Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

[Tóm tắt & Review sách] “Bể Trăng Côi”: Phép Chữa Lành Của Triết Lý Phật Giáo Giữa Đại Dịch

[Tóm tắt & Review sách] “Bể Trăng Côi”: Phép Chữa Lành Của Triết Lý Phật Giáo Giữa Đại Dịch

 Hẳn bên trong ai cũng sẽ có những suy ngẫm, ám ảnh riêng về hậu quả do dịch bệnh, thiên tai để lại, chúng là lời cảnh tỉnh của mẹ thiên nhiên rằng chúng ta chỉ những con người quá bé nhỏ, liệu ta có khả năng vượt qua được chính mình, để hiện hữu trên mặt đất này tự tại như vầng trăng côi ngự sáng trên bể đời luôn đầy xáo động? Đó là những trăn trở nằm trong tác phẩm truyện dài Bể trăng côi của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang.

Giới thiệu tác giả

Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, ở Châu Đốc, An Giang, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Sau nhiều tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương, năm 2016, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang gây tiếng vang trên văn đàn với tác phẩm đầu tay Mộ phần tuổi trẻ,  một tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của những người trẻ đô thị xoay vần giữa cuộc chiến, mất mát và chênh vênh. Tác phẩm đã được vinh danh ở hạng mục “Phát hiện mới” của giải thưởng Sách Hay năm 2017.

Với đam mê và nhiệt huyết, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang lần lượt phát hành các tác phẩm như tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ, tập truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ, tập truyện thiếu nhi Bơ không phải để ăn. Trong năm 2023, anh có hai cuốn sách Khu rừng trong chai  Bể trăng côi, trong đó, Bể trăng côi được Huỳnh Trọng Khang viết trong kỳ đại dịch COVID-19 đang hoành . Khi được hỏi lý do cho ra đời tác phẩm, anh nói: "Tôi viết sách về COVID để vượt qua nỗi sợ COVID".

 

 

Tóm tắt truyện

Cuốn sách Bể trăng côi đưa người đọc vào hai mạch truyện song song ở những chiều không gian khác nhau, cả hai mang đậm tinh thần của Phật giáo.

Đầu tiên là thời hiện đại với hai nhân vật chính là thầy và trò rời bỏ xã hội để tìm kiếm một nơi gọi là núi Sa Mạo. Hành trình càng trở nên đặc biệt hơn khi sư phụ dặn chú tiểu trẻ tuổi cùng thực hành im lặng, ai hỏi gì cũng không đáp, khó khăn gì cũng không được mở lời, chỉ được ghi ra giấy, chỉ đến khi đến núi Sa Mạo thì mọi sự mới được trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trên đường đi, khi vào đến thành phố thì biến cố xảy ra, dịch bệnh bùng phát căng thẳng, chú tiểu bị mắc kẹt và tình cờ được tá túc trong một gia đình ba thế hệ của bà cụ bán hủ tiếu mà chú gặp trên đường. Sự xuất hiện của chú tiểu ban đầu khiến những thành viên trong nhà bất ngờ, nhưng có lẽ, chính biến cố mà loài người đang phải đối mặt khiến tất cả trở nên dễ dàng đón nhận nhau hơn. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian đầy khốc liệt khi những thành viên trong gia đình lần lượt ra đi. Duy chỉ có Cẩm và em trai, hai người cháu của bà cụ bán hủ tiếu là còn sống, chú tiểu tuy cũng giữ được mạng sống, nhưng là sống sót trong sự đau đớn và lạc lõng, như vầng trăng côi lẻ loi trên trời cao.

Mạch truyện thứ hai lấy bối cảnh từ thời Đại Đường xa xưa, nơi thầy Trần Huyền Trang nhưng không phải trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân mà là dưới sự tưởng tượng của Huỳnh Trọng Khang với niềm tin và can đảm vượt qua những thách thức, bao gồm cả việc tìm kiếm chân kinh quý giá, hành trình của Huyền Trang được làm mới lại hoàn toàn cùng với sự xuất hiện của những kiếp nạn mới và những nhân vật tưởng quen mà lại mới lạ như khỉ, Heo Kiên Nhẫn...

Những kiếp nạn mà hai vị thiền sư trẻ tuổi trải qua tuy khác nhau về cả không gian lẫn thời gian nhưng lại có điểm tương đồng, là cả hai đều ẩn chứa những tầng ý nghĩa về nhân sinh. Cuốn sách nêu bật sự phản chiếu giữa những nhân vật và tình huống từ quá khứ đến hiện tại, đưa ra những suy tư sâu sắc về bản chất của con người và cuộc đời trong môi trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy ý nghĩa sâu xa này.

