Với yêu cầu đề bài trong kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên viết đoạn văn nghị luận xã hội trong khoảng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi.
Đó là lời khuyên của cô Nguyễn Thị Tăng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đăk Lăk) - dành cho các sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo cô Tăng, trên thực tế, thí sinh có thể viết dài hơn nhưng sẽ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình làm câu nghị luận văn học - chiếm đến một nửa số điểm (5 điểm) trong bài thi. Thí sinh cần nhớ, mỗi người chỉ có 120 phút làm bài thi, bao gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm).
“Chúng ta nên dành 25 - 30 phút cho phần nghị luận xã hội. Các em không nên vì cố lấy thêm điểm ở phần này mà “hi sinh” câu 5 điểm ở phía sau” - cô Tăng nói và cho biết, với đề thi tốt nghiệp THPT, dạng nghị luận xã hội chủ yếu là bàn về tư tưởng, đạo lý.
Về cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội cần có, cô Tăng lưu ý thí sinh cần nhớ 3 phần: Mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
Phần mở đoạn có nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng cho đoạn văn nghị luận. Thực chất, ở phần này, thí sinh cần trả lời cho câu hỏi: Anh/chị bàn bạc về vấn đề gì?
Theo cô Tăng, thí sinh nên viết câu có liên quan gần gũi đến vấn đề cần nghị luận. Tùy theo vấn đề, học sinh có thể lựa chọn 1 câu thơ/câu danh ngôn/lời nhận định nổi tiếng hay đơn giản là suy nghĩ của bản thân mình… để dẫn dắt đến vấn đề. Đặc biệt, thí sinh phải xác định đúng và nêu rõ vấn đề nghị luận trong đoạn văn của mình. Điều này thường được thể hiện qua các từ khóa trên đề.
Một lưu ý quan trọng ở phần mở đoạn là thí sinh cần tránh dùng cách trích dẫn thơ theo hàng dọc (nếu dẫn dắt vào vấn đề bằng thơ). Khi đó phần trình bày sẽ biến thành 2 đoạn văn, sai yêu cầu về hình thức và thí sinh sẽ mất điểm cấu trúc. Đồng thời, học sinh cũng cần tránh dẫn dắt dài dòng, vòng vo, ý dẫn dắt không liên quan đến vấn đề cần nghị luận…
Đến với phần thân đoạn, bước đầu tiên thí sinh cần làm là giải thích ngắn gọn vấn đề cần nghị luận. Bước tiếp theo là bàn về ý nghĩa của vấn đề. Ở đây, thí sinh cần bám sát yêu cầu đề bài.
Cô Tăng lấy ví dụ đề thi THPT Quốc gia năm 2019, yêu cầu bàn về “sức mạnh của ý chí” chứ không phải bàn về “ý chí” một cách chung chung. Hoặc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 lần 1 và lần 2, lần lượt là bàn về “sự cần thiết” phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày và “sự cần thiết” phải có niềm tin trong cuộc sống. Điều này khác với bàn về cuộc sống mỗi ngày hay niềm tin trong cuộc sống…
Sau khi xong 2 bước kể trên, thí sinh cần nhận xét, đánh giá vấn đề cần nghị luận một cách thận trọng, khách quan và có cơ sở. Ở đây, người viết cần có bản lĩnh, suy nghĩ riêng, dám đưa ra chính kiến riêng của mình có lý và phù hợp. Thí sinh cũng có thể bác bỏ vấn đề ngược lại…
Điều quan trọng trong bài văn nghị luận xã hội là thí sinh cần nêu ít nhất một dẫn chứng cụ thể - người thật, việc thật trong cuộc sống để tăng tính thuyết phục cho lập luận của bản thân. Học sinh nên lựa chọn những cá nhân, câu chuyện, sự việc mang tính thời sự, điển hình, truyền cảm hứng…
“Cuối cùng, ở phần kết đoạn, các em cần nêu được bài học nhận thức và hành động. Ở đây, chúng ta nên hướng tới đối tượng thế hệ trẻ và tránh đưa ra bài học chung chung, theo kiểu hô hào, lý thuyết…” - cô Tăng nhấn mạnh.
Cùng với đó, cô cho biết thêm, không nhất thiết học sinh phải làm đầy đủ các ý trên vì yêu cầu của đề là viết một đoạn văn và thời gian làm bài có hạn. Tuy nhiên, từ thực tế bài làm của học sinh, cô Tăng nhận thấy đa số các bài đạt điểm cao ở phần nghị luận xã hội đều đáp ứng đầy đủ những ý trên.