Tôi thấy những buổi chiều nắng nhạt phủ lên con đường sỏi trắng, nơi những bậc thềm đá dẫn vào một căn phòng trống, chỉ có một chiếc ghế tựa bên khung cửa sổ. Tôi thấy người đàn ông bước chậm rãi qua cánh đồng hoang, đôi tay không mang theo gì ngoài một ánh mắt lặng lẽ, như đang đối diện với chính mình. Tôi nghe thấy những lời thì thầm không thành tiếng, những câu hỏi như tan vào không khí: \"Ta là ai? Cuộc đời này mang ý nghĩa gì?\" Với giọng văn tĩnh lặng nhưng đầy chiều sâu, Osho trong Trưởng thành dẫn dắt người đọc bước vào hành trình khám phá bản thân, vượt qua những ồn ào của đời sống để tìm đến sự tự do thực sự – sự trưởng thành của tâm hồn, nơi không còn sợ hãi, không còn ràng buộc, chỉ còn sự hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh.
1, TÁC GIẢ
OSHO là nhà huyền môn đương đại có cuộc sống và giáo huấn đã ảnh hưởng tới hàng triệu người đủ mọi lứa tuổi, và từ mọi nẻo đường của cuộc sống. Người đã được tờ Sunday Times ở London mô tả là một trong “1000 người làm nên thế kỷ 20” và tờ Sunday Midday (Ấn Độ) mô tả là một trong mười người - cùng với Gandhi, Nehru và Phật - đã làm thay đổi định mệnh của Ấn Độ.
Về công trình riêng của mình, Osho đã nói rằng người đang giúp để tạo ra những điều kiện cho việc sinh thành ra loại con người mới. Người thường đặc trưng con người mới này là \"Zorba Phật\" - có khả năng vừa tận hưởng những vui thú trần gian của một Zorba người Hi Lạp và sự im lặng chân thành của Phật Gautama. Xuyên suốt như sợi chỉ qua mọi khía cạnh của công trình của Osho là tầm nhìn bao quát cả trí huệ vô thời gian của phương Đông và tiềm năng cao nhất của khoa học và công nghệ phương Tây. Người cũng nổi tiếng về đóng góp cách mạng của mình cho khoa học về biến đổi nội tâm, với cách tiếp cận tới thiền thừa nhận nhịp độ tăng tốc của cuộc sống đương đại. \"Thiền tích cực\" duy nhất của người được thiết kế để trước hết xả bỏ những dồn nén tích luỹ của thân thể và tâm trí, để cho việc kinh nghiệm trạng thái tự do với ý nghĩ và trạng thái thảnh thơi của thiền được dễ dàng hơn.
Sách của Osho không được viết ra, mà được chuyển từ băng âm thanh và băng video của các bài nói ngẫu hứng cho đệ tử và bạn bè trong sinh thời của người.
Osho Commune International, nơi thiền mà Osho đã thiết lập ở Ấn Độ như một ốc đảo, nơi các giáo huấn của người có thể được đưa vào thực hành, tiếp tục hấp dẫn khoảng 15,000 khách viếng thăm mỗi năm từ hơn 100 nước khác nhau trên khắp thế giới.
2, TÁC PHẨM
SỰ TRƯỞNG THÀNH Ở MỘT HỆ QUY CHIẾU KHÁC
Osho dành nhiều trang viết để kể về những giai đoạn của đời người: tuổi thơ ngây thơ như dòng suối trong vắt, tuổi trẻ sục sôi với tình yêu, khao khát, những tham vọng mãnh liệt, và tuổi già – nơi cơ thể, tâm trí và năng lượng như một dòng sông uốn lượn về với biển cả. Nhưng tất cả những giai đoạn đó, theo ông, chỉ là những nấc thang trên một hành trình lớn hơn, sâu hơn – hành trình vượt qua những rào cản của thời gian, cơ thể và những ràng buộc bên ngoài. Đây, Osho khẳng định, mới chính là con đường chân chính để mỗi con người thực sự lớn lên.
Bởi lẽ, từ lúc sinh ra, con người đã phải khoác lên mình những tấm áo dày nặng của gia đình, trường học, xã hội – những áp đặt không ngừng đè lên tâm hồn. Để thực sự trưởng thành, ông chỉ ra, mỗi người phải học cách gỡ bỏ từng lớp áo đó, để trở về với bản thể thuần khiết của mình. Hãy dọn sạch khỏi tâm trí bạn mọi điều không phải do bạn tự mình thấu hiểu. Những gì vay mượn từ người khác, từ cha mẹ, thầy cô, truyền thống, hãy buông bỏ tất cả, ông nói. Hãy buông tay những thứ nặng nề bạn đang mang theo, để đôi cánh tâm hồn được mở rộng và chạm đến tự do.
