Sau một thời gian khá dài học tập tại Học viện Tư pháp và tập sự luật sư, kỳ thi hết tập sự luật sư là bước cuối cùng trên con đường lấy chứng chỉ hành nghề và trở thành luật sư chính thức. Đây cũng thường là bước khó khăn nhất khi tỷ lệ thi đậu luật sư hàng năm chỉ khoảng hơn 50% các bạn thí sinh tham dự.
Tài liệu ôn thi hết tập sự luật sư, học gì?
Kỳ thi hết tập sự luật sư sẽ bao gồm 3 môn: Kỹ năng hành nghề luật sư, Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư (“giang hồ” hay gọi là môn Đạo đức) và môn Vấn đáp hồ sơ thực hành.
Ôn thi môn Kỹ năng hành nghề luật sư
Đối với môn này thì kinh nghiệm của mình là luyện đề. Bạn tham khảo đề thi và đáp án của các kỳ thi hết tập sự trước. Đặc biệt, bạn nên nghiên cứu kỹ đáp án để xem cách chấm của giám khảo như thế nào. Từ đó, khi làm bài thi có cách viết phù hợp để dễ lấy điểm.
Đề thi môn Kỹ năng hành nghề luật sư gồm 2 câu hỏi: Câu hỏi bắt buộc và câu hỏi tự chọn.
- Câu hỏi bắt buộc thường là câu về tố tụng (dân sự hoặc hình sự) nên bạn cần ôn kỹ phần này.
- Câu hỏi tự chọn thường bao gồm 2 câu, bạn chọn 1 trong 2 câu để làm: 1 câu thường là tố tụng, câu còn lại thuộc lĩnh vực tư vấn.
Bạn nên xác định trước mình sẽ chọn làm câu tố tụng hay câu tư vấn để có kế hoạch ôn thi tập trung hơn, tiết kiệm thời gian, tránh lan man.
Ôn thi môn Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư
Như các bạn đã biết, đây là môn học thuộc lòng. Đề thi môn này thường gồm 3 phần:
- Trắc nghiệm: Khoảng từ 15-20 câu trắc nghiệm
- Yêu cầu trình bày 1 hoặc một phần quy tắc cụ thể nào đó. Đề thi thường ra các quy tắc về quan hệ giữa luật sư và khách hàng. Bạn nên học kỹ các quy tắc này nhưng cũng không được chủ quan mà bỏ qua các quy tắc khác.
- Giải quyết tình huống liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Thường các tình huống mà đề thi cho thì luật sư là bên vi phạm quy tắc đạo đức.
Về môn này thì bạn chỉ cần học 2 tài liệu sau:
1/ Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Bạn cần nhớ cả ngày ban hành, số lượng chương, số lượng điều khoản. Vì có cả câu hỏi trắc nghiệm nên vẫn không loại trừ trường hợp bị hỏi mấy câu này (năm Admin thi, đề có câu hỏi là Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư ban hành ngày nào).
Một số Tips học thuộc lòng bộ quy tắc này như sau:
- Mở Youtube lên tìm đoạn thu âm bộ quy tắc này và nghe thường xuyên.
- Không nên chỉ học bằng cách đọc mà nên viết nội dung ra giấy để dễ nhớ.
- Đừng nên học quá sớm, sẽ mau quên, khoảng 1 tháng trước ngày thi bắt đầu học là được.
- Nên tập ghi nhớ các ý chính của từng quy tắc (lỡ có quên thì nhớ ý chính rồi diễn đạt lại bằng lời văn của mình)
2/ Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành
Phần này các bạn học kỹ các nội dung liên quan đến: Tiêu chuẩn luật sư, Điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề luật sư, Tập sự hành nghề luật sư, Hình thức hành nghề luật sư, Các hình thức xử lý kỷ luật luật sư.
Các nội dung của phần này chủ yếu thuộc phần câu hỏi trắc nghiệm.
Ôn thi môn Vấn đáp hồ sơ thực hành
Điểm của môn này cấu thành từ các phần sau:
- Nhận xét của Luật sư hướng dẫn và Tổ chức hành nghề luật sư.
