ĐĂNG KÝ
×

Liên hệ với chúng tôi

[Tóm Tắt Và Review Sách] \"Cao Nguyên Trước Mùa Tuyết\": Tiếng Gọi Đồng Vọng Từ Những Miền Trời Cổ Tích

Những truyện đồng thoại của Ogawa Mimei kết thành mạng lưới, giăng kín và bảo vệ thế giới tuổi thơ nhiệm màu. Thế nhưng khi nhìn ở góc độ cá nhân hơn, thì đó cũng là tiếng nói nội tâm và những phản kháng của nhà văn đối với những bi kịch bất di bất dịch của cuộc đời. 


1. Andersen của Nhật Bản

Văn học Nhật Bản trong và sau Minh Trị trải qua nhiều cuộc thay máu và biến đổi mạnh mẽ, với bằng chứng là hàng loạt những tên tuổi lớn đi cùng với thời gian mà độc giả chúng ta ngày nay mãi còn nhớ tên, như Mori Ogai, Dazai Osamu, Natsume Soseki và Akutagawa Ryūnosuke. Và nói riêng về mảng văn học thiếu nhi trong thời kỳ này, cũng có một lịch sử thú vị. 


Sự giao thoa thường đem đến phần nhiều những sự bất ngờ, còn với văn chương, lại có những hạnh ngộ mang đến nhiều hơn là sự bất ngờ. Đó là vào năm 1901 khi Mori Ogai ra mắt bản dịch tác phẩm The Improvisatore của Hans Christian Andersen, sự kiện này đã trở thành tiền đề cảm hứng cho trào lưu sáng tác văn học thiếu nhi trong nước. Từ đây, văn học nhi đồng - từ chỗ chỉ đơn thuần là một đề tài tự do, ít được nhắc đến - đã nhận được sự chú ý với vị thế như một phần của văn học truyền thống. Kết quả là những tên tuổi trứ danh đã trở thành bậc thầy với những sáng tác về tuổi thơ, như Miyazawa Kenji  - cha đẻ Chuyến Tàu Đêm Trên Dải Ngân Hà và Kansuke Naka - tác giả Chiếc Thìa Bạc


Một trong những cái tên nổi bật ra đời từ bối cảnh là Ogawa Mimei. 


Được mệnh danh là “người cha của văn học thiếu nhi Nhật Bản” hay “Andersen của Nhật Bản”, Ogawa Mimei là một trong những cái tên trứ danh phải nhắc đến khi nói về mảnh văn học nhi đồng, đặc biệt ở mảng truyện đồng thoại. Sớm nảy sinh niềm đam mê viết vào những năm còn là sinh viên đại học, ông đã đặt bút viết những tác phẩm đầu tay ở tuổi rất trẻ, để rồi đến năm 1926, ông đã định hình sự nghiệp của mình và chuyển hẳn sang lĩnh vực sáng tác cho trẻ em. 


Nổi tiếng với biệt tài viết truyện đồng thoại - những sáng tác có bối cảnh là thần thoại và truyền thuyết, nhưng đã thoát thai để thành những câu chuyện độc lập - đã trở thành kinh điển, Ogawa Mimei thường được so sánh với Miyazawa Kenji. Văn chương của của Ogawa Mimei thiên về phong cách viết truyện như không có chuyện, viết về nỗi buồn bàng bạc nhưng chan chứa chất thơ, và bản thân ông cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho lối viết siêu thực, phá cách trong xử lý những hình tượng truyền thống. 


2. Những giấc mộng con 

Khi cầm trên tay cuốn Cao Nguyên Trước Mùa Tuyết thì trái tim tôi đã gợi lên một cảm giác hoài niệm rất kỳ lạ. Và tôi thầm nhủ: tác giả hẳn là một người bạn lớn. Bởi lẽ, có thể ví các sáng tác của Ogawa Mimei giống như những khung cửa từ ngôi nhà kín nhìn ra thế giới. Khung cửa sổ bao năm vẫn nằm đó, tưởng chừng vô tri. Thế nhưng, nó âm thầm lưu lại điều cốt tuỷ nhất của của mỗi gia đình, dưới ánh đèn của mỗi buổi đêm: những giờ kể chuyện ru ngủ. 


