Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

Sách đáng xem ‘Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí’

Sách đáng xem ‘Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí’

Trải qua hơn 30 lần chỉnh lý từ khi ra mắt và làm nền tảng góp phần đào tạo nên hàng nghìn thầy thuốc tại đất nước “tỉ dân”, sách Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí dày 612 trang (Huy Hoàng Books và NXB Thanh Niên liên kết ấn hành, An Lạc group dịch) của Bành Tử Ích tính cho đến nay vẫn là tác phẩm nền tảng, cơ bản và quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Đông y. Hi vọng qua Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí sẽ  giúp độc giả hiểu rõ hơn về Đông y bảo vệ sức khỏe của bản thân mình.

Sách hay "Minh triết Đông y - Vòng tròn của khí"

Sách hay “Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí”

XEM THÊM>>Bác sĩ vui vẻ tiết lộ “căn bệnh thời đại” trầm cảm cười

Tác giả nhiều tác phẩm y học vô giá

Bành Tử Ích (1871-1949) là người dân tộc Bạch ở Vân Nam (Trung Quốc), Sinh thời ông là nhà y học nổi tiếng vào cuối thời Thanh, đầu thời Dân Quốc. Từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với y học, đến khi trưởng thành đã tới Bắc Kinh và trở thành y sư cung đình trong Thái y viện triều Thanh. Đây là vinh dự nhưng cũng đồng thời là cơ hội giúp ông học được rất nhiều kinh điển Đông y quý hiếm bí truyền bên trong cung cấm, khiến trình độ y học của bản thân ông có bước phát triển vượt bậc.

Xét theo lịch sử, ông chính là lớp “thái y” cuối cùng của hoàng triều phong kiến. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, ông bắt đầu sự nghiệp dạy học, truyền thụ học vấn Đông y và bồi dưỡng nhân tài y học cổ truyền. Trong suốt sự nghiệp, ông đã đào tạo hơn 400 thầy thuốc Đông y cho vùng Vân Nam cũng như biên soạn 16 tác phẩm y học đều là “báu vật” vô giá và rất hiếm có cho nền y học nước nhà.

Nhờ kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và kiến thức thực tiễn phong phú, trước tác của ông đều rất thiết thực, dễ hiểu, có tính “kế vãng khai lai” – tổng kết thành tựu của người đi trước, mở ra đường hướng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, ông đã tổng kết các kiến thức Đông y vốn tản mạn và mang tính kinh nghiệm thành một hệ thống mạch lạc, sáng rõ và rất có lợi cho người học.

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn trong suốt cuộc đời hành nghề y, Bành Tử Ích bằng việc kết hợp truyền thống y học lâu đời và kho tàng y học phong phú của dân tộc Bạch đã đưa ra phần cốt tủy của Đông y truyền thống, từ nguyên tắc điều trị đối chứng bốc thuốc, biện chứng trị bệnh cho đến phương pháp tư duy bao quát toàn thể, chữa trị tinh vi…

Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí theo đó là bản bao quát gần như toàn bộ trước tác riêng lẻ của Bành Tử Ích mà từ rất sớm dân gian đã tự biên tập, in ấn cũng như lưu truyền rộng rãi từ thời Dân Quốc. Điều này cho thấy sức sống trường tồn cũng như giá trị vượt xa thời đại của tác phẩm này từ khi ra mắt.

Sách hay "Minh triết Đông y - Vòng tròn của khí"

Tác giả Bành Tử Ích. Ảnh Baidu

Sở dĩ có cái tên này vì khí là một khái niệm quan trọng trong văn hoá, triết học truyền thống, là nhân tố cơ bản trong vũ trụ quan của người xưa. Khí cũng chính là điểm khiến Đông y học truyền thống khác biệt so với Tây y khi không nhìn nhận cơ thể người như một sự lắp ghép của các bộ phận hữu hình, mà như một thể vận động của khí

Nguyên lý chữa bệnh của Đông y có chữa khí là chủ đạo, chữa hình chất là thứ yếu. Khí trong cơ thể chỉnh thể, sống động, cân bằng, hài hoà thì khoẻ mạnh; phân rã, đình trệ, thiên lệch, xung đột thì sinh bệnh. Khí vô hình, nhưng tác động của khí là hữu hình, chữa bệnh chính là nhìn hình để chữa khí.

Trong cuốn sách này, Bành Tử Ích sẽ giúp độc giả nhận thức toàn diện về Thương hàn luận – cuốn sách thuỷ tổ về phương dược học Đông y gồm 113 phương thuốc và 397 phép chữa bệnh mà nhiều nhà chú giải xưa nay không được thực hiện một cách chi tiết. Ông đã đi từ biểu lý của sáu thiên (sáu khí) và ảnh hưởng của chúng đến phần biểu (bên ngoài) cũng như phần lý (bên trong), từ đó tìm ra nguyên lý và nhận thức chân tướng của các bản bệnh.

Bên cạnh đó, ông cũng giới thiệu về những khái niệm cơ bản như mười hai kinh, âm dương, ngũ hành, lục khí cũng như vòng tròn vận động thăng giáng phù trầm của hai mươi tư tiết khí trên mặt đất khi được mặt trời chiếu rọi, từ đó giúp cho độc giả có thể nắm bắt toàn bộ cương lĩnh của học thuyết Đông y. Từ đây ông khẳng định tật bệnh tuy nhiều, phương thuốc tuy lắm nhưng nhìn chung có thể chia làm hai loại chính nhất đó là nội thương cũng như ngoại cảm. Trích dẫn kinh văn, ông đã đưa ra 16 bài thuốc gồm 6 bài là phương pháp dành cho tất cả các bệnh nội thương và 10 bài còn lại dành cho tất cả các bệnh ngoại cảm.