“Trở thành ai đó là căn bệnh của linh hồn.
Hiện hữu mới chính là bạn”
Trưởng thành, với Osho, không đơn thuần là hành trình lớn lên theo năm tháng, mà là sự trở về với bản chất hồn nhiên đã bị thế giới làm méo mó. Ông nhấn mạnh: “Trưởng thành là tái sinh, việc sinh tâm linh. Bạn được sinh ra tinh khôi, bạn lại là đứa trẻ lần nữa.”. Đó không phải là quay lại sự ngây ngô, mà là nhận diện sự trong sáng nguyên thủy, được soi sáng bởi trí tuệ và sự tự do sâu sắc.
Osho nhìn thấy xã hội như một cỗ máy khổng lồ, nơi con người bị nhào nặn để phục vụ cho các hệ thống quyền lực. Ông viết: “Mọi xã hội, mãi cho tới nay, đều đã gây ảnh hưởng huỷ hoại lên mọi đứa trẻ. Mọi nền văn hoá đều tùy thuộc vào việc khai thác hồn nhiên của trẻ thơ, vào việc khai thác đứa trẻ, vào việc làm cho nó thành kẻ nô lệ.”. Theo ông, những khuôn mẫu xã hội được tạo ra không phải để bảo vệ con người, mà để kiểm soát và kìm hãm bản chất tự nhiên của họ.
Hành trình trưởng thành, vì thế, chính là hành trình nhận thức lại những ràng buộc vô hình, là nỗ lực thoát khỏi những quy ước áp đặt bởi văn hóa, chính trị, hay tôn giáo. Chỉ khi giải phóng bản thân khỏi những khuôn mẫu đó, con người mới có thể thực sự tái kết nối với sự hồn nhiên của mình – không phải sự hồn nhiên của một đứa trẻ, mà là sự hồn nhiên của một tâm hồn trưởng thành, tỉnh thức, và tự do.
KHI VĨNH HẰNG THẤM VÀO THỜI GIAN
Osho mô tả cuộc sống như một ngã tư, nơi mỗi người đều đứng trước hai con đường để lựa chọn. Con đường chiều ngang là biểu tượng của thế giới vật chất, tuyến tính, nơi mọi thứ diễn ra từ A đến B và cuối cùng kết thúc trong cái chết. Ông nhấn mạnh: \"Thời gian mang tính chiều ngang... Vĩnh hằng là theo chiều đứng. Nó không phải là từ A tới B, mà là từ A tới nhiều hơn A nữa.\". Con đường chiều ngang, dù trải dài đến đâu, cũng chỉ dẫn tới sự hữu tử, nơi mà tất cả tham vọng, khát khao và thành công đều trở nên vô nghĩa.
Thông qua câu chuyện về vị hoàng đế và cái bóng của cái chết, Osho minh họa rằng dù chúng ta chạy trốn nhanh đến mức nào, cái chết vẫn luôn hiện hữu. \"Dù bạn không chuyển động, nấm mồ của bạn vẫn đi về phía bạn.\". Đây chính là bi kịch của đời sống hướng ngoại, nơi con người bị cuốn vào tham vọng, sự ganh đua, và những trói buộc của thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, tại chính ngã tư đó, một con đường khác mở ra – con đường chiều đứng, nơi vĩnh hằng thấm vào thời gian. Con đường này không phải là sự thoát ly thực tại, mà là hành trình quay về nội tâm, chạm đến cốt lõi im lặng và bình yên bên trong. Khi bước trên con đường này, con người không còn bị ràng buộc bởi những khổ đau của cuộc sống chiều ngang. Osho khẳng định: \"Bạn sẽ ở trong thế giới nhưng thế giới sẽ không ở trong bạn.\".
Đây là sự chuyển hóa sâu sắc, nơi những ghen tị, tham vọng và ham muốn bắt đầu tan biến mà không cần nỗ lực. Đó là lúc con người thoát khỏi bóng tối của chiều ngang và bước vào ánh sáng của sự tự do, nơi cái chết không còn tồn tại, và tâm thức hòa làm một với vũ trụ bao la.
Trong cuộc hành trình tinh thần, Osho phân biệt rõ ràng giữa hai con đường: chiều ngang và chiều đứng. Con đường chiều ngang là nơi bản ngã chiếm ưu thế, nơi con người luôn khao khát \"nữa và nữa\", nhưng sự khao khát ấy chỉ dẫn đến trống rỗng. Osho minh họa điều này qua câu chuyện người ăn xin với chiếc bình bát không đáy, làm tiêu tan cả kho báu của nhà vua. “Đầu người chính là bình bát ăn xin không bao giờ được lấp đầy. Nó luôn đòi hỏi thêm nữa.” Osho nhấn mạnh rằng trên chiều ngang, con người mãi chạy theo những thứ không thể hoàn thành, bị giam cầm bởi lòng tham và những khát vọng không hồi kết.
