Chuyển đến phần nội dung
[Tóm Tắt & Review Sách] “Những Khán Giả Ngồi Trong Bóng Tối”: Sự Tái Sinh Của Các Tác Phẩm Văn Học Kinh Điển // [Tóm Tắt & Review Sách] “Những Khán Giả Ngồi Trong Bóng Tối”: Sự Tái Sinh Của Các Tác Phẩm Văn Học Kinh Điển // [Tóm Tắt & Review Sách] “Những Khán Giả Ngồi Trong Bóng Tối”: Sự Tái Sinh Của Các Tác Phẩm Văn Học Kinh Điển

[Tóm Tắt & Review Sách] “Những Khán Giả Ngồi Trong Bóng Tối”: Sự Tái Sinh Của Các Tác Phẩm Văn Học Kinh Điển

 

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta ai ai cũng đã quen thuộc với những cái tên như Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ, Chiếc lược ngà, Hồn Trương Ba da hàng thịt,....Trải qua nhiều thế hệ, những tác phẩm văn học kinh điển ấy đã gắn liền với đời sống chúng ta một cách gần gũi và quen thuộc. Nữ nhà văn trẻ Hiền Trang đã thành công kế thừa những giá trị vốn có của chúng, đồng thời thổi vào đó một làn gió mới mẻ bằng phong cách cá nhân, góc nhìn độc đáo, sáng tạo hơn qua tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối, phản ánh tinh thần thời sự của văn học Việt Nam đương đại.

1. Giới thiệu tác giả

Hiền Trang đang là gương mặt văn chương trẻ nổi bật hiện nay. Cô sinh năm 1993, tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, cô được biết độc giả đến qua những tác phẩm: Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ, Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi, Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Dưới mái hiên đêm, Những khách lạ... Có lợi thế về ngoại ngữ nên ngoài những tiểu thuyết và truyện ngắn, Hiền Trang còn tham gia dịch thuật với các dịch phẩm: Dưới bánh xe mặt trời (tác phẩm của nhà văn người Đức Hermann Hesse, chủ nhân của giải Goethe và giải Nobel Văn học năm 1946) và Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 (sách tiểu sử về ban nhạc The Beatles), Chơi jazz ở Việt Nam - Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội (tác giả Stan BH Tan-Tangbau và Quyền Văn Minh).

Theo dõi hành trình văn chương của Hiền Trang, dễ nhận thấy cô có một thái độ lao động, sáng tạo cẩn trọng và nghiêm túc. Đặc biệt, mỗi một tác phẩm xuất bản là một món quà bất ngờ và thú vị mà cô gửi đến bạn đọc. Tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối (NXB Kim Đồng) vừa ra mắt mới đây là một tác phẩm như vậy.

 

2. Tóm tắt tác phẩm

Có lẽ độc giả đã không còn xa lạ với những cái tên như Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, giáo Thứ, chị Dậu, Mị, Huấn Cao… Đó là những nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam, in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả và đi vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa.

Với quan niệm “văn chương có thể trải qua vô lượng kiếp sống, liên tục sinh nghĩa, liên tục thở đều kể cả khi tác giả đã thành người thiên cổ”, dựa trên nguồn nguyên liệu khổng lồ, Hiền Trang đã dũng cảm sử dụng lại những nhân vật vốn đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam và sáng tạo thành 12 truyện ngắn tách biệt, mỗi truyện lại lấy cảm hứng từ một tác phẩm kinh điển và dưới góc nhìn của một nhân vật hoàn toàn chưa từng xuất hiện trong truyện gốc. Nhờ đó, những nhân vật quen thuộc tiếp tục đến với bạn đọc nhưng dưới diện mạo, góc nhìn cùng những suy tư mới. Tác giả đã khéo léo lồng ghép và tái hiện những tác phẩm kinh điển như Sancho Panza của Cervantes và những nhân vật trong Odysseus của Homer với những suy nghĩ sâu sắc và tinh tế. Trong truyện về Chí Phèo, cuộc đời của nhân vật này được kể qua góc nhìn của một người hậu duệ bị mắc lời nguyền và có ngoại hình giống gã (Lời nguyền làng Vũ Đại), cuộc sống giáo Thứ được kể qua giấc mộng của chính anh (Nơi yên nghỉ một giấc mộng mòn), cơn tức giận của Diêm Vương thể hiện con người Xuân Tóc Đỏ (Xuân Tóc Đỏ chơi xỏ Diêm Vương), tay chân của thống lý Pá Tra nói về Mị và A Phủ (Ở Hồng Ngài có hai người mọc cánh), chân dung người tử tù Huấn Cao hiện lên qua quan sát của tay đao phủ đã chặt đầu ông (Người tử tù không đầu)....

