Trong quá trình học bài về lý thuyết rất nhiều bạn học sinh và sinh viên gặp khó khăn trong việc nhớ bài, vì họ gặp nhiều áp lực, lại hạn chế về mặt thời gian. Vậy có cách nào học bài nhanh, nhớ bài lâu mà không khiến ta nhàm chán? Hôm nay, Đại học Lạc Hồng chia sẻ 05 bí quyết học bài nhanh, nhớ bài lâu để tất cả chúng ta nắm vững phương pháp và vận dụng một cách hiệu quả nhất vào trong quá trình học tập và thi cử nhé!
Các bạn hãy cùng đến với 5 bí quyết sau:
Bí quyết thứ Nhất: Cách ghi chép bài
Trong quá trình ghi chép những kiến thức bạn học, bạn nên sàn lọc những ý chính để gạch dưới chân nhằm mục đích khi mở sách vở ra là nhớ ngay những gì đã học, điều này giúp bạn học bài rất nhanh và nhớ bài rất lâu. Có lợi trong việc nắm cốt lõi của bài học.
Bài học có thể soạn thành đề cương ngắn gọn với những ý chính.
Cách ghi chép bài học, bạn có thể ghi chép bài học theo gạch đầu dòng, sơ đồ tư duy, hình vẽ, biểu tượng, … để bạn dễ dàng liên tưởng và nhớ lâu.
Bí quyết thứ Hai: Không gian, thời gian và tinh thần thoải mái
Việc học thuộc bài nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào không gian, thời gian và tinh thần khi học.
Không gian: Tốt nhất nên chọn một nơi rộng, thoáng, tĩnh lặng, nhưng đừng quá im lặng vì có thể tạo sự căng thẳng và dễ gây buồn ngủ. Có thể là vườn cây, phòng riêng,…Có thể học thuộc bài trong tư thế: Đứng, ngồi, nằm, đi qua đi lại…, miễn là cách đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu, nhưng tránh đổi tư thế liên tục, việc này gây cảm giác mất tập trung và mệt mỏi, dễ mất hứng khi học và bị gián đoạn suy nghĩ.
Thời gian: Đúng sáng sớm là đầu óc sẽ rất minh mẫn, thuộc bài rất dễ nhưng quên cũng rất nhanh. Có thể bạn thuộc ngay nhưng đến trưa hoặc chiều sẽ rất khó khăn khi nhớ lại. Buổi tối mất thời gian hơn một chút nhưng sáng dậy bạn sẽ nhớ rất kĩ và thời gian nhớ kéo dài. Thời điểm thích hợp nhất để học là buổi tối từ 20 giờ đến 24 giờ. Nên lưu ý cứ tập trung học từ 45 phút đến 50 phút sau đó nghỉ giải lao từ 10 phút đến 15 phút, như thế mới dễ tập trung học hơn.
Tinh thần thoải mái: Cái quan trọng nhất khi bắt tay vào học bài là tinh thần của bạn được thoải mái tuyệt đối, không lo âu và phiền muộn về bất cứ một vấn đề gì. Khi đó bạn sẽ dành toàn bộ tâm trí cho việc học và hiệu quả sẽ được nhân lên rất nhiều!
Bí quyết thứ Ba: Không nên quan trọng độ dài nội dung
Đừng nhìn vào số trang mình phải học, hãy bắt đầu học với một tâm trạng thoải mái nhất có thể và tự nhủ: “Mình sẽ thuộc ngay thôi ấy mà”.
Chia nhỏ mục tiêu: Mỗi chúng ta cần xây dựng cây thời gian, với từng môn sẽ có khoảng thời gian học nhất định, từng khoảng thời gian sẽ đặt ra mục tiêu nội dung học khác nhau và phải tự nhủ: “Mình phải đạt được mục tiêu đó”.
Khi bắt tay vào học, ta phải biết cách lược bỏ những nội dung không cần thiết, chỉ nắm các ý chính, tô đậm các ý quan trọng và học theo kiểu liệt kê thành từng ý chính, tránh học theo kiểu cả đoạn văn, dễ gây nản và chán.
Bí quyết thứ Bốn: Nhớ và đúc kết lại kiến thức đã học
Nguyên tắc của bí quyết này là khi học, yêu cầu các bạn xem bài qua một vài lần, rồi sau đó khép tập lại, cố nhớ những nội dung vừa xem.
Phương pháp này chúng ta có thể áp dụng đơn giản như thế này, ví dụ: Sau khi mở ra một nội dung kiến thức nào đó các bạn đọc khoảng 2 lần, lần thứ 3 đọc lại cốt lõi và cuối cùng khép lại và cố gắng lôi ra trong đầu các bạn những gì vừa đọc xong. Không có nghĩa các bạn đọc lại toàn bộ, các bạn nhớ vấn đề cốt lõi.
Bí quyết thứ Năm: Hiểu, liên tưởng, kết hợp các giác quan
Nên nắm vững 5 quy tắc này, chỉ cần nắm vững, bạn sẽ học thuộc bài một cách dễ dàng.
- Quy tắc 1: Bạn chỉ có thể học thuộc và nhớ lâu khi bạn hiểu bài, nếu không hiểu bài, bạn học thuộc đấy, nhưng rồi cũng quên ngay;
- Quy tắc 2: Khi học phải biết liên tưởng và hình dung trong đầu;
- Quy tắc 3: Khi học không suy nghĩ đến thứ khác ngoài bài học;
- Quy tắc 4: Trước khi học phải có động lực (được giải trí sau khi học…);
- Quy tắc 5: Sẽ rất tốt nếu bạn kết hợp nghe, đọc, ghi chép… Hiệu quả sẽ tăng lên gấp 3 lần.