Trái lại, con đường chiều đứng là hành trình trở về sự trống rỗng, một trạng thái không có bản ngã, không còn đòi hỏi. “Trên đường chiều đứng, bạn trở thành ít dần và ít dần, cho đến khi bạn không còn nữa.” Đây không phải sự biến mất theo nghĩa tiêu cực, mà là sự chuyển hóa để hòa vào vũ trụ bao la. Khi bản ngã biến mất, con người đạt đến trạng thái giải thoát, nơi cái không chứa đựng tất cả.
Osho tiếp tục gợi mở qua hình ảnh của vị sư Thiền Rinzai, người mỗi sáng tự hỏi: “Rinzai, ông vẫn còn ở đây sao?”Đây không phải là câu hỏi ngớ ngẩn mà là hành trình nhận thức sâu sắc. Rinzai mong chờ khoảnh khắc bản ngã biến mất, khi câu trả lời sẽ là: “Không. Ta không còn ở đây.” Trong trạng thái đó, con người không còn là cái tôi nhỏ bé, mà trở thành toàn thể vũ trụ, một với sự sống.
Osho cũng giải thích rằng trên con đường này, người ta không cần nỗ lực thay đổi thế giới xung quanh. “Bạn vẫn ở trong thế giới, nhưng thế giới không chạm được đến bạn. Ngược lại, sự hiện diện của bạn, cái đẹp, và sự duyên dáng của bạn sẽ ảnh hưởng đến thế giới một cách tự nhiên.” Sự trống rỗng không phải là sự mất mát, mà là cánh cửa để đón nhận sự vô biên. Đó là lúc con người thôi tìm kiếm bên ngoài và nhận ra rằng không phải giọt sương biến mất trong đại dương, mà chính đại dương biến mất trong giọt sương.
Con đường chiều đứng không dành cho những tâm trí khép kín, nhưng với những trái tim cởi mở, nó mang đến sự hòa hợp với vũ trụ. Trong sự trống rỗng, chúng ta tìm thấy niềm vui thuần khiết, nơi những giới hạn tan biến, và sự tồn tại trở thành một bài ca bất tận.
HÀNH TRÌNH NỘI TÂM VÀ THÔNG ĐIỆP GIÁC NGỘ CỦA OSHO
Osho từng nhấn mạnh rằng, khi con người bước sâu vào bên trong nội tâm, thông qua thiền định hay sự tỉnh thức, một “bước nhảy lượng tử” có thể xảy ra. Đây không chỉ là một sự thay đổi nhỏ, mà là một chuyển hóa toàn diện. Trong khoảnh khắc đó, chúng ta chạm đến những giá trị thiêng liêng nhất của cuộc sống: sự tĩnh lặng, tình yêu chân thật, lòng trắc ẩn và niềm hân hoan sâu thẳm. Osho miêu tả trạng thái này bằng những hình ảnh rất đẹp: “Bạn trở thành một cơn mưa rào, một phúc lành cho thế giới.”
Trong trạng thái ấy, cái “tôi” nhỏ bé không còn tồn tại. Con người, khi ấy, không còn tách rời mà hòa quyện vào dòng chảy bất tận của sự sống. Họ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, rằng mình không chỉ là chính mình, mà còn là tất cả. Họ “là một với người khác, là một với chim muông, cây cối, sỏi đá, là một với sự hiện hữu.” Osho gọi đây là sự giác ngộ – trạng thái tối thượng mà mỗi người đều có thể đạt được nếu biết quay về với bản chất thật sự của mình.
Đáng chú ý, ông không giới hạn sự trưởng thành tâm linh của con người trong một kiếp sống duy nhất. Với Osho, tuổi tác hay thậm chí cái chết cũng chỉ là những hình thức bề ngoài, những “giai đoạn chuyển tiếp” trong hành trình bất tận của tâm thức. Quan điểm này mở ra một cái nhìn rộng lớn, rằng sự tồn tại không phải chỉ là một đường thẳng từ sinh ra đến mất đi, mà là một vòng tuần hoàn sâu sắc, nơi mỗi trải nghiệm đều là một phần của sự tiến hóa tinh thần.