3. Sự phái sinh trong Những khán giả ngồi trong bóng tối

Phái sinh trong nghệ thuật được hiểu nôm na là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại. Riêng trong văn học cũng có khái niệm gọi là “liên văn bản”, mỗi văn bản, có thể được xem như các palimpsest, tức là dạng thức cái mới viết chồng lên cái cũ. Các yếu tố gắn liền với cá nhân như tính khởi thủy (originaltity), tính sáng tạo (creativity), khả năng diễn đạt (expressibility), nguồn gốc tác giả (authorship) hay sự đạo văn (plagiarism) cũng dần bị mờ nhòe, trở thành những phạm trù nhập nhằng và không ngừng đan xen lấy nhau. Ở vị thế này, tác giả cũng đồng thời bộc lộ tính chức năng của mình là người xâu chuỗi, người kết nối, người viết lại, nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Hiền Trang không viết về Chí Phèo, Số đỏ, Chữ người tử tù như cách Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân đã từng viết. Dùng chất liệu là các nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng mà ai cũng học trong nhà trường, tác giả kết hợp với cảm hứng “bên ngoài” như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực, văn chương sinh thái, phong cách gothic, noir... Tất cả điều này cho phép tác giả phản chiếu lại quá khứ từ một điểm nhìn khác hoàn toàn mới lạ và độc đáo. Ví dụ như trong Mộng tưởng cuối cùng của chị Dậu, thay vì kể dưới góc nhìn của một nhân vật vốn có, tác giả lựa chọn nhìn từ góc độ cái bóng của chị Dậu, đại diện cho một bản thể khác của chị. Hay trong Hiệp sĩ ngựa người, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan, Hiền Trang muốn sự suy thoái người thành ngựa không chỉ là nghĩa bóng, mà còn là một sự biến hình theo nghĩa đen. Nữ nhà văn cũng thẳng thắn chia sẻ tham vọng sẽ đưa những chất liệu quen thuộc của văn học Việt Nam vươn tầm thế giới: "Cho nên tôi nghĩ, chẳng hạn, sự gặp gỡ giữa làng Vũ Đại và những ngôi làng nổi tiếng trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo như làng Comala trong Pedro Páramo của Juan Rulfo hay làng Macondo trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez là tất yếu, hay những câu hỏi mà Lưu Quang Vũ đặt ra về sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác chẳng phải cũng là câu hỏi triết học mà từ Aristotle đến Descartes vẫn luôn đau đầu đấy ư?"

Tuy nhiên, Hiền Trang đã không hề chối bỏ những giá trị cũ, mà chỉ viết lại bằng những phương thức khác biệt với cách thể hiện của văn bản vốn có, để hiểu được toàn bộ truyện ngắn, độc giả vẫn cần đọc qua tác phẩm gốc. Nếu chưa từng biết vì sao Chí Phèo rạch mặt ăn vạ trong tác phẩm của Nam Cao, người đọc có thể sẽ không thể hiểu được tại sao lại có lời nguyền ám lên hậu duệ của gã trong truyện của Hiền Trang. Nếu không đọc Số đỏ, sẽ khó hiểu được tại sao Xuân Tóc Đỏ bằng sự trí trá có thể vượt qua cả mặt Diêm Vương. Do vậy, những gì tập truyện mang tới đa phần chỉ dừng lại ở một cách "đọc lại", "đọc khác" tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt Nam, tô điểm thêm những giá trị vốn có là chủ yếu chứ không phải làm mới lại hoàn toàn.

