Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

4 Mẹo Giúp Nhà Quản Lý Tạo Động Lực Và Giữ Chân Nhân Viên

4 Mẹo Giúp Nhà Quản Lý Tạo Động Lực Và Giữ Chân Nhân Viên

Trong một nghiên cứu của Gallup về điều mà người lao động muốn thay đổi ở môi trường làm việc hiện tại, có hơn 41% phản hồi liên quan đến văn hoá và sự gắn kết của nhân viên với công ty. Nhà quản lý chính là người đóng vai trò trung tâm trong việc này. Để dẫn dắt và giữ cho một đội ngũ luôn hăng hái và gắn kết, nhà quản lý cần phải có một chiến lược cụ thể. Trong bài viết bên dưới, Skills Bridge sẽ chia sẻ đến bạn 4 gợi ý được tổng hợp từ các nghiên cứu thực tế giúp tạo động lực và giữ chân nhân viên. 

1. Khơi gợi mục tiêu và sự phát triển cho nhân viên của bạn

Hướng mục tiêu cá nhân phù hợp với tầm nhìn chung của tổ chức: Báo cáo của Gallup năm 2016 cho thấy chỉ có 40% nhân viên thế hệ Millennials (Gen Y) cảm thấy kết nối với sứ mệnh của công ty mình. Điều đó phần nào tác động đến sự gắn kết và động lực của họ tại nơi làm việc. Vì vậy, là nhà quản lý, việc vạch ra đường hướng rõ ràng cho đội nhóm là điều hết sức quan trọng. Bạn có thể tổ chức cho nhóm của mình hoặc công ty của mình một chuyến “retreat” kết hợp thảo luận về tầm nhìn tại một nơi gần gũi với thiên nhiên. Khi được ở trong môi trường thoải mái, việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo và chấp nhận các ý tưởng cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn

Giúp nhân viên của bạn xác định mục tiêu của mình

Một nghiên cứu của Gallup đã chỉ ra rằng năng suất của các công ty đã tăng lên 56% khi các nhà quản lý giúp nhân viên điều chỉnh mục tiêu cá nhân của họ phù hợp với định hướng của tổ chức. Do vậy, nhà quản lý cần biết cách định hướng phát triển các mục tiêu cá nhân của nhân viên sao cho khớp với nhu cầu phát triển và tầm nhìn chung của tổ chức. Lập danh sách các khía cạnh cần phát triển của mỗi nhân viên, tổ chức các cuộc họp thường xuyên với từng người để trao đổi định hướng và cơ hội. Điều này sẽ giúp nhân viên của bạn cảm nhận được những đóng góp của mình cũng như cơ hội thăng tiến tương thích với nguyện vọng của họ. 

Định hướng mục tiêu cho nhân viên của bạn

Tạo cơ hội học tập

Chia sẻ các nền tảng chứa các khóa học hữu ích giúp nhân viên đạt được mục tiêu hoặc tổ chức thường xuyên các chương trình đào tạo nội bộ để giúp nhân viên nâng cao kỹ năng của mình.

2. Nuôi dưỡng văn hoá ghi nhận và biết ơn
Ghi nhận thành tựu

Ghi nhận thành tích của cá nhân và tập thể một cách công khai sẽ tạo động lực cho sự cống hiến hết mình của nhân viên. Trong một khảo sát của Quantum Workplace, 51% nhân viên tham gia khảo sát phản hồi rằng họ muốn được ghi nhận nhiều hơn. Trong đó, 71% nhân viên mong muốn được ghi nhận từ cấp trên cho hiệu quả công việc và những thành tựu họ đạt được. Sự cảm ơn hay ghi nhận cần thể hiện sự chân thật. Một trong những công thức giúp bạn thể hiện lời cảm ơn, hay ghi nhận đúng đắn đó là mô hình COIN (Context, Observation, Impact, Next step). Lời cảm ơn đúng theo mô hình COIN phải bao gồm:

  •  

    Context: Tình huống / sự việc đã xảy ra

  •  

    Observation: Những hành động / việc làm đã được thực hiện mà bạn đã quan sát được

  •  

    Impact: Tầm ảnh hưởng của hàng động / việc làm đó đến đội nhóm, khách hàng, công ty

  •  

    Next step: Khuyến khích phát huy

Ví dụ: Trong chiến dịch phát triển sản phẩm vừa rồi (Context), anh/chị thật sự ấn tượng với sự tập trung và những nỗ lực của em trong việc tìm kiếm các giải pháp cải tiến phù hợp. Nhờ sự nỗ lực ấy, đội chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn đồng thời sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng (Observation). Những cải tiến của sản phẩm mới đã giúp chúng ta tăng 15% doanh thu so với tháng trước đó (Impact). Anh/chị tin với khả năng của em, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu phía trước (Next step)

