|
Góp nhặt những sở thích phụ và thủ thuật nhỏ không hề lãng phí thời gian. Hãy nhớ lại khi bạn còn nhỏ, bỗng một người bạn cùng lớp nói rằng: “Xem tớ làm được gì này!” Bạn sẽ nhìn sang đúng không? Đôi khi đó là mấy trò ngớ ngẩn, đôi khi là thứ gì đó buồn cười; nhưng thường thì toàn những thứ chẳng mấy ấn tượng. Tuy nhiên, trong những lần hiếm hoi khi đó là thứ gì đó đặc biệt hoặc thực sự kỳ lạ, hẳn là bạn đã ghi nhớ nó suốt một thời gian dài. Nhiều năm sau, tài năng hoặc thủ thuật kỳ lạ ấy có thể là tất cả những gì bạn còn nhớ về người đó. Và bạn đã quên bao nhiêu người từ lúc nhỏ đến giờ rồi? Tôi cá là bạn đã quên khá nhiều đấy. Có thể ta nghĩ rằng, thật phí thời gian khi phát triển những kỹ năng bị xem là “vô dụng.” Nhưng tôi lại cho rằng dẫu muốn thì bạn cũng chẳng học được quá nhiều đâu. Đây là những trò tôi biết:
Tôi chắc chắn đã dành hàng nghìn giờ trong suốt cuộc đời mình để luyện tập những trò giải trí, tiêu khiển và tiết mục này. Tại sao tôi lại làm thế? Trước tiên, tôi thích sự thỏa mãn khi học được những kỹ năng mới, đặc biệt là nếu tôi có thể dùng chúng để làm người khác vui vẻ. Tôi thích cảm giác biết được điều mình làm ở mức vừa đủ lại tốt hơn so với bình thường; tôi cũng hiếm khi đặt mục tiêu phải thành thạo điều gì đó. Và điều này lại trùng khớp với những gì tôi đã viết trong bản tin về việc chống lại chủ nghĩa hoàn hảo: “tốt ở mức vừa đủ” thường là đã đủ tốt để hoàn thành công việc rồi. Và tôi cho rằng điều này còn đúng gấp đôi khi nói về những sở thích và thủ thuật mà tôi có. Tung hứng ba quả táo thôi là đủ để làm bạn bè hoặc một người lạ nào đó mỉm cười và bình luận nhiệt tình rồi. Không cần tung hứng đến năm quả đâu. Và này, nếu bạn chỉ có thể dùng bóng bay tạo hình MỘT con vật? Vậy bạn là siêu sao trong bất kỳ bữa tiệc sinh nhật nào của lũ trẻ rồi đấy (phụ huynh thường cũng sẽ thấy rất ấn tượng). Lý do thứ hai, và cũng là lý do phù hợp nhất với những người làm nghề tự do và làm kinh doanh, là: Tôi không muốn trở thành kẻ dễ dàng bị người khác lãng quên. Vâng, có thể tôi làm hơi quá. Thực tế thì đúng là vậy thật. Nhưng tôi thích những trò vặt vãnh này vì lợi ích mà chúng mang lại, giúp đời tôi có thêm hương vị và niềm vui. Chẳng có gì là không tốt cả. Vậy, các kỹ năng này hữu ích ra sao? Tại một bữa tiệc mừng ở công ty thiết kế tôi làm việc vào năm 2004, chủ một nhà máy rượu chúng tôi vừa bắt đầu hợp tác đang chuẩn bị ra về. Khi ông ấy ra đến cửa, tôi đã chặn anh ấy lại và hỏi: “Anh muốn xem thứ gì đó điên rồ không?” Sau đó, tôi thực hiện một màn ảo thuật bay lơ lửng kinh điển. Anh ấy đã rất ngạc nhiên (chắc chắn một phần là nhờ anh đã uống vài ly rượu và hơi say). Tôi bắt tay anh và đi đến một góc khác của văn phòng, để anh ấy ở lại đó và tự hỏi về những gì vừa xảy ra. Tám năm sau, khi cần thiết kế nhãn cho một loại đồ uống mới, anh ấy đã tìm đến và giao việc đó cho tôi. Tại sao? Anh ấy nhớ về màn ảo thuật đó. Thực ra, điểm tuyệt vời nhất của màn diễn đó (điều này cũng đúng với hầu hết trò ảo thuật), là trong ký ức của anh thì nó ngoạn mục