Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

Tech Startup - Chìa Khóa Đón Đầu Kỉ Nguyên 4.0

Tech Startup - Chìa Khóa Đón Đầu Kỉ Nguyên 4.0

Kỉ nguyên 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn liền với sự ra đời mang tính đột phá của hàng loạt công nghệ mới, trở thành công cụ đắc lực cho mọi hoạt động, mang lại nhiều giải pháp hiện đại và tối ưu hóa.


Đón đầu xu thế thời đại, nhiều startup đã nắm bắt cơ hội tiềm tàng trong những thách thức và lựa chọn công nghệ làm yếu tố cốt lõi cho việc khởi nghiệp kinh doanh.



 

I. Khởi nghiệp công nghệ là gì?

 

Khởi nghiệp công nghệ là khởi nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đưa ra những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của xã hội, góp phần tạo sự đột phá đẩy mạnh phát triển nền kinh tế bền vững, nhất là trong bối cảnh xu thế hội nhập của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

 
 
 
 

Các công ty khởi nghiệp được đặc trưng bởi những ý tưởng đổi mới, tính chất đột phá và tiềm năng phát triển nhanh chóng. Không giống như các doanh nghiệp lớn, các công ty Startup thường hoạt động trong môi trường ít ổn định, chấp nhận rủi ro lớn để tạo ra điều gì đó mới mẻ và có giá trị phục vụ với nhiều đối tượng và mục đích khác nhau. Do các công ty ấy chưa được biết đến rộng rãi nên thường được tài trợ tư nhân bởi chủ sở hữu hoặc người sáng lập. 

 

II. Khởi nghiệp công nghệ thành công đòi hỏi những yếu tố gì?

 

1. Kiến thức chuyên môn về công nghệ

 

Không chỉ riêng công nghệ, muốn khởi nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào thì kiến thức chuyên môn là điều tiên quyết cần có. Các lãnh đạo startup cần hiểu đúng, hiểu sâu, hiểu một cách bài bản và đa chiều về nhiều khía cạnh, ví dụ như thị trường, khách hàng, dịch vụ, sản phẩm,… chứ không thể lao ngay vào thực tiễn mà bỏ qua kiến thức nền tảng.

 

Đặc biệt, khởi nghiệp về công nghệ lại càng phức tạp hơn. Loại hình doanh nghiệp này không chỉ cần những kiến thức giản đơn mà các lãnh đạo startup phải thực sự có hiểu biết chuyên môn mới có thể vận hành và có nhiều tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp của họ.


Chính vì thế nên dù có cộng sự công nghệ giỏi đến đâu, bản thân nhà lãnh đạo startup cũng cần có nền tảng chuyên môn vững chắc. Bởi họ chính là những người định hướng và ra quyết định cuối cùng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

 

2. Ý tưởng khởi nghiệp công nghệ cần cụ thể rõ ràng

 

“Doanh nghiệp sẽ tạo nên sản phẩm hay dịch vụ gì?” “Mang lại lợi ích ra sao, giải quyết vấn đề nào cho khách hàng và khác biệt gì so với đối thủ?” “Giải pháp này đã có trước đó và của họ là cải tiến, hay hoàn toàn đột phá trên thị trường?” Đó là những câu hỏi mà các nhà khởi nghiệp cần tìm ra câu trả lời.

Như vậy, để khởi nghiệp công nghệ thành công thì ý tưởng hay là chưa đủ, mà còn cần phải chi tiết, rõ ràng và nhất quán. Ý tưởng đó nên có điểm bắt đầu, mục tiêu và quá trình phát triển cụ thể, đủ để thuyết phục được mọi người, đặc biệt là các nhà đầu tư.

 

3. Lập kế hoạch chặt chẽ ngay từ bước đi đầu tiên 

 

Một trong những cách khắc phục ý tưởng không nhất quán nêu trên là lập kế hoạch chặt chẽ ngay từ những “bước đi” đầu tiên, và lên kế hoạch chi tiết cũng chính là những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Một kế hoạch tốt cần phải có sự rõ ràng, cụ thể trong từng quy trình, nguồn nhân lực cho đến thời gian thực hiện, thậm chí là kết quả mong muốn. Đặc biệt không thể thiếu việc đánh giá rủi ro và dự trù kế hoạch phụ để có thể dễ dàng xử lý khi phát sinh vấn đề. Hơn thế nữa, điều này còn giúp các lãnh đạo startup có cái nhìn tổng quan, từ đó dễ dàng hơn trong việc phát hiện sai sót và kịp thời điều chỉnh khi nhận thấy sự chênh lệch trong quá trình triển khai hoặc kết quả so với kế hoạch ban đầu.