Thật vậy, nếu có gì để nhớ nhất về những câu chuyện trong tập sách của Ogawa Mimei thì đó chỉ có thể là tính truyền miệng của nó. Sự truyền miệng truyền thống, giản đơn, không cầu kỳ, dễ tiếp nhận và cũng dễ gợi cảm xúc. Nó ghi dấu nụ cười hạnh phúc của đứa trẻ khi được nghe kể truyện, nó đóng khung cái cảm giác đê mê, sung sướng khi lần đầu được tiếp xúc với một thế giới tưởng tượng xa lạ, kỳ thú được hình thành từ những lời kể êm như tiếng ru. Thế giới ngoài căn phòng nhỏ của mình ra sao? Nó trông như thế nào? Có gì thú vị? Có gì để để chơi và có gì để ngắm?... Thế giới tưởng tượng qua bàn tay của Ogawa Mimei hiện lên từa tựa bức tranh cổ tích, vừa ru ngủ những đứa trẻ trên những giấc mộng con, vừa khéo léo chuẩn bị cho chúng những hành trang trưởng thành cho những thử thách sắp tới, mà rất có thể chúng sẽ sớm nhận ra thế gian đâu chỉ có mỗi nụ cười là điều tồn tại duy nhất. 


Nói về cốt truyện, lại một sự bất ngờ lớn. Phong cách của Ogawa Mimei thiên về tính cô đọng, súc tích. Ông viết những câu chuyện rất ngắn và biết đánh thông điệp vào chỗ cần đánh, nói điều cần nói, tránh sự tìm tòi quá sâu, quá phức tạp. 


“Dĩ nhiên là vậy. Cá chép sống trong ao lớn hoặc ở sông nhiều năm. Cá chép nghe tiếng nước chảy bên bờ sông mà hoài niệm về dòng nước chảy xiết. Nó cũng nhớ về cố hương với những ao hồ xanh thăm thẳm như gương phản chiếu bóng cây. Tuy nhiên, nó chẳng thể làm gì khi bị mắc kẹt trong bể cá. Hơn nữa, đã nhiều ngày kể từ khi nó bị bắt, khi bị mang đi hết nơi này đến nơi khác, cơ thể nó đã trở nên yếu ớt, không còn sung sức như trước nữa.”


Chiếm phần lớn tập sách là rặt những cuộc trò chuyện phiếm giữa con người và các loài vật, giữa các loài vật được nhân hoá lên về quan điểm sống, về sự khác biệt giữa các loài. Theo tôi đây có thể cho là những truyện đượm vị nhân sinh nhất khi Ogawa có thể cô đọng rất nhiều triết lý sống mà không lậm giáo điều. Cũng bằng cách mượn lời nhân vật, Ogawa cũng vô tư mà “vịnh”, mà giễu thực tế khắc nghiệt xung quanh một cách khôi hài. Một chiếc thùng cũng có thể tự cất lên nỗi niềm về cái lạnh khi tuyết rơi phủ đầy lên lớp da kim loại, và những chú cáo nhỏ sẽ kể cho bạn niềm vui thích khi vờn đuổi bạn tình dưới những cây mimosa. Những chuyện buồn từ những thiên sứ trên hộp kẹo đem đến những giọt nước mắt còn khoảnh khắc tất cả cùng mơ về giấc mơ “gặp Chúa” thì thật khoáng đạt, phước lành… 


Có những câu chuyện là chuyến phiêu lưu năm châu bốn bể và chỉ dừng lại giữa chừng… khi cảm thấy nhớ nhà. Mimei thường khởi đầu những câu chuyện của mình bằng sự xuất hiện tình cờ của một lữ khách, một sinh vật kỳ lạ hoặc một ý định phiêu du bất chợt. Đôi khi ông còn “chơi lớn” bằng cách mở đầu với “Ở một đất nước nọ…” nữa. Từ đây, qua góc nhìn của những nhà phiêu lưu nhỏ tuổi, vạn thắng cảnh sắc hiện lên đầy sắc màu và liên tục được soi chiếu đến từng cành cây, kẽ lá. Các điểm nhìn được luân phiên từ chính đến phụ, các đoạn tả cảnh cũng có sự chuyển biến liên tục từ núi đồi đến các rặng rừng, đến những tiếng cỏ cây lao xao và cả những giọt mồ hôi lấm tấm trên những gương mặt non nớt cũng không đứng ngoài tầm với con mắt quan sát sắc sảo của nhà văn. 


