Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

[ToMo] Tại Sao Bạn Ghét Việc Tạo Dựng Mối Quan Hệ Và Cách Để Thay Đổi Điều Đó

[ToMo] Tại Sao Bạn Ghét Việc Tạo Dựng Mối Quan Hệ Và Cách Để Thay Đổi Điều Đó

6 lời khuyên từ một giám đốc điều hành của Google

Hãy nhìn vào trang LinkedIn của bạn đi. Bạn có bao nhiêu mối quan hệ? Khả năng là hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn. Đó có phải mạng lưới quan hệ của bạn không? Tôi sẽ trả lời là không, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao.  

Vài ngày trước, tôi đã hoàn thành một khóa Lãnh đạo điều hành cùng với 100 người tham gia khác, những người muốn khám phá cách để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn, hiệu quả hơn bằng cách gia tăng sức ảnh hưởng và tác động của họ. Chúng tôi đã có rất nhiều buổi thảo luận thú vị, nhưng buổi nói chuyện về xây dựng mối quan hệ cho tôi cảm giác là nó quan trọng nhất.  

Tôi sẽ tóm tắt một số phát hiện về việc xây dựng mối quan hệ xuất hiện trong buổi thảo luận của chúng tôi. Một số có thể rất đơn giản, trong khi những phát hiện khác khá là bất ngờ.  

Trước hết: Tại sao bạn ghét việc tạo dựng quan hệ?

Đối với hầu hết mọi người, họ cảm thấy việc tạo dựng quan hệ rất không thoải mái hoặc thậm chí cảm giác như họ đang chơi bẩn. Đây là điều mà mọi người trong nhóm đều xác nhận và tự mình trải nghiệm. Nó là việc “chúng tôi phải làm” và vì chúng tôi nhìn nhận theo cách đó nên chúng tôi phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho nó hơn. 

Một số chú cừu đen lại bảo rằng họ thích kết nối và việc đó rất thú vị. Sự khác biệt ở họ là gì? Và tại sao trong quá khứ tôi từng nghĩ việc xây dựng quan hệ thật khó để thực hiện? Tôi đổ lỗi cho sự hướng nội của mình, nhưng có vẻ có nhiều yếu tố hơn thế.  

Tôi phát hiện ra rằng việc tạo dựng quan hệ trông khó thực hiện vì nó được thể hiện theo một cách phiến diện. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về xây dựng mối quan hệ, nó được mô tả như thế này: Bạn phải xây dựng một mạng lưới quan hệ, kết nối với mọi người và không yêu cầu họ điều gì ngay bây giờ nhưng hãy chuẩn bị để hưởng lợi trong tương lai. Nghe có vẻ rất lươn lẹo và không phù hợp với con người tôi. Nên không bất ngờ khi tôi dở tệ ở khoản này.  

Nhưng việc tạo dựng mối quan hệ không xấu nếu bạn thực sự hiểu được giá trị đích thực của nó. Và việc khám phá lý do để xây dựng một mạng lưới quan hệ là chìa khóa của tôi.  

Nó không chỉ là những gì bạn có thể nhận được từ mạng lưới quan hệ của mình mà còn là những gì bạn có thể cung cấp. Nó tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi cho tất cả mọi người. Một khi tôi thay đổi quan điểm từ nhìn nhận xây dựng mạng lưới quan hệ như mối quan hệ một chiều sang mối quan hệ hai chiều mà cả hai phía cùng có lợi, thì việc giao lưu dường như trở nên dễ dàng hơn hẳn.  

Để thay đổi cảm nhận của bạn về việc xây dựng mối quan hệ, bạn cần phải thay đổi cách mình nhìn nhận nó.  

Việc không chỉ nghĩ về những gì bạn có thể nhận được từ một mạng lưới quan hệ mà còn về những chỗ bạn có thể đóng góp sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy. Nó cũng định hướng cho bạn về những mạng lưới nào bạn có thể phát triển và chỗ nào bạn có thể đóng góp nhiều nhất.  

Điều này đã giúp tôi coi việc tạo dựng quan hệ như một hoạt động thú vị mà tôi có thể học hỏi những thứ mới và đóng góp và giúp đỡ mọi người. Bây giờ, nó đã phù hợp hơn với con người tôi và rất có thể nó cũng sẽ phù hợp với bạn.  

Mạng lưới quan hệ của bạn rộng đến mức nào?

