“Chúng ta thường được khuyên hãy lờ đi sự tồn tại của những điều tiêu cực và chỉ tập trung vào những điều tích cực. Nhưng thật ra sức mạnh đến từ việc nhận ra cả điều tích cực lẫn tiêu cực và học cách đối mặt với nó. Quyển sách này mang đến một câu chuyện vĩ đại và dạy cho chúng ta những bài học tuyệt vời.” – LARRY WINGET– Tác giả sách bán chạy nhất do New York Times và Wall Street Journal bình chọn (Shut up, stop whining & Get a life). (Trích Lời khen tặng dành cho Chiến thắng con quỷ bên trong bạn).
Trên thực tế, mỗi ngày khi lướt qua mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nội dung khuyên nhủ rằng hãy luôn lạc quan, hãy tìm kiếm và tập trung vào những mặt tích cực của cuộc sống. Những thông điệp này dường như trở nên phổ biến đến mức chúng ta vô tình cảm thấy việc phớt lờ đi những điều tiêu cực là một điều đúng đắn. Nhưng liệu rằng việc chỉ nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng có thật sự mang lại hạnh phúc bền vững? Tôi không phủ nhận hay chỉ trích sự lạc quan, hạnh phúc, hay lòng biết ơn đối với cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, giống như đôi mắt có hai màu trắng và đen, cuộc đời này cũng bao hàm cả những sắc màu sáng tối đan xen. Nơi mà niềm vui và sự tích cực tồn tại, những nỗi buồn và tiêu cực cũng không thể tránh khỏi. Điều quan trọng hơn cả là ta phải đối diện với cả hai mặt của cuộc sống, nhìn nhận cả niềm vui lẫn nỗi đau một cách chân thực nhất. Nhưng thay vì để những nỗi đau đó nhấn chìm ta, hãy tìm cách vượt qua, chiến thắng những khó khăn, và đặc biệt là chiến thắng "con quỷ" bên trong mỗi chúng ta. Đây cũng chính là thông điệp sâu sắc mà Napoleon Hill muốn gửi gắm qua cuốn sách Chiến thắng con quỷ bên trong bạn để tự do và thành công, khuyến khích chúng ta không chỉ chấp nhận thực tại mà còn phải vượt lên để đạt được thành công thực sự.
1. Giới thiệu về tác giả Napoleon Hill và cuốn Chiến thắng con quỷ bên trong bạn.
Trong phần lời ngỏ, Sharon Lechter bày tỏ lòng yêu quý và sự kính trọng sâu sắc dành cho Tiến sĩ Napoleon Hill:
"Có thể nói Tiến sĩ Napoleon Hill là tác giả viết sách nổi tiếng nhất trong thể loại tự lực hành động, là nhà tư tưởng, người truyền cảm hứng và là tác gia của mọi thời đại. Với quyển sách này, chúng tôi muốn bạn nhanh chóng hình dung cuộc phỏng vấn thật sự của bạn với Con Quỷ. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhận ra Con Quỷ trong cuộc sống của bạn và nó làm gì đối với 98% loài người, theo lời Con Quỷ nói."
Bằng tầm nhìn vượt thời gian của mình, Napoleon Hill đã sáng tạo nên một tác phẩm đầy cảm hứng, chứa đựng những bài học quý báu về việc vượt qua rào cản nội tại để đạt được thành công thực sự. Điểm nhấn độc đáo của cuốn sách nằm ở việc ông hình tượng hóa "Con Quỷ" – hiện thân của nỗi sợ hãi, sự trì trệ, và những yếu tố tiêu cực trong tâm trí con người. Thông qua cuộc đối thoại tưởng tượng với "Con Quỷ," Hill tinh tế chỉ ra rằng phần lớn nhân loại bị chính những lo âu, sợ hãi vô hình này chi phối, khiến họ bị cản trở trong hành trình đạt đến mục tiêu và hạnh phúc dài lâu. Cuốn sách không chỉ khuyến khích độc giả về con đường dẫn đến thành công, mà còn khơi gợi sự tự nhận thức, giúp họ đối mặt và vượt qua những trở ngại tinh thần bên trong.
Mặc dù bản thảo đã được Napoleon Hill viết từ năm 1938, sau 72 năm, khi được xuất bản, tác phẩm vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và giá trị của mình. Ngay cả trong bối cảnh xã hội hiện đại, cuốn sách vẫn tiếp tục là một nguồn động lực to lớn, giúp độc giả vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống.
