Bạn đã bao giờ tự hỏi, chỉ một quyết định khác đi, cuộc đời bạn sẽ rẽ sang một hướng hoàn toàn mới, có thể là một công việc , một mối quan hệ hay một thành phố khác,... Những giả thiết ấy đôi khi ám ảnh, lặp đi lặp lại, lấn át niềm vui hiện tại của bạn. Nhưng liệu có một nơi nào đó, bạn có thể thực sự bước chân vào những cuộc đời \"đã từng có thể\" ấy? Và cuốn sách Thư viện nửa đêm của Matt Haig không chỉ đặt ra câu hỏi đó, mà còn mở ra một không gian kỳ diệu, nơi nhân vật Nora Seed lạc bước vào một thư viện nằm giữa sự sống và cái chết. Tại đó, mỗi cuốn sách là một cánh cửa dẫn đến một phiên bản khác của chính cô, một cuộc đời được định hình bởi những lựa chọn khác biệt. Bằng một lối kể chuyện vừa lôi cuốn vừa giàu chất thơ, Matt Haig không chỉ tạo ra một bối cảnh kỳ ảo mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa của sự tồn tại, giá trị của những lựa chọn và liệu hạnh phúc có nằm ở một \"cuộc đời khác\" hay ẩn chứa trong những gì ta đang nắm giữ. Hành trình khám phá Thư viện nửa đêm hứa hẹn sẽ là một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc, dẫn dắt người đọc cùng Nora đi qua những cung bậc khác nhau của hối tiếc, khám phá những ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn và cuối cùng, có lẽ, tìm thấy một sự thấu hiểu mới mẻ cho chính cuộc đời mình.
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Matt Haig sinh ngày 3 tháng 7 năm 1975 tại Sheffield, Anh. Hiện nay, ông đang sống tại Brighton(Sussex, Anh) cùng vợ, hai con và một chú chó. Haig là một tác giả và nhà báo người Anh. Các tác phẩm của ông bao gồm cả sách hư cấu và phi hư cấu dành cho trẻ em và người lớn, đã bán được hơn ba triệu bản trên toàn thế giới và được dịch ra hơn bốn mươi ngôn ngữ khác nhau. Ông đã ba lần được đề cử cho giải thưởng văn học Carnegie Medal. Một số cuốn sách nổi tiếng của Matt Haig: Làm sao dừng lại thời gian, Lý do để sống tiếp, Từ điển sử dụng loài người,... Các tác phẩm của Haig , đặc biệt là một phần của những cuốn sách phi hư cấu được lấy cảm hứng từ sự suy sụp tinh thần mà ông phải chịu đựng khi 24 tuổi. Thỉnh thoảng Haig vẫn bị lo lắng. Từng trải qua cơn trầm cảm nặng, ông đã dùng văn học như một liệu pháp chữa trị. Thư viện nửa đêm là tác phẩm ấn tượng của ông và đã giúp hàng triệu người trân trọng từng lựa chọn trong cuộc sống. Ông đưa người đọc vào một cuộc hành trình siêu thực, phân tích kỹ lưỡng những vấn đề về số phận, sự lựa chọn và hạnh phúc.
2. Tác phẩm
Thư viện nửa đêm là cuốn tiểu thuyết thứ bảy của Matt Haig, ra mắt vào cuối năm 2020 và ngay lập tức lọt vào danh sách sách bán chạy của The New York Times. Cuốn sách đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhận được sự yêu thích của đông đảo độc giả. Nó cũng giành được Giải thưởng Goodreads Choice Award cho Tiểu thuyết hay nhất năm 2020. Sách đã được mua bản quyền chuyển thể thành phim.
