Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
Tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà sinh ra và lớn lên tại An Cựu, thành phố Huế. Chị đã có hơn 30 năm gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế và giành được nhiều giải thưởng báo chí trong và ngoài tỉnh.
Trước “Một thời mạ Huế”, Nguyễn Khoa Diệu Hà đã được độc giả biết tới với tập “Ở xứ mưa không buồn” phát hành hết sau khi ra mắt. Vẫn là những cảm xúc, suy tư về xứ Huế thân thương, nhưng tập thứ hai này “thác ngụ nhiều tâm tư hơn, nhiều đoạn đi sâu vào cảm xúc, trăn trở về đời người và phận người”.
40 tản văn trải đều trong gần 300 trang sách đưa bạn đọc trở về với những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Huế… Đó là những kỷ niệm, chuyện kể mà chị đã chắt chiu gom nhặt sau rất nhiều những chuyến đi khắp làng quê, khu phố nơi quê nhà – xứ Huế.
Người đọc như được hít hà đâu đây mùi thơm của nhựa lá từ hàng chè tàu được cắt xén trước Tết, mùi lá chuối chín tỏa lan từ thùng bánh tét giao thừa, mùi vải phin mới thơm thơm trên áo trẻ con…; được thỏa thuê thưởng thức những chén chè Huế đủ kiểu, từ cung đình đến dân dã, nào chè bột lọc thịt quay, hạt sen nhãn lồng… chè “cá rô đồng”. Rồi cả những hương vị và bí quyết nấu những món ăn được các nghệ nhân chia sẻ một cách tỉ mỉ, khiến ai đọc cũng phải thèm như món bún giấm nuốc.
Nói về món ăn, mà thật ra là nói về con người, về đạo sống. Món ăn chất chứa tình thương yêu của người bán, người nấu và cả người thưởng thức, bởi theo tác giả, trước khi “gây thèm” thì đã “gây nhớ, gây thương”.
Bên cạnh những trang viết ẩm thực, tác giả còn dành những trang viết cho những người phụ nữ Huế xưa và nay, từ bà thái hậu nổi tiếng phúc đức hiền minh cho đến những cung tần mỹ nữ vô danh trong Đại Nội. Dù hữu danh hay vô danh, cuộc đời họ đều chất chứa một nỗi niềm.
“Bốn mươi tản văn này, tôi biết Hà đã viết trong những ngày đông bão nhất của đời Hà. Vậy mà vẫn thanh thản, êm đềm, thuần phác trong từng câu chữ, bởi khi ngồi vào bàn viết, Hà đã dựa vào sự lắng đọng của một chữ “Tâm”. Hà viết về những phong tục, tập quán, những thành tựu văn hóa đang dần mất đi nhưng không thở than hoài cổ, chỉ dịu dàng góp nhặt, nâng niu từng chút kỷ niệm… Đọc văn của Hà cứ như đang nghe Hà nói chuyện, lúc nào cũng thấy một cảm giác ấm áp lạ lùng bởi một vẻ thân thiện hiền hòa trên mắt, trên môi. Có lẽ trong lòng Hà luôn có một suối nguồn tươi mát chảy qua từ cái tâm từ ái của người mẹ Huế” – nhà văn Trần Thùy Mai trong lời giới thiệu tập sách đã nhận định./.