hơn nhiều so với thực tế. Ảo ảnh đã phát triển và biến nó thành một huyền thoại trong tâm trí anh ấy. Khi kể lại khoảnh khắc đó với một đồng nghiệp, anh bảo tôi đã lơ lửng cách mặt đất vài FEET ngay trước mắt anh, dù thực tế có lẽ chỉ độ ba hoặc bốn inch thôi, và đó chính là sức mạnh của ảo ảnh. Tuy tôi từng là một nhà thiết kế cấp thấp suốt những năm đó và không có gì khác biệt với những nhân viên khác cùng vị trí, nhưng tôi đã tạo được ấn tượng khó phai với người đàn ông này bằng một điều kỳ lạ và bất ngờ, xuất phát từ một sở thích mà tôi hiếm khi (vào thời điểm đó) được chia sẻ với ai. Sau 25 năm thực hành ảo thuật cận cảnh, tôi có thể tự tin nói rằng, ngoại trừ nghệ thuật và việc giảng dạy của tôi thì ảo thuật là thứ giúp tôi có nhiều cơ hội làm mọi người vui vẻ và hạnh phúc hơn bất kỳ thứ gì khác. Có lần, tôi thậm chí còn bất ngờ giúp đỡ được cho CEO của Adobe trong một ngày trọng đại của công ty bằng trò ảo thuật với lá bài. Khi khác tôi sẽ kể thêm về chuyện này! Ảo thuật đáng nhớ không chỉ vì nó hiếm khi được biểu diễn trước mắt ta, mà còn vì nó mang đến cảm giác ngạc nhiên và bối rối hiếm có, thứ cảm xúc thường biến mất khi ta già và lõi đời hơn, cũng có thể là đã nhàm chán hơn. Cảm giác thực sự ngạc nhiên trước điều gì đó mà ta không thể giải thích là rất tuyệt. Nếu bạn là người mang sự bối rối thú vị này đến cho người khác, người ta khó lòng mà quên được bạn. Điều này cũng đúng khi bạn cho bạn bè xem kỹ năng hiếm có nào đó của mình. Hầu hết một ngày của ta đều bắt đầu và kết thúc theo cách có thể đoán trước. Các thói quen được tạo nên, làm theo và hiếm khi thay đổi. Thật nhàm chán. Nhưng rồi đột nhiên, ai đó xuất hiện và cho bạn xem điều gì đó hơi khác thường, rầm! Bạn bị đánh thức khỏi chế độ lái tự động và có một câu chuyện để kể tại bàn ăn. Bạn muốn trở thành ai hơn? Người nhận điều kỳ lạ này hay người tặng nó? Tôi từng trải nghiệm cả hai kiểu trên và có thể khẳng định mình thuộc về kiểu thứ hai nhiều hơn. Dù không muốn nhưng tôi đã phải dành nhiều thời gian trong phòng chờ khi đi bác sĩ. Lúc ngồi trong đó, tôi thấy nhiều phụ huynh đưa cho con em mình một chiếc điện thoại để chúng tiêu khiển. Tôi luôn thấy buồn vì điều đó, bởi chắc chắn còn những cách khác để giết thời gian mà. Khi có hứng, tôi sẽ mượn một tờ giấy in từ lễ tân rồi hỏi cha mẹ của những đứa trẻ này xem tôi có thể gấp thứ gì đó vui nhộn cho chúng xem không. Nếu họ cho phép, tôi sẽ gấp một chú chim Origami đang vỗ cánh hoặc một con ếch đang nhảy và tặng cho đứa nhỏ. Rõ ràng là trong trường hợp này, trò vặt ấy không mang đến lợi ích lớn lao nào. Tuy nhiên, nó lại khiến đứa bé hơi ngạc nhiên và thích thú. Về cơ bản thì giữa những người xa lạ như chúng tôi đã có được sự tương tác ân cần và dễ chịu. Đây cũng là một lợi ích mà các sở thích và trò tiêu khiển mang lại: một cách kết nối đầy ý nghĩa với mọi người. Tôi sẽ tận dụng điều này nhiều hơn bất khi lúc nào tôi có thể. Về khiếu hài hước, tôi thấy đó là một lợi thế khi tương tác với khách hàng và đối tác. Nỗi u sầu và ảm đạm có ở mọi