[Tóm Tắt & Review S...
 
Chia sẻ:
Notifications
Clear all

[Tóm Tắt & Review Sách] “Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn”: Giá Như Chúng Ta Hiểu Cuộc Đời Thật Ngắn Ngủi, Mọi Thứ Có Lẽ Đều Sẽ Tốt Đẹp Hơn!

1 Bài viết
2 Thành viên
0 Reactions
167 Lượt xem
ANH THƯ
(@thula)
Bài viết: 40
Thành viên đồng
Topic starter
 
Vô ưu hay phiền muộn, hạnh phúc hay đắng cay, tình yêu hay nước mắt, bóng tối hay những vì sao? Đến một giây phút nào đó trong cuộc đời, chúng ta dừng lại và nghĩ suy đôi chút, rồi thơ thẩn về những điều đã qua. Có tiếc nuối cũng có những điều, tự nghĩ lại rồi mỉm cười hạnh phúc, rồi lại… nhớ. Hành trình cuộc đời của mỗi người có những chặng riêng, chúng ta đi tiếp để hoàn thành trách nhiệm với sự tồn tại của chính mình? Cớ sao, ta không sống thật sâu? Nhẹ nhàng nhưng cũng nồng nàn và tha thiết, chân phương nhưng không hời hợt thoáng qua. Nếu biết trăm năm là hữu hạn gợi đến trong chúng ta những điều bình dị, thân thuộc trong đời sống hằng thường mà ta hay bỏ qua mất. Để rồi khép lại là những dư vị lắng sâu, nhẹ nhàng và bình yên. 
1. Tác giả 

Phạm Lữ Ân là bút danh chung của hai tác giả đồng thời là một cặp vợ chồng được rất nhiều bạn đọc trẻ yêu mến: Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận. Nếu chúng ta đã từng đọc qua các tác phẩm của hai nhà văn, chắc hẳn trong mỗi người đều có thể cảm nhận được sự mộc mạc, chân thành với lời văn tha thiết, lắng sâu. Những câu chuyện về những đề tài hằng thường xung quanh cuộc sống của chúng ta, nhưng đem vào tác phẩm, vấn đề được soi chiếu trong nhiều bình diện, từ đó tạo nên góc nhìn đa chiều, sâu sắc.
2. Tác phẩm
Nếu biết trăm năm là hữu hạn là một cuốn sách đặc biệt. Mỗi một lứa tuổi, mỗi một cá nhân khác nhau sẽ cho ra những cảm xúc khác nhau. Trong tác phẩm này theo mình chứa đựng vô vàn những bài học mà chúng ta rất quen, nhưng đôi khi lại thường quên đi mất. Với lời văn giản dị, ngọt ngào, nhẹ nhàng, Phạm Lữ Ân đã neo chặt vào nơi bến lòng người thưởng thức những dư vị thân quen, ấm áp, diệu kì. 

 

Đừng quên rằng chúng ta luôn có những ước mơ

“Ta sẽ làm chi với đời ta”. Chúng ta vẫn luôn có những ước mơ, ngay cả khi không rõ ràng, thậm chí như chưa từng hiện diện, trái tim của chúng ta vẫn luôn giữ mãi một ước mong thầm kín nào đó.

“Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò - lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy, có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?””. 

Chúng ta chỉ sống một lần trên đời, cớ sao ta không sống thật sâu, sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận. Phạm Lữ Ân đã để người đọc lắng lòng mình lại, nhớ về chính mình, nghĩ về những điều thực chất và xem xem chúng ta thực sự muốn điều gì đây? “Sao tao không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này?

Ta muốn làm chi đời ta?” Đến một độ trưởng thành, chúng ta ai cũng vậy thôi. Cuộc đời thật sao khó khăn quá? Và đó là lúc ước mơ của bạn dần trở nên mơ hồ, nhạt nhoà và rơi vào lãng quên. Một cậu phụ hồ nghèo rớt đang nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Một hình ảnh dường như không thật khớp. Như hiểu ánh mắt ngại ngần của tôi, cậu nói thêm rằng nhiều người khuyên cậu nên theo một ước mơ khác, thực tế hơn. Nhưng cậu tin vào bản thân, và không có mục tiêu nào có thể làm cậu xao lãng.

