễ nghi, trước mặt người ngoài luôn tuân theo khuôn phép, tuyệt không tùy tiện làm càn. Giả dụ như Giả Bảo Ngọc là đứa trẻ không biết trên dưới, lớn nhỏ, không biết phép tắc quy củ thì dù cho cậu trông đẹp đẽ dễ nhìn đến đâu cũng không thể nhận được tình cảm yêu thương thật sự của mọi người trong khắp Ninh phủ.

Người lớn cưng chiều trẻ nhỏ là rất thường thấy, nhưng “yêu thương” thật sự tuyệt đối không phải là phóng túng, mà là dạy cho chúng biết quy cách trong hành sự, để chúng biết được đạo lý uyên nguyên sâu xa đằng sau lời giáo huấn trong gia đình.

Già Lưu lần đầu tiên khi đặt chân vào đại quan viên, trong lòng liền bội phục rằng: “Những ông lớn bà lớn, cậu ấm cô chiêu, mỗi ngày đều có biết bao nhiêu món ngon vật lạ, rượu ngon đặt ngay trước mặt, nếu là đổi thành người khác thì từ sớm đã ăn thành người béo rồi! Nhưng điều kỳ lạ là, các cô các cậu trong Giả phủ đều thân hình cân đối, ai nấy đều như kim đồng ngọc nữ từ trong tranh bước ra vậy! Nhất là bọn người giống như em Lâm, Vương Hy Phượng, Bình Nhi, đều là thân hình mảnh mai một kiểu, hệt như liễu rủ trong gió vậy”.

Già Lưu phát hiện rằng, những tiểu thư này ăn cơm chỉ ăn bảy phần no, dù cho đồ ăn có ngon hơn nữa, nhiều nhất cũng chỉ gắp thêm vài miếng, rồi nhất định phải buông đũa xuống, không chỉ có thể giữ gìn vóc dáng, còn có thể rèn luyện ý chí của mình. Già Lưu không khỏi cảm thán rằng: “Đây mới thật sự là phong cách quý phái!”

“Ăn” là hoạt động cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày, cũng là thứ khó kiểm soát nhất. Nếu như bạn muốn làm chủ cuộc đời của mình, hãy bắt đầu từ việc “kiểm soát cái miệng”, không thể muốn gì làm nấy, nhất định phải kiêng kỵ rượu chè, ăn uống quá độ.

Rất nhiều người chỉ nhìn thấy Già Lưu bị mọi người chọc ghẹo, nhưng lại không nhìn thấy tình cảm yêu mến và thương xót của Giả mẫu đối với bà. Thấy bà ăn cơm ăn rất ngon miệng, Giả mẫu vội vàng đem phần thức ăn của mình nhường cho bà. Giả mẫu lại lệnh cho một hầu gái gắp các loại thức ăn vào trong một cái chén đưa cho Bản Nhi, cháu trai của Già Lưu, để cho thằng bé ăn được vui vẻ hơn.

Ăn cơm xong, Vương Hy Phượng và Uyên Ương khi nãy còn “chọc ghẹo” Già Lưu cũng đều đến xin lỗi bà, sợ bà bị tủi thân, họ nhao nhao giải thích rằng mọi chuyện đều vì để khiến cho bà cụ nhà vui lòng, chứ không có ý gì khác.

Đến hôm Già Lưu về lại nhà, không chỉ Giả mẫu, còn có Vương phu nhân, Phượng Thư, gồm cả a hoàn Bình Nhi, đều thân thiết chuẩn bị quà cáp tiễn chân, có cái ăn, có cái mặc, có cái dùng, còn có một khoản tiền cho cả nhà Già Lưu đặt mua ruộng đất hoặc làm vốn để mở cửa hiệu buôn bán nhỏ. Quả thật là tỉ mỉ chu đáo, tôn trọng có thừa.

Đây cũng là nguyên tắc giáo dưỡng trong Giả phủ. Dù bạn là vương hầu quý tộc thì tôi cũng không bám víu, nịnh nọt. Dù cho bạn là người dân bình thường, thậm chí là tên ăn xin nơi đầu đường xó chợ, thì tôi cũng lấy lễ đối đãi, tuyệt không tỏ ý khinh mạn.

Đó chính là sự tôn trọng cao quý nhất, tôn trọng mỗi một sinh mệnh, không kể giàu sang hay bần cùng. Bởi vì sinh mệnh đều là đáng nên trân quý. Con người cần phải học cách biết cảm ân, học biết báo đáp, yêu quý người khác như chính bản thân mình vậy.