 
 
 
 

4. Luôn học hỏi và không ngừng sáng tạo

 

Trong kinh doanh không có gì là bất biến, công nghệ lại càng là biến số không ngừng thay đổi. Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đòi hỏi các lãnh đạo startup phải luôn mở rộng tầm nhìn, tham khảo người đi trước, rút kinh nghiệm từ khách hàng, thậm chí là học hỏi từ chính đối thủ của mình. Học hỏi không phải là sao chép, các lãnh đạo startup cần biết chắt lọc và sáng tạo cho phù hợp với định hướng của bản thân. Không ngừng học hỏi kết hợp với những kiến thức nền tảng đã có sẽ đem đến cho các lãnh đạo startup một cái nhìn đa diện nhiều chiều, từ đó tạo ra những sản phẩm công nghệ đột phá, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.

Như đã nói, công nghệ là biến số không ngừng thay đổi, ngày càng có xu hướng hiện đại hóa với những bước chuyển mình vượt bậc. Chính vì thế, nếu không sáng tạo, không đổi mới thì việc bị đào thải trước hàng ngàn ý tưởng công nghệ độc đáo chỉ là chuyện sớm muộn. Do đó, lãnh đạo startup cần có óc sáng tạo, nắm bắt xu hướng thời đại nhằm tạo ra sản phẩm đột phá chiếm lĩnh thị trường. Có như vậy, startup công nghệ mới có thể tồn tại, thích nghi và phát triển bền vững với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. 

 

5. Trải nghiệm thực tế nhiều hơn

 

Khởi nghiệp công nghệ yêu cầu kiến thức chuyên môn đồng thời cũng cần phải có trải nghiệm thực tế để có được cái nhìn tổng quát, từ đó xác định hướng đi đúng đắn hơn. Đừng chỉ nhìn thực tế qua “bề nổi của tảng băng chìm”, hãy dấn thân vào những thử thách hay công việc cụ thể để hiểu rõ hơn về lĩnh vực kinh doanh này. Lời khuyên là nên làm nhân viên cho một công ty công nghệ nào đó trước, sau đó dựa trên những trải nghiệm thực tế đã tích lũy trong quá trình học hỏi kinh nghiệm đi trước về họ và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh của riêng mình.

 

6. Một nguồn vốn vững chắc là điều không thể thiếu

 

Tài chính luôn là nỗi trăn trở hàng đầu của các lãnh đạo startup khi bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực về công nghệ thì lại đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào quy trình sản xuất công phu trước khi ra mắt công chúng.


Đã có không ít những startup về công nghệ phải đau đầu và đối diện với thất bại vì không thể xoay vòng nguồn vốn, gây mất cân bằng dòng tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Chính vì thế, để khởi nghiệp công nghệ thành công, các startup cần chuẩn bị nguồn vốn vững chắc, cũng như những nguồn tiền có thể hỗ trợ trong những trường hợp rủi ro đột xuất.

 
 
 
III. Cơ hội tiềm tàng trong những thách thức
 

Trong thời đại số hóa, có thể nói công nghệ là mảnh đất màu mỡ cho những dự án khởi nghiệp. Với tài nguyên là chất xám, con người đột phá những giới hạn mới, cho ra đời những giải pháp tối ưu, kiến tạo những giá trị tích cực phục vụ đời sống xã hội. Nhưng đi kèm với cơ hội luôn là thách thức, thương trường như chiến trường, làm sao để trở nên nổi bật giữa thị trường đầy rẫy tính cạnh tranh?

 
 
 
1.Thách thức khi khởi nghiệp công nghệ
 

Các lãnh đạo startup thường khó tìm được “đất lành” để trải nghiệm thực tiễn, trau dồi các kiến thức chuyên môn bắt buộc cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm để có thể khởi nghiệp công nghệ thành công.


Cụ thể, startup Việt mà điển hình là sinh viên Việt Nam không có nhiều lựa chọn cho khởi đầu của bản thân. Phần lớn các doanh nghiệp, công nghệ chỉ được sử dụng để giải quyết những bài toán trong kinh doanh sản xuất và thường là các công nghệ ứng dụng cho các vấn đề được giải quyết rập khuôn có sẵn, chẳng hạn như sử dụng công nghệ trong việc hạch toán tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng sản phẩm, CRM, logistic.


