Đã bao giờ bạn thử ở một mình, trong một không gian im lặng không tiếng ồn, hay ở cạnh ai đó mà không ai nói gì chưa? Bạn cảm thấy điều đó mang lại cảm giác dễ chịu hay vô bổ và chán ngắt? Có một sự thật đau lòng rằng ngày nay chúng ta chỉ toàn đắm chìm vào thiết bị điện tử, có thể phát âm thanh, phát nhạc, phim ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Điều đó dẫn đến việc cuộc sống của chúng ta có quá nhiều sự ồn ào, xao nhãng và bộn bề; chính điều đó đã làm cho ta quên đi mọi âm thanh đều bắt đầu bằng sự im lặng và cội nguồn của bình yên đó là sự tĩnh lặng. Nếu bạn đã bỏ lỡ những thứ giá trị đó bấy lâu nay, thì cuốn sách Sức mạnh của tĩnh lặng của tác giả Eckhart Tolle sẽ giúp bạn tìm lại bản chất sâu lắng, trong sáng và chân thật của mình.
Giới thiệu tác giả
Eckhart Tolle sinh năm 1948, trong một gia đình Công giáo người Đức. Ban đầu, tên của ông là Ulrich, sau đó được đổi thành Eckhart để tỏ lòng tôn kính đối với bậc thầy tâm linh người Đức Meister Eckhart. Ông bỏ học từ năm 13 tuổi để tập trung theo đuổi niềm đam mê với triết học. Đến năm 22 tuổi, ông nhập học tại trường Đại học London và sau đó trúng tuyển vào chương trình nghiên cứu sinh tại trường Đại học Cambridge vào năm 1977.
Năm 29 tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì Eckhart Tolle từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông. Từ đó, ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm. Điều đặc biệt là Eckhart Tolle đã không nhấn mạnh đến một truyền thống hay tôn giáo cụ thể nào. Trong những bài thuyết giảng trên khắp thế giới, ông chỉ muốn truyền đạt một thông điệp rất giản dị, nhưng sâu sắc, và bất tử của các bậc giác ngộ từ xa xưa rằng: Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người.
Giới thiệu tác phẩm
Sức mạnh của tĩnh lặng của Eckhart Tolle không chỉ là một cuốn sách tâm linh đơn thuần, mà là hành trình sâu sắc đưa độc giả tìm kiếm sức mạnh và ý nghĩa từ tĩnh lặng bên trong dựa theo những khái niệm đậm tính chất Phật giáo. Tựa đề của sách được dịch từ “Stillness Speaks,” là một mảnh ghép tinh tế, chính xác, và chứa đựng sức sống của nền văn hóa đối thoại giữa tác giả và độc giả.
Ngay từ chương đầu tiên, cuốn sách đưa độc giả vào một không gian tâm linh, như một bức tranh triết lý đầy lôi cuốn khi giải nghĩa về khái niệm \"tĩnh lặng\" trong cuộc sống. Eckhart Tolle không chỉ làm ta đọc, mà còn dạy ta cách trải nghiệm, cách sống chân thực và tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Trong xuyên suốt 10 chương tiếp theo, cuốn sách không chỉ giúp độc giả khám phá bản chất sâu thẳm của cái Tôi, nỗi đau bên trong con người mà còn mở ra một khung nhìn mới về thế giới xung quanh. Cuốn sách không chìm đắm trong thế giới kiến thức vụng trộm mà thay vào đó, nó kêu gọi sự chú ý và nhận thức của độc giả đối với hiện tại, nơi mà sức mạnh thực sự nằm chủ yếu.
Sức mạnh của tĩnh lặng đặt ra những câu hỏi quan trọng về ý thức, tự do, và ý nghĩa cuộc sống. Tolle không chỉ là một hướng dẫn tâm linh, mà còn là một người đồng hành tinh thần. Thông qua lời viết tinh tế và triết lý sâu sắc, ông giúp độc giả thoát ly khỏi những thách thức và lo lắng hàng ngày, để họ có thể trải nghiệm một cuộc sống đầy đủ và ý nghĩa hơn.