Những khó khăn trong cuộc đời của Hill được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa ông và độc giả, giúp họ dễ dàng đồng cảm với hành trình của ông. Một trong những thông điệp quan trọng nhất mà Hill truyền tải là sự khác biệt giữa việc hiểu biết về các nguyên tắc thành công và thực sự áp dụng chúng vào cuộc sống. Trong thế giới ngày nay, điều này càng trở nên rõ ràng khi nhiều người dễ dàng tiếp thu lý thuyết nhưng lại khó khăn trong việc biến chúng thành hành động thực tiễn hàng ngày. Hill nhấn mạnh rằng, thành công không chỉ đến từ sự hiểu biết, mà còn đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm để sống theo những nguyên tắc đã được lĩnh hội.
Ngoài ra, Hill còn nhấn mạnh rằng giới hạn duy nhất con người phải đối mặt chính là giới hạn do chính họ đặt ra. Đây là một thông điệp vô cùng mạnh mẽ, khuyến khích độc giả khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân, vượt qua những giới hạn mà họ từng nghĩ là không thể. Cuốn sách không chỉ là một cẩm nang về thành công, mà còn là lời nhắc nhở rằng bất kỳ ai cũng có thể vượt qua nỗi sợ hãi của mình, tự do lựa chọn con đường mà họ muốn đi, và từ đó đạt được những thành tựu to lớn trong cuộc sống.
2. Những bài học từ cuốn Chiến thắng con quỷ bên trong bạn qua bảy nguyên tắc để đạt được tự do về vật chất, tinh thần và trí tuệ:
Trong cuốn sách, tác giả đã nhắc đến bảy nguyên tắc sau đây:
1. Tính rõ ràng của mục đích
2. Khả năng làm chủ bản thân
3. Khả năng học từ nghịch cảnh
4. Khả năng kiểm soát ảnh hưởng của môi trường xung quanh
5. Thời gian (định hình vĩnh viễn các thói quen suy nghĩ tích cực thay vì tiêu cực và gia tăng sự thông tuệ)
6. Sự hòa hợp (cùng với tính rõ ràng của mục đích trở thành ảnh hưởng chủ đạo trong môi trường thể chất, trí tuệ và tinh thần của cá nhân)
7. Sự cẩn trọng (xem xét kỹ càng kế hoạch trước khi hành động)
Các nguyên tắc mà tác giả đưa ra đều được phân tích kỹ lưỡng và thể hiện rõ ràng thông qua cuộc đối thoại giữa ông và "con quỷ." Qua đó, tác giả không chỉ trình bày quan điểm của mình mà còn dẫn dắt người đọc nhìn nhận những chân lý sâu sắc về cuộc sống. Trong đó, có những nguyên tắc tôi cho rằng vẫn giữ được giá trị của chúng trong thời đại ngày nay.
Học từ nghịch cảnh
Trong một chương của cuốn sách, tác giả đã hỏi con Quỷ rằng: “Thất bại có mang lại lợi ích cho con người không?”
Chúng ta vẫn thường được nghe những câu nói như “Thất bại là mẹ thành công” và đều được dạy rằng bạn có quyền thất bại nhưng hãy đứng lên sau thất bại đó.Thế nhưng, nói luôn dễ hơn hành động rất nhiều. Và chúng ta thường phải chấp nhận rằng, bạn sẽ đau khổ rất nhiều, thậm chí là chán nản, từ bỏ sau khi gặp thất bại. Chương này của tác giả không giống như một lời động viên mà giống như một lời cảnh tỉnh cho chúng ta khi gặp vấn đề trong cuộc sống hơn. Tác giả đã mượn lời của con quỷ để trả lời câu hỏi này:
“Đ: Có. Thật ra, học từ nghịch cảnh chính là nguyên tắc thứ ba trong bảy nguyên tắc. Nhưng rất ít người biết rằng mọi nghịch cảnh đều mang trong nó hạt mầm của một lợi ích tương đương. Và số người phân biệt được thất bại tạm thời và thất bại thật sự thậm chí còn ít hơn. Nếu điều này được phản động mọi người nhận thức được, ta chắc chắn đã không giữ được một trong những vũ khí kiểm soát con người mạnh nhất của ta.
H: Nhưng ngươi đã nói rằng thất bại là một trong những đồng minh tốt nhất của ngươi. Từ lời thú tội của ngươi, ta hiểu rằng thất bại khiến con người mất đi tham vọng và ngừng cố gắng, và đó là lúc ngươi dễ dàng chiếm hữu con người mà không có sự kháng cự nào từ phía họ.
Đ: Đó là điểm mấu chốt. Ta chiếm hữu con người ngay khi họ ngừng cố gắng. Nếu thấy được sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại thật sự, họ sẽ không bỏ cuộc khi gặp trở ngại trong cuộc sống. Nếu họ biết rằng mọi kiểu thất bại và vấp ngã đều chứa đựng hạt mầm cơ hội ở tương lai, họ sẽ tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi. Thành công thường ở cách vị trí nơi một người quyết định dừng lại chỉ vài bước chân.