Tôi nghe tim mình nhói lên, vì một điều đã cũ, “người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”.


Nói cho tôi nghe đi, ước mơ của bạn là gì?”. Hãy kể về giấc mơ của bạn cho chính bản thân bạn, kể cho chính bạn rằng bạn đã từng thiết tha như thế nào? Đã từng nhiệt huyết ra sao? Đã từng nỗ lực đến miệt mài? Hãy kể cho chính bạn, hãy tự mình khơi lại ước mong thầm kín nhất. Hãy nhớ, chúng ta chỉ sống một lần mà thôi. 

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi

“Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ đã nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý

Trang thứ nhất:

Tôi sung sướng và tự do

Như ánh sáng
Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi.

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:

Anh ấy đã không nói thêm
rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…”

Đúng vậy, chẳng gì có thể ràng buộc được trái tim con người, cả tình yêu, hạnh phúc, kỷ niệm, nhan sắc hay tình người,... Tất cả đều không thể níu giữ một trái tim mong muốn ra đi. Đó là điều mà Phạm Lữ Ân nói cho chúng ta. Trái tim là tạo vật mong manh nhất cũng lí trí nhất, khó để hiểu và kiểm soát nhất. Ngay cả chính bản thân chúng ta đôi khi cũng không hiểu rõ được điều ta muốn. Làm sao người khác hiểu được bản thân ta. “Đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người”. Ngày hôm nay chúng ta yêu, ngày mai chúng ta yêu, nhưng điều đó không có nghĩa trong những ngày sau đó tình yêu vẫn sẽ tồn tại. Đừng bao giờ tin vào những điều mãi mãi, hãy chỉ yêu thôi, tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc tuyệt vời với người mà chúng ta yêu, như vậy là đủ. Chúng ta của thuở thiếu thời khác, của thuở trưởng thành khác, của thuở hàn vi khác, của thuở giàu sang khác. Không có thước đo cho tình người, trái tim của người. 

 

Đừng cố gắng áp đặt suy nghĩ về hình ảnh của người khác trong trái tim ta vào chính họ của sau này. Bởi ai rồi cũng sẽ thay đổi. Họ sẽ vậy, chúng ta cũng sẽ như vậy mà thôi. Vì vậy, đừng cố gắng hứa những điều mãi mãi. Không gì là mãi mãi, hãy chỉ hứa những điều bạn chắc chắn sẽ làm, đừng hứa những gì chúng ta muốn làm cho người ta yêu. 

Hãy lại gần hơn nữa, đừng rời xa

“Thật lạ lùng phải không? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình.”  Chúng ta đã sinh ra với điều tuyệt vời như vậy, thế thì tại sao, thời gian lại mài mòn đi món quà diệu kỳ ấy. Xã hội phát triển và đi kèm với đó là sự thay đổi tất yếu của con người. Chúng ta sa vào các trang mạng xã hội, thăm hỏi nhau thông qua các dòng chat, các hiệu ứng. Sự giao tiếp, lắng nghe và thấu hiểu dần mai một đi. 

Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ mà quên rằng vẫn còn một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.” 

Có phải chúng ta đã quên đi mất, rằng chúng ta không nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ, phải nói ra bằng lời, phải dùng đến các công cụ hiện đại để thấu hiểu nhau. 

Chỉ cần một ánh mắt, một cái chạm tay, một sự chăm chú quan sát, chúng ta đã có thể hiểu nhau rồi. Chỉ cần chúng ta chuyển sự chú ý sang người ta yêu, thực sự chú ý và để tâm đến cảm xúc của họ. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí là phía sau sự im lặng, chúng ta đều có thể nắm bắt được người ta yêu đang thực sự cảm thấy thế nào. Đó là giao tiếp bằng trái tim, bằng sự thấu cảm đơn thuần và chân thành nhất mà chúng ta có. 