Hiền Trang đã chia sẻ: “Sau đó, là bởi tôi luôn cảm thấy có gì thật bí ẩn nơi chính những khán giả ngồi xem một vở kịch, một bộ phim. Họ khuất lấp trong bóng tối, họ không thuộc về nội dung hay vở kịch ấy, nhưng sự hiện diện của họ chứng minh rằng vở kịch và bộ phim kia tồn tại. Chính họ, trong im lặng, sẽ là người cười, khóc, cắt nghĩa, nhớ về những câu chuyện hư cấu được xem. Không có họ, nhân vật hư cấu sẽ phân tán trong hư không.” Hiền Trang cho rằng, mỗi cá nhân sẽ có một sự tiếp nhận văn bản của riêng mình hay nói cách khác là một cách cảm thụ văn học riêng, đó là cách các tác phẩm luôn tồn tại qua thời gian. Không chỉ người viết, người đọc cũng đóng góp một phần quan trọng cho sự tồn tại của văn học. Nội hàm của tác phẩm nào cũng sẽ ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa và cần những khán giả như ta khai thác, mở ra nhiều chiều kích hơn cho tác phẩm. Chính những người ngồi trong bóng tối ở hàng ghế khán giả, dõi theo các nhân vật chính trong ánh sáng của sân khấu, với những cảm xúc đa dạng, sự cắt nghĩa, cách hiểu riêng của họ đã tiếp thêm sức sống cho văn học, giúp nhân vật hư cấu tiếp tục sống thêm những đời sống khác.

Tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối thực sự đã chứng minh được sức sống mãnh liệt của văn học bất kể không gian, thời gian, Hiền Trang đã mở rộng, sáng tạo thêm những không gian mới cho các tác phẩm văn học kinh điển, mở ra cho chúng ta những góc nhìn mới, thôi thúc độc giả mạnh dạn tư duy sáng tạo, dám có suy nghĩ vượt ra khỏi tác phẩm gốc. Rất có thể sau những trang sách của Hiền Trang, sẽ là những tác phẩm khác của các độc giả muốn viết lại, nối tiếp vô cùng tận sự tồn tại của những nhân vật quen thuộc.

4. Những trích dẫn hay

Độc giả vốn đã quen thuộc với hình ảnh chị Dậu dám đứng lên chống trả lại cai lệ và đám tay sai để bảo vệ gia đình, tiêu biểu cho sức sống, sức phản kháng mãnh liệt của người nông dân trước những áp bức bất công trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Hiền Trang lại chọn cách phơi bày ra những suy tư phức tạp, ẩn sâu trong tâm hồn của chị thông qua hình tượng một cái bóng mà chỉ có chị Dậu mới trông thấy. Nó luôn luôn thúc đẩy chị Dậu hãy mạnh mẽ vứt bỏ hết mọi thứ, chạy trốn thật xa để cứu lấy chính mình, thế nhưng vì tình yêu dành cho chồng con, chị vẫn chấp nhận ở lại, để bản thân bị giam cầm trong một tình thế vô phương cứu chữa.

“Giá mà tôi có thể làm chị hiểu rằng chị hoàn toàn có thể. Sự có mặt của một con người chỉ được cho là quan trọng cho đến khi họ vắng mặt, sẽ có một vài đảo lộn và rối rắm nho nhỏ, nhưng sẽ không đảo lộn hơn một cái gối bị đặt nhầm chỗ, cũng không rối rắm hơn một cái bát cáu cạnh được lau chùi qua quít. Sự biến mất của chị sẽ là một vết rách không bao giờ vá lại nổi, với chồng chị, với đứa con trai năm tuổi, nhưng rốt cuộc người ta vẫn có thể sống với một vết rách ở gấu áo, cũng như người ta có thể chung sống với bụi ở trong nhà. Mà có khi, cắt đứt khỏi chị, họ sẽ đột ngột thành thạo những việc đó, chồng chị sẽ bỗng nhiên bình phục lại và thẳng Dần sẽ bỗng nhiên lớn bổng lên vì lúc này anh và nó không còn lựa chọn nào khác nữa. Mọi thứ sẽ đâu vào đấy vì nói cho cùng cuộc sống như một con đỉa, khi chặt đôi nó ra thì nó sẽ nhân lên thành hai con,  sẽ nhân ra mãi và không ai giết được nó, cộng dồn toàn bộ sự bất hạnh rồi cũng sẽ ra cuộc sống, họ sẽ phải tự tìm lấy đường sống, dù có chị hay không có chị.”