Trước bối cảnh đó những sinh viên công nghệ theo đuổi con đường tích lũy kiến thức để khởi nghiệp sẽ lựa chọn đầu quân cho các công ty công nghệ đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, cơ hội việc làm cũng không phải quá nhiều. Thêm vào đó, nhờ ưu điểm nguồn nhân lực giá rẻ và dồi dào, phần lớn các công ty này chỉ thuê ngoài nhân công Việt Nam để lập trình phần mềm hay hoàn thành công đoạn cuối cùng ít giá trị nhất của chuỗi cung ứng. Do đó, giá trị mà các sinh viên ấy nhận được chỉ giới hạn quẩn quanh các công việc viết phần mềm, lập trình… và phải mất một khoảng thời gian rất dài để có đủ va chạm và phát triển các kỹ năng xử lý vấn đề tổng thể.

 
 
 
 

Chính vì thế, chúng ta cần nhiều cơ hội việc làm và sự hỗ trợ tích cực hơn từ các tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, BKAV, CMG,… Có thể nhận thấy, việc các công ty lớn thuê nhiều nhân công giá rẻ Việt Nam cũng đã vô hình tạo ra một bài toán thách thức trí tuệ và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.


Bởi từ trong tiềm thức nhiều startup chỉ tập trung vào kỹ năng cứng mà vô tình bỏ qua các yếu tố “mềm” cần thiết để xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp. Những kỹ năng thiết thực này thường chỉ được hướng dẫn bằng hình thức lý thuyết cơ bản ở một số chương trình học nhất định tại các trường đại học. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa có nhiều nơi dạy về khởi nghiệp và lãnh đạo, nên những người mới ra trường hoặc chỉ có kinh nghiệm làm công thường thiếu những kỹ năng cốt lõi của một doanh nhân để thành công.


Chính vì thế mà không riêng gì công nghệ, khi bắt đầu khởi nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, phần lớn startup Việt đều phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc nhận định các bài toán kinh tế xã hội và các thách thức phải giải quyết như chiến lược phát triển sản phẩm, năng lực quản lý, huy động vốn, mở rộng mạng lưới đối tác, cạnh tranh trên thị trường.

 
 
 
2. Cơ hội cho startup việt khởi nghiệp công nghệ
 

Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội để vượt qua thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một thị trường khởi nghiệp tiềm năng đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Bởi với một nền kinh tế đang phát triển, trong mọi lĩnh vực đều cần những ứng dụng mới, những giải pháp sáng tạo để hoàn thiện hệ thống cũng như đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, các bạn trẻ với kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, nguồn ý tưởng dồi dào đã và đang dần trưởng thành, định vị bản thân, chiếm lĩnh những vị trí nhất định trong thị trường kinh doanh.


Kỉ nguyên 4.0, thời đại mà tất cả mọi thứ đều được tự động hóa và chuyển đổi số, cho đến những công nghệ hoàn toàn mới như Blockchain, Metaverse, Web 3.0… thì cơ hội không dành riêng cho một quốc gia nào, vấn đề là chúng ta có sẵn sàng nắm bắt các cơ hội đó chưa. Theo các chuyên gia, những công nghệ mới sẽ là lợi thế của người trẻ năng động và yêu thích sáng tạo như Việt Nam.

 

Kết:


Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển của nhiều dự án startup công nghệ, với nhiều cái tên của các công ty startup quen thuộc như Foody, Tiki, MoMo, Cốc Cốc,... Điều đó cho thấy, người trẻ khởi nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để hiện thực hóa khát vọng biến đất nước trở thành “cái nôi phát triển của những kỳ lân công nghệ tiềm năng”. 


Mọi quyết định đều đi kèm với sự đánh đổi. Có nên bắt đầu khởi nghiệp công nghệ hay không phụ thuộc vào độ tâm huyết, sự sáng tạo, logic công nghệ và tư duy kinh doanh của mỗi cá nhân. Muốn khởi nghiệp công nghệ thành công, nhà lãnh đạo startup cần đầu tư thật nghiêm túc và chỉn chu từ quá trình chuẩn bị đến khâu vận hành cũng như kế hoạch phát triển. Bởi công nghệ vẫn luôn là một “mỏ vàng” đầy tiềm năng, vấn đề là chúng ta có thực sự kiên trì theo đuổi và liệu rằng con người sẽ khai thác được sâu đến đâu?

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...