H: Đó có phải là tất cả những gì một người có thể học từ nghịch cảnh, thất bại và va vấp không?
Đ: Không, đó là điều tối thiểu một người có thể học được từ nghịch cảnh. Ta ghét phải tiết lộ với ngươi điều này, nhưng thất bại thường mang trong nó cả vận may bởi vì nó phá vỡ sự kiểm tỏa của nhịp điệu thôi miên và giải phóng tâm trí để có một sự khởi đầu mới.
H: Chúng ta sắp nhận ra điều gì đó rồi đây. Cuối cùng, ngươi cùng đã thu nhận rằng ngay cả quy luật nhịp điệu thôi miên của tự nhiên cũng có thể và thường bị vô hiệu hóa bởi chính tự nhiên. Có đúng không?
Đ: Không, nói như vậy không đúng. Tự nhiên không bao giờ đảo ngược bất kỳ quy luật tự nhiên nào. Tự nhiên không bao giờ lấy đi quyền tự do tư duy của con người thông qua nhịp điệu thôi miên, mà cá nhân đó từ bỏ tự do của mình do lam dung quy luật này. Nếu một người nhảy từ trên cây xuống và chết do tác động đột ngột của cơ thể với mặt đất bởi luật hấp dẫn, ngươi không thể nói rằng tự nhiên đã giết chết anh ta, mà vì anh ta đã không hành động phù hợp với luật hấp dẫn. Đúng chứ?
H: Ta bắt đầu hiểu ra. Nhịp điệu thôi miên có tác dụng tích cực lần tiêu cực. Nó có thể kéo một người xuống kiếp sống nô lệ khi anh ta đánh mất quyên tự do tư duy của mình, hoặc nó cũng có thể đưa một người lên những đỉnh cao thành công, tùy thuộc vào cách người đó kết nối bản thân với quy luật này như thế nào mà thôi. Có phải vậy không?
Đ: Giờ thì ngươi nói đúng rồi đấy.”
Tác giả đã nhắc đến khái niệm thất bại và sự liên hệ giữa nó với quy luật "nhịp điệu thôi miên" của tự nhiên. Tác giả không chỉ đơn thuần xem thất bại là kết quả của sự thiếu may mắn hay sai lầm, mà còn đi sâu phân tích về vai trò của nó trong việc hình thành tính cách và tư duy của con người. Thất bại không phải là điều hiển nhiên cho đến khi con người tự chấp nhận nó.
“Thất bại là một trạng thái của tâm trí, tức là con người có thể kiểm soát được nó, trừ khi anh ta từ chối sử dụng đặc quyền này."
Thất bại, theo tác giả, là một cơ hội để "phá vỡ sự kiểm tỏa của nhịp điệu thôi miên" – một quy luật tự nhiên khiến con người rơi vào lối sống quen thuộc, tầm thường và thiếu sáng tạo. Thất bại không chỉ là điểm dừng mà còn là cơ hội để đánh giá lại cuộc sống và tìm kiếm con đường mới, thoát khỏi sự nhàm chán và lặp lại.
Khả năng kiểm soát ảnh hưởng của môi trường xung quanh
Tác giả lý giải, “Môi trường bao gồm tất cả sức mạnh trí tuệ, tỉnh thân và thể chất có tác động và ảnh hưởng đến con người.” và “Nhịp điệu thôi miên củng có và khiến thói quen tư duy của con người trở nên cố định. Thói quen tư duy lại được kích thích bởi các ảnh hưởng của môi trường. Nói cách khác, nguyên liệu để "nuôi" tư duy của một người đến từ môi trường của người đó, và nhịp điệu thôi miên làm cho thói quen tư duy trở nên cố định.”
Tác giả không chỉ phân tích chi tiết cách thức mà môi trường có thể “nuôi” tư duy, mà còn nhấn mạnh vai trò của nhịp điệu thôi miên trong việc làm cố định những thói quen này. Điều này giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn rằng, môi trường không chỉ đơn thuần là nơi con người sinh sống, mà còn là sự tổng hợp của những tác động từ các mối quan hệ xung quanh.
Đặc biệt, tác giả chỉ ra rằng, việc chọn lựa môi trường tích cực - thông qua việc xây dựng những liên minh thân thiện hoặc cộng tác với những cá nhân có cùng mục tiêu - là chìa khóa giúp con người duy trì và phát triển các thói quen tư duy tích cực. Đây là một quan điểm mạnh mẽ, khuyến khích chúng ta cẩn trọng hơn trong việc chọn lựa bạn bè, đồng sự và môi trường sống.
“H: Phần quan trọng nhất của môi trường của một người là gì – phần chủ yếu nhất quyết định một người sẽ sử dụng tâm trí mình như thế nào, một cách tích cực hay tiêu cực?