Thể hiện lòng biết ơn 

Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ thực hiện, 93% nhân viên phản hồi rằng khi được tổ chức trân trọng, họ có động lực để cố gắng hết mình trong công việc. Chính vì thế, hãy thường xuyên gửi lời cảm ơn đến nhân viên vì sự chăm chỉ và cống hiến của họ. Bạn có thể lan tỏa đến toàn đội nhóm và tổ chức của mình bằng cách xây dựng “hòm thư cảm ơn” cho từng cá nhân, nơi các thành viên có thể trực tiếp ghi nhận nỗ lực và sự hỗ trợ lẫn nhau. Hoặc tạo “bức tường cảm ơn” để nhân viên có thể viết hoặc dán lời cảm ơn của mình với người khác cách công khai. Ai đó sẽ rất vui khi thấy những nỗ lực của mình được tất cả mọi người ghi nhận.

3. Trao quyền và tin tưởng nhân viên của bạn
Giá trị của việc uỷ quyền

Thay vì quản lý quá tiểu tiết, hãy giao phó các công việc và trách nhiệm đi kèm cho nhân viên của bạn. Và khi ấy, nhà quản lý cần đặt niềm tin vào những quyết định mà họ đưa ra. Lưu ý quan trọng trong trao quyền cho nhân viên đó là nhấn mạnh lý do TẠI SAO bạn chọn nhân viên ấy cho công việc này. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tính tự chủ, trách nhiệm và cảm giác hoàn thành ở nhân viên.

Giao tiếp cởi mở

Một báo cáo của McKinsey đã chỉ ra rằng nếu người quản lý có sự cởi mở trong giao tiếp với nhân viên có thể giúp các nhân viên tăng năng suất làm việc từ 20 đến 25%. Chính vì thế, hãy khuyến khích mọi người trao đổi và chia sẻ cởi mở để cùng chung tay xây dựng môi trường tích cực, nơi nhân viên có thể chia sẻ ý tưởng và những lo ngại của mình mà không lo bị phán xét.

4. Tạo cơ hội để nhân viên cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Cho phép sự linh hoạt trong công việc

Từ sau đại dịch Covid, nhân viên ngày càng quan tâm hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Việc đa dạng các lựa chọn trong hình thức làm việc như: làm việc từ xa hoặc thay đổi các giờ làm phù hợp sẽ giúp nhân viên quản lý cuộc sống cá nhân hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu căng thẳng trong công việc.

Thúc đẩy thói quen lành mạnh

Thể thao là nguồn tạo ra sự tỉnh táo và năng lượng tích cực. Do đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động lành mạnh và thời gian nghỉ giải lao hợp lý trong ngày hay các chương trình “Sport challenge” cũng nên được cân nhắc tổ chức để khuyến khích nhân viên tăng cường các hoạt động thể chất và nâng cao sức khỏe của mình.

Bên cạnh các gợi ý bên trên, một số lưu ý khác giúp nhà quản lý tạo động lực và giữ chân nhân viên có thể kể đến:

  •  

    Uy tín: rõ ràng và minh bạch trong các tương tác với nhân viên vì nhân viên sẽ chọn kết nối với những nhà lãnh đạo uy tín và chân thật.

  •  

    Liên tục đánh giá và điều chỉnh: thường xuyên đánh giá mức độ gắn kết của nhân viên và điều chỉnh chiến lược của bạn sao cho phù hợp với nhân viên tại từng thời điểm.

  •  

    Làm gương: trở thành chính hình mẫu mà bạn muốn nhân viên sẽ hướng đến. Bằng việc thể hiện niềm đam mê, sự cống hiến và thái độ tích cực của mình trong công việc, bạn sẽ trở thành nguồn cảm hứng và ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ mà bạn dẫn dắt.

Một đội ngũ nhân viên tràn đầy năng lượng, động lực và sự gắn kết là yếu tố nền tảng cho một tổ chức thành công và bền vững. Nhà quản lý chính là kết nối giúp nâng cao động lực và tăng cường sự gắn kết với nhân viên. Hy vọng các chia sẻ bên trên sẽ là những gợi ý hữu ích giúp bạn bước đầu xây dựng được đội ngũ vững mạnh của mình.

 
 
Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

  • Kevin Do
    Kevin Do ...
    tăng lương nữa .kkkk :)
    Trả lời
  • ANH THƯ
    ANH THƯ ...
    Này là nguyên tắc \"củ cà rốt\" nà!
    Trả lời
// ... existing code ...