Hãy để trái tim của chúng ta đến gần hơn, chạm vào nhau và lan tỏa ánh sáng của sự ấm áp. Đừng để một mối quan hệ rơi vào thảm cảnh anh phải nói thì tôi mới hiểu được, nếu cô không nói làm sao tôi biết được cô muốn gì. Từ khi nào phải nói thì mới hiểu được, phải thể hiện ra mới biết mà làm. Khi chúng ta phải viện đến ngôn ngữ để thấu hiểu thay vì học cách nắm bắt dòng cảm xúc của người ta yêu. Ngôn từ là hiện thực hoá sự sáng tạo của con người, là phương tiện để con người bộc lộ cảm xúc. Nhưng ngôn từ cũng có những mặt hạn chế, chính chúng không thể tỏ bày một cách thấu đáo và hết thảy dòng xúc cảm của chúng ta. Đến khi lấy ngôn từ làm biện hộ cho sự vô cảm của chính mình.

 “Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu - những điều ta mong người ấy thấu hiểu - những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta - nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.” 

Tâm hồn chúng ta  đã không còn đồng điệu nữa, chúng ta cãi vã, chúng ta than vãn, chúng ta mỏi mệt và rồi từ bỏ hy vọng tiếp tục duy trì một tình yêu. Tình yêu tươi đẹp của xưa kia khép lại, hai con người bước ra khỏi cuộc tình và đi vào các ngã rẽ đường đời khác nhau. Và, đó là khi mà chúng ta thực sự đã lạc mất nhau rồi. 

Ai qua là bao chốn xa 

“Có một hôm, tình cờ lạc vào forum tường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thuở ấu thơ. “Bình yên - là khi được ra khỏi nhà”.

Tôi hiểu vì sao bạn viết vậy, và tôi đọc được phía sau dòng chữ ấy là một nỗi buồn vô hạn.” 

Bạn có biết không? Rằng từ bao giờ vậy? Từ nơi bình yên để trở về lại thành một nỗi buồn vô hạn làm bước chân của chúng ta nặng trĩu đến độ muốn ra đi. “ “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.
“Nhà” trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.
“Nhà” trong ký ức của tôi là nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua khi tôi chưa đầy ba tuổi.
“Nhà” trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường, chính là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác.
“Nhà” đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.
“Nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên.
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.” 

Bạn có đang hạnh phúc trong ngôi nhà của chính mình không. Mỗi khi bước chân ra ngoài thế gian rộng lớn, cảm xúc trong bạn tự do như thế nào? Mỗi khi đến phút giây phải trở về, trái tim của bạn có mỏi mệt không, có chán nản và ước ao được ra đi hay không? Nếu câu trả lời là có, bạn đã đánh rơi đi mất ngôi nhà thân yêu của mình rồi. Mỗi chúng ta đều là một phần của ngôi nhà, không phải là nóc thì là những trụ cột giữ vững nó. Điều đó có nghĩa là nó cần bạn. Nhà là phần cứng còn hạnh phúc, niềm vui, bình yên là phần mềm. Mềm nghĩa là bạn phải tạo dựng và phải chăm chút cho nó. 

Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, cùng ngồi chung một

chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu hát này:

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà...”

Tôi vẫn nhớ, cho đến bây giờ, vẫn nhớ bài hát ấy. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không nơi đâu bằng được mái nhà mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình, là đừng để nó trái nghĩa với sự bình yên. Và rằng đừng đợi đến khi ta “qua bao chốn xa” rồi mới thấy yêu thương nó, vì biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được.” 