Những bài học rút ra

Cuộc sống luôn vô thường

“Vô thường.

Vạn vật đều vô thường.”

Vô thường là khái niệm vốn không còn xa lạ với những người quan tâm đến Phật giáo, nó ám chỉ sự thay đổi, biến chuyển không ngừng của vạn vật, không một thứ gì trên thế gian thoát khỏi vòng vây của vô thường. Năm đó, chẳng ai trong chúng ta có thể lường trước việc có một đại dịch ập đến, đe dọa đến tính mạng con người, xã hội nhanh chóng bị đảo lộn một cách chóng mặt. Đặt trong bối cảnh của truyện, gia đình của bà cụ bán hủ tiếu vốn có cuộc sống vô cùng hạnh phúc và bình yên, nhưng ngay sau khi đại dịch ập đến hoành hành, số phận của con người trước cơn giận dữ của tự nhiên lại trở nên khó đoán, mờ mịt, các thành viên bị mắc kẹt trong nhà với nỗi lo sợ, không có việc làm, thậm chí lương thực cũng ít ỏi, chưa bao giờ tính mạng con người lại mong manh, rẻ rúng đến thế.

“Giờ nghĩ lại, chú cũng thấy ngộ. Hai người một già một trẻ, cứ quây quần sớm tối như thế mà cũng được hai mươi năm. Hai mươi năm nhàn hạ, không sướng vui cũng chẳng đau khổ, quanh năm suốt tháng cứ biết chay tịnh, có thể nói họ hạnh phúc. Hạnh phúc vì không phải lo nghĩ cũng không cần tranh đoạt gì, không sợ ai hãm hại.

Vậy mà chỉ trong mấy tháng, hai mươi năm thong dong của chú tan thành gió. Chú nằm trong căn nhà xa lạ, không biết làm gì, không tương tác với ai, quan trọng là chẳng còn gì để chờ đợi.”

Chú tiểu trẻ tuổi vốn quen với cuộc sống tu hành bình yên cùng với sư phụ, lần đầu chứng kiến khung cảnh thành phố hỗn loạn, tang tóc như vậy, cũng không tránh khỏi lo lắng cho bản thân. “Lòng chú trở buồn, băn khoăn về sự hiện hữu của mình trên thế gian. Hình dong này, tuổi tác này, ký ức này, còn không đủ sức nặng bằng một miếng nhựa, cuộc đời một con người hóa ra thiếu trọng lượng đến vậy.”

Sự trăn trở về sinh mạng con người của chú tiểu dần trở thành hiện thực, cái chết chực chờ bên ngoài cửa nhà, rồi tàn nhẫn ập tới, cướp đi sinh mạng của gần như toàn bộ thành viên trong gia đình, chỉ một mình chú tiểu côi cút sống trong ngôi nhà chỉ vài ngày trước vẫn tràn ngập tiếng cười nói. Càng về sau, chú tiểu và cả độc giả lại càng thấm thía về số phận con người trước sự vô thường của cuộc đời, không biết phải bám víu vào đâu để có thể tồn tại.

“Nhưng chờ điều gì mới được, một tương lai mơ hồ ngày càng khó đoán định. Hằng hà sa số những vì sao trên thiên không kia suốt hàng tỷ năm tồn tại đã bao lần đổi chỗ, trong suốt hàng ngàn năm biết bao con người đã cố nhìn lên những ngôi sao mỗi lúc một xa thêm kia để nắm bắt cái vận mệnh đang dần biến cải, một thứ vận mệnh phụ thuộc vào những ngôi sao, vào thiên ý, vào sự nóng lạnh của các vị thần,...”

Ngay từ nhan đề tác phẩm, tác giả đã gợi mở cho người đọc về sự vô thường thông qua cụm từ “bể trăng côi”. Bên cạnh “trăng côi” (vầng trăng đơn lẻ), Huỳnh Trọng Khang đã thêm từ "bể" với nghĩa là bể đời, bể khổ. Ở đây, hình ảnh vầng trăng trong tâm tưởng của chú tiểu hay con người trong đại dịch lại mang ý nghĩa u buồn, tuy nó sáng rỡ, tròn trịa nhưng thật cô liêu, một vòng tròn vô định, không có khởi đầu, không có kết thúc.