Cuốn sách cũng đặt ra một loạt các câu hỏi tâm linh, khơi gợi sự tò mò và suy ngẫm của độc giả về vấn đề “Tôi là ai?”, “Cuộc sống có ý nghĩa gì?” và “Làm thế nào để sống một cuộc sống tỉnh thức?” Đến cuối cùng, những câu trả lời đều không nằm ở những ý nghĩa phức tạp, mà lại xuất phát từ sự tĩnh lặng và nhìn nhận đơn giản về hiện tại.
Đặc biệt, Sức mạnh của tĩnh lặng không chỉ là một cuốn sách để đọc mà là một hướng dẫn thực hành, khuyến khích độc giả áp dụng những nguyên lý và phương pháp vào cuộc sống hàng ngày. Eckhart Tolle không chỉ chia sẻ tri thức mà ông đã đạt được mà còn hướng dẫn cách áp dụng chúng để tạo nên một cuộc sống an lạc và ý nghĩa.
Sức mạnh của tĩnh lặng được phát hành năm 2012, sau đó được dịch sang nhiều loại ngôn ngữ khác nhau và đạt 2 triệu bản doanh thu trên toàn cầu, cuốn sách là một cuộc phiêu lưu tâm linh, mời gọi mỗi người độc giả đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm sự hiểu biết tinh tế về bản thân và cuộc sống.
Tĩnh lặng là gì?
Ngay từ chương đầu, tác giả đã giới thiệu đến độc giả từ khóa chủ chốt của toàn bộ cuốn sách: Tĩnh lặng. Tĩnh lặng là một trạng thái của tâm trí, phớt lờ hoặc coi môi trường xung quanh là không ảnh hưởng tới bản thân, bên trong vẫn giữ được trạng thái không xao động và vô cùng vững chắc. Có những người nhầm lẫn giữa khái niệm “tĩnh lặng” và “im lặng”, tĩnh lặng không bắt ép chúng ta phải sống một cách khép kín, tuyệt đối né tránh giao tiếp xã hội. Tĩnh lặng ở đây không gượng ép, không kiểm soát, mà là trạng thái ngưng đọng, tập trung lắng nghe bản thân bằng cách thả lỏng, dừng toàn bộ suy nghĩ, và nhận diện chính khoảnh khắc này như cách nó vốn có.
\"Bất kỳ khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó – bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì – bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh. Hãy chú tâm đến khoảng trống – khoảng trống giữa hai ý tưởng, khoảng không ngắn ngủi giữa những chữ trong một câu chuyện, giữa những nốt nhạc của tiếng dương cầm, hoặc khoảng trống giữa hơi thở vào và hơi thở ra của bạn.\"
Tĩnh lặng không chỉ là giữ trạng thái không xao động với những yếu tố khách quan, mà cả với những suy tư hiện lên trong đầu, nói cách khác là sự lặng yên của bản ngã hay. Trong xã hội hiện nay, thuật ngữ “overthinking” ngày càng xuất hiện dày đặc, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Đa số chúng ta đang phí phạm quỹ thời gian có hạn của mình để chìm trong những suy tưởng không có chủ đích hay nỗi lo sợ triền miên không cơ sở. Những yếu tố chủ quan ấy lại đem đến hậu quả lớn hơn cả môi trường bên ngoài, vì chúng trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí chúng ta, lôi kéo tâm trí ta vào những quan niệm sai lệch, méo mó. Từ đó, chúng ta đánh mất khả năng cảm nhận cuộc sống một cách tích cực, luôn chìm trong suy tư về sự chảy trôi của thời gian, sinh lão bệnh tử và vô vàn khổ đau khác. Và tĩnh lặng lại chính là liều thuốc cứu rỗi chúng ta khỏi những điều tiêu cực đang \"đầu độc\" tâm hồn ngày qua ngày.
