Giữa những bức tường cổ kính của cung điện nước Pháp thế kỷ 16, nơi những lời thề trung thành dễ dàng bị phản bội và những âm mưu luôn ẩn mình trong bóng tối, có một kẻ khoác lên mình bộ trang phục rực rỡ, cất tiếng cười giễu cợt nhưng lại sở hữu đôi mắt tinh tường hơn bất kỳ ai. Người ta gọi hắn là gã hề - một kẻ mua vui cho nhà vua nhưng cũng chính là kẻ nhìn thấu mọi mưu đồ phản trắc. Khi ngai vàng của Henri III lung lay bởi những âm mưu của chính em trai mình - Công tước d’Anjou, khi những cuộc chiến trong bóng tối diễn ra không ngừng giữa những thế lực đối lập, chỉ có một số ít người dám cười vào trò chơi quyền lực này mà vẫn đủ khôn ngoan để sống sót. Và trong những bi kịch chốn hoàng cung, không chỉ có những kẻ tranh quyền đoạt vị mà còn có những con người bị cuốn vào dòng xoáy của tham vọng mà không hay biết. Cuối cùng, trong trò chơi nguy hiểm này, ai sẽ là kẻ chiến thắng? Ai sẽ là con tốt thí? Và ai sẽ là người cười đến giây phút cuối cùng?
I. Sơ lược về tác giả
Alexandre Dumas (cha) (1802–1870) là một trong những tiểu thuyết gia và nhà viết kịch vĩ đại nhất của Pháp, nổi tiếng với những tác phẩm phiêu lưu lịch sử đầy kịch tính. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết bất hủ như Ba Người Lính Ngự Lâm, Bá Tước Monte Cristo, Nữ Hoàng Margot, và Gã Hề Chicot.
Sinh ra tại Villers-Cotterêts, Pháp, là con trai của một vị tướng trong quân đội Napoleon. Mặc dù Alexandre Dumas có xuất thân khiêm tốn, ông nhanh chóng nổi danh nhờ tài năng kể chuyện hấp dẫn và phong cách viết sinh động. Ông thường hợp tác với các trợ lý văn học, đặc biệt là Auguste Maquet, để sáng tác nhiều tác phẩm có độ dài và chiều sâu lịch sử đáng kể.
II. Tác phẩm
Gã Hề Chicot là một tiểu thuyết của Alexandre Dumas, tiếp nối Nữ Hoàng Margot, lấy bối cảnh nước Pháp dưới thời trị vì của Henri III (thế kỷ 16). Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Chicot, một gã hề nhưng thực chất là cố vấn trung thành và giỏi giang của vua Henri III. Ông vừa thông minh, hài hước, vừa mưu trí, giúp nhà vua thoát khỏi nhiều âm mưu chính trị nguy hiểm. Song song đó là câu chuyện về Bussy d’Amboise, một hiệp sĩ dũng cảm nhưng bị cuốn vào cuộc tình ngang trái với Diana de Méridor, người bị Công tước d’Anjou cưỡng đoạt.
Trong bối cảnh nước Pháp đầy rẫy âm mưu, xung đột giữa phe phái hoàng gia và Công tước d’Anjou ngày càng căng thẳng. Chicot, với tài trí sắc bén, đã vạch trần nhiều mưu đồ phản loạn và bảo vệ nhà vua. Tuy nhiên, câu chuyện lại mang màu sắc bi kịch khi tình yêu của Bussy và Diana gặp nhiều trắc trở và rồi lại kết thúc trong đau thương. Đây thực sự là một câu chuyện có sự kết hợp giữa chính trị, âm mưu và bi kịch tình yêu, phản ánh một giai đoạn đầy biến động của lịch sử Pháp.