“Bầy chim vô tư lại bay về đầy trời, tự nhiên chiếm giữ những ngả đường, những công viên. Còn ai cho chúng ăn? Cả kẻ hành khất vẫn thường bẻ vụn bánh mì cho chúng cũng đã chết bên vệ đường, một cuộc đời vô danh, và cái chết vô danh. Khép lại vòng tròn. Ai đó nói hình tròn là hình ảnh hoàn hảo nhất. Mặt trời tròn, mặt trăng tròn. Không có khởi đầu, không có kết thúc.”

Nỗ lực vượt lên trên hoàn cảnh

Bể trăng côi với hệ thống các nhân vật luôn trầm luân giữa các biến cố của đời sống, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Không gian có thể khác nhau, thời gian có bước nhảy vọt… thế nhưng thời nào cũng thế, đời nào cũng khổ. Mỗi nhân vật trong sáng tác của Huỳnh Trọng Khang đều có những hoàn cảnh, xuất thân khác nhau nhưng đều loay hoay với cuộc sống và những vấn đề của riêng mình, chú tiểu được sư phụ giao nhiệm vụ tìm đến Sa Mạo sơn, một nơi chú chưa từng nghe tên, Trần Huyền Trang cũng chật vật với hành trình thỉnh kinh kéo dài mười vạn tám ngàn dặm, cùng với vô số kiếp nạn để lấy được chân kinh.

“Cuộc sống là một sự vượt qua, một sự vượt qua đầy đau đớn, đôi khi ta tưởng mình đã qua rồi, còn một sải tay là chạm được bờ nhưng lại hụt hơi chìm xuống. Đôi khi ta cứ đứng mãi bên này nhìn sang bờ bên kia mà ao ước trở thành kẻ ước ao muôn đời.”

Đối với một vị chân tu đã nhìn thấu quy luật nghìn đời, những sự mất mát, những nỗi đắng cay hay cụ thể là dịch bệnh cũng chẳng khác nào một khía cạnh khác của cuộc sống muôn hình vạn trạng. Đây dường như cũng là mục đích đằng sau cuộc hành trình mà sư phụ đã giao cho chú tiểu trẻ tuổi phải vượt qua, và chú phải vượt qua sự vô thường của bể đời một mình, trong im lặng, hay tại một chiều không gian khác, Huyền Trang cũng quyết tâm tìm ra chân lý phía sau dịch bệnh tàn khốc hay bao kiếp nạn trên hành trình thỉnh kinh, quyết tâm vượt qua những ám ảnh về những người bạn đồng hành bị sát hại ngay trước mắt mà viết về nó, giúp cứu lấy nhân loại, để lại di sản cho cả những đời sau. Không còn Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới với bao phép thần thông, Huỳnh Trọng Khang đã khéo léo sáng tạo nên nhân vật khỉ, Heo Kiên Cường là những người bạn đồng hành thân thiết của Huyền Trang, tất cả đều có câu chuyện và vai trò riêng trong việc tỉnh thức con người.

“Chỉ thế thì dịch bệnh mới có ý nghĩa gì đó hơn là cơn cuồng sát của tự nhiên. Để rao giảng một bài học, để còn lại chứng nhân. Một nhân loại hậu tận thế, nơi toàn bộ nền văn minh sụp đổ. Vì sao người ta cứ hay nghĩ đến viễn cảnh những nền văn minh bị xóa sổ? Chẳng phải mọi nền văn minh đều rực rỡ, đẹp đẽ đấy sao. Liệu có nền văn minh biến mất chỉ vì quá tốt đẹp hay chưa? Những nền văn minh biến mất, thế giới hậu tận thế... Có ai từng hỏi, tại sao con người cứ mải miết nghĩ về nó.”

Dịch bệnh, thiên tai tàn khốc mấy cũng sẽ qua đi, nhưng chỉ khi tự vượt qua đầy đủ bi hài của nó, phải mất mát vì nó, con người mới thấu hiểu được sự vượt qua đó, từ đó, những sinh mệnh nhỏ bé mới thực sự tồn tại, hiện hữu trên mặt đất như vầng trăng an yên, tỏa sáng giữa bể khổ cuộc đời. Ta có thể thấy, Cẩm – một trong hai thành viên duy nhất trong gia đình may mắn sống sót khỏi đại dịch, cô lên chùa ở một thời gian để học tập, sau đó lập gia đình, mang thai. Tưởng chừng như sau khi trải qua bi kịch mất hết người thân, người con gái ấy sẽ sụp đổ, nhưng cô vẫn kiên cường chiến đấu dù bên cạnh chẳng còn ai, chú tiểu thương cảm với hoàn cảnh ấy nên đã ví Cẩm với vầng trăng.