“Khi bạn cảm thấy nhàm chán, bạn thường thích cầm một tạp chí lên, gọi một cú điện thoại cho ai đó, bật máy truyền hình, hoặc lên mạng, đi mua sắm, hay thông thường chuyển nhu yếu thiếu thốn và luôn muốn có thêm một cái gì đó của trí năng thành một nhu yếu của cơ thể và thỏa mãn cấp thời cho nó bằng cách tiêu thụ thêm thức ăn vào bụng.
Hoặc bạn cứ để cho mình ở trong trạng thái nhàm chán không yên đó và thử quan sát, cảm nhận xem cảm giác nhàm chán và bất an ấy thực ra như thế nào. Khi bạn mang sự chú tâm của mình vào những cảm xúc ở trong mình, bỗng nhiên có một chút không gian và tĩnh lặng quanh nó. Ban đầu thì rất ít, nhưng khi không gian bên trong của bạn lớn dần lên, cảm giác nhàm chán sẽ bắt đầu giảm cường độ và tính quan trọng của nó. Do đó ngay cả sự nhàm chán cũng có thể dạy cho bạn bản chất chân thực của mình, và những gì không phải là mình.”
Sự tĩnh lặng không đến từ môi trường bên ngoài, mà nó xuất phát từ sâu thẳm trong tâm. Tác giả quan niệm, sâu thẳm trong tâm thức con người luôn tồn tại một chiều không gian, nơi đầu tiên khởi sinh ra những suy nghĩ nguyên thủy của chúng ta, chưa bị tác động bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào, cũng là nơi mà khi đạt đến, chúng ta sẽ cảm nhận được cái “tĩnh lặng” trong tâm hồn.
“Ở trong bạn, cũng như trong mỗi con người, có một chiều không gian, chiều tâm thức sâu lắng hơn là những suy tư không-chủ đích (trên bề mặt của tâm thức bạn). Đó cũng là tính chất của chính bạn. Chúng ta có thể gọi tên chiều tâm thức đó: Hiện Hữu, sự có mặt, sự nhận biết, hay thứ Tâm thức khoáng đạt, trong sáng, chưa bị trói buộc. Trong những truyền thống tâm linh cổ điển, cái đó được gọi là Bản chất Thượng Đế hay Phật Tánh ở trong mỗi người.
Tìm ra được chiều không gian đó sẽ giải thoát bạn, và đời sống của bạn, khỏi những khổ đau mà bạn đã gây ra cho chính mình và những người chung quanh khi “cái Tôi nhỏ bé” – được làm ra bởi trí năng – là tất cả những gì bạn biết về chính mình, điều khiển cuộc đời của bạn. Lòng xót thương, niềm vui, khả năng sáng tạo bất tuyệt, và sự an lạc vững bền ở nội tâm không thể đi vào đời sống của bạn, ngoại trừ qua chiều tâm thức khoáng đạt, trong sáng, chưa bị trói buộc đó.”
Tĩnh lặng để vượt qua sự vô thường
Sự im lặng thực chất vô cùng hữu ích, mặc dù chúng ta không cần phải có sự im lặng thì mới tìm được sự tĩnh lặng, nhưng im lặng là cách thức dễ nhất để bình tĩnh và lắng đọng tâm trí trước một thế giới ồn ào. Bằng cách buông bỏ sự chống đối đối với tiếng ồn, cho phép tiếng ồn ấy được như nó đang là, cũng như chấp nhận mọi sự trên thế gian đúng với bản chất của chúng. Tĩnh lặng là nền tảng giúp ta trọn vẹn với giây phút này, nhìn nhận mọi thứ đúng như nó đang là, thay vì xuyên tạc nó qua lớp kính bản ngã và kỳ vọng.