II. Tóm tắt nội dung
Cuộc đời Nora Seed là một chuỗi ngày dài với những khổ đau và nuối tiếc. Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, cô lại không đạt được những thành tựu xứng đáng. Cô từng là một vận động viên bơi lội đầy triển vọng nhưng đã từ bỏ, giỏi chơi piano nhưng lại bỏ dạy và những mối quan hệ tình cảm đều kết thúc trong tiếc nuối. Vì thế, cô luôn chìm đắm trong cảm giác thất vọng vì nghĩ rằng mình đã làm tổn thương những người xung quanh. Chính những hối tiếc này đã dẫn đến quyết định tự tử của cô. Thế rồi, vào lúc chuông điểm nửa đêm trong ngày cuối cùng còn trên thế gian, Nora bất ngờ xuất hiện tại Thư viện Nửa Đêm, một nơi kỳ bí nằm giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Tại đây, những kệ sách trải dài bất tận chứa đầy các cuốn sách để cô trải nghiệm những cuộc đời khác mà cô có lẽ đã sống nếu lựa chọn hướng đi khác trong quá khứ. Với sự đồng hành của một người quen cũ- bà Elm thủ thư, Nora đã có cơ hội nắm bắt vận mệnh, sửa chữa lỗi lầm và xoá tan những hối tiếc, mở ra hành trình tìm kiếm cuộc sống lý tưởng mà cô hằng mong mỏi. Như lời bà Elm giới thiệu:
Theo đó, Nora Seed được trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau: trở thành một vận động viên bơi lội Olympic, một ngôi sao nhạc rock, một nhà băng hà học, một người mẹ, một người vợ, … Dù bề ngoài có vẻ hấp dẫn, không có cuộc đời nào mà Nora tìm thấy là hoàn toàn không có vấn đề hay hối tiếc. Điều này dần khiến cô nhận ra rằng sự hoàn hảo chỉ là một ảo ảnh. Dù cho ban đầu Nora tìm kiếm một cuộc đời mà sẽ không có bất kỳ hối tiếc nào nhưng qua những trải nghiệm, cô nhận ra rằng hối tiếc là một phần tự nhiên của cuộc sống, và việc trốn tránh chúng không mang lại hạnh phúc. Hành trình trong thư viện nửa đêm giúp Nora nhận ra rằng hạnh phúc không nằm ở câu nói \"Giá như\" mà nằm ở việc chấp nhận và trân trọng cuộc sống hiện tại, với tất cả những sự phức tạp và không hoàn hảo của nó. Và sự tồn tại của thư viện nửa đêm dường như phụ thuộc vào mong muốn được ở lại của cô. Do đó, khi Nora dần nhận ra giá trị của cuộc đời mình và muốn quay trở lại, thư viện bắt đầu trở nên bất ổn và sụp đổ. Việc quay trở lại cuộc đời ban đầu không hề dễ dàng, cô phải đối mặt với sự sụp đổ của thư viện và sự kháng cự bên trong mình , và sức mạnh duy nhất để vượt qua là sự trân trọng cuộc sống và quyết tâm sống. Khi Nora tỉnh dậy trong bệnh viện, đó không chỉ là sự trở lại với cuộc sống mà còn là sự tái sinh về mặt tinh thần. Cô mang theo những bài học quý giá và một thái độ sống tích cực hơn.
“Không lâu sau, cô xoá các bài đăng nói về tự sát trên mạng xã hội của mình, và trong khoảnh khắc dạt dào cảm xúc chân thật, cô viết một bài khác. Cô đặt tên bài viết ấy là “Điều tôi học được (Chia sẻ của một người từng sống cuộc đời của muôn người)”
Điều tôi học được
(Chia sẻ của một người từng sống cuộc đời của muôn người)
Thật dễ dàng để nuối tiếc những cuộc đời chúng ta không được sống. Dễ dàng ước gì ta bồi đắp nhiều khả năng khác, gật đầu trước những lời đề nghị khác. Dễ dàng ước gì ta làm việc chăm chỉ hơn, yêu thương nhiều hơn, quản lý tiền bạc sáng suốt hơn, nổi tiếng hơn, ở lại với ban nhạc, tới Australia, nhận lời mời uống cà phê từ ai đó hay cố gắng tập yoga nhiều hơn.
Chẳng khó để hoài tiếc những người bạn ta chưa từng làm thân, công việc ta không làm, bạn đời ta không chọn, đứa con ta không có. Chẳng khó để nhìn bản thân qua lăng kính của người khác và ước ao ta là tất cả những phiên bản muôn màu của chính ta như kỳ vọng của họ. Thật dễ dàng để hối tiếc, hối tiếc không ngừng và mãi mãi, tới tận khi từ giã cõi đời.