“Trong vũ trụ bao la vô cùng tận, có bao nhiêu mặt trăng tồn tại. Mặt trăng nào đã sinh ra mặt trăng này và vỡ vụn, để lại một vầng trăng côi cút đứng bên trời. Côi cút giống chú, giống Cẩm, giống hàng ngàn đứa trẻ sau đại dịch.”

Đến đây, chú tiểu nhận ra vầng trăng ngoài đại diện cho sự cô liêu, một vòng đời luôn xoay chuyển, nó còn là tượng trưng cho sự kiên cường của con người, dù cho trải qua bao gian khổ, mất mát, họ vẫn ngày ngày tỏa sáng giữa cuộc đời, bất kể cuộc đời có đổi thay, trăng khuyết rồi tròn, qua giông bão sẽ đến một ngày tươi đẹp, cuộc đời này là "vòng tròn lớn, mà tâm của nó còn tỏa ra những vòng tròn nhỏ khác".

"Sau khi về nước, Huyền Trang miệt mài dịch kinh Phật. Trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có đoạn Gate Gate Pàragate mà ông đã dịch thành Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế, đại ý là vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia.

Có lẽ Huyền Trang phải trải qua trận đại dịch đó, phải thấy đủ bi hài của nó, phải mất mát vì nó, ông mới thấu hiểu sự vượt qua này."

Sự tận thế đáng sợ nhất không phải nằm ở vật chất bên ngoài mà nằm ở lòng người, trong chúng ta luôn luôn tồn tại một mầm sống, hy vọng trong trái tim, một nội lực mãnh liệt. Sự vô thường trong cuộc sống luôn đem lại bài học quý giá, con người phải học cách chấp nhận và ứng biến với sự thay đổi nhưng trên hết là một niềm tin trọn vẹn vào bản thân, vào những điều tích cực trong cuộc sống này. Chính niềm tin ấy mới là thứ khiến chúng ta mạnh mẽ chống chọi với biến thiên thời cuộc.

Tính thiền hiện hữu

Bể trăng côi nhìn đời bằng con mắt của đạo, nhưng cũng rất đời. Câu chuyện mà chúng ta đọc, thấy, nghe có thể rất Phật, nhưng cũng là câu chuyện của đời. Truyện có những chi tiết đau thương, khốc liệt nhưng tựu trung, câu chuyện vẫn gợi cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, từ bi bởi chất thiền hiện hữu, nó hiện hữu qua hành trình thực hành vô ngôn của chú tiểu, qua những lời giảng của sư phụ, qua những khoảnh khắc yên bình của gia đình giữa tâm dịch bệnh, thậm chí qua cả vô vàn kiếp nạn của Trần Huyền Trang.

Từng câu từ đều mang đậm tính triết lý phương Đông, Huỳnh Trọng Khang cho các nhân vật của mình thực hiện những chuyến hành hương sâu vào bản thể, từ đó họ tìm ra con người thật của mình. Đó là sư trẻ tìm đến núi Sa Mạo, là thầy Huyền Trang đi suốt mười ngàn tám vạn dặm để tìm đáp án cho cả nhân loại.

Câu chuyện mở ra từ điểm nhìn của nhân vật chú – một chú tiểu tu hành ở một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trên núi – vâng lời sư phụ đi tìm núi Sa Mạo, với lời hứa thực hành im lặng. Lẽ ra cuộc hành trình này có sư phụ cùng đi, nhưng rốt cuộc, sư phụ lại qua đời ngay trước khi bắt đầu hành trình, nên chú chỉ đi một mình, tìm một địa danh không hề có tên trên bản đồ. Sa Mạo trong bản chất là một ngọn núi thiêng, nên cuộc đi ấy là một hành trình tâm linh, chỉ riêng mình chú mới có thể tìm ra, còn thầy Trần Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa vượt bao gian khổ hòng thỉnh được chân kinh.

