Và đó cũng chỉ là 1 trong những điểm đáng chú ý của chiếc máy đặc biệt này. Trong bài viết này, xin chia sẻ nhanh với anh em những trải nghiệm tổng thể, bao gồm quá trình sử dụng và cả quá trình sử dụng như một chiếc laptop Windows bình thường.
Mỏng, nhẹ và gọn gàng
Điểm đầu tiên, Vivobook S15 chỉ có cân nặng 1,4kg, theo mình con số này là khá nhẹ so với tổng thể một chiếc máy tính xách tay với màn hình lên tới 15,6 inch. Trong một phép so sánh, con số này nhẹ hơn cả một chiếc Macbook Air nhưng vẫn có màn hình OLED với kích thước lớn hơn. Lý giải cho điều này, một phần đến từ cách ASUS sử dụng các vật liệu trong chassis, vỏ hợp kim bên ngoài, cho đến việc nhờ vào nền tảng SoC Snapdragon X Elite vốn sẽ "gọn" hơn so với các máy khác của nền tảng X86. Trọng lượng này cho phép mình xách đi lại loanh quanh văn phòng, bỏ vào balo mang đi làm mà sự hiện diện của máy về cân nặng gần như không là mối bận tâm trong những ngày qua.
Ngoại hình Vivobook S15 khá gọn gàng, phẳng, đơn giản và có thiết kế hiện đại. Cơ bản thì mặt lưng trơn hoàn toàn màu xám kim loại, chỉ một dòng chữ Vivobook làm điển nhấn ở phần giữa máy. Máy được thiết kế theo kiểu vuốt mỏng dần về phía người dùng, đồng thời phần bên dưới cũng được bo cong dần vào theo kiểu 2.5D, nên nhìn vào trông cũng mỏng hơn về mặt thị giác một chút. Các phần cạnh ở phần trên màn hình thì dược cắt mạnh, sắc cạnh, nhìn cũng cứng cáp và hiện đại.
Tổng thể máy được làm khá chắc chắn. Thử nhấn vào không có cảm giác ọp ẹp hay phát ra âm thanh gì hết. Điểm mình thích nữa chính là phần bản lề chắc chắn, khi mở máy ra và đặt máy trên đùi để gõ, màn hình vẫn nằm cố định, không bị rung lắc với các thao tác gõ hay sử dụng của mình. MÌnh hay dùng máy tính xách tay ở nhiều tình huống khá lạ, thí dụ cầm trên tay, đặt trên đùi để gõ, gõ khi đang ngồi xe,... nên việc màn hình có bản lề cứng cáp là điểm mình quan tâm và hài lòng ở chiếc máy này.
Bàn phím, trackpad và màn hình
Ở bên trong, chúng ta sẽ có bàn phím full size với dãy phím numpad ở bên cạnh phải của máy. Các phím được thiết kế theo dạng vuông vức sắc cạnh, hành trình phím có độ dài vừa phải và đặc biệt là không có hiện tượng flex ở các phím, bao gồm cả space bar hay các phím dài như Shift. Các phím bấm có màu bạc tương tự như phần đế máy. Bên dưới các phím là đèn LED RGB xuyên lên qua các ký tự. Độ sáng của đèn đủ để có thể nhận diện các phím vào ban đêm nhưng cũng không quá nổi bật lên. Nói chúng cũng khá phù hợp và hài hòa với tổng thể thiết kế của máy. Trackpad của Vivobook S15 được phủ kính và kích thước khá lớn, chiếm gần 1/3 phần kê tay sát người dùng.
Trên Vivobook S15, chúng ta có màn hình kích thước 15.6 inch, công nghệ OLED, tốc độ làm tươi 120Hz, tỷ lệ màn hình 16:9, độ phân giải 2889 x 1660. Độ sáng ở chế độ SDR đâu đó khoảng 400 nit, 100% không gian màu DCI-P3. Nhờ vào lợi thế của công nghệ OLED, chúng ta có hình ảnh được tái tạo với độ tương phản và màu đen xuất sắc, thời gian phản hồi nhanh và góc nhìn khá rộng. Tất cả các trải nghiệm chỉnh ảnh Lightroom, làm hình Photoshop, chơi game, làm việc, lướt web hay xem video trên màn hình trong suốt quá trình sử dụng đều hài lòng. Tuy nhiên nếu tỷ lệ của màn hình là 4:3 hoặc vuông xíu thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều bởi khi đó, chúng ta sẽ tiết kiệm diện tích hơn, hiển thị được cùng lúc nhiều nội dung hơn so với 16:9 hiện tại.
Snapdragon X Elite: mạnh, mát và pin rất lâu
Điểm quan trọng nhất trên Vivobook S15 chính là chip. Chúng ta sẽ có nền tảng Snapdragon X Elite X1E-78-100. Đây là một trong 4 biến thể của Snapdragon X Elite. Chi tiết một chút về cấu hình, Snapdragon X Elite X1E-78-100 được tích hợp 12 nhân CPU Oryon với xung nhịp lên tới 3.4GHz, 42MB CPU Cache, chip đồ họa Adreno 3.8 TFLOPS và đặc biệt là một con NPU Hexagon với khả năng tính toán 45 TOPS cho các tác vụ AI.