Đặc biệt, niềm tin của Osho về chính bản thân mình cũng phản ánh rõ tư tưởng này. Ông khẳng định: “Theo như tôi biết, tôi chưa bao giờ là một đứa trẻ, chưa bao giờ là một thiếu niên, chưa bao giờ già đi và sẽ không bao giờ chết. Tôi chỉ biết có một thứ bên trong tôi, một thứ vĩnh cửu và tuyệt đối không thay đổi.” Đây không chỉ là một tuyên bố, mà còn là lời nhắc nhở rằng sâu thẳm trong mỗi con người cũng tồn tại một phần “vĩnh cửu” như thế, nếu chúng ta chịu lắng nghe và nhận ra.
Những lời dạy của Osho, dù mang màu sắc tâm linh, vẫn thấm đẫm giá trị nhân văn. Ông không chỉ nói về một thế giới bên ngoài, mà hướng chúng ta về hành trình bên trong – nơi tất cả vẻ đẹp, ý nghĩa và sự sống đều hiện diện trọn vẹn.
TỈNH THỨC VÀ NHẬN THỨC TỪ TRÁI TIM
Osho dẫn dắt chúng ta vào một hành trình sâu lắng để khám phá sự tỉnh thức trong từng khía cạnh của đời sống nội tâm. Ông bắt đầu từ bước nhận biết về tâm trí – một không gian đầy chuyển động, nơi dòng chảy ý nghĩ cuốn con người đi xa khỏi hiện tại. Osho nhấn mạnh: “Khi bạn trở nên nhận biết về tâm trí, bạn ở trong ngạc nhiên lớn lao hơn. Bạn càng trở nên nhận biết hơn, càng ít ý nghĩ di chuyển theo rãnh.” Nói cách khác, sự tỉnh thức và ý nghĩ tồn tại tỷ lệ nghịch với nhau. Ông giải thích thêm: “Khi bạn có một trăm phần trăm ý nghĩ, thì không có nhận biết. Nếu bạn có một phần trăm nhận biết, chỉ còn chín mươi chín phần trăm ý nghĩ… Khi bạn là một trăm phần trăm nhận biết, tâm trí trở thành tuyệt đối im lặng.”
Bước tiếp theo, Osho khuyến khích chúng ta hướng nhận biết vào trái tim – nơi trú ngụ của cảm xúc, tâm trạng, và những xúc động tinh tế. Ông chỉ ra rằng khi ánh sáng nhận thức chạm đến trái tim, một sự biến đổi kỳ diệu xảy ra: “Tất cả những cái tốt đều phát triển và tất cả những cái xấu bắt đầu biến mất. Tình yêu phát triển, căm ghét biến mất. Từ bi phát triển, giận dữ biến mất. Chia sẻ phát triển, tham lam biến mất.” Nhận thức về trái tim giúp chúng ta giải phóng khỏi những ràng buộc tiêu cực, đồng thời nuôi dưỡng những phẩm chất cao đẹp.
Khi nhận thức ở trái tim đạt đến mức trọn vẹn, một bước nhảy lượng tử diễn ra. Osho miêu tả: “Bước nhảy lượng tử xảy ra theo cách riêng của nó. Từ trái tim, bạn bỗng nhiên thấy bản thân mình trong sự hiện hữu của mình, tại chính trung tâm.” Ở đó, sự nhận biết không còn đối tượng, chỉ còn lại chính sự nhận biết – trạng thái thuần khiết tối thượng mà ông gọi là giác ngộ.
Đó là lúc con người chìm sâu vào tĩnh lặng tuyệt đối. “Khi bạn trở nên nhiều nhận biết hơn thì không có năng lượng sẵn có cho ý nghĩ; chúng chết đi. Khi bạn là một trăm phần trăm nhận biết, tâm trí trở thành tuyệt đối im lặng. Đó là lúc đi vào tĩnh lặng sâu hơn.” Đây chính là đích đến, nơi sự im lặng không còn là sự vắng mặt của âm thanh, mà là bản chất chân thực của tâm hồn. Và đây chính là quyền hành động của bạn. Nếu bạn lỡ bước, thì không ai khác ngoài chính bạn phải chịu trách nhiệm. Đừng tìm kiếm sự đổ lỗi hay hỗ trợ từ bên ngoài, vì cuối cùng, con đường này chỉ bạn mới có thể bước đi.
Khởi đầu có thể khó khăn, nhưng khi đã bắt đầu, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Như câu ngạn ngữ xưa: \"Bước đầu tiên gần như toàn bộ hành trình.\" Nghĩa là, bước đi đầu tiên có thể khiến bạn lưỡng lự, nhưng một khi bạn đã vượt qua, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn rất nhiều. Cuộc hành trình không phức tạp như bạn nghĩ, nó chỉ đòi hỏi sự dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu.
Tóm tắt bởi: Châu Ngọc - Bookademy
Hình ảnh: Thuỳ Trang - Bookademy