Thế nhưng trên hành trình đó họ phải trải qua rất nhiều thử thách thì mới đến được chân lý nghìn đời. Chú tiểu phải tận mắt chứng kiến thành phố tan hoang vì đại dịch, chỉ còn vọng lại những tiếng cầu siêu, tiếng than khóc, xe cấp cứu đi lại ngoài đường, phải tự tay đưa tiễn ân nhân đã cứu mạng mình về cõi vĩnh hằng, trong khi Huyền Trang nhìn thấy nhân quần điên cuồng vì dịch bệnh và sự thiếu chánh pháp, trở nên máu lạnh như diễn biến chung của các tác phẩm hậu tận thế, sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để kiếm ăn…Rốt cuộc, người đọc dường như chẳng còn quan tâm hai vị thiền sư có đến được nơi muốn tới hay không, bởi cho đến sau cùng, những gì họ giác ngộ ra được lại vượt xa khỏi mục đích ban đầu của chuyến hành trình.

“Sư phụ từng giảng rằng chỉ cần trái tim đủ từ bi, dũng cảm làm nứt toạc con tim chai lỳ như đất đá thì tức thời có thể đánh động giải phóng vô lượng vị Bồ Tát trong mình.

Chú cảm nhận được cơn rúng động của đại địa trước trận dịch dữ. Cơn rúng động mà từ đó vút lên cõi ta bà này vô lượng vị Bồ Tát, không hào quang, cứ thế mà dấn thân, lôi chúng sanh ra khỏi cửa địa ngục.”

Một điểm gây chú ý cho người đọc ngay từ đầu truyện, là sư phụ yêu cầu chú tiểu phải thực hiện hành trình của mình trong im lặng tuyệt đối, ban đầu là để cho chú tiểu bớt thói quen hay nói leo. Im lặng là sự chối bỏ mọi hình thức giao tiếp bằng âm thanh, khi ngôn ngữ đã không còn là công cụ giao tiếp, tưởng như hành trình của chú tiểu sẽ vô cùng tẻ nhạt, bí bách, thế nhưng chính sự im lặng ấy vô tình lại đối lập hoàn toàn với những tiếng than khóc, tiếng xe cấp cứu ồn ào bên ngoài, giúp cho chú tiểu vẫn giữ được sự bình tĩnh, an yên ngay bên trong tâm hồn giữa xã hội đang hoạn nạn, như thể chú thuộc về một thế giới khác, tĩnh lặng, côi cút giống như vầng trăng giữa trời đêm tối tăm, là nốt trầm nhẹ nhàng giữa xã hội đang chao đảo vì dịch bệnh. Ngoài ra, sư phụ tâm niệm, ta không chỉ học hỏi qua lời giảng hay sách vở, việc thực hành vô ngôn cũng giúp chú tiểu học được cách tịch tĩnh giác ngộ giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sự im lặng quả thật giúp cho chú tiểu hay sâu xa hơn là chính người đọc tránh bị phân tâm khỏi bên ngoài, tập trung hơn để đối thoại với mặt bên trong, rèn luyện cho tâm trí đạt đến độ lặng thuần nhất, là cánh cửa hướng đến đắc đạo.

“Những  người  chết  và  những  người sống. Chú nhớ cái đêm bầy mèo được sinh ra. Nhỏ, ướt át như con chuột, cứ bám chặt vào vú mẹ. Từ bầu vú ấy, mèo mẹ sẽ truyền cho bầy con ký ức của sự sống, một sự sống lâu đời, bất tận, cứ không ngừng tuôn chảy. Trên cao, trăng mười bốn vẫn chưa kịp tròn đầy. Ánh sáng tỏa ra bàng bạc, phủ xuống núi rừng. Chú tự hỏi, mặt trăng đêm nay có khác gì mặt trăng hơn ngàn  năm  trước... Mặt trăng nào đã sinh ra mặt trăng này và vỡ vụn, để lại một vầng trăng côi cút đứng bên trời. Côi cút giống chú, giống Cẩm, giống hàng ngàn đứa trẻ sau đại dịch.

Hàng bao người cha, người mẹ đã chết vì dịch bệnh, có phải họ cũng đang hóa thân thành những ngôi sao trên cao kia, cạnh mặt trăng côi cút. Đêm này qua đêm khác, mở mắt trông vào giấc mơ đứa cô nhi của họ.”

Những bi kịch đau thương qua lời kể của Huỳnh Trọng Khang lại vô cùng nhẹ nhàng, tiêu biểu là cái chết của người bà nội, ông Thanh, rồi dì Út đến một cách bất ngờ, nhưng cũng trôi qua thật bình yên và không kém phần xúc động, đau buồn nhưng không bi lụy. Dòng đời sẽ luôn xoay chuyển, đôi khi nó xoay chuyển theo hướng không ai mong muốn, nhưng mọi thứ sẽ luôn được tái sinh, như cách vầng trăng khuyết rồi sẽ lại tròn. Tuy vậy, để hiểu điều đó, thì chính con người sẽ phải trải qua những "bể khổ", "bể lầm", "bể lạc"… từ đó để hiểu rằng ta luôn côi cút trong cõi đời này, nhưng rồi sẽ lại tái sinh trong ngày tươi đẹp của từng sát na, người cũ ra đi, rồi sẽ có những sinh mệnh mới được ra đời.