“Ong nhỏ đang đậu trên lá đỏ, chợt bay lên, đáp xuống cục than đá đang lại gần. Bởi nó đang nghĩ không biết vật thể màu đen, sáng bóng này là gì.


Than mỉm cười, im lặng dõi theo chuyển động của sinh vật nhỏ này. Ong ngửi mùi than và liếm nó bằng cái miệng nhỏ nhắn của mình, cố gắng sử dụng các giác quan nhỏ bé của bản thân để biết nó đến từ đâu. Tuy nhiên, ong vẫn không thể biết được.


Đường ray cũng biết rõ chú ong này. Vì sinh vật nhỏ bé, nhanh nhẹn với đôi cánh xinh đẹp này luôn bay từ bông hoa nọ sang bông hoa kia ở khu vực gần đây.”


Được phiêu du đến một chân trời khác, một thế giới ngoài vùng an toàn, đối với Ogawa, không đơn thuần chỉ là để thỏa mãn sự tò mò như cách chúng ta thường nghĩ. Bởi, giống như trong truyện Cao Nguyên Trước Mùa Tuyết, du hành cũng là hạnh ngộ, cũng là một sự kiếm tìm trong vô vọng một tấm chân tình trong cõi người mênh mông.


Theo lời dịch giả tiếng Nhật Nguyễn Nam Trân, Ogawa Mimei là một nhà văn theo đuổi phong cách viết truyện nặng tính tượng trưng t (Shôchô dôwa). Chịu ảnh hưởng các tác gia trường phái Tân lãng mạn (Neo-Romanticism) Anh, ông mượn lớp sương mờ của thế giới phi thực nhằm mô phỏng những góc khuất của thế giới thực. Giống như nhìn thấy những nhân ảnh nhảy múa qua lớp sương mờ, có những hiện thực trước mắt được Ogawa Mimei phơi bày ra trước mắt chúng ta, không chỉ với những hoài nghi, ngờ vực mà còn đâu đây là những nghi ngại, lo lắng không ngớt về bản chất của thế giới. 


“Lúc này người nông dân đã hối hận. Nếu đây là con bò già lúc trước thì anh ta đã không rơi vào cảnh như vậy. Và bản thân anh ta cũng chưa từng phải lo lắng đến thế. Anh ta chợt nghĩ tới con bò già đã từng cứu anh một lần trong đêm tuyết rơi tối mịt, nếu là nó chắc anh ta sẽ yên tâm để nó chở đứa trẻ. Anh ta vô cùng thấp thỏm.”


3. Nỗi buồn nhân thế

Những truyện đồng thoại của Ogawa Mimei kết thành mạng lưới, giăng kín và bảo vệ thế giới tuổi thơ nhiệm màu. Thế nhưng khi nhìn ở góc độ cá nhân hơn, thì đó cũng là tiếng nói nội tâm và những phản kháng của nhà văn đối với những bi kịch bất di bất dịch của cuộc đời. 


“Gió lạnh vẫn không ngừng thổi. Hải cẩu mẹ mất con, nhìn thứ gì cũng thấy thật đau lòng. Nhìn nước biển khi ấy còn xanh mà nay đã hóa thành sắc bạc, nhìn bông tuyết trắng khẽ rơi lên mình, lòng nó lại tràn ngập nỗi đau…”