Trên chiếc máy này, ASUS cũng trang bị RAM LPDDR5x 8448 với dung lượng 32GB cho bản mặc định. Đối với các máy ARM, RAM nhiều sẽ mang lại lợi thế nhất định, đặc biệt là khi chạy đa tác vụ và chạy nhiều ứng dụng có sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn LLM. Về bộ nhớ SSD, Vivobook S15 có ổ SSD 1TB 2280 M2 của Micron và đây có lẽ là thứ duy nhất có thể nâng cấp trên chiếc máy này.
Toàn bộ hệ thống này hoạt động ở mức TDP chỉ 20-30W khi sử dụng ở hầu hết các tác vụ thông thường trong ngày. Với các nhu cầu tải nặng, TDP có thể lên mức cực đại là 50W. Trong ứng dụng cài đặt sẵn để quản lý hệ thống ASUS, chúng ta có thể tùy chọn 4 mức hiệu năng bao gồm chế độ nhẹ nhất Whisper với mức TDP 20W, chế độ Balance 35W, chế độ Performance 45W và chế độ Full Speed 50W. Chính vì mức tiêu thụ điện năng không quá cao nên hầu hết quá trình vận hành, máy hầu như không hề nóng lên tới mức mình có thể cảm nhận được, chỉ hơi ấm lên một chút khi chơi game mà thôi. Nhiệt độ mình thử đo được sẽ dao động từ đâu đó 28 - 38 độ, tùy vào các tác vụ và thời gian chạy các tác vụ đó.
Đồng thời, mức TDP thấp cộng với viên pin lên tới 72Wh đã giúp thời lượng pin của máy cực kỳ ấn tượng. Với nhu cầu sử dụng từ đâu đó khoảng 9h sáng cho tới 7h tối hàng ngày (tất nhiên là còn nghỉ ngơi, giải lao không dùng máy), thì thời lượng pin của Vivobook S15 sẽ dao động từ 9 đến 19 tiếng tùy vào các ứng dụng mình dùng. Trung bình với các tác vụ chủ yếu lướt web, gõ văn bản, xem video, nghe nhạc, chỉnh nhanh hình ảnh trong Photoshop và Lightroom, thời lượng pin trung bình vào khoảng 14 tiếng.
Trong một bài test, mình cho máy chạy liên tục tuần tự các ứng dụng văn phòng, duyệt web, xem video tại mức độ sáng màn hình 75%, thời lượng pin đo được là tận 19 tiếng. Một con số quá ấn tượng đối với một chiếc laptop Windows. Về sạc, Vivobook S15 hỗ trợ sạc nhanh 90W qua cổng USB-C và mất đâu đó khoảng 2 tiếng để sạc đầy từ khi cạn pin.
Có thể thấy thời lượng pin là cái cực kỳ quan trọng và đáng chú ý đối với chiếc Vivobook S15 này nói riêng và cả cá máy chạy nền tảng Snapdragon X Elite nói chung. vậy là có cùng, thế giới laptop Windows cũng đã có những chiếc máy tính mỏng, nhẹ, đa dụng và đặc biệt là có thời lượng pin dài, thậm chí là dài hơn các máy Macbook chạy Apple Sillicon.
Về độ ổn định của các ứng dụng, gần như mọi thứ mà mình dùng bình thường đều chạy ổn định trên chiếc Vivobook S15. Rất nhiều trong số đó đã hỗ trợ ARM Native như phần mềm LLMStudio để làm việc với các mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở, chỉnh hình bằng Lightroom với các hiệu ứng và edit phức tạp có sử dụng AI, dựng phim bằng Davinci với khả năng mask, tracking và áp hiệu ứng lên một chủ thể cực nhanh, xóa nền video bằng CapCut. Các ứng dụng này đều đòi hỏi sức mạnh tính toán của NPU để đẩy nhanh hiệu suất làm việc và rõ ràng, 45TOPS của con Hexagon đã đáp ứng được tốt nhu cầu đó.
Mình chưa chơi nhiều game trên chiếc máy này. Hiện tại, mình thử Shadow Of Tomb Raider và World of Warcraft. SoTR chạy ổn định ở mức 40-50 FPS (có bật SR và chơi ở mức HD, các tùy chọn đồ họa cơ bản). Trong khi đó WoW chạy hoàn toàn ổn định và rất mát, mượt với tốc độ khung hình luôn trên 60fps. Mình sẽ thử chơi nhiều game hơn, chơi trong thời gian dài và chia sẻ nhiều hơn với anh em ở khoảng này nhé.
Đối với các ứng dụng chưa hỗ trợ native ARM, trình biên dịch Prism để giả lập môi trường cho tới hiện tại đã hoàn thiện và ổn định trong hầu hết các tình huống mà mình sử dụng. Từ lúc mình tiếp cận chiếc máy X Elite đầu tiên từ cách đây khoảng 1 tháng cho tới hiện tại, Prism đã liên tục được cập nhật với khoảng 5 bản update. Bởi thế, mình tin rằng rất sớm thôi các ứng dụng native sẽ hỗ trợ nhiều hơn, còn các ứng dụng cũ sẽ vẫn chạy ổn định trên các máy Snapdragon này.