Khi mới ra trường tìm việc, viết CV ứng tuyển là 1 trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu mà sinh viên cần trau dồi, đây là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng với mình, tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc mình có được gọi đi phỏng vấn không. Dưới đây là 6 lỗi cơ bản trong CV mà sinh viên mới ra trường thường mắc phải, các em hãy lưu ý để phòng tránh nhé:
1. Sinh viên mới ra trường viết CV dài dòng, lan man
Khi mới ra trường đi làm, tự nhận thấy rằng bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, cũng chưa có nhiều ưu điểm nổi trội như các anh chị đã đi làm lâu năm, nên các em thường cố gắng viết càng nhiều càng tốt, nghĩ ra nhiều thông tin này kia để ghi vào trong CV, để giới thiệu bản thân rõ hơn và muốn được nhà tuyển dụng ghi nhận rằng mình cũng cố gắng viết CV, mình đang nghiêm túc ứng tuyển nên mới đầu tư một chiếc CV với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể, dài tận 2-3 trang A4. Tuy nhiên, đây là 1 lỗi cơ bản khi viết CV mà sinh viên mới ra trường cần tránh, thực tế thì nhà tuyển dụng cực kỳ bận rộn, họ không có nhiều thời gian để đọc hết 1 chiếc CV quá dài, lỡ các em có những điểm mạnh ở trang cuối, nhưng HR chỉ mới đọc có 1 trang đầu rồi bỏ qua luôn thì sao?
Vì thế, khi ứng tuyển, chúng ta cần lưu ý gói gọn nội dung CV xin việc trong 1 trang A4 thôi, chỉ chọn lọc các điểm mạnh nổi trội nhất và có liên quan tới công việc để ghi vào, chứ nếu các em quá lan man, dài dòng, viết CV có nhiều thông tin nhưng đa phần lại không liên quan tới yêu cầu công việc, thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng các em là người không phù hợp, càng nhiều thông tin không liên quan thì càng không phù hợp, sẽ không được gọi đi phỏng vấn.
2. CV xin việc chưa có đủ các thông tin cơ bản
Để rèn luyện kỹ năng viết CV sao cho chuẩn chỉnh, thì điều cơ bản đầu tiên mà sinh viên mới ra trường cần nắm chính các thông tin cần có trong CV, để ít ra mình cũng trình bày đầy đủ, tránh mắc phải lỗi khong đủ thông tin, thiếu cái này, sót cái kia. Thông thường, CV xin việc thường có thông tin cá nhân, bao gồm họ tên, vị trí ứng tuyển, các thông tin liên lạc, mục tiêu nghề nghiệp, sau đó sẽ là phần học vấn, kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khoá, kinh nghiệm làm việc & thành tích (nếu có), những ai có thêm các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng hoặc chuyên môn, nghiệp vụ mà mình đã học thêm bên ngoài, thì có thể chèn chung trong phần học vấn. Nếu chưa dành thời gian tìm hiểu trước về các phần này, thì khả năng cao rằng sinh viên mới ra trường sẽ mắc lỗi là bị thiếu sót, chưa nêu đủ các thông tin cần có trong CV.
3. Nội dung CV chung chung, thiếu số liệu, dẫn chứng
Nhiều bạn sinh viên cũng mắc phải lỗi sai rằng dù CV của mình cũng ghi đầy đủ thông tin, đủ các phần cần thiết, nhưng sau khi nhà tuyển dụng đọc thì thấy nó khá chung chung, bị thiếu các số liệu, dẫn chứng. Chẳng hạn như nói là mình từng có 3 tháng kinh nghiệm thực tập, làm tốt các nhiệm vụ được giao trong kỳ thực tập, nhưng cụ thể là làm tốt những việc gì, đạt kết quả thế nào (số liệu chứng minh), học được những gì, không cần phải ghi ra quá dài dòng, nhưng ít ra cũng nên chèn vào CV một vài số liệu, dẫn chứng để tăng tính thuyết phục.
Nhất là khi sau này khi đã đi làm nhiều năm, đạt nhiều kết quả tốt, thành tích tốt trong công việc, thì đương nhiên trong CV phải kèm theo các số liệu dẫn chứng ấy thì mới có thể cạnh tranh với các ứng viên giỏi khác, chẳng hạn như “đạt top 3 nhân viên sales xuất sắc của năm, với doanh thu mang về 3 tỷ”, thì đương nhiên nó sẽ ấn tượng hơn việc chỉ ghi là “hoàn thành tốt công việc, đạt KPI theo yêu cầu của công ty”.