“Khi bạn biết quý trọng tự thân một vật gì, khi bạn xác nhận sự hiện hữu của vật ấy mà không có sự phóng chiếu của trí năng, bạn sẽ không thể không biết ơn sự có mặt của vật ấy. Bạn cũng sẽ cảm thấy rằng vật ấy rất linh động, chứ không phải là một cái gì chết cứng, vô tri… như cảm nhận sai lầm của giác quan của bạn. Các nhà vật lý học đã xác minh rằng ở cấp độ phân tử, mọi vật quả thực là một trường năng lượng rung động một cách rộn ràng.
Qua sự biết ơn một cách vô ngã thế giới của vật thể, đời sống chung quanh bạn sẽ trở nên sinh động trong nhiều khía cạnh mà bạn sẽ không thể hiểu được qua trí năng của mình.”
Tĩnh lặng thật ra cũng là một loại ngôn ngữ giúp ta giao tiếp với bản thân. Như đã nói ở phần trước, mỗi chúng ta đều chứa đựng một không gian, tồn tại những suy nghĩ và khả năng tiềm tàng để phát triển bản thân. Chỉ khi lắng nghe được trái tim, được nội tâm của chính mình thì cũng là lúc tiềm năng ấy được phát huy.
“Bạn hãy thực tập vẫn giữ cho mình cảm thấy thoải mái trong trạng thái “không biết” về một điều gì. Điều này giúp bạn vượt lên trên những suy tưởng miên man, vì lý trí bạn luôn có nhu yếu muốn kết luận, suy diễn những gì bạn thực không biết. Lý trí của bạn rất sợ hãi khi phải đối diện với một điều gì nó không biết. Do đó, khi bạn có khả năng thư thái với trạng thái không biết, bạn đã vượt lên trên trí năng. Có một sự thông thái, hiểu biết sâu xa ở trong bạn, mà chắc chắn không phải là trạng thái suy nghĩ, ưu tư.”
Ngoài ra, tác giả cũng mở rộng vai trò của việc thực hành tĩnh lặng vào đời sống hằng ngày. Ví dụ như trong việc kết nối với người khác, tĩnh lặng đóng vai trò lá chắn, không để bản ngã chen vào, không bị các “tiếng ồn” của định kiến, kỳ vọng, hay tự vệ điều khiển. Người ta hay truyền nhau rằng, những người ít nói là những người sâu sắc và có khả năng lắng nghe tốt hơn, chính sự bình tâm, im lặng của họ đôi khi giúp những người xung quanh cảm thấy thoải mái, an tâm chia sẻ suy nghĩ của mình hơn mà không lo sợ bị phán xét, tranh luận. Tĩnh lặng giúp chúng ta mở rộng lòng mình, đồng thời tạo sự bình yên cho đối phương, cho họ cảm giác được thấu hiểu, được hiện diện là chính con người thật của họ. Trong thời đại mà tất cả đều trở nên vội vã, thì một người biết tĩnh tâm, biết lắng nghe chân thành chính là món quà quý giá cho bất kỳ mối quan hệ nào.
“Sự lắng nghe sâu sắc là một cái gì còn sâu sắc hơn là những cảm nhận thuộc về nhĩ căn. Mà đó chính là sự phát sinh của sự chú tâm một cách cảnh giác, đó là không gian của sự hiện hữu trong đó từng lời nói được tiếp nhận. Ngôn từ lúc đó chỉ còn là thứ yếu. Ngôn từ có thể có ý nghĩa hoặc vô nghĩa. Khi bạn lắng nghe, hành động chuyên chú để lắng nghe còn quan trọng hơn là những gì bạn nghe được, vì đó là chính không gian của một sự hiện hữu đầy ý thức khi bạn đang chuyên chú lắng nghe. Không gian đó chính là một trường ý thức đồng nhất trong đó bạn tiếp xúc với người kia mà không bị phân cách bởi những hàng rào của khái niệm, của suy tư ở trong bạn. Và người kia không còn là một cái gì “khác với bạn”. Vì trong chiều không gian đó, bạn nối kết với nhau thành một trường ý thức, một tâm thức đồng nhất.”