Xung đột cung đình và sự căng thẳng giữa các phe phái
Câu chuyện mở ra vào buổi tối một ngày chủ nhật năm 1578, trong bối cảnh một bữa tiệc xa hoa tại lâu đài Montmorency – nơi vừa được gia tộc Montmorency xây dựng và được xem là ngang hàng với hoàng gia. Thế nhưng, bữa tiệc này vốn là để chúc mừng hôn lễ giữa François d’Epinay de Saint-Luc và Jeanne de Crossé-Brissac, lại không diễn ra trong không khí hoàn toàn vui vẻ. Những ai tinh ý đều nhận thấy sự bất thường ngay từ ánh mắt của vua Henri III – một ánh nhìn không mang theo sự chúc phúc mà thay vào đó là sự lạnh lẽo đầy khó chịu. “Yến tiệc trước đó đã diễn ra tại cung điện Louvre, và đức vua, người phải thuyết phục khó khăn lắm mới chịu đồng ý cho cuộc hôn nhân này, đã hiện diện với vẻ mặt lạnh lùng nghiêm nghị như đưa đám.”. Không chỉ ánh mắt, mà ngay cả trang phục của ông cũng như một sự phản chiếu của tâm trạng với bộ đồ màu hạt dẻ tối mà Clouet từng vẽ ông trong đám cưới của Joyeuse. Tất cả những điều đó khiến không khí bữa tiệc trở nên gượng gạo. Tiểu thư Jeanne – người lẽ ra phải là trung tâm của sự kiện, cô cũng không giấu được sự lo lắng trước thái độ của nhà vua. Cô khẽ hỏi chồng: “Đức vua giận chàng đấy ư?” và chỉ nhận lại một câu trả lời lửng lơ: “Ta sẽ giải thích với nàng sau, bạn đời xinh đẹp à, chờ cơn giận ấy qua đã.” Nhưng cơn giận ấy liệu có thực sự qua đi? Saint-Luc biết rõ tính khí của Henri III và chàng hiểu rằng sự tức giận của ông ta không dễ dàng mà tan biến.
Không chỉ có nhà vua, Công tước d’Anjou – em trai ông, cũng vắng mặt. Điều này lại càng làm gia tăng sự lo ngại của những người tham dự. Công tước d’Anjou luôn là một thế lực đối đầu ngấm ngầm với vua anh và hắn ta có một mạng lưới thân tín sẵn sàng lao vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Giữa hai phe là nhóm sủng thần của vua và những kẻ trung thành với Công tước d’Anjou luôn xuất hiện căng thẳng âm ỉ. “Tay chân của ông và tâm phúc của nhà vua luôn trong trạng thái hằm hè lẫn nhau nên ẩu đá là chuyện diễn ra thường xuyên, mỗi tháng thường là đôi ba lần, mỗi lần như vậy hiếm khi nào kết thúc mà chẳng có dăm ba người chết hoặc trọng thương.”. Đó không còn là những cuộc tranh cãi cung đình đơn thuần mà là những trận chiến thực sự, nơi mà sinh mạng có thể bị lấy đi chỉ vì một lời nói hay một ánh mắt sai chỗ.