“Từ xưa đến nay, không có đường nào khác, sống chỉ như mặc áo, chết cũng tựa cởi quần. Cởi quần, mặc áo là chuyện bình thường ở đời, đừng lấy đó mà đau khổ. Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi.”

Dịch bệnh có thể là một kỷ nguyên vô cùng đen tối, nhưng nó cũng là hành trình để ta nhìn nhận lại bản thân và chính cuộc sống xung quanh. Không một trang sách nào mà người đọc không cảm nhận được tình thương giữa người với người, đó có thể là tình thầy trò giữa sư phụ và chú tiểu, tình bạn giữa chú tiểu và Cẩm, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình hay giữa những người hàng xóm, dù là một con mèo cũng mang lại một thông điệp ấm nồng khát vọng tồn sinh. Huỳnh Trọng Khang đã không lựa chọn cách xoáy sâu vào những khó khăn các gia đình gặp phải, mà cố tình dùng cách kể chuyện khôi hài để xua bớt đi không khí u ám của dịch bệnh. Nhờ có trận đại dịch, ai ai cũng khó khăn, vô tình con người lại được kéo lại gần nhau hơn, gắn bó, đùm bọc, sẻ chia với nhau nhiều hơn, được giác ngộ ra sự nhỏ bé, cô đơn của mình giữa bể khổ cuộc đời, được nhìn sâu vào những mặt bên trong của tâm hồn, biết trân trọng từng giây phút, yêu thương cuộc đời và những người xung quanh mình hơn, vì đời luôn là vô thường, không thể đoán được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì.

“Khi con đặt tình yêu của con vào giữa lòng vạn vật, con sẽ thấy tình yêu đó tan ra nhưng không mất đi. Ta học yêu hằng ngày, yêu ngôi chùa này, yêu thương con, yêu ngọn cỏ, hòn đá bên đường. Rồi có ngày con sẽ học được cách để có một tình yêu như thế.”

Cả Huyền Trang và chú tiểu đều không phải đi tìm linh sơn trong chốn rừng sâu núi thẳm hay vùng đất nào khác, đến cuối cùng, cả hai cùng ngộ ra linh sơn  ngay giữa cuộc đời. Cõi niết bàn không phải nơi nào xa xôi, mà nó có sẵn trong lòng mỗi người, ta tìm thấy nó trong việc đặt tình yêu thương vào lòng vạn vật, để dù vạn vật có xoay chuyển, ta vẫn vững vàng, tỏa sáng như vầng trăng vĩnh cửu trên bầu trời, hết khuyết rồi lại tròn, tuy côi cút nhưng luôn ấm áp, dẫu trong đêm đen của cuộc đời vẫn tự làm ngọn đèn cho chính mình.

Cảm nhận chung

Bể trăng côi là một tác phẩm không chỉ ấn tượng trong nghệ thuật viết đan cài giữa thực - ảo, hiện tại – quá khứ mà thông qua đó cũng truyền tải những thông điệp nhẹ nhàng, nhiều tính triết lý nhưng lại dễ liên hệ với thực tế, tác giả chất vấn về các vấn đề lớn của nhân sinh và cả những điều nhỏ bé, vụn vặt, dễ bị bỏ qua trong bối cảnh đại dịch vừa qua bằng những chất liệu độc đáo, góc nhìn Phật giáo mới lạ.

Cuốn sách không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn học chất lượng mà còn là liều thuốc tinh thần nhẹ nhàng giúp cho những cá nhân đã quá mệt mỏi trong hành trình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cảm thấy được chữa lành và hiểu bản thân hơn, qua đó giúp cho những con người bé nhỏ có động lực và sức mạnh vượt qua chính mình, tỏa sáng như vầng trăng vĩnh cửu trên bầu trời. Sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa và đậm tinh thần Phật giáo, Bể trăng côi là một dấu ấn khó phai của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang trên diễn đàn văn học Việt Nam hiện đại.

Tóm tắt bởi: Ngọc Minh - Bookademy

Hình ảnh: Mai Trang

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...