Chúng tôi bắt đầu trong các phòng họp nhỏ và nói chuyện về mạng lưới quan hệ của bản thân. Một số người nói họ chỉ có một vài người trong mạng lưới quan hệ của mình, trong khi một số khác có đến hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người. Đây là lúc chúng tôi nhận ra rằng những so sánh của mình rất khập khễnh. Chúng tôi phải hiểu mạng lưới quan hệ là gì để có thể đánh giá được quy mô của nó. 

Tạo dựng quan hệ không chỉ là thêm số liên lạc vào danh sách mà là xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa. 

Điều này đặt ra câu hỏi về số lượng mối quan hệ có ý nghĩa mà bạn có. 

Do tính chủ quan cao nên rất khó để đánh giá thuật ngữ mối quan hệ có ý nghĩa, nên chúng tôi cố gắng thử tìm một thứ gì đó có thể định lượng hơn. Tần suất ta tương tác với mọi người là số liệu có thể sử dụng được để phân loại các mối quan hệ của ta trong mạng lưới của mình. Chúng ta càng có nhiều tương tác thì khả năng cao mối quan hệ càng có nhiều ý nghĩa. Tất nhiên vẫn có trường hợp đặc biệt, nhưng chúng cũng chỉ là ngoại lệ mà thôi. 

Nếu chúng ta nghĩ về nó theo từng bậc, ta có những người mà mình tương tác hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Với những đối tượng mà bạn tương tác ít hơn mốc hàng năm, khả năng là những mối quan hệ đó sẽ phai nhạt theo thời gian.  

Việc xem xét các tương tác và tần suất giúp bạn hiểu rõ hơn về những người trong vòng quan hệ của mình và mức độ hiểu biết của bạn về họ. Một điều mà tất cả chúng tôi đều có thể đồng ý trong phòng họp nhóm là chất lượng của mối quan hệ quan trọng hơn nhiều so với quy mô mạng lưới quan hệ. 

Các liên kết LinkedIn của bạn không phải mạng lưới quan hệ của bạn. Để tìm ra mạng lưới thực sự của bạn, bạn cần bắt đầu với việc xác định số lần mình tương tác với những người bạn quen biết.  

Để nắm bắt được tốt mạng lưới quan hệ của mình, bạn hãy nghĩ về những người bạn tương tác trong một năm và tần suất của những lần tương tác đó. Điều này sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về quy mô mạng lưới của mình. Hãy nhớ rằng, mạng lưới của bạn rất cơ động. Bạn sẽ có thêm và mất đi những mối quan hệ theo thời gian.  

Tại sao bạn cần một mạng lưới quan hệ?

Tôi có thể mở màn với câu trả lời kinh điển về cách nó sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn hoặc đưa bạn đến những nơi ngoài tầm với của bạn. Tôi thích tương tác với những người có quan điểm và xuất thân khác nhau bởi vì họ nâng tầm thế giới quan của tôi. 

Bạn càng nhìn thế giới theo đúng bản chất của nó, bạn càng có thể điều hướng tốt hơn và đạt được những gì mình muốn.  

Khi nói đến việc chia sẻ ý tưởng và quan điểm, 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2; kết quả có thể còn lớn hơn thế. 

Một điều khác mà tôi làm là đảm bảo rằng mình đóng góp lại để mạng lưới quan hệ được hưởng lợi từ sự hiện diện của tôi. Tôi cố gắng bổ sung quan điểm độc đáo của mình vào những mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh của người khác.  

Tương tác với mọi người cũng sẽ khiến bạn “may mắn hơn” bằng cách gia tăng độ may và sự tiếp xúc với các cơ hội.  

Một mạng lưới quan hệ mạnh sẽ gia tăng cơ hội thành công và khiến bề ngoài bạn trông có vẻ rất may mắn.

Bài học và lời khuyên về việc tạo dựng quan hệ 

Ta hãy cùng tìm hiểu một số bài học và tranh cãi xung quanh việc xây dựng mối quan hệ. Tôi đã phát hiện ra một số chúng trong khi tham gia chương trình và một số khác tôi học được từ những cố vấn hoặc kinh nghiệm.  

1. Vấn đề là cơ hội tiếp cận, không phải số lượng 

Chúng tôi đang nói chuyện về mạng lưới quan hệ của mình trong phòng họp và nhận ra rằng mặc dù tôi chỉ có một số ít người trong mạng lưới thân thiết của mình nhưng tôi lại có cơ hội tiếp cận nhiều nhất.  