Vậy nên, sự bình yên phải là điều được lập nên bằng sự cố gắng của tất cả các thành viên trong gia đình bạn. Hãy nhớ trong đó có bạn nhé. Bạn có yêu gia đình của mình không, có yêu Nhà của mình không? Hãy tự hỏi lại trái tim của chính bạn rằng bạn có yêu không. Tôi tin là sẽ có thôi, dù đôi khi nó mang lại cho bạn sự buồn phiền mệt mỏi, đôi khi bạn cảm thấy bạn thân là sự tồn tại vô nghĩa. Đôi khi lại cảm thấy bản thân là điều dư thừa, cảm thấy không ai có thể hiểu được bạn. Ra đi, bạn vẫn còn lưỡng lự. Nhưng bạn muốn ra đi. Đó không phải là không còn yêu nữa. Chỉ là bạn quá khao khát một mái ấm bình yên và hạnh phúc mà thôi. Vì vậy, hãy cố gắng lên một chút, tự thiết lập lại ngôi nhà của bạn, tự kiến tạo nên hạnh phúc và niềm vui. Đó là ngôi nhà của chúng ta mà phải không, làm sao có thể không thấy yêu được nữa! 

 

Tôi đã thấy lòng thật bình yên
Khi đọc tác phẩm này, tôi không có quá nhiều suy nghĩ bởi những điều được viết đều là những điều mà tôi cảm nhận được. Nhưng bạn biết không? Có một điều gì đó trỗi dậy, thật kỳ diệu, một sự ấm áp lạ thường. Tôi thấy có điều gì đó thay đổi trong tôi khi tôi nhìn vào thế giới của tôi. Tôi thấy lại những điều mà Phạm Lữ Ân đã nói hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống, trong những sự việc diễn ra quanh bản thân tôi. Nó làm cho lòng tôi lắng lại và suy nghĩ rất nhiều. Những điều mà Nếu biết trăm năm là hữu hạn nói với chúng ta quen thuộc và gần gũi. Những điều mà chúng ta có thể đã biết, có thể đã quen nhưng đôi khi lại quên mất. Và, từng dòng chữ trong cuốn sách này gợi lại cho chúng ta điều đó. Đây là một cuốn sách đáng đọc và suy ngẫm. Hãy dành một ngày thật bình thường để đọc một cuốn giản dị. Tôi tin cuộc sống của bạn và tôi sẽ bình yên và hạnh phúc tự đáy lòng, ta sẽ lại thấy “núi là núi và sông là sông”

“Có một câu thiền rất quên thuộc: “Khi tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tôi học đạo, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi học đạo xong, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông”. Ta có thể đi khắp nhân gian, nghe muôn chuyện, thấy muôn điều. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu khi nhìn và nghe với trái tim khiêm nhường và trong sáng, không mang theo bất cứ thành kiến hay sự cố chấp nào. Khi ta nhìn những người xung quanh dưới cái nhìn thuần khiết nhất, ta mới có thể nhận ra họ như chính bản thân họ, không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, giỏi dở, sang hèn, không phân biệt màu da, tôn giáo, giai cấp... Khi đó, ta mới có thể “lại thấy núi là núi, sông là sông”.”

Tóm tắt bởi: Châu Ngọc - Bookademy

Hình ảnh: Châu Ngọc  

1726737520-1723972149783-Yeu-va-biet-cach-yeu-la-hai-dieu-khac-nhau-phai-vay-khong-Ta-luon-co-the-yeu-cho-ban-than-minh-bang-cach-nao-cung-duoc-noi-hay-khong-noi-chia-se-hay-khong-nhung-2.png

 
Đã đăng : 19/09/2024 9:18 sáng
Thẻ chủ đề
Ngọc Anh
(@ngocanh)
Bài viết: 196
Thành Viên Admin
 

“Có một hôm, tình cờ lạc vào forum tường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thuở ấu thơ. “Bình yên - là khi được ra khỏi nhà”.

 
Đã đăng : 20/09/2024 2:00 sáng
Ngọc Anh
(@ngocanh)
Bài viết: 196
Thành Viên Admin
 

“Có một câu thiền rất quên thuộc: “Khi tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tôi học đạo, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi học đạo xong, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông”

 
Đã đăng : 20/09/2024 2:01 sáng
Ngọc Anh
(@ngocanh)
Bài viết: 196
Thành Viên Admin
 

HI

 
Đã đăng : 20/09/2024 2:03 sáng
Chia sẻ: