“Cho đứa trẻ hai mươi tập làm người lớn” là bức tranh về cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học của một cậu sinh viên bình thường, với những băn khoăn, trăn trở trước một “cuộc sống không giống trong trang sách”. Những vấn đề về công việc, tài chính, gia đình, tình yêu, tình bạn cùng những khó khăn, cám dỗ (mà bất cứ ai cũng dễ bắt gặp trong quá trình trưởng thành) được kể một cách chân thực, gần gũi.
Cuốn sách giúp các bạn trẻ làm quen với những góc nhìn không-màu-hồng khi bước vào đời. Qua những chia sẻ của tác giả, bạn có thể tham khảo các giải pháp tích cực, dễ áp dụng cho việc giữ tâm thái cân bằng, tự tin trên bước đường trưởng thành.
Sách “Cho đứa trẻ hai mươi tập làm người lớn” dày 226 trang của tác giả: Nguyễn Tuấn Đức, thể loại: Kỹ năng sống, đơn vị cấp phép: NXB Lao động vừa được Chibooks xuất bản và phát hành thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ…
Cho đứa trẻ hai mươi tập làm người lớn: Những cột mốc tuổi trẻ
Trên con đường mang tên hành trình của tuổi trẻ, mỗi chúng ta có những cột mốc đáng nhớ riêng. Nó đánh dấu một sự trưởng thành trong nhận thức, dựng nên một tiền đề mới, dắt chúng ta đến những cơ hội mới, là bước ngoặt cho cuộc sống của nhiều năm sau đó. Trong những năm tháng rong ruổi trên con đường tuổi trẻ, tôi nhận ra một con “mọt sách” như mình có những cột mốc riêng đáng nhớ như:
Năm mười một tuổi, mục tiêu hàng đầu của tôi là vào được trường điểm cấp hai như bố mẹ định hướng.
Năm mười sáu tuổi, mục tiêu của cậu “con ngoan, trò giỏi” là tiếp tục vào được trường chuyên cấp ba.
Năm mười tám tuổi, mục tiêu của đứa “mọt sách cấp ba” là vào được trường đại học có danh tiếng, với lý do giản đơn sau này dễ xin việc.
Và rồi, một ngày đẹp trời nọ, vào năm tôi tròn hai mươi hai, nhà trường tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp trang trọng, phát cho mỗi sinh viên một tấm bằng đại học đỏ chói mà chúng tôi vẫn luôn háo hức mong chờ kể từ khi nhận giấy báo đậu đại học. Sau màn bắt tay và chụp ảnh, thầy hiệu trưởng mỉm cười và mời chúng tôi – tốp tân cử nhân vừa cũ – xuống khán đài, để tốp mới lên, tiếp tục nhận bằng tốt nghiệp. Sau này, tôi nói đùa với các bạn của mình rằng, vào cái khoảnh khắc ấy, ý thầy đại khái là “Xong rồi đó, các em đi đi”, nhưng đi đâu và làm gì thì nhà trường không đề cập đến.
Rời khỏi giảng đường, cuộc đời tôi đánh dấu một bước ngoặt mới. Tôi nhìn trân trân vào tấm bằng đại học – dấu hiệu kết thúc một chặng đường học hành gian nan để chuyển sang giai đoạn thực chiến với đời gian khổ. Nhưng vì sao đời gian khổ? Ai biết đâu, trước giờ chỉ biết mỗi học, nay chẳng còn biết học gì, có bài thi nào để chinh phục nữa; chẳng rõ mình sẽ phải đối mặt với điều gì, chỉ biết là nó sẽ gian nan gấp bội ngày còn đi học, thế thôi.
XEM THÊM>>Tỷ phú đô la Taylor Swift thích đọc sách gì?
Cho đứa trẻ hai mươi tập làm người lớn: Chông chênh vòng quay được – mất tuổi hai mươi
Thật đáng hổ thẹn khi nhiều năm sau nhìn lại, tôi của cái khoảnh khắc tốt nghiệp đại học chỉ là một cột mốc đáng nhớ, là tập hợp những hình ảnh và ký ức đẹp đẽ về một quá khứ, chứ chưa phải là một thành tựu gì to tát trong lộ trình phát triển bản thân ở tương lai. Tuy đã tốt nghiệp nhưng tôi vẫn đầy hoang mang, bất ổn, lê lết qua tháng năm tuổi trẻ, mãi mà chẳng tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Năm nay, ở cận kề độ tuổi ba mươi, nhìn lại và tổng kết một chặng đường mười năm đã qua, tôi thấy mình đã phải mất rất nhiều thời gian để ổn định những chông chênh vấp ngã, loay hoay trầy trật trong vòng quay của cái được – mất ở tuổi hai mươi đã qua. Cũng trong mười năm đó, tôi đã gắn bó, đồng hành với rất nhiều bạn trẻ để cùng chia sẻ, giúp họ vượt qua những thời khắc chênh vênh của cuộc đời phía sau giảng đường đại học thông qua công việc bán thời gian là một nhà tư vấn tâm lý.
Tôi biết không ít bạn cùng trang lứa khác đang ở cùng hoàn cảnh như mình – những người dành hai mươi năm cuộc đời để đi từ nhà đến trường, rồi lại từ trường về nhà, vùi đầu vào việc học và học. Vậy nên, tôi viết cuốn sách này không phải với mục đích tìm ra một triết lý sống hay một cách thức nào đó dẫn đến thành công phía sau giảng đường đại học, mà để cung cấp cho độc giả những diễn biến tâm lý, hoàn cảnh thực tế, những băn khoăn trăn trở về công việc, tài chính, gia đình, tình cảm, bạn bè và mọi khía cạnh khác xung quanh cuộc sống thường nhật sau khi tốt nghiệp đại học, cùng những giải pháp thiết thực để giải quyết và tạo dựng thói quen tốt nhằm hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Đức chia sẻ: “Công thức của tuổi trẻ không phải là: Năng lượng + Nhiệt huyết + Hoài bão = Thành công và thành công hơn nữa. Chặng đường đó còn có đương đầu, có vấp ngã, có tiếc nuối, rồi vực dậy, không ngừng học hỏi và trưởng thành. Trong thành công sẽ đi kèm với tiếc nuối, trong hạnh phúc sẽ có đâu đó bóng dáng của cay đắng, xót xa.”
Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp cho bạn – những người trẻ vừa “chân ướt chân ráo” rời khỏi ghế giảng đường đỡ chông chênh trước bước ngoặt lớn trong đời này; cũng như những bạn trẻ sắp tốt nghiệp đại học nhưng vẫn đang còn “ngáo ngơ”, chưa có định hướng gì chuẩn xác cho tương lai – trả lời được câu hỏi:
Sau đại học có những gì đang chờ đợi chúng ta?
Bình luận
Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)Bình luận