(Mộng tưởng cuối cùng của chị Dậu)

Ngay cả khi đã xuống địa ngục, Xuân Tóc Đỏ giữ nguyên nét tính cách cũ, vẫn biết cách luồn lách, dùng mưu mẹo, thủ đoạn để làm lợi cho mình, thậm chí thắng cả Diêm Vương trong một cuộc đấu quần vợt, đến mức ngài cũng phải thốt lên: “Mẹ kiếp, xuống đến mười tám tầng địa ngục rồi mà số mày vẫn Đỏ.” Một tình huống truyện có phần phóng đại nhưng lại vô cùng phù hợp để tô đậm thêm sự châm biếm về những thói đời giả tạo trong xã hội đương thời và cả hiện đại.

 “Nếu như, chỉ là nếu như thôi, ai đó đứng lên hốt hết phân trên toàn xứ Bắc Kì này, thì y đã không còn chốn dung thân, y đã tuyệt chủng hoặc chí ít giống loài y đã bị liệt vào sách Đỏ. Nhưng ai hơi đâu hốt đống phân đang dềnh lên ấy, và có hốt cũng không hốt xuể, nên y từ một thằng khốn tầm thường trở thành một thằng khốn vĩ đại, từ một con ruồi cầu bơ cầu bất lớn nhanh như thổi thành một con chúa ruồi với đôi cánh che trời, là triết gia ông tổ của chủ-nghĩa-bãi-phân. Ai cũng tranh nhau làm một thằng khốn, nhưng xét về sự khốn thì Xuân Tóc Đỏ độc cô cầu bại, y khốn chuyên nghiệp và đã thành một huyền thoại khốn. Và cứ xét theo đó thì đáng lẽ ra, hơn bất cú ai, y phải đủ điều kiện để lên thiên đàng, chỉ thiên đàng mới có đủ chỗ dung dưỡng cho cái buồng trứng đầy ắp sự khốn nạn của y, vậy mà y vẫn bị nhốt dưới mười tám tầng Địa ngục.”

(Xuân Tóc Đỏ chơi xỏ Diêm Vương)

Hai đứa trẻ trong tác phẩm của Thạch Lam sẽ có dáng hình thế nào nếu được nhìn qua lăng kính của hành khách trên chuyến tàu tới Hà Nội? Liệu chúng và những mơ mộng về cuộc sống đô thị có mờ nhạt, đáng thương giống như cách người khách nam tới mua hàng nhìn chúng, những gì khiến anh nhớ về hai đứa trẻ chỉ còn là một bao diêm nhỏ bé?

“Sau này, khi nhớ lại khung cảnh ấy, tôi sẽ thấy có hai đứa trẻ buồn rầu như một đoàn tàu ngày mưa, vì trông chúng rất buồn và một nhà thơ đã viết rằng không hình ảnh nào buồn hơn đoàn tàu ngày mưa cả. Đường ray ở ngay đó, rất dài mà chẳng tới được đâu, như đã bị cố định bằng thạch cao. Tôi thậm chí có thể thấy hai đứa trẻ đang hoen gỉ và mọc rêu, ánh mắt của chúng đang phản ứng với một hoạt chất nào đó gây nên sự tan rã. Và nếu chúng còn tiếp tục ngồi đó thêm một lúc nữa, đàn kiến sẽ bu lấy, tha chúng về tổ mà không có bất cứ sự kháng cự nào từ chúng, và đàn kiến sẽ ăn luôn chúng. Chúng sẽ biến mất trong lặng lẽ mà không ai phát hiện ra.”

“Còi tàu hụ lên, âm thanh kim loại của nó làm người ta càng biết rõ mình đã ngồi trong cõi thăm thẳm lâu đến chừng nào. Tôi vội vã chạy trở về toa tàu của mình. Những người khách xung quanh đang trở mình trên băng ghế. Lúc tàu lăn bánh, tôi vẫn nghe thấy rõ trong tiếng xình xịch là sự im lặng của hai đứa trẻ kia. Tôi căng mắt về phía ấy, chúng vẫn đang ngồi ở đó, im phỗng, từ khoảng cách này, chúng không có vẻ đang hoen gỉ mà như đang chờ đợi điều gì. Tàu lăn xa hơn, và chúng đã hòa làm một vào bóng tối, biến mất, chỉ khi sờ vào bao diêm vẫn còn trong túi áo tôi mới dám tin rằng chúng đã từng tồn tại.”