Tình yêu của Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng khiến người khác không khỏi ngưỡng mộ. Ai ai cũng đều mong có được một tri kỷ Bảo Ngọc giống như Đại Ngọc vậy, lúc nào cũng để cô trong lòng, dường như tình yêu chính là tất cả của hai người họ vậy.

Trên thực tế, Bảo Ngọc tuyệt đối không phải là người “riêng chỉ biết có tình yêu”. Trong tâm của chàng, thế gian con người này ngoài tình yêu tốt đẹp ra, còn có cha mẹ bề trên cần phải hết lòng chăm sóc. Người nhà mãi mãi là ở vị trí số một trong lòng.

Mặc dù đã có giai nhân nhưng cha mẹ bề trên cũng cần phải hết lòng chăm sóc.

Chính lúc chàng thổ lộ tâm ý với em Lâm, cũng không hề vứt bỏ hiếu đạo sang một bên. Giả Bảo Ngọc nói như thế này: “Ngoài bà nội, cha mẹ ba người này ra, người thứ tư chính là muội đó“. 

Giai nhân tuy khó được nhưng người nhà là huyết mạch chí thân luôn luôn ủng hộ bạn, che chở bạn. Họ đứng ở sau lưng bạn vô điều kiện. Ngay từ khi bạn bắt đầu đến thế giới này, họ đã yêu thương bạn không một lời oán thán.

Loại tình yêu này tuy không oanh oanh liệt liệt, cũng không có chút tình cảm lãng mạn nào, nhưng nó bình dị, chân thật, sẽ không bao giờ thuận theo năm tháng qua đi mà tan biến mất.

Trong tác phẩm có đoạn Giả Bảo Ngọc bị cha là Giả Chính đánh đập tàn nhẫn hay không? Đó có thể nói là đoạn kịch tính nhất trong Hồng Lâu Mộng.

Vì “nghiệp chướng” Giả Bảo Ngọc này, không chỉ Giả Chính đau lòng nhức óc, nổi giận xung thiên, Vương phu nhân cũng đấm ngực dậm chân không thôi. Ngay đến cả lão thái quân trước nay bản tính hiền lành dễ chịu cũng giận đến dựng cả tóc gáy, thốt ra những lời lẽ tàn nhẫn. Nhưng bà tức giận không phải là bởi Bảo Ngọc phạm phải sai lầm, mà là bởi vì phương thức giáo dục “bạo lực” của Giả Chính.

Bà cụ nói rất hay, thử hỏi có đứa trẻ nào không phạm phải sai lầm chứ? Nhưng hễ phạm phải sai lầm, anh liền đánh mắng, cứ như vậy mãi liệu anh có biết được sẽ có hậu quả thế nào hay không?

Con trẻ là cần phải dạy dỗ, lần một không được thì lần hai, lần hai không được thì lần ba. Nhưng nếu như chỉ vì phẫn uất nhất thời, hả giận nhất thời, liền lôi con trẻ ra đánh, đánh hỏng rồi, đánh nát trái tim của nó rồi, nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn đó có thể chính là điều mà bố mẹ mãi mãi không thể bù đắp được.

Đối với con trẻ còn đang nhỏ tuổi, hết lòng dạy bảo lúc nào cũng sáng suốt hơn nhiều so với việc hô tới quát lui. Một bạt tai giáng xuống thì rất dễ, nhưng dấu ấn nó để lại trong tâm khảm lại là cả đời không thể xóa đi.

Mặc dù con trẻ có chỗ nghịch ngợm, có hành vi quậy phá, nhưng các bậc phụ huynh đều là người biết rõ đạo lý, đều là người trưởng thành trầm ổn. Chúng ta càng nên nhẫn nại nhiều hơn, lý giải nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Bởi điều mà con trẻ cần là giáo dục bằng tình yêu thương. 

Kết

Có thể thấy rõ rằng, Hồng Lâu Mộng chính là một áng văn bất hủ được lưu truyền ngàn đời, chính cái giá trị nhân văn và hiện thực được phê phán trong tác phẩm là thứ khiến cho người đời sau mỗi khi đọc đều phải ngả mũ thán phục cái tài, cái đức của tác giả. 


Tóm tắt bởi: Tú Minh - Bookademy

Hình ảnh: Tú Minh  

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ \"Tên tác giả - Bookademy.\" Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------