Nhưng vấn đề cốt lõi không nằm ở những cuộc đời ta hối tiếc vì không được sống. Vấn đề chính là bản thân nỗi hối tiếc ấy. Nó là thứ khiến ta héo hon, tàn lụi từng ngày, khiến ta cảm thấy mình là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân và của cả những người xung quanh nữa.
Chẳng có cách nào để biết được những phiên bản khác của chúng ta là tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn. Những cuộc đời ấy đang tồn tại, đúng vậy, nhưng ta cũng đang tồn tại, và đó mới là điều cần khắc ghi.
Tất nhiên, ta không thể đặt chân tới mọi nơi chốn, gặp gỡ mọi con người hay làm đủ mọi công việc, nhưng hầu hết những gì chúng ta có thể cảm nhận trong bất cứ cuộc đời nào khác đều ở ngay bên ta. Không cần phải tham gia mọi cuộc chơi để được biết hương vị của chiến thắng. Không cần phải nghe mọi bản nhạc trên thế gian để hiểu được âm nhạc. Không cần phải thử qua mọi loại nho từ mọi khu vườn để biết đến vị ngon của rượu. Tình yêu, tiếng cười, nỗi sợ, niềm đau là thứ tiền tệ chung trên toàn vũ trụ này.
Ta chỉ cần nhắm mắt lại và thưởng thức vị thức uống trong tay, lắng tai nghe khi bài ca cất lên. Ta mang trong mình một sức sống trọn vẹn và tuyệt đối như chính ta trong bất cứ cuộc đời nào khác, với những cảm xúc cũng đa dạng như thế.
Ta chỉ cần là một người duy nhất.
Ta chỉ cần cảm nhận một cuộc sống duy nhất.
Ta không cần phải làm tất cả để có thể trở thành tất cả, bởi lẽ tự bản thân ta vốn đã là vô hạn rồi. Chừng nào ta còn sống trên đời thì chừng đó ta sẽ luôn mang trong mình một tương lai ẩn chứa vô vàn tiềm năng.
Vì thế, hãy yêu thương những con người đang gần bên ta. Thi thoảng hãy ngước nhìn lên từ nơi ta đang đứng, bởi lẽ lúc này dù ta có ở bất cứ đâu đi nữa, trên cao kia vẫn là cả một khoảng trời bất tận.
Ngày hôm qua, tôi biết chẳng có tương lai nào cho tôi, và tôi không thể chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng vẫn cuộc sống bộn bề ấy ngày hôm nay dường như lại ngập tràn hy vọng. Tiềm năng.
Tôi nghĩ, những điều không thể sẽ xuất hiện khi ta sống trên đời.
Liệu cuộc đời tôi, bằng một cách thần kỳ nào đó, có tránh được những đớn đau, tuyệt vọng, khổ sở, tan vỡ, cực nhọc, cô đơn, trầm uất không? Không. Nhưng tôi có muốn sống không?
Có. Có.
Trăm lần, ngàn lần có.”
III. Ý nghĩa nhan đề
Việc thư viện nằm giữa sự sống và cái chết tượng trưng cho trạng thái lấp lửng của Nora sau khi cố gắng tự tử, một khoảnh khắc của sự tồn tại tiềm năng, nơi những khả năng khác vẫn còn hiện hữu. Nó là một \"vùng đệm\" nơi Nora có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình và những ngã rẽ đã qua trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về sự tồn tại. Ngoài ra, thư viện là nơi lưu trữ vô số cuốn sách, mỗi cuốn sách chứa đựng một câu chuyện, một kiến thức, một khả năng. Trong truyện, mỗi cuốn sách đại diện cho một cuộc đời khác của Nora. Vì vậy, thư viện còn tượng trưng cho vô vàn khả năng và ngã rẽ của cuộc đời. Nửa đêm là thời điểm thường được coi là ranh giới giữa ngày và đêm, giữa sự sống và cái chết, giữa ý thức và vô thức. Lựa chọn mốc thời gian này giúp nhấn mạnh sự chuyển tiếp, là khoảng thời gian thích hợp để Nora có cơ hội trải nghiệm.