Saint-Luc, dù cố tỏ ra bình thản, vẫn không giấu được sự bồn chồn khi thấy nhà vua chưa đến. Còn cha vợ chàng thì càng lo lắng hơn. Ông từng nghĩ rằng việc gả con gái cho một cận thần thân tín của nhà vua sẽ là một quyết định khôn ngoan, nhưng giờ đây, khi thấy sự im lặng đáng sợ từ phía hoàng gia, ông bắt đầu hoang mang. “Quý ông đáng thương, giờ thì mình tin chắc là cậu khốn đốn đến nơi rồi. Đức vua tức giận vì cậu không chịu nghe theo lời khuyên của ngài, còn Monsieur d’Anjou nổi đóa bởi cậu đã cười vào mũi ông ta.” Những lời chế giễu của đám sủng thần nhà vua chỉ càng làm Saint-Luc thêm bất an. Cuối cùng, Henri III cũng xuất hiện, nhưng không phải với vẻ giận dữ như trước đó, mà trong bộ cánh xa-tanh rực rỡ, lông vũ và hạt xoàn. Đó thực sự là một sự đối lập hoàn toàn với hình ảnh u ám lúc đầu. Nhưng bất ngờ hơn nữa là ngay khi nhà vua tiến vào, từ cánh cửa đối diện lại xuất hiện một Henri III thứ hai. Đám triều thần vừa lao đến nghênh đón người này lại giật mình quay đầu nhìn sang người kia. Cả khán phòng im lặng trong giây lát trước khi bật lên những tiếng cười – hóa ra đó chỉ là Chicot, gã hề của vua và cũng là kẻ luôn có cách khiến cả cung đình phải bối rối. Saint-Luc không mấy ngạc nhiên trước trò đùa này nhưng chàng lại càng cảm thấy bất an. Henri III có thể cười, có thể tỏ ra vui vẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã quên đi những gì đã xảy ra. Chicot, dù mang danh là gã hề nhưng thực tế lại có một sự tự do mà không phải ai cũng có được. Hắn có thể châm biếm quyền lực, có thể chế giễu cả nhà vua mà vẫn an toàn. Nhưng đối với những kẻ khác trong cung đình, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến họ mất mạng. Giữa không khí náo nhiệt của bữa tiệc, giữa những nụ cười và điệu nhảy, có lẽ chỉ Saint-Luc mới thực sự nhận ra rằng “đức vua có mặt ta còn sợ hơn là vắng mặt, bởi ta còn chưa rõ ông ấy đến để giở trò chơi ác gì đây.”. Và chàng biết, đằng sau những nụ cười kia là những âm mưu đã bắt đầu được dệt nên.
Một gã hề không chỉ để mua vui
Nếu như Henri III là trung tâm của những mưu tính cung đình thì Chicot lại là kẻ đứng ngoài quan sát tất cả nhưng đồng thời cũng là người khéo léo điều khiển cuộc chơi bằng những lời lẽ sắc bén của mình. Gã hề này không chỉ đơn thuần là một kẻ mua vui cho hoàng gia mà còn là nhân vật có cái nhìn thấu suốt mọi sự kiện đang diễn ra. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện, Chicot đã khiến cả triều thần bối rối khi ăn mặc giống hệt nhà vua, khiến họ hoang mang không biết đâu mới là vua thật. “Ngay khi đức vua tiến vào qua cánh cửa phía bên này thì ở phía cánh cửa đối diện lại xuất hiện thêm một ông Henri III nữa, áo quần giống hệt ông thứ nhất, khiến cho đám triều thần vừa xô nhau chạy ra đón ông thứ nhất đã phải quay đầu nhìn sững ông thứ hai.”. Đó không chỉ là một trò đùa mà còn là một cách để Chicot châm biếm tình thế hiện tại của nước Pháp - nơi mà ngay cả quyền lực tối cao cũng có thể bị bỡn cợt.
Henri III thay vì nổi giận thì lại bật cười. Dưới triều đại của ông, Chicot có một vị trí đặc biệt, giống như Triboulet dưới thời François I hay Langely dưới thời Louis XIII. Nhưng Chicot không chỉ là một gã hề đơn thuần. Thực chất, hắn từng là một quý tộc xứ Gascogne, có xuất thân cao quý và không hề kém cỏi so với những người đang có mặt trong bữa tiệc. Chính vì thế, hắn không ngại dùng sự châm biếm để đả kích bất kỳ ai, kể cả Henri III. Khi nhà vua tỏ ra ngạc nhiên vì sự táo bạo của hắn, Chicot chỉ nhún vai đáp lại một cách mỉa mai: “Thế thì, để thần tiếp tục đóng vai vua đi vậy, còn bệ hạ thủ vai Công tước d’Anjou; có khi người ta sẽ nhầm ngài là ông ấy và nhờ đó mà ngài biết được đôi điều gì đấy về việc làm của ông ấy không chừng.”. Những lời nói của Chicot, dù mang vẻ hài hước nhưng lại ẩn chứa một sự thật trần trụi. Henri III dù là vua nhưng lúc nào cũng bị cái bóng của em trai mình đe dọa. Công tước d’Anjou là kẻ luôn âm thầm chống đối nhà vua và trong nhiều trường hợp, chính những người thân cận của Henri III cũng không biết chắc ai mới là người thực sự nắm quyền. Khi Chicot đề nghị đổi vai với nhà vua, đó không chỉ là một trò đùa mà còn là một sự châm biếm sâu cay về thực trạng của triều đình.