(Những đứa trẻ sinh ra từ đêm)

Trong truyện ngắn lấy cảm hứng từ Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, tình yêu của ông Sáu dành cho Thu vẫn hiện lên vô cùng cảm động, vì nó nhấn mạnh vào quá trình làm ra chiếc lược gian khổ của ông Sáu giữa chiến tranh bom đạn khốc liệt. Ngay cả những chú voi to lớn cũng bị lay chuyển trước tình yêu vĩ đại ấy, nên nguyện hi sinh tính mạng, hiến dâng chiếc ngà của mình cho ông.

“Và không chỉ gửi cho cô, người đàn ông này, cha cô, hẳn đã tự tay làm chiếc lược: Một số răng cưa không đều, cả khoảng cách giữa chúng cũng không đều, phần cạnh lược là một đường cong hơi méo, nó có vẻ thô vụng và bất toàn của con người. Nhưng ông đã làm nó từ ngà voi... Ông lấy ngà voi ở đâu ra để làm chiếc lược? Cách đây chừng mười lăm năm, tức là khi anh bảy tuổi, anh đã từng thấy voi ở trong vườn bách thú Pennsylvania, một con vật to lớn với nỗi cô đơn to lớn. Làm sao mà ông ấy có thể quật ngã toàn bộ sự to lớn ấy để làm ra một món vật chỉ nằm vừa lòng bàn tay thế này? Làm sao có cả thứ tình yêu lớn hơn một con voi?”

“Thế rồi, mọi thứ đột ngột dễ hiểu. Có lẽ không phải ông đã hạ gục sinh mệnh của con voi, ông không đủ sức làm điều đó, chỉ có thể là con voi đực đã tự nguyện để đạn xuyên vào thân mình, tự nguyện chết, tự nguyện chìa ra cặp ngà của mình cho ông đốn hạ. Có lẽ ông đã chặn đường đàn voi khi chúng đi tìm một chốn trú mưa, có lẽ chúng đã định bước qua xác ông, có lẽ ông đã nhìn sâu vào mắt con voi đực đầu đàn cho đến khi bóng ông hiện lên trong cặp mắt đục ngầu của voi, bóng ông liêu xiêu buồn, và trong mắt ông dâng lên một lời van lơn khó tả, có lẽ voi đã phủ phục dưới chân ông, để ông biến toàn bộ nỗi cô đơn to lớn phập phồng dưới lớp da xám dày thành một tạo vật của tình yêu không bao giờ chết.”

(Lời thỉnh cầu từ một con voi)

Người tử tù không đầu dường như là tác phẩm đậm màu sắc kinh dị nhất toàn bộ tập truyện, khi tác giả khắc họa cảnh một Huấn Cao đã bị chặt mất đầu vẫn tỉnh dậy, cầm bút viết chữ, gây ám ảnh cho không ít độc giả. Thế nhưng trên hết, Hiền Trang muốn nhấn mạnh một thông điệp đã vốn có: Giai cấp thống trị có thể giam cầm Huấn Cao về mặt thể xác, nhưng không thể làm lu mờ tài năng và nhân cách của một một nghệ sĩ tài hoa, luôn sống hết mình vì nghệ thuật và cái lương thiện.

“Không có nước pha, cái xác nhỏ mấy giọt từ nậm rượu mà chàng uống dở ban nãy để làm tan mực. Mùi mực và mùi rượu khiến mùi rữa nát cũng thành ra vô nghĩa. Rồi nó bắt đầu chấm bút, động tác nhón đầu lông xuống nhẹ bẫng, tựa như với nó, mực cũng là một vương quốc kín đáo mà ai đã nhón gót vào đều không muốn làm lay động sự tôn nghiêm. Nó thong dong viết, lối chuyển động của bàn tay không giống như đơn thuần là đang viết chữ hay viết một bài thơ mà đúng hơn là đang chắt ra một cái gì thuần khiết hơn cả thế, như một khóm dương xỉ nở hoa hồng hay một con trai nhả ra ngọc bích. Và như một khán giả đang chăm chú xem vở tuồng trên sân khấu, chàng thấy đôi mắt mở hé của mình tan chảy ra khi xem cảnh ấy, cảnh một cái xác không đầu trơ trụi với chiếc áo tù nhân bê bết máu, nhưng bất chấp tất cả, vẫn đang điềm nhiên cầm bút vạch từng nét cứ như thể điều đó còn quan trọng hơn cả việc cuộc đời đã thôi không tiếp diễn. Trước khi nến lụi, cái xác gác bút, rồi bằng cả hai tay, nó từ tốn xé tờ giấy làm đôi, làm tư, làm mười sáu, đến khi thành muôn vàn những mảnh giấy vụn lấp la lấp lánh như bạc thì nó vun vén lại, thảy bỏ vào trong cái cổ rỗng của mình, giờ đã thành một hố thắm sâu thông với một thế giới khác. Đến tận phút chót, nó vẫn cố giữ một thứ gì bên trong nó.”