Trong những sáng tác của mình, ngòi bút Ogawa Mimei có xu hướng vươn tới khái quát hiện thực đời sống thành một số triết lý có ý nghĩa giáo dục. Những triết lý này thường được đúc kết bởi những nhân vật kiểu mẫu của ông - đó là những người luôn giữ một thái độ tích cực, nhưng lại có phần lãnh đạm, đôi khi lại lạnh lùng, thậm chí thờ ơ tựa như người lớn vô tình lạc vào thế giới của trẻ thơ. Cách kể chuyện dựng nên một sự đối lập thú vị, giống như lý trí đứng cạnh phi lý, như thực tế song hành với viển vông. Nhìn chung, Ogawa Mimei không phủ nhận rằng tưởng tượng đến cuối cùng vẫn cần gắn liền với thực tế, và rằng mỗi đứa trẻ rồi cũng sẽ phải đối mặt với một hành trình trưởng thành khắc nghiệt không thể tránh khỏi. Nhưng những câu chuyện từ thuở ấu thơ vẫn ở đó, vẫn là những bước đệm cần thiết để các em vững tin vào bản thân, trước những thử thách vô biên của đời sống. 


“Sau vài ngày, cậu đã đến được “thị trấn buồn ngủ”. Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, nơi đây đã không còn dấu vết nào của tòa nhà màu xám cậu từng thấy trước kia nữa. Lúc này, chỗ đó đầy rẫy những tòa nhà lớn xếp thành hàng khói mù mịt khắp bầu trời, không những thế, còn có tiếng ồn phát ra từ các xưởng làm sắt, dây điện giăng đầy như mạng nhện và xe điện chạy khắp thị trấn.


Khi nhìn thấy tình trạng ấy, cậu ngạc nhiên đến mức không thốt nên lời, trong mắt tràn đầy kinh ngạc, cậu cố gắng hết sức dõi theo cảnh tượng đó.”


Kì thực, trẻ em là thiên thần, tuổi trẻ là thiên thần sa ngã, còn đến tuổi hết trẻ lại trở thành con người nhạt chán. Chợt nhận ra, trưởng thành nhìn thì tưởng là đỉnh cao cuộc đời nhưng thật ra lại cũng tội nghiệp chẳng kém. Một tuổi trẻ hăng hái, sôi nổi, cưỡi mây đạp gió, lăn xả vào đời để đổi lại là những trách nhiệm ngày một chồng đống như xích sắt vô hình. Con người trên con đường định hình hoặc phản kháng số phận mình, dần cắt xẻo sự trong sáng từ tuổi thơ, chọn sống ác thay vì sống thiện, chỉ giữ lại bộ mặt thánh thiện bề ngoài hòng đánh lừa thế gian. Để rồi, khi đã đạt đến trên đỉnh cao chói lọi, lại thấp thỏm trong những đêm dài lắm mộng, đợi chờ một ngày nhân quả đến kết án mình. Ký ức tuổi thơ, bởi vậy, có lẽ cũng chỉ còn là giấc mộng xa xỉ so với những giấc ngủ dài lấy sức để lại tiếp tục một ngày lăn xả vào đời. 


“Đường ray đau đến không thể chịu đựng nổi. Và nó đã khóc. Nó tự hỏi có ai xui xẻo hơn mình không? Ngày này qua ngày khác, hết chuyến này qua chuyến khác, nó luôn bị đầu máy xe lửa nặng nề dẫm lên mình. Đầu máy xe lửa thì coi đây là chuyện hiển nhiên. Không những thế, mặt trời còn chiếu ánh nắng chói chang như muốn thiêu đốt thân thể nó. Dù muốn nép trong bóng râm, thân thể cũng không tự do di chuyển được.”


4. Niềm tin ở lại 

Bằng văn chương uyển chuyển, Ogawa Mimei chuyển giao giữa hai dòng nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, mà ở cuốn này vị nhân sinh nhìn tưởng mờ nhạt, nhưng thực ra chỉ khi đọc xong mới nhận ra sức vấn vương trong mình thật kinh hồn. Thân phận con người trong thiên nhiên huyền ảo vốn mờ nhạt, mỏng manh như bèo dạt, chẳng bao giờ là thế thượng phong, càng không bao giờ được xem là trung tâm, nên mỗi có bóng dáng con người xuất hiện thì thật như tấn tuồng hiện sinh để con người ta tự nhìn nhận lại những điều biến thiên của cuộc đời, và cả những điều quý giá đã học được.