4. Mới ra trường mắc nhiều lỗi chính tả trong CV
Các lỗi chính tả là điều mà bình thường mọi người vẫn hay mắc phải khi nhắn tin, chat với bạn bè, hoặc khi viết bài, làm bài tập ở trên trường, nhưng khi viết CV xin việc mà sai lỗi chính tả, càng đọc càng thấy nhiều lỗi, thì khả năng cao rằng các em sẽ bị trừ điểm rất nặng. Khi đọc 1 chiếc CV ứng tuyển có nhiều lỗi chính tả, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng bạn sinh viên mới ra trường này không nghiêm túc, không tôn trọng nhà tuyển dụng nên mới gửi CV mà chưa thèm đọc lại, dò lại, để có nhiều lỗi chính tả trong đó.
Thậm chí, họ cũng đánh giá rằng ứng viên này là người cẩu thả, nếu sau này vào làm việc thì nhiều khả năng sẽ để xảy ra những sai sót trong công việc, gây thiệt hại cho công ty, nhất là khi apply các vị trí đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận như kế toán, kiểm toán, ngân hàng, mà lại là người cẩu thả, không cẩn thận, thì làm sao công ty tin tưởng nhận vào làm việc được? Vì thế, trước khi nhấn nút gửi CV, thì hãy chắc chắn rằng mình đã đọc lại, dò lại kỹ để kịp thời sửa các lỗi chính tả, không gửi 1 chiếc CV quá nhiều lỗi sai cho nhà tuyển dụng.
5. Bỏ trống phần kinh nghiệm làm việc trong CV
Sinh viên mới ra trường đa số các em sẽ chưa có kinh nghiệm làm việc, nếu có thì chỉ đơn thuần là 3 tháng đi thực tập ở công ty, mà nhiều bạn cũng không muốn tính cái đó, không muốn ghi vào CV vì thấy thời gian cũng ngắn, cũng chưa học hỏi được gì nhiều, cũng chưa đạt được thành tích/kết quả làm việc nào nổi trội khi đi thực tập. Từ đó sẽ dẫn tới lỗi sai là các em bỏ trống phần kinh nghiệm làm việc trong CV, tức là khi nhìn vào CV, nhà tuyển dụng vẫn thấy dòng chữ “kinh nghiệm làm việc”, nhưng bên trong trắng trơn, không có nội dung nào hết, nhìn sẽ khá kỳ và khiến người đọc bị hụt hẫng.
Lỗi này thường xảy ra khi các em điền form CV mẫu trên mạng, tức là các mẫu CV được thiết kế sẵn, bao gồm luôn phần kinh nghiệm làm việc, sinh viên mới ra trường thấy mình chưa có kinh nghiệm làm việc nên bỏ qua, nhưng lại quên xoá cái tiêu đề “kinh nghiệm làm việc”, để nó vẫn tồn tại trong CV luôn. Vì thế, các em cần lưu ý nếu không muốn nhắc tới kinh nghiệm làm việc trong CV thì hãy xoá hẳn phần đó luôn, hoặc để CV đỡ trống trải thì sinh viên mới ra trường có thể thay thế, bù đắp bằng phần hoạt động ngoại khoá, những hoạt động, cuộc thi ở trường đại học mà mình đã tích cực tham gia/tổ chức.
6. Lỗi chọn ảnh đại diện trong CV thiếu chuyên nghiệp
Sau khi lo chuẩn bị nội dung CV cho xịn xò, đẩy đủ thông tin và ấn tượng rồi, thì sinh viên mới ra trường vẫn có khả năng mắc phải 1 lỗi sai đáng tiếc, khiến CV bị nhà tuyển dụng trừ điểm, đó chính là chọn ảnh đại diện trong CV thiếu chuyên nghiệp. Có thể các em cũng vô tư, nghĩ rằng tấm ảnh đó cũng không ảnh hưởng, không liên quan gì nhiều tới việc đánh giá, mà chỉ đơn giản để nhìn thấy mặt mình thôi. Tuy nhiên, ảnh đại diện cũng nằm trong CV nên vẫn sẽ ảnh hưởng tới việc đánh giá, chẳng hạn như các tấm ảnh mặc trang phục thiếu chỉn chu, hoặc xì tin, giỡn hớt quá, hoặc deep quá, nhìn trời nhìn mây như kiểu ảnh đi du lịch, thì sẽ không phù hợp để chèn vào CV. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, thì sinh viên mới ra trường khi chọn ảnh đại diện chèn trong CV nên ưu tiên những ảnh mà mình mặc áo sơ mi, lấy chân dung, nhìn rõ mặt, mắt nhìn vào ống kính, có thể cười nhẹ hoặc không cười để thể hiện sự nghiêm túc cũng được.
Bài viết này đã điểm qua 6 lỗi sai cơ bản trong CV xin việc mà sinh viên mới ra trường thường mắc phải. Để tăng cơ hội việc làm, tăng khả năng được gọi đi phỏng vấn thì các em hãy lưu ý tránh mắc phải những lỗi này nhé. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Chưa có bình luận nào!