Đ: Phần quan trọng nhất đó được tạo ra bởi mối liên hệ của anh ta với những người khác. Một cách có ý thức hoặc vô thức, mọi con người đều tiếp thu và áp dụng thói quen tư duy của những người có mối liên hệ gần gũi với mình.
H: Ý ngươi là việc thường xuyên tiếp xúc với một người có thói quen tư duy tiêu cực sẽ khiến bản thân hình thành thói quen tư duy tiêu cực?
Đ: Đúng vậy, quy luật nhịp điệu thôi miên khiến mọi con người buộc phải hình thành các thói quen tư duy thích ứng với những ảnh hưởng chủ đạo của môi trường của người đó, nhất là phần môi trường được tạo ra bởi sự tiếp xúc của bản thân người đó với những tâm trí khác.
H: Vậy thì mỗi người đều nên rất cẩn trọng trong việc chọn đồng sự, đúng không?
Đ: Đúng vậy, việc chọn đồng sự cũng quan trọng không kẽm việc chọn đỏ ăn thức uống để đưa vào cơ thể, và tiêu chỉ lựa chọn luôn là người có tư duy chủ đạo tích cực, thân thiên và hòa hợp.
H: Những đối tượng gần gũi nào có ảnh hưởng đến một người nhiều nhất?
Đ: Bạn đời, những người thân trong gia đình và cộng sự ương công việc. Kế đến là bạn bè thân thiết và những người quen thân. Những người tình cờ quen biết và người lạ cũng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể.”
Cuối cùng, tác giả đã chốt lại rằng: “…những người kiếm soát được các ảnh hưởng của môi trường mà từ đó thói quen tư duy của họ hình thành là những người làm chủ vận mệnh của chính mình, còn tất cả những người khác đều bị số phận làm chủ.”
Như vậy, thói quen tư duy không chỉ là kết quả của hành động cá nhân mà còn phụ thuộc vào ảnh hưởng của môi trường. Những người có khả năng kiểm soát môi trường của mình chính là những người làm chủ được vận mệnh.
Ngoài ra, tác giả không chỉ dừng lại ở việc phân tích nguyên tắc về ảnh hưởng của môi trường, mà còn tiếp tục đề cập đến một loạt các nguyên tắc quan trọng khác, giúp bạn chiến thắng "con quỷ" bên trong và nắm bắt được thành công trong cuộc sống. Mỗi nguyên tắc đều chứa đựng những bài học sâu sắc, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và giúp người đọc hiểu rõ hơn về cách kiểm soát tư duy và hành vi của bản thân.
3. Cảm nhận chung về cuốn sách.
Nhìn chung, đây là một cuốn sách với những nội dung khá thú vị và hữu ích cho nhiều người. Tuy rằng tác giả phần nào thể hiện sự bất mãn với chế độ xã hội hay các vấn đề về tôn giáo, giáo dục trong xã hội đó gây nên nhiều tranh cãi. Quan điểm riêng của tác giả chính là đại biểu cho một vài người trong xã hội ông sống tại thời điểm đó, chúng ta – những độc giả ở thời đại ngày nay có thể đọc và tham khảo những quan điểm này để có cái nhìn về xã hội đó, dù tôi cho rằng những quan điểm này tương đối chủ quan từ phía của tác giả. Thế nhưng, xã hội luôn thay đổi không ngừng và chúng ta không thể phủ nhận rằng, ở bất cứ thời đại nào, những quan điểm của mỗi người là khác nhau.
Điều quan trọng, như tác giả đã khéo léo đề cập trong cuốn sách, chính là chúng ta phải có đủ can đảm để đối diện với những điều tiêu cực, những mặt tối của cuộc sống mà đôi khi chúng ta muốn né tránh. Không phải ai cũng có chung suy nghĩ hay cảm nhận về một vấn đề, và đó là điều bình thường. Quan trọng hơn cả là chúng ta cần giữ vững những giá trị tốt đẹp, phân định được điều gì đúng với giá trị quan của bản thân, và không để những quan điểm đối lập làm lung lay niềm tin của mình.
Đọc một cuốn sách không có nghĩa là bạn phải thay đổi tất cả mọi suy nghĩ hay giá trị của bản thân sau khi khép lại trang cuối cùng. Thay vào đó, hãy sử dụng nó như một cơ hội để suy ngẫm và đánh giá liệu những tư tưởng, quan điểm trong sách có còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bạn hay không. Hãy học hỏi từ những điều tích cực, đồng thời mở lòng chấp nhận rằng có thể có nhiều cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Sự đa dạng trong suy nghĩ và nhận thức chính là điểm khiến cuộc sống phong phú và đáng suy ngẫm hơn.
Tóm tắt bởi: Minh Thúy - Bookademy
Bình luận
Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)Bình luận