Không dừng lại ở đó, Chicot còn là người đầu tiên lên tiếng chế giễu Bussy d’Amboise, một trong những kẻ trung thành với Công tước d’Anjou. Khi Bussy bước vào phòng tiệc, giữa đám đông rực rỡ xa hoa, hắn lại mặc một bộ lễ phục đơn giản bằng vải nhung đen, hoàn toàn tương phản với những kẻ xung quanh. Chicot ngay lập tức tận dụng cơ hội này để công kích: “Ta đã ra sắc lệnh hạn chế xa hoa lãng phí; nhưng nếu chưa đủ thì ta sẽ còn ra tiếp, nếu không đủ sức răn đe thì ít ra cũng tăng được tần suất nhắc nhở. Nhân danh cái sừng của Beelzebub, những sáu tên thị đồng, này Monsieur de Bussy, thế là quá nhiều đấy.”. Những lời lẽ có vẻ vô thưởng vô phạt này thực chất là một lời khiêu khích, là một cách để nhắc nhở mọi người rằng Bussy không giống ai ở đây, rằng hắn là một kẻ thách thức quy tắc của cung đình.
Nhưng Chicot không chỉ dừng lại ở việc trêu chọc, hắn còn khéo léo đẩy xung đột lên cao hơn. Khi Henri III phớt lờ Bussy và quay lưng đi, đám sủng thần của vua lập tức bật cười chế giễu. Nhưng thay vì phản ứng trực tiếp, Bussy lại quyết định đáp trả theo cách riêng của mình. Hắn tiến thẳng về phía Chicot và nói: “Có những vị vua trông quá giống hề, nên mong ngài miễn tội cho thần vì thấy hề lại ngỡ đấy là vua.” Một câu nói đầy ẩn ý, không chỉ xúc phạm Chicot mà còn gián tiếp ám chỉ rằng ngay cả Henri III cũng không khác gì một gã hề. Lời nói này lập tức khiến cả phòng tiệc im lặng trong giây lát, rồi nhanh chóng biến thành một cuộc đối đầu ngầm giữa hai phe. Các sủng thần của nhà vua ngay lập tức xáp lại gần Henri III, như thể chuẩn bị bảo vệ ông khỏi sự xúc phạm của Bussy. Còn Bussy, dù chỉ có một mình, vẫn giữ nguyên thái độ kiêu ngạo, không hề nao núng. Sự xuất hiện của Chicot ban đầu tưởng như chỉ để tạo ra tiếng cười nhưng thực chất, hắn đã vô tình đẩy cuộc chiến giữa hai phe đến gần hơn bao giờ hết. Henri III dù đã quen với những lời châm biếm của Chicot nhưng lần này, ông không thể không cảm thấy khó chịu.
Chicot có thể là một gã hề, nhưng hắn không phải là một kẻ ngốc. Hắn hiểu rằng mình không thể can thiệp quá sâu vào những âm mưu cung đình. Đồng thời, hắn cũng biết rằng nếu muốn sống sót, hắn phải luôn giữ mình ở thế trung lập. Vì thế, sau khi khơi mào xung đột, hắn nhanh chóng rút lui và tiếp tục đóng vai trò của một kẻ ngoài cuộc. Nhưng đối với những kẻ còn lại trong phòng tiệc, những lời lẽ của hắn đã để lại một vết nứt mà không ai có thể xóa bỏ.