Ở phần Ôn bệnh bản khí, ông đã chỉ ra những thiếu sót của các danh y đi trước như Diệp Thiên Sĩ, Vương Mạnh Anh, Vương Thúc Hòa… để căn cứ vào thực tế mà chỉ ra nguyên lý bản khí tự bệnh (ôn bệnh là do bản khí trong cơ thể người tự sinh bệnh, chứ không phải xâm nhập qua mũi miệng, không phải do hàn từ năm ngoái ẩn phục mà biến thành ôn bệnh năm nay). Ngoài ra ông cũng như dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để đặt ra các bài thuốc rất đáng thử qua…

Tương tự như thế ở Nhi bệnh bản khí, tác giả vừa giúp ta biết cách chữa các chứng bệnh ở trẻ nhỏ như đau bụng, ho, tai chảy mủ, đau họng, sởi, đậu mùa… vừa hiểu được nghĩa lý vận động vòng tròn của trường khí chung cho cơ thể người cũng như vũ trụ, qua đó hiểu sâu về mặt bản chất những gì vẫn đang diễn ra trong cơ thể người.

Và bởi cơ thể người và vũ trụ có chung vòng tròn vận động của khí, nên ở Thời bệnh bản khí, tác giả sẽ nói nhiều hơn về các triệu chứng của cảm nắng, hắc loạn, thủy tả (tiêu chảy ra nước), bệnh lỵ, sốt rét, viêm họng, bệnh táo khí, chứng sa cũng như là bệnh thấp nhiệt. Ngoài ra ông cũng đưa ra nhiều bài thuốc để trị cho các bệnh trạng nói trên dựa trên phương giải của trước tác Thương hàn luận kinh điển.

Cuối cùng ông dẫn ra nhiều bài thuốc trong sách Kim quỹ yếu lược nổi tiếng, từ đó bàn về tạp bệnh dựa trên nguyên lý vận động vòng tròn mà các phần trước đã tạo tiền đề để chữa không chỉ các bệnh nội thương như nôn oẹ tiêu chảy, nôn oẹ tiêu chảy, đau tim, phế ung, hư lao… mà còn là bệnh ngoại cảm, như bệnh chàm, eczema, đau khớp chân tay, cơ thể gầy yếu, tổn thương xương khớp…

Trong phần Cổ phương trung và Cổ phương hạ, ông đã làm rõ những sự đối lập với Cổ phương thượng, từ đó góp phần giải thích một cách rõ ràng nguyên lý gây ra bản bệnh cũng như hạn chế chủ quan duy ý chí trong học tập Đông y. Bởi lẽ cũng giống như Cổ phương thượng là đối chiếu với ngũ hành, với lục khí để mà học hỏi, thì sự đối lập với Cổ phương thượng cũng sẽ giúp ta hiểu hơn về các nguyên lý ở trong Đông y.

Sách hay "Minh triết Đông y - Vòng tròn của khí"

Đọc sách không dễ, trị bệnh không khó

Không dừng ở đó, tác giả cũng nói nhiều hơn về mạch pháp, tức là phương pháp bắt bệnh thông qua bắt mạch. Theo đó dân gian có câu “đọc sách không dễ, trị bệnh không khó”, bởi sách chỉ nói lý, bệnh dựa vào mạch, lý thì linh động, mạch là xác thực. Tuy vậy phương pháp học mạch nhiều nơi còn chưa ổn thỏa. Hiểu được điều đó, tác giả đã viết nhiều hơn về mạch vị (vị trí mạch), chỉ pháp (cách đặt ngón tay), mạch tượng cũng như mạch lý, từ đó loại trừ thành kiến của bản thân, nhìn rõ tượng thực của mạch.

Bởi lẽ con người là một trong muôn loài sinh vật mà sinh vật do khí sinh ra, do đó con người cũng là từ khí mà ra. Nếu hiểu được chính điều này vậy thì như Bành Tử Ích nói, đâu chỉ có mình Đông y sở hữu biện pháp căn bản để cải tiến nó? Đông y lạc hậu đâu phải do bản thân nó lạc hậu, mà là sách bàn về Đông y hiện còn thiếu sót.

Qua Minh triết Đông y – Vòng tròn của khí, tác giả Bành Tử Ích không chỉ đưa ra rất nhiều bài thuốc giá trị, mà còn giúp ta hiểu rõ nguyên lý, từ đó có thể hiểu đủ, hiểu đúng cũng như vận dụng sao cho hiệu quả. Đây là tác phẩm không chỉ phù hợp cho những cá nhân muốn tìm hiểu sâu về Đông y, mà còn phù hợp cho bất cứ ai quan tâm đến chính sức khỏe của bản thân mình.

Chị Phương Thụ Mai  (nhà văn hiến học, nhà sưu tầm sách, từng giảng dạy tại Đại học Vân Nam) nhận xét:Gần đây nghiên cứu học vấn càng thêm quái đản, trong những người theo nghiệp trước tác, xét về biện chứng tinh tế, phân tích kín kẽ, công trình đồ sộ, phát dương quang đại cho nền y học Vân Nam, không ai hơn được tiên sinh Bành Tử Ích.

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

  • NGUYEN NGOC ANH
    NGUYEN NGOC ANH ...
    Bởi lẽ con người là một trong muôn loài sinh vật mà sinh vật do khí sinh ra, do đó con người cũng là từ khí mà ra. Nếu hiểu được chính điều này vậy thì như Bành Tử Ích nói, đâu chỉ có mình Đông y sở hữu biện pháp căn bản để cải tiến nó? Đông y lạc hậu đâu phải do bản thân nó lạc hậu, mà là sách bàn về Đông y hiện còn thiếu sót.
    Trả lời
// ... existing code ...