Bạn không cần hàng trăm người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau để tiếp cận được những người khác hoặc những thông tin quý giá mà bạn có thể hưởng lợi. Bạn có thể có được một mối quan hệ chất lượng cao cho bạn cơ hội tiếp cận tất cả những điều trên.  

Bí quyết để nắm bắt được những thành phần thiểu số đó trong mạng lưới quan hệ của bạn là họ thường rất khó thu hút và có yêu cầu cao, nhưng một khi bạn tạo quan hệ được với họ, một loạt các khả năng sẽ mở ra cho bạn. Chi phí để duy trì mối quan hệ đó còn thấp hơn việc duy trì 100 mối quan hệ.  

Bạn cũng phải là một người có thể cung cấp giá trị để thâm nhập được vào mạng lưới của đối phương. Đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng nó có thể mang lại lợi nhuận. 

3. Bạn phải có chủ đích 

Giống như hầu hết mọi thứ, bạn phải có mục đích khi tạo dựng hoặc mở rộng mạng lưới quan hệ của mình vì nó sẽ không xảy ra một cách kỳ diệu, hoặc nó sẽ xảy ra nhưng bạn sẽ không có được mạng lưới mà mình mong muốn đâu.  

Cần phải có nỗ lực để phát triển và duy trì mạng lưới quan hệ, vì vậy nó không đến một cách miễn phí. Mạng lưới quan hệ nào cũng cần nỗ lực để duy trì nên cuối cùng thì bạn vẫn phải dồn năng lượng cho mạng lưới quan hệ phù hợp.  

Bạn có thể tìm kiếm một người cố vấn trong công ty hoặc một nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp của mình. Điều này có thể gợi ý cho bạn những bước tiếp theo cần thực hiện. Hãy tham gia các buổi đi chơi công ty hoặc các sự kiện khởi nghiệp thường xuyên hơn đi.  

3. Bạn cần cải thiện kỹ năng “chào hàng” 

Nói đến “chào hàng”, ý tôi là những email giới thiệu, lời chào giới thiệu bản thân ở một bữa tiệc hoặc gọi điện chào mời, tại sao không nhỉ. Đây là cách để bạn có thể thu hút những mối quan hệ mới vào mạng lưới của mình. Bước đầu tiên là giới thiệu bản thân và xin được vài phút của họ.  

Một trong những giáo sư giỏi nhất mà tôi biết, người giảng dạy ở Đại học Georgetown đã tổ chức một buổi đào tạo về xây dựng mối quan hệ tại công ty tôi. Ông ấy đã đặt ra thử thách cho chúng tôi: “Thêm một người vào mạng lưới quan hệ của bạn mà họ có thể mang đến tác động lớn cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn.”   

Thử thách này nhằm mục đích để chúng tôi vượt lên trên sức mình. Chúng tôi thậm chí còn không nghĩ đến điều này. Chúng tôi vội vàng xem xét danh sách những cá nhân có sức ảnh hưởng như vậy sẽ là người như thế nào. Có lẽ sẽ có nhiều thất bại hơn là thành công trong các nỗ lực của chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ cần một và thế là đủ để tạo nên sự khác biệt.  

Adam Grant có một bài viết rất hay về cách thu hút sự chú ý và khiến một người có sức ảnh hưởng phản hồi. Những người như vậy nhận được rất nhiều tin nhắn và yêu cầu nên việc gì họ phải bận tâm trả lời email của bạn? Hóa ra có nhiều cách để cân bằng sự tò mò và tính hữu ích trong dòng tiêu đề email để cho thấy bạn đã tìm hiểu và nêu bật được những điểm chung không phổ biến. Nếu bạn chưa biết bài viết đó, tôi khuyên bạn nên đọc nó. Nó sẽ đẩy vọt cơ hội có ai đó trả lời email của bạn. 

Danh sách những người có sức ảnh hưởng của bạn, nếu bạn có họ trong mạng lưới quan hệ của mình, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn là ai? 

4. Bạn phải cho đi trước khi yêu cầu. Luật của 1        

Thông thường, mọi người hay e ngại giúp đỡ hay cho bạn thứ gì đó nếu họ chỉ vừa mới gặp bạn. Lời nhờ vả càng to, sự do dự càng lớn. Cần có thời gian để mối quan hệ phát triển để có thể đưa ra yêu cầu.  

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thâm niên, sức ảnh hưởng và địa vị của từng cá nhân cũng như mối quan hệ giữa bạn và họ, nhưng thông thường, tốt nhất là ta không nên đòi hỏi một thứ gì đó từ một người bạn mới quen.  