Cuộc đối đầu ngầm và sự kiện dẫn đến cao trào
Sau những lời châm biếm của Chicot và màn đối đầu ngầm giữa Bussy cùng phe sủng thần của nhà vua, không khí buổi tiệc tuy vẫn náo nhiệt nhưng đã bắt đầu chuyển hướng căng thẳng. Những nụ cười dần trở nên gượng gạo, những ánh mắt dò xét nhiều hơn và giữa những điệu vũ xa hoa, một cuộc chiến thực sự đang được âm thầm sắp đặt. Bussy - kẻ vừa thách thức nhà vua, không phải là một kẻ ngu ngốc và hắn nhận thấy rất rõ những ánh mắt dõi theo mình, đặc biệt là từ những kẻ thân cận với Henri III. Nhưng thay vì e ngại, hắn vẫn giữ vẻ mặt ngạo nghễ, thậm chí còn tiếp tục khiêu khích đối phương. Khi Schomberg chế nhạo bộ trang phục đen đơn giản của hắn, Bussy chỉ nhún vai và đáp trả đầy ẩn ý: “Vì chúng ta sống vào cái thời mà đầy tớ ăn vận như ông hoàng, thiết tưởng ông hoàng mặc áo giống đầy tớ âu cũng là thị hiếu tốt.”. Một câu nói tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại như một nhát dao cứa thẳng vào lòng tự tôn của những kẻ đứng đầu triều đình. Henri III dù cố giữ vẻ ngoài điềm tĩnh nhưng sâu trong lòng, ông không thể bỏ qua sự xúc phạm này. Những cận thần của ông - Quelus, Maugiron, Schomberg, d’O và d’Epernon - nhìn nhau, như thể vừa ngầm hiểu một điều gì đó. Bussy d’Amboise là một kẻ giỏi kiếm thuật, một chiến binh thiện nghệ nhưng dù có mạnh mẽ đến đâu, hắn vẫn chỉ có một mình. Còn họ, là năm người, là những kẻ trung thành tuyệt đối với Henri III. Nếu nhà vua không thể trực tiếp ra tay thì họ sẽ thay ông làm việc đó. Và thế là, trong khi những vũ điệu vẫn tiếp diễn, giữa những lời chúc tụng và tiếng cười giả tạo, một kế hoạch ám sát đã được lặng lẽ vạch ra.
Không ai để ý rằng, ở một góc phòng, Saint-Luc đang dõi theo tất cả. Chàng hiểu rõ những kẻ thân cận của nhà vua, và chàng biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những lời nói của Bussy không thể không mang đến hậu quả. Và khi nghe đám sủng thần của Henri III bàn bạc về một “cuộc đi săn lợn rừng”, chàng lập tức hiểu được ý nghĩa thực sự của nó. “Con lợn rừng” mà họ muốn săn không ai khác chính là Bussy d’Amboise. “Mình muốn nói các cậu hay, rằng sau buổi khiêu vũ mình sẽ lập tức đi săn.” – “Săn gì thế?” – “Lợn rừng.” Cuộc đối thoại tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, nhưng thực chất lại là một lời tuyên chiến. Saint-Luc dù là một cận thần của vua nhưng chàng không phải là kẻ máu lạnh. Chàng biết rằng nếu để cuộc phục kích này diễn ra, Bussy chắc chắn sẽ chết. Và thế là bất chấp nguy cơ có thể làm mất lòng Henri III, chàng quyết định cảnh báo cho Bussy. Khi buổi tiệc kết thúc, giữa những lời tạm biệt và những cái bắt tay giả tạo, Saint-Luc kéo Bussy lại, thấp giọng nói: “Nếu có cuộc hẹn gì đấy vào khuya nay, tốt nhất ngài nên hoãn lại, bởi phố xá dạo này không an toàn, và nhất là hãy tránh xa dinh thự Tournelles, vì ở đấy có một hõm khuất mà nhiều người có thể náu mình chực sẵn.” Một lời cảnh báo không rõ ràng, nhưng đủ để một người thông minh như Bussy hiểu rằng có kẻ đang muốn giết hắn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Bussy không phải là kẻ sẽ bỏ chạy. Hắn có thể biết rõ nguy hiểm đang chờ mình, nhưng thay vì tránh né, hắn lại quyết định đối mặt. Với bản tính ngạo nghễ và lòng tự tôn của một chiến binh, Bussy thậm chí còn cười nhạt trước lời cảnh báo của Saint-Luc. Hắn không hề hoảng sợ mà còn xem đó là một thử thách: “Cảm ơn về lộ trình của ngài nhé, Monsieur de Quelus, chắc chắn tôi sẽ theo đúng như thế.”. Một lời nói đầy thách thức, như thể hắn đã sẵn sàng nghênh chiến.