IV. Đặc sắc nội dung và nghệ thuật
1. Đặc sắc về nội dung
Matt Haig đã sáng tạo ra một ý tưởng độc đáo và hấp dẫn. Chính vì ý tưởng này mà đã thôi thúc mình mua cuốn sách vì sự tò mò và thích thú. Hơn nữa, cuốn sách đưa ra bài học ý nghĩa về giá trị của cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, tác giả không né tránh những vấn đề như trầm cảm và cảm giác vô vọng mà Nora trải qua, cách ông miêu tả những cảm xúc này chân thực và đầy sự cảm thông, giúp người đọc đồng cảm và có thể tìm thấy sự an ủi.
2. Đặc sắc về nghệ thuật
Mở đầu cuốn sách là cuộc trò chuyện giữa Nora Seed và bà Elm, chính vào thời điểm 19 năm trước khi cô quyết định tìm đến cái chết, không gian là một thư viện ấm cúng tại trường. Lúc đó, Nora đang mông lung về việc mình muốn trở thành ai sau này và bà thủ thư đã nhiệt tình đưa ra các gợi ý dựa trên khả năng của cô, nào là phi hành gia, vận động viên bơi lội hay nhà băng hà học… Qua tình tiết này, Matt Haig đã vô cùng khéo léo và tinh tế để nhấn mạnh những sự lựa chọn mà Nora có thể cân nhắc nhưng đều không thực hiện được mai kia. Qua đó càng làm nổi bật những hối tiếc của nhân vật chính, giúp đưa phần đầu của câu chuyện vào những khổ đau của Nora. Tác giả đã sử dụng một giọng văn trong sáng, dễ đọc nhưng vẫn đủ sức truyền tải những cảm xúc phức tạp của nhân vật. Cách ông miêu tả nội tâm Nora và những trải nghiệm của cô ở các cuộc đời khác nhau rất sống động và chân thực. Nora không phải là một nhân vật hoàn hảo mà mang trong mình những tổn thương, hối tiếc và sự bất an. Sự chân thật này khiến người đọc dễ dàng đồng cảm và theo dõi hành trình khám phá bản thân của cô. Nhịp điệu truyện vừa phải, có sự đan xen giữa những khoảnh khắc suy tư và những trải nghiệm mới mẻ: Tác giả không đẩy nhanh câu chuyện một cách vội vã mà dành thời gian để Nora (và người đọc) suy ngẫm về những gì đã trải qua ở mỗi cuộc đời. Sự đan xen giữa những khoảnh khắc tĩnh lặng trong thư viện và những trải nghiệm sống động ở các thực tại khác tạo nên một nhịp điệu hài hòa. Cuối cùng, việc Nora liên tục quay trở lại thư viện sau mỗi lần trải nghiệm một cuộc đời khác tạo ra một cấu trúc lặp lại, nhấn mạnh hành trình tìm kiếm và sự thay đổi nhận thức của cô. Sự tương phản giữa các cuộc đời mà Nora sống cũng giúp làm nổi bật những giá trị và thiếu sót của cuộc đời \"gốc\".
V. Bài học
Đầu tiên, hối tiếc là một phần tự nhiên của cuộc sống, nhưng đừng để nó định nghĩa bạn. Ai trong chúng ta cũng từng có những hối tiếc về những quyết định đã đưa ra hoặc chưa đưa ra. Cuốn sách cho thấy rằng hối tiếc là một cảm xúc phổ biến, nhưng việc để nó ám ảnh và chi phối cuộc sống sẽ dẫn đến sự bất hạnh. Tiếp đến, giá trị nằm ở những điều bình dị và những kết nối chân thật. Trong cuộc đời của một ngôi sao nhạc rock hay một vận động viên Olympic, Nora có được sự nổi tiếng và thành công vật chất, nhưng lại thiếu đi những kết nối sâu sắc và ý nghĩa với những người thân yêu. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, bạn bè và những mối quan hệ chân thành. Hạnh phúc thường ẩn chứa trong những khoảnh khắc bình dị bên cạnh những người ta yêu thương. Hơn nữa, mỗi lựa chọn của quá khứ, dù đúng hay sai, đều định hình nên con người bạn. Vì vậy, việc phủ nhận quá khứ đồng nghĩa với việc phủ nhận một phần bản thân.Thay vì hối tiếc về những lựa chọn đã qua, hãy học hỏi từ chúng và sử dụng kinh nghiệm đó để đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai.