(Người tử tù không đầu)

Hiền Trang không chỉ lồng ghép những chủ nghĩa siêu thực, hiện sinh...mà còn bày tỏ những quan điểm thế sự đúng với xã hội hiện nay. Trong Phút hồi sinh của hồn Hàng Thịt, tác giả đã để cho phần hồn của gã hàng thịt được lên tiếng, và nó gần như đi ngược lại với những tư tưởng của Lưu Quang Vũ, đem lại góc nhìn đa chiều hơn cho độc giả, dù là hồn Trương Ba, hay xác hàng thịt, bên nào cũng có những mặt tốt và mặt xấu riêng, bên nào cũng có những lí lẽ đúng của mình. Với xác hàng thịt, những thú vui mà hồn Trương Ba và mọi người coi là tục tĩu, hèn kém đơn thuần là những nhu cầu rất thật của mỗi con người, ai ai cũng có, không đáng bị coi khinh. Đặt trong bối cảnh xã hội rối ren của hiện tại, khi ranh giới giữa cái tốt và cái xấu bị lu mờ, quan điểm đó lại vô cùng phù hợp, chúng ta nên có một góc nhìn đa chiều hơn về mọi thứ.

“Đợi đến đầu giờ chiều, cái xác của y bắt đầu quằn quại, hẳn đã đến giờ hấp hối của linh hồn ông già kia. Ấy đấy, chỉ có xác là biết đau, hồn thì có biết thế nào là đau đớn. Hồn vô can, hồn vô cảm. Trong khi xác thân phải gánh chịu đủ mọi nhát roi vọt mà nó không than thở bao giờ, thế nhưng lại có những linh hồn không chịu biết điều như linh hồn nọ, vì sự thanh sạch chẳng đáng giá bằng một cục xương, có vút xuống đất cũng không ai thèm tha đi của mình mà đòi chết bằng được, đế xác thân lại phải nếm trải những mũi đâm xuyên thấu ớn lạnh của cái chết mà không mảy may thương xót. Ôi, còn gì ích kỉ hơn một linh hồn đức hạnh? Nó làm lơ với thế giới đang xoay vần bên ngoài, nó lạnh nhạt với những vật đổi sao dòi, nó dâng hiến cho thế giới những thứ mà thế giới không ăn được, nó cô lập mình và tự huyễn về cái tôi đức hạnh của nó. Mà rốt cuộc cái gì là luân lí, cái gì là đức hạnh, chẳng phải đức hạnh tối cao nhất là một cái bánh mì nóng hồi khi đói, một ly rượu thơm khi miệng nhạt ư?”

(Phút hồi sinh của hồn Hàng Thịt)

4. Cảm nhận cá nhân

Nhìn chung, tập truyện ngắn Những khán giả ngồi trong bóng tối của tác giả Hiền Trang thực sự là một tác phẩm đầy sáng tạo và thú vị qua cách tác giả đưa ra một góc nhìn mới và những suy nghĩ phá cách, làm mới diện mạo của những nhân vật quen thuộc trong văn học Việt Nam. Việc kết hợp tài năng với những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới đã tạo nên một cuốn sách độc đáo và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Điều đặc biệt thú vị là cuốn sách đã chứng minh rằng văn chương không bao giờ lỗi thời và luôn có thể được phá cách theo nhiều cách khác nhau. Ý nghĩa, giá trị của một tác phẩm văn học không chỉ dừng lại trong những trang sách gốc, hiểu được điều này, độc giả sẽ có một trải nghiệm đọc vô cùng mới mẻ và sâu sắc, đồng thời có thêm cảm hứng để phân tích, sáng tạo một tác phẩm văn học theo góc nhìn của riêng mình.

 

Tóm tắt bởi: Ngọc Minh  - Bookademy

Hình ảnh:  Bảo Hân

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...