- Bài hồ sơ thực hành mà bạn đã nộp khi đăng ký dự thi.
- Điểm vấn đáp: Giám khảo thường hỏi các vấn đề pháp lý xoay quanh hồ sơ vụ việc mà bạn đã chọn để làm hồ sơ thực hành. Ví dụ: Nếu vụ án mà bạn chọn có đơn yêu cầu phản tố thì bạn nên học kỹ các trường hợp bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Chuẩn bị những gì để mang vào phòng thi?
1/ Căn cước công dân
Trước khi lên đường đi thi, bạn cần kiểm tra lại cẩn thận căn cước công dân vì đây là giấy tờ chứng minh nhân thân để bạn được vào phòng thi.
2/ Văn bản pháp luật
Các bạn chỉ được mang vào phòng thi văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các Án lệ. Không được mang vào phòng thi các Công văn hướng dẫn nghiệp vụ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, các văn bản dạng bình luận pháp luật.
Các bạn không nên mang theo quá nhiều văn bản pháp luật dạng nghị định, thông tư vì cũng không kịp thời gian để tra cứu. Chỉ nên mang các Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán và Án lệ.
Các bạn kiểm tra kỹ các văn bản mà mình dự định mang vào phòng thi xem có dấu viết hay vẽ trên đó hay không. Theo quy chế thi thì chỉ chấp nhận các dấu gạch và highlight, các chữ viết hoặc vẽ khác lên đó sẽ bị xem là hành vi gian lận thi, bị lập biên bản và trừ điểm.
3/ Bút bi xanh, thước kẻ, đồng hồ đeo tay (loại thường)
Bạn nên chuẩn bị nhiều bút xanh cùng loại để màu mực giống nhau, tránh trường hợp các màu mực cấp độ khác nhau sẽ bị xem là hành vi đánh dấu bài.
Giám thị sẽ kiểm tra các dụng cụ, thiết bị mà bạn mang vào phòng thi. Bạn chỉ được mang vào phòng thi bút bi xanh và thước kẻ.
Ngoài ra, bạn nên mang đồng hồ đeo tay để có thể theo dõi và phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Đồng hồ được mang vào phòng thi là loại đồng hồ thông dụng bình thường và không có chức năng lưu trữ thông tin hoặc lên mạng, …
Ngoài ra, các thiết bị điện tử khác cũng bị cấm khi mang vào phòng thi gồm: Điện thoại, máy tính, đồng hồ thông minh, …
Những lưu ý trong quá trình thi hết tập sự luật sư
– Nghiêm túc trong phòng thi. Các giám thị coi thi rất nghiêm túc và nếu bạn có hành vi gian lận thì sẽ bị lập biên bản ngay.
– Viết càng nhiều càng tốt. Các giám khảo chấm bài theo từng ý trong đáp án nên nếu bạn viết càng nhiều thì khả năng có điểm càng cao.
– Phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu hỏi trong bài thi. Bạn nên phân bố thời gian làm bài hợp lý cho từng câu theo tương quan về số điểm của câu đó trong đề thi.
– Không nộp bài thi quá sớm. Nếu còn dư thời gian, bạn nên đọc và kiểm tra lại bài thi của mình, không nên vội vàng nộp bài thi ngay để tránh sai sót.
– Đối với môn vấn đáp hồ sơ thực hành, bạn nên mặc trang phục là áo sơ mi, quần dài lịch sự; chào giám khảo trước khi thi; giới thiệu về tên của bạn và tên của Đoàn Luật sư mà bạn tập sự; trình bày ngắn gọn tóm tắt hồ sơ vụ việc. Ngoài ra, trong quá trình trả lời câu hỏi, bạn cần có phong thái tự tin, trả lời ngắn gọn tập trung vào câu hỏi. Khi cần tranh luận để bảo vệ quan điểm, bạn không nên có thái độ gay gắt với giám khảo.
Chưa có bình luận nào!