Không có một công thức cố định nào cho hạnh phúc, cuộc sống là một quá trình liên tục học hỏi, thích nghi và khám phá những gì thực sự quan trọng đối với mỗi cá nhân. Do đó, đừng ngại thử nghiệm và đưa ra những quyết định mới, ngay cả khi có rủi ro. Những trải nghiệm, dù tốt hay xấu, đều góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Mình đã đọc được một trích dẫn như thế này càng làm nổi bật hơn những gì tác giả muốn gửi gắm:
Câu chuyện còn thể hiện sức mạnh của kiên trì và lòng trắc ẩn. Khi Nora quyết tâm quay trở lại cuộc đời ban đầu, cô đã thể hiện một ý chí mạnh mẽ và sự kiên trì đáng khâm phục. Cuốn sách cũng gợi mở về lòng trắc ẩn đối với bản thân và người khác. Ai cũng có những khó khăn và hối tiếc riêng, và việc thấu hiểu và cảm thông là rất quan trọng.
Tóm lại, Thư viện nửa đêm là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về việc sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, chấp nhận những khuyết điểm của bản thân và cuộc sống, và tìm kiếm hạnh phúc không ở những nuối tiếc mà ở ngay trong thực tại. Cuốn sách khuyến khích chúng ta trân trọng những gì mình đang có và không ngừng nỗ lực để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa.
VI. Nhận định về cuốn sách của giới chuyên gia
\"Hấp dẫn và dễ chịu...cái nhìn về khả năng vô tận, về việc bước chân lên những con đường mới, về việc sống những cuộc đời mới.\"
-The New York Times
“Cuốn tiểu thuyết làm ta cảm động và phấn chấn tinh thần”
-David Nicholis
“Tài tình, đầy cảm xúc và khơi gợi nhiều suy nghĩ”
-Jenny Colgan
“Duyên dáng…Vinh danh những điều bình dị: khám phá bình dị, con người bình dị và vô vàn thế giới nảy sinh từ những lựa chọn bình dị.”
-The Guardian
VII. Phần kết và cảm nhận cá nhân
Mình là một người dễ bị thu hút bởi những thứ bắt mắt và mới lạ. Thế nên khi bắt gặp cuốn Thư viện nửa đêm, nó ngay lập tức thôi thúc mình mua bởi bìa sách quá đẹp. Hơn nữa, khi mình đọc sâu vào cuốn sách, mình cảm thấy thật sự bất ngờ vì từng chi tiết quan trọng trong sách đều được thể hiện trên bìa như chiếc đồng hồ điểm nửa đêm, vận động viên bơi lội, con cá voi, các núi băng ở Nam Cực hay con mèo mà Nora hết mực yêu quý. Và đồng thời với một bìa sách chỉnh chu là nội dung bên trong cũng vô cùng hay và ý nghĩa. Cùng với đó, văn phong gần gũi và truyền cảm của Matt Haig chắc chắn sẽ khiến bạn đọc không tài nào dứt ra được. Mua cuốn sách này về n hà, nó sẽ thúc đẩy bạn mau giở ra đọc vì giao diện hấp dẫn, và lúc đọc vào, Thư viện nửa đêm sẽ khiến bạn cuốn theo mạch truyện và mạch cảm xúc, và sau cùng sẽ học được rất nhiều bài học bổ ích.
Tóm lại, thư viện nửa đêm không chỉ là một điểm dừng chân kỳ lạ giữa sự sống và cái chết mà còn là một trạm sạc cảm xúc mạnh mẽ cho tâm hồn mỗi độc giả. Qua những trang sách thấm đẫm suy tư của Matt Haig, chúng ta cùng Nora Seed trải nghiệm vô vàn những ngã rẽ cuộc đời, để rồi nhận ra một chân lý giản dị mà sâu sắc: hạnh phúc không phải là một đích đến hoàn hảo ở một nơi nào đó, mà là khả năng trân trọng từng khoảnh khắc, từng mối quan hệ và từng mảnh ghép không hoàn hảo của hiện tại. Cuốn sách khép lại, nhưng dư âm về những bài học đắt giá sẽ còn ngân vang mãi trong trái tim người đọc, như một lời nhắc nhở dịu dàng về vẻ đẹp tiềm ẩn của cuộc sống mà đôi khi, ta vô tình lãng quên trong guồng quay hối hả.