Đó là cái c.hết, biểu tượng của sự hư vô, nhưng mang dáng hình của kẻ bắt nạt: luôn xuất hiện thường trực, dù là trên chặng đường phiêu lưu của những nhà du hành, đến những tiếng thì thầm, đến những tiếng gió xào xạc từ rừng cây mimosa. Cơn ác mộng không đó không nhân từ, càng không nhẫn nại, nó tràn qua và nuốt lấy mọi thứ, kể cả đôi mắt trẻ thơ. Nó hiện diện ở mọi nơi, thâm nhập vào cả vào những giấc mộng huyền diệu, và đôi khi là trực tiếp hiện ra trong ký ức của một đứa trẻ cơ nhỡ đang lâm cảnh khốn cùng. 


Đó là những Sisyphus lăn đá lên đồi, những kẻ bi kịch tượng trưng cho những vòng lặp vĩnh cửu của sự mệt mỏi và ác ý giữa người và người. Là những con tàu cả đời chỉ có một nhiệm vụ, nhưng bị bỏ rơi trong thời đại mới, ấy vậy mà vẫn bị ràng buộc với một lịch trình được sắp sẵn. Là những bầy thú hoang phải chạy dài chạy mỏi trước cơn sóng đô thị hoá như vũ bão, phải ăn những rác rưởi công nghiệp, phải nằm ngủ trên những sàn bê tông lạnh ngắt, để rồi cuối cùng gục ngã, phải chấp nhận “nhân hoá”, chấp nhận thân phận số phận lạc loài trong nỗi tuyệt vọng không ngừng ám ảnh. 


Đó cũng là biểu tượng của thời gian. Là một thứ phi tuyến tính trong văn chương Ogawa Mimei. Không rõ ràng, không cụ thể, luôn tồn tại lấp lửng, đảo đi đảo lại giữa các mảnh ghép quá khứ và lát cắt hiện tại như một điềm báo, hoặc như một lời cảnh báo có tính chất răn đe. Có những nhân vật đi đến tận cùng thời gian, chỉ để cười, một nụ cười mãn nguyện, không khuất phục trước số phận. Có những nhân vật bị đưa đẩy vào những tình thế lưỡng nan, mất phương hướng, mất mục đích sống, cũng đối diện với thời gian, tức là đối diện với bản thân từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai mơ hồ, để rồi được thức tỉnh. Thời gian theo quan niệm của Ogawa Mimei là thế, là quan tòa và cũng là kẻ nắm sợi dây cứu mạng, là ánh sáng và bóng tối chan hòa. 


Như vậy, tuy bề ngoài có vẻ tiêu cực khi mô tả những cảnh tượng chết chóc, phá sản, đổ nát, điêu tàn… nhưng nội dung bên trong lại bao hàm một niềm hy vọng và lòng tin vào tương lai con người. Và ở những câu chuyện của ông ta còn thấy một niềm hy vọng mang đậm âm hưởng của Phật giáo, rằng vạn vật tuy sinh ra đều đã định sẵn hồi kết, rằng có sinh thì có diệt, nhưng sẽ đó sẽ là khởi đầu của luân hồi vĩnh cửu. Không có gì đã vĩnh viễn, nhưng thế là đủ. 


Có tựa hồ một chút cảm giác quen thuộc như bắt gặp Thạch Lam đâu đây. Nhìn thế mà nhiều truyện như tự kể về đời sống với những hình tượng nhân vật trẻ trung, nhiều hoài bão mà ước mơ vỡ vụn vì không hợp thời, hoặc vì nghèo làm không đủ miệng ăn hay đơn giản là ít tài nên cố mấy cũng chịu. Những nhân vật của ông không bao giờ tâm sự trình bày, rằng tôi buồn, hay tôi vui, nhưng rõ ràng trong họ luôn có cái vẻ gì là chưa muốn gục ngã cả, chỉ là buồn quá nên ngồi thẩn thơ ngâm nga để thấy lòng mình lắng lại một chút, hoặc có chăng, cũng là để độc giả tự cảm nhận.

Chủ đề tương tự


Quảng cáo