Nếu như lúc trước chúng ta thường mặc định rằng đi làm phải lên công ty, phải chấm công đầy đủ, phía công ty sẽ thường check camera để kiểm soát sự có mặt & làm việc của nhân viên, thì hiện nay đã khác, đã có khá nhiều công việc làm tự do, không cần đến văn phòng, không nhất thiết phải check in, check out, miễn sao hoàn thành công việc là được. Một trong số đó chính là Content Freelancer, vậy có nên làm công việc này không, và cần lưu ý những gì? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Nếu nói làm Content marketing thì chúng ta sẽ hình dung ngay tới nhiệm vụ viết lách, viết các bài đăng trên Website, Facebook, lên nội dung cho các video Tiktok, các chương trình, sự kiện do công ty tổ chức, tức là người làm content sẽ chịu trách nhiệm về các nội dung, được giao việc trực tiếp bởi trưởng phòng Marketing, là một bộ phận hầu như không thể thiếu trong Marketing Department của nhiều công ty.
Còn khi có thêm chữ Freelancer ở phía sau thì tức là người này vẫn làm content, nhưng sẽ không nhất thiết phải tới công ty, mà sẽ làm việc tự do, có thể ngồi ở quán cafe, ngồi tại nhà để viết bài, thậm chí vừa đi chơi, đi du lịch, vừa tranh thủ chill vừa viết nội dung cũng được, miễn sao hoàn thành đúng deadline, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng như đã thoả thuận với công ty là được. Nghe qua tính chất công việc thì rất nhiều bạn trẻ đã cảm thấy hào hứng, thích thú, vừa được tự do, không tới công ty, vừa được làm đúng công việc mình thích, vẫn kiếm được tiền. Nhưng liệu công việc này có các ưu nhược điểm gì, có nên làm Content Freelancer không?
Để cân nhắc xem có nên làm Content Freelancer không, chúng ta cần tìm hiểu những ưu nhược điểm của nó. Về ưu điểm thì trong phần trước cũng đã liệt kê khá đầy đủ, rằng bạn sẽ không cần phải lên công ty, không bị gò bó về thời gian, địa điểm làm việc, có thể chủ động làm ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào bạn thấy thoải mái, có cảm hứng, thì điều này cũng giúp khả năng viết lách của bạn bay bổng hơn, chất lượng hơn, thay vì suốt ngày cứ ngồi ru rú ở 1 chỗ trong văn phòng. Vì tính chất tự do như thế, nên Content Freelancer cũng có thể nhận nhiều job, ở nhiều công ty khác nhau để tăng nguồn thu nhập hàng tháng của mình lên, nếu phân bổ thời gian hợp lý và chịu được khối lượng công việc lớn, thì mỗi tháng thu nhập có thể từ 20.000.000đ – 30.000.000đ là điều bình thường.
Tuy nhiên, làm Content Freelancer cũng có một số nhược điểm và thách thức, chẳng hạn hầu như bạn sẽ không ký hợp đồng lao động chính thức với công ty, đa số sẽ chỉ là hợp đồng cộng tác viên, nên sẽ không có quyền lợi về BHXH, ngày phép năm, quyền được bồi thường khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn,… mặc dù cũng hiếm có trường hợp ấy, nhưng biết đâu được, lỡ công ty tìm được người khác tốt hơn (có thể là chi phí thấp hơn), hoặc công ty đang muốn cắt giảm bớt vị trí của bạn vì thấy lúc đó cũng không quan trọng chuyện viết content lắm thì sao, chuyện bị mất job đột ngột là rủi ro mà người làm Content Freelancer phải đối mặt.
Ngoài ra, nếu bạn quản lý thời gian không tốt, hoặc chưa đủ siêng năng, kỷ luật với bản thân, thì sẽ dễ rơi vào trạng thái lười biếng, ngồi viết bài có 1-2 tiếng đã thấy lười, lấy điện thoại ra lướt Tiktok sướng hơn, xong lại chểnh mảng công việc, tới deadline vẫn chưa gửi bài, không đảm bảo được khối lượng & chất lượng công việc, thì cũng sẽ khó lòng theo đuổi công việc này lâu dài, nó chỉ phù hợp với những ai có khả năng nghiêm túc & tự kỷ luật với bản thân, vì thực chất chỉ có bạn tự quản lý chính bạn, chứ công ty cũng không theo sát như các nhân viên full time trên văn phòng.
Sau khi đã điểm qua những ưu nhược điểm, thì tự bản thân mỗi người sẽ cân nhắc xem mình có phù hợp không, có nên làm Content Freelancer không, hay nếu không hợp thì thôi, cứ đi làm full time ở công ty, lên văn phòng như đa số mọi người cũng được, quan trọng là mình phải phù hợp thì mới theo lâu dài được, chứ không nên có tâm lý làm thử để trải nghiệm, hoặc thấy làm freelancer sướng quá, không phải lên công ty, không cần check in, check out nên lao vào làm khi chưa cân nhắc kỹ. Đây là lưu ý đầu tiên, tức là bạn đừng thấy rằng công việc Content Freelancer tự do, thoải mái, sướng quá nên làm đại, mà cần phải cân nhắc xem nó có thật sự phù hợp với mình không?
Tiếp theo, hãy đảm bảo rằng mình là người đủ kỷ luật để không lơ là, chểnh mảng công việc, vì tính chất công việc Content Freelancer sẽ khá thoải mái nên khi bạn không tự kỷ luật thì sẽ không làm tốt, dễ rơi vào tình trạng để công việc chồng chất, tới lúc đụng vào lại làm không kịp, trễ deadline, hoặc làm đại cho lẹ thì lại không đảm bảo chất lượng… Bên cạnh đó, làm việc tự do cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể bị công ty kiếm/dí deadline, kêu sửa này sửa kia bất kỳ lúc nào, có thể là buổi tối, 12h trưa hoặc cuối tuần, chứ không có chuyện chỉ gói gọn công việc trong giờ hành chính, bạn phải tự chuẩn bị tinh thần trước cho chuyện này nhé. Ngoài ra, như đã nói ở phần trước, thì làm Content Freelancer sẽ không có chế độ BHXH, BHTN như khi làm full time tại công ty, vì thế bạn cần phải tự dự phòng tài chính cho bản thân để kịp xoay sở trong các tình huống bệnh tật, ốm đau, hoặc bị thất nghiệp dài hạn, tránh để tới lúc gặp chuyện thì lại không có tài chính, cũng chẳng có bảo hiểm để xoay sở.
Bài viết này đã giúp bạn biết thêm nhiều thông tin để cân nhắc xem có nên làm Content Freelancer không, và cần lưu ý những gì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Chưa có bình luận nào!