Sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Italy và Ả Rập có thể làm biên, phiên dịch hoặc nhân viên văn phòng, hướng dẫn viên với lương khởi điểm khoảng 10-12 triệu đồng một tháng.
Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) và Đại học Hà Nội (HANU) hiện có quy mô đào tạo các ngành ngôn ngữ lớn nhất cả nước. Ngoài Ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Hàn, Nhật…, HANU có ngành tiếng Italy và Tây Ban Nha, còn ULIS là trường duy nhất đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ Ả Rập. Đây được coi là ba ngành ngôn ngữ “hiếm” bởi số lượng tuyển sinh hàng năm ít.
Cô Nguyễn Linh Chi, Phó trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, cho biết ban đầu cứ cách 2-4 năm, ULIS mới tuyển sinh ngành này một lần. Từ năm 2017, trường tuyển thường niên và tăng dần chỉ tiêu, từ 20 lên 30 sinh viên mỗi khóa.
Tại HANU, chỉ tiêu ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha khoảng 100, ngành Ngôn ngữ Italy là 130, bằng khoảng 1/2 các ngành khác. Theo TS Phạm Bích Ngọc, Trưởng khoa tiếng Italy, số lượng tuyển sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nhu cầu của thị trường lao động.
Năm ngoái, điểm chuẩn vào ba ngành ngôn ngữ này đều hơn 32-33/40 (ngoại ngữ nhân hệ số hai). Thí sinh cần đạt trung bình trên 8 điểm ở mỗi môn thi tốt nghiệp trong tổ hợp, mới trúng tuyển.
Chương trình học
Cũng như các ngành ngôn ngữ khác, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Italy và Ả Rập đều kéo dài trong 4 năm, gồm các học phần đại cương và chuyên ngành.
Ở HANU, sinh viên Ngôn ngữ Italy được định hướng chọn đi sâu về Biên-Phiên dịch và Du lịch hoặc Du lịch và Thương mại. Ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng tương tự.
Tại ULIS, chương trình Ngôn ngữ Ả Rập đào tạo sinh viên về tiếng, kiến thức văn hóa ở các nước dùng thứ tiếng này. Ngoài ra, sinh viên được trang bị các kỹ năng để có thể làm biên, phiên dịch, quản trị văn phòng và du lịch.
Trong quá trình học, sinh viên có nhiều cơ hội giành học bổng ngắn và dài hạn để học chuyển tiếp ở nước ngoài. Chẳng hạn, ngành Ngôn ngữ Ả Rập mỗi năm có 15-20 suất học bổng đi Ai Cập, Kuwait, Qatar…
Song song đó, sinh viên học ngoại ngữ hai, đạt bậc 4 hoặc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Việc làm sau tốt nghiệp
Theo các chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Italy và Ả Rập phần lớn làm trong mảng biên, phiên dịch; du lịch, truyền thông hoặc nhân viên văn phòng, phát triển sản phẩm, kinh doanh…
Cô Chi cho biết hầu như sinh viên tiếng Ả Rập ở ULIS ra trường là có việc làm luôn. Với tiếng Tây Ban Nha và Italy, triển vọng nghề nghiệp cũng khả quan.
“Sinh viên tốt nghiệp không gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm”, cô Nguyễn Thùy Trang, phụ trách khoa tiếng Tây Ban Nha của HANU, nhận định. Cô Trang cho hay đây là ngôn ngữ chính thức của 21 quốc gia, được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới. Do đó, nhiều công ty, hãng lữ hành, hàng không, có nhu cầu tuyển nhân sự biết thêm thứ tiếng này.
Tình hình tương tự với sinh viên ngành Ngôn ngữ Italy, theo TS Phạm Bích Ngọc. Kết quả khảo sát một số công ty du lịch hồi tháng 1 của khoa cho thấy tiềm năng tăng trưởng khách du lịch tới Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 10% một năm. Các công ty đều dự kiến tuyển dụng nhân sự biết tiếng Italy, chủ yếu ở vị trí nhân viên kinh doanh (87,5%), hướng dẫn viên du lịch (62,5%) và nhân viên Marketing (50%).
“Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đánh giá rất khan hiếm”, cô Ngọc nói.
Anh Phạm Hà, Giám đốc điều hành công ty du lịch LuxGroup, cho hay hiện thiếu cả trăm hướng dẫn viên, đặc biệt ở những tiếng hiếm như Tây Ban Nha, Italy, Đức… Doanh nghiệp này phải từ chối nhiều đoàn khách vì không có người thạo các ngôn ngữ này.
“Càng tiếng hiếm thì lương càng cao”, anh Hà chia sẻ.
Học phí và thu nhập
Năm học tới, học phí ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha ở Đại học Hà Nội là 27 triệu đồng. Với ngành Ngôn ngữ Italy, mức thu là 27-38 triệu, lần lượt với chương trình chuẩn và chất lượng cao. Ở Đại học Ngoại ngữ, học phí ngành ngôn ngữ Ả Rập là 21 triệu đồng.
Các giảng viên cho biết mức lương khởi điểm của sinh viên sau tốt nghiệp phổ biến là trên 10 triệu đồng một tháng.
Nguyễn Xuân Hoàng, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập, hiện là quản lý dự án thị trường Trung Đông cho một công ty thời trang, nói nhận thu nhập khoảng 20 triệu đồng một tháng. Hoàng nhìn nhận, nếu làm trong lĩnh vực du lịch, mức lương của cử nhân ngành này là 15-30 triệu, những công việc văn phòng chừng 8-12 triệu. Hoàng đạt được mức cao hơn do ngoài tiếng Ả Rập còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, có thể làm được nhiều mảng.
Theo Hoàng, để có công việc tốt, sinh viên cần trau dồi các kỹ năng ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc thực tế.
“Tôi hay khuyên các em khóa dưới học thêm một chuyên ngành nào đó hoặc phải giỏi cả tiếng Ả Rập lẫn tiếng Anh để tự tin hơn khi ra trường”, Hoàng nói.
tieng Y kho hoc lam