Không gì có thể thoát khỏi quy luật vô thường. Trong đó, cái chết, mất mát là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta vẫn không thể buông bỏ nỗi sợ cái chết, vì ta cảm nhận chính mình là một vật điều quý giá, không muốn bị mất đi, hoặc đơn giản là chúng ta sợ nỗi đau, khoảng trống mà mát mát để lại. Tương tự, những lúc chúng ta bị mất một thứ gì đó như mất việc, mất danh dự, mất một phần cơ thể,... thì sẽ có một cái gì đó ở trong ta sẽ chết theo, để lại một lỗ hổng trong tâm trí khiến chúng ta mất nhận thức về chính bản thể của mình. Sự đau khổ và trống rỗng sẽ ập đến là khi ta vô thức đồng hóa chính mình với những điều mất mát ấy. Những lúc ấy, ta không nên làm ngơ nỗi đau hay cố gắng chạy trốn khỏi nói mà hãy thừa nhận, bình tĩnh đối diện với nó, cho bản thân một khoảng lặng để nghỉ ngơi, suy ngẫm về mình. Lúc đó, ta sẽ nhận ra có một niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng ấy.
“Không có gì bình thường hơn chuyện bạn muốn trốn tránh khổ đau. Tuy nhiên, nếu bạn có thể buông bỏ ước muốn tránh né đó và cho phép niềm đau trong bạn được có mặt, bạn sẽ nhận ra rằng nỗi đau ở trong bạn vừa được giảm đi vì đang có nhiều không gian hơn giữa bạn và nỗi đau. Điều này có nghĩa là bạn cảm nhận nỗi đau của mình với ý thức sáng tỏ, nỗi đau ấy sẽ giúp ban đốt đi bản ngã của bạn, vì bản ngã, đa phần chỉ là thái độ chống đối một cách vô ích với những gì đang có mặt ở trong bạn. Cho nên, dù bạn có mắc phải chứng bại liệt toàn thân thì bạn vẫn có thể thực tập tương tự như thế: Có mặt và an nhiên chấp nhận tình trạng đang bất lực trong cơ thể mình.”
Cảm nhận chung
Qua cuốn sách Sức mạnh của tĩnh lặng, Eckhart Tolle giúp chúng ta khai phá và hiểu được bản chất của sâu lắng, trong sáng và chân thật của chính mình, chúng vẫn luôn hiện hữu nhưng dường như đã bị ta bỏ quên bởi việc theo đuổi những điều phù phiếm. Dù có những biến động xảy ra xung quanh, hay những tình huống éo le mà ta gặp phải trong đời sống cá nhân hiện nay, chúng ta vẫn luôn có khả năng tiếp xúc được với một chiều không gian yên tĩnh và sâu lắng ở bên trong.
Với dung lượng không quá dài, lối viết ngắn gọn, súc tích mà sâu sắc giống như một cuốn kinh văn, Sức mạnh của tĩnh lặng là món quà dành cho những con người đang mệt mỏi, chán nản và mắc kẹt với cuộc sống mưu sinh mà không tìm được lối thoát, dẫn dắt họ đến với sự bình yên, tĩnh lặng của bản thân mình sau những chuỗi phút giây bị cuốn vào vòng xoay của cuộc đời. Cuốn sách là nguồn động lực to lớn giúp người đọc rũ bỏ những thói quen tiêu cực như suy nghĩ quá nhiều hay sống quá nhanh, khuyến khích chúng ta thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cách cư xử với mọi người xung quanh một cách hòa nhã, tốt đẹp hơn hơn. Sự tĩnh lặng cũng chính là sự an bình ở nội tâm và sống đúng bản chất chân thật nhất của chính mình, tạo nên một tâm thức an yên, vị tha không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì. Từ đó, sự an yên trở thành nhân tố then chốt để chuyển hóa thế giới thành một thế giới dịu dàng, đáng sống với tất cả mọi người.