nơi, nên nếu bạn có thể tạo tiếng cười, dù là mỗi nơi một ít, thì mọi người cũng sẽ rất biết ơn. Luyện tập một chút là bạn có thể đoán được ý của người khác để đùa, chơi chữ hay kể chuyện sao cho phù hợp, nhằm làm dịu bầu không khí. Kỹ năng này có thể khiến mọi người đứng về phía bạn, xoa dịu căng thẳng, thậm chí giúp bạn giành được mối làm ăn. Như tôi đã đề cập trước đó, ai cũng muốn làm việc với những người họ thích, nên sơ yếu lý lịch và thông tin xác thực của bạn chỉ là một phần của “phương trình sự nghiệp” thôi. Khi tôi phát biểu tại các hội nghị và sự kiện, tôi thường sử dụng một trong hai cách mở đầu sau (tất nhiên là bạn có thể lấy chúng về làm của riêng): 1. Tôi muốn bắt đầu bằng một câu nói cũ: nếu thử lần đầu mà thất bại… thì chắc bạn không hợp đi nhảy dù đâu. 2. Tôi muốn bắt đầu với vài lời khuyên: dù bạn làm gì thì hãy luôn cống hiến 100%. Trừ lúc đi hiến máu nhé. Hai cách này đều không giúp tôi lên được số đặc biệt của đài HBO. Chúng chỉ giúp làm dịu bầu không khí và phá vỡ sự im lặng. Và thế là đủ để mọi người ủng hộ và dành thời gian nghe bạn nói rồi. Nhảy nhót à? Tôi chỉ biết vài bước cơ bản, nhưng thế là đủ rồi, nhất là trong một thế giới mà ở đám cưới và tiệc tùng, hầu hết chúng ta sẽ đứng thành vòng tròn và đi từ bên này sang bên kia. Thêm nữa, nhảy đôi chắc chắn là một trong những hoạt động vui nhất trên đời mà bạn có thể trải nghiệm. Hãy thử đi, rồi quay lại kể cho tôi nghe. Thư pháp? Công việc đầu tiên giúp tôi kiếm được tiền khi còn học trung học viết tên lớp của các anh chị cuối cấp lên giấy chứng nhận tốt nghiệp của họ đấy! Làm một cú backspin? Đây thuần túy là trò chơi rất vui dành cho tiệc tùng, nhất là khi tôi lớn tuổi hơn. Với tôi, thế là đủ. Chơi ghi-ta? Trong một tháng, bạn có thể tập đàn được vài bài chỉ với 3 hợp âm, và vị thế xã hội của bạn sẽ lập tức được nâng cao khi bạn biểu diễn ngẫu hứng trong một bối cảnh phù hợp. Chưa đủ thuyết phục sao? Học những điều mới rất tốt cho sức sáng tạo, và tuyệt vời hơn nữa là rất tốt cho não bộ: "Việc tham gia vào một hoạt động mới đòi hỏi bạn phải tư duy và học hỏi, đồng thời phải thực hành liên tục, nên đây là một trong những cách tốt nhất để giữ cho não bộ khỏe mạnh." — Tiến sĩ John N. Morris, giám đốc nghiên cứu chính sách xã hội và sức khỏe tại Viện nghiên cứu Lão khoa trực thuộc Harvard. Giờ thì tôi hy vọng bạn đã hiểu rằng bạn có thể học được rất nhiều từ việc phát triển những sở thích và kỹ năng mà bạn có thể chia sẻ với người khác. Bạn sẽ được nhớ đến vì những nỗ lực của mình, theo cách đầy trìu mến. Điều này có thể mang lại lợi ích về sau, và dẫu cho kết quả sau này không chắc chắn là như thế, bạn vẫn luôn có thể yên tâm rằng mình đã khiến người khác vui vẻ hay thích thú. Những cảm xúc như thế rất hiếm có. Thật tuyệt vời và kỳ diệu biết bao khi là người có thể khiến chúng “từ trên trời rơi xuống”! Vậy tiếp theo tôi muốn học gì à? Tôi đang học cách vẽ hình trên cà phê latte! |
----------
Tác giả: Kyle T Webster
Bình luận
Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)Bình luận