Bạn cần phải chờ đợi và cung cấp giá trị trong thời gian đó. Vẫn là vị giáo sư từ Đại học Georgetown đó đã chia sẻ một điều mà bản thân đã tự mình làm. Mỗi lần họ gặp một người mới, họ đợi ít nhất một năm trước khi yêu cầu điều gì đó để đáp lại, trong khi vẫn cố gắng cung cấp giá trị của họ.  

Hãy tưởng tượng không yêu cầu ai đó điều gì đó trong một năm và xây dựng hướng tới yêu cầu đó xem. Nếu đây còn không phải sự cố ý thì tôi không biết gọi nó là gì nữa.  

5. Việc gia tăng giá trị của bạn làm giảm thiểu nỗ lực của bạn 

Bạn càng cung cấp nhiều giá trị, bạn càng tốn ít nỗ lực hơn để xây dựng và duy trì mạng lưới quan hệ của mình vì những người khác đảm bảo sẽ liên hệ với bạn. 

Naval Ravikant có một quan điểm gây tranh cãi về việc tạo dựng mối quan hệ. Ông ấy cho rằng mạng lưới quan hệ kinh doanh là một sự lãng phí thời gian. Triết lý của ông ấy kiểu như sau: “Hãy là một nhà sáng tạo làm ra những thứ thú vị mà mọi người muốn. Hãy thể hiện tay nghề của bạn, thực hành tay nghề của mình và những người phù hợp sẽ tìm thấy bạn.”

Ý chính ở đây là nếu bạn tạo dựng được một thứ gì đó thú vị, nhiều người sẽ muốn biết đến bạn. Chỉ cần đừng quên thể hiện và thực hành tay nghề của mình để mọi người tìm hiểu về bạn là được.  

Tôi lại hướng tới cách tiếp cận cân bằng hơn. Bạn trở nên nổi bật trong lĩnh vực của mình và được mọi người biết đến, nhưng việc bạn cố tình tiếp xúc với các lĩnh vực khác có thể gia tăng tác động của bạn theo cấp số nhân thông qua sức mạnh của mạng lưới quan hệ của bạn.  

6. Bạn đã xây dựng nó, giờ bạn phải duy trì nó 

Vấn đề của các mạng lưới quan hệ rộng là bạn phải duy trì chúng; nếu không, chúng sẽ thu hẹp lại. Năng lượng bạn phải bỏ ra không chỉ ở giai đoạn xây dựng mà còn ở giai đoạn sau đó.  

Quy mô tốt nhất cho một mạng lưới quan hệ là bao nhiêu? Năng lượng bạn đổ vào nó tùy thuộc vào bạn. Nó tùy thuộc vào số lượng tương tác có ý nghĩa mà bạn có thể có hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm và với bao nhiêu người.  

Bạn là yếu tố hạn chế quy mô mạng lưới quan hệ của mình. 

Bạn càng ít tiếp xúc với ai đó trong một năm, mối quan hệ sẽ càng trở nên kém ý nghĩa. Bạn phải tính toán và xem xét có bao nhiêu người ở mỗi cấp độ. Khi bạn cộng lại tất cả, bạn sẽ có số lượng người trong mạng lưới quan hệ của mình. Hãy nhớ rằng mạng lưới quan hệ rất cơ động; chúng mở rộng và thu hẹp lại được. 

Lời cuối 

Xây dựng mối quan hệ không phải thứ mà chúng ta thường thích, và đó là bởi vì chúng ta đang nhìn nhận nó từ góc độ sai lầm. Nó tạo cảm giác không thoải mái, và ta cảm thấy thế vì ta chủ yếu coi mạng lưới quan hệ là một chiều. Trở thành một phần của mạng lưới quan hệ bao gồm sự đóng góp và tiếp nhận, với đích đến cuối cùng là làm cho mạng lưới quan hệ vững mạnh hơn, nâng cao bản thân cũng như những người khác trong quá trình đó.  

Những người không thành công thường tiếp cận nó bằng cách chỉ yêu cầu và không cho đi. 

Từ thời tiền sử, chúng ta đã tìm thấy sức mạnh trong các nhóm và bộ lạc. Tất cả mọi người đều đóng góp, ai cũng được chăm sóc và hưởng lợi ích. Qua nhiều năm, các hình thái quản lý đó đã phát triển và ngày nay chúng ta có các mạng lưới những người tương tác với nhau để mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người.

 

----------

Tác giả: Daniel Rizea

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...