Về phần Henri III, ông không tham gia trực tiếp vào kế hoạch ám sát này nhưng điều đó không có nghĩa là ông không biết. Khi buổi tiệc kết thúc, ông chậm rãi khoác chiếc áo choàng lông chồn, đeo mặt nạ vải nhung rồi bước lên kiệu rời đi. Nhưng trước khi đi, ông cố tình giữ Saint-Luc lại bên mình, buộc chàng phải theo ông về Louvre. “Bằng hữu của ta toàn phường vô tích sự, chạy hết cả bỏ lại ta một mình trở về Louvre. Ta sẽ tính sổ với bọn họ, còn khanh không thể bỏ ta một mình được.”. Jeanne - vợ của Saint-Luc, chỉ có thể bất lực nhìn chồng bị đưa đi. Cô không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng linh cảm mách bảo rằng có điều gì đó không ổn. Nàng quay sang cha mình nhưng Thống chế de Brissac cũng không thể làm gì khác. Khi họ phái người đến Louvre để đón Saint-Luc về, họ chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng từ viên đội trưởng lính canh: “Có đợi thêm nữa cũng vô ích, sẽ không có ai được phép rời Louvre khuya nay; bệ hạ bây giờ đã ngon giấc.”. Henri III có thể đã ngủ yên nhưng bên ngoài cung điện lại là một cuộc săn thực sự đã bắt đầu. Và khi bóng đêm bao phủ Paris, khi những con phố chìm trong sự tĩnh lặng đáng sợ, Bussy d’Amboise bước ra khỏi buổi tiệc, tiến thẳng về phía định mệnh của mình. Hắn không biết liệu mình có sống sót hay không nhưng hắn biết chắc một điều, rằng: nếu phải chết, hắn sẽ chết như một chiến binh, chứ không phải như một con mồi yếu ớt.
III. Cảm nhận cá nhân
Gã Hề Chicot là một quyển tiểu thuyết hấp dẫn nhưng có phần phức tạp, bởi nó không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu đơn thuần mà còn đậm chất chính trị, âm mưu và đấu tranh quyền lực. Alexandre Dumas tiếp tục khai thác giai đoạn lịch sử nước Pháp dưới triều đại Henri III, thời kỳ rối ren với những tranh đấu nội bộ giữa vua và Công tước d’Anjou.
Điểm đặc sắc nhất của tác phẩm là nhân vật Chicot - một gã hề không đơn thuần chỉ để mua vui mà thực chất là một trí giả sắc sảo, trung thành và cực kỳ thông minh. Chicot không chỉ mang lại tiếng cười mà còn là người có tầm nhìn xa trông rộng, giúp nhà vua đối phó với những âm mưu nguy hiểm. Điều này khiến nhân vật trở nên độc đáo và cuốn hút, không giống với những nhân vật thường thấy trong tiểu thuyết lịch sử.
Nhìn chung, Gã Hề Chicot là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc đối với những ai yêu thích văn học lịch sử và phong cách phiêu lưu của Alexandre Dumas. Tuy không nổi tiếng bằng Ba Người Lính Ngự Lâm hay Bá Tước Monte Cristo, nhưng tác phẩm vẫn mang đầy đủ những yếu tố làm nên thương hiệu của ông, đó là: gay cấn, hấp dẫn, đậm chất chính trị và lịch sử. Nhưng nếu mong chờ một câu chuyện phiêu lưu thuần túy, một quyển tiểu thuyết có nội dung thông thường hoặc một kết thúc có hậu, có thể sẽ thấy tác phẩm này có cốt truyện hơi rườm rà, phức tạp và có phần nặng nề.