Chuyển đến phần nội dung
Sếp Tồi - Chiến Lược Để Cải Thiện Môi Trường Công Sở // Sếp Tồi - Chiến Lược Để Cải Thiện Môi Trường Công Sở // Sếp Tồi - Chiến Lược Để Cải Thiện Môi Trường Công Sở

Sếp Tồi - Chiến Lược Để Cải Thiện Môi Trường Công Sở

Chúng ta sống ở nơi làm việc đến 1/3 tổng thời gian của một ngày, nhưng phải làm gì nếu bạn đang khổ sở và kiệt sức dưới trướng của một người sếp tồi, hoặc đang phải quản lý sếp tồi, hay chính bạn là sếp tồi?

Ai cũng có một sếp tồi


Năm 2012, một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy 65% người Mỹ nghĩ rằng việc thoát khỏi sếp khiến họ trở nên hạnh phúc hơn cả việc được tăng lương. Một nghiên cứu khác ở Anh phát hiện có 40% người tham gia cho rằng sếp của họ không thể làm tốt công việc của họ, 1/3 số người tham gia nghĩ họ có thể tự hoàn thành công việc tốt hơn người quản lý của họ và 1/5 số người tham gia cho biết điều tồi tệ duy nhất trong công việc của họ chính là người quản lý.

Nhìn chung, chất lượng của các mối quan hệ diễn ra trong môi trường công sở sẽ là nguyên nhân chính khiến mọi người có cảm giác khó chịu hoặc được truyền cảm hứng. Chẳng cần xem các kết quả nghiên cứu thì chúng ta cũng biết rằng mình sẽ thích đi làm hơn nếu được làm việc cùng những người mình thích và có mối quan hệ tốt đẹp với sếp. Nhưng thực tế, nhiều người trong chúng ta lại chẳng được làm việc trong một môi trường vui vẻ, thậm chí là phần lớn mọi người đều đã hoặc đang làm việc với một người sếp tồi. 

Theo Michelle Gibbings - người có hàng thập kỷ lãnh đạo và làm việc với hàng trăm thành viên đội nhóm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giám đốc điều hành cấp cao đến quản lý cấp trung của các tổ chức thuộc tư nhân lẫn chính phủ - mối quan hệ giữa sếp với nhân viên sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc và văn hóa doanh nghiệp, cuối cùng gây ảnh hưởng đến thành tích chung của tổ chức. Theo đó, những người sếp tồi thường gây tác động tiêu cực đến năng suất và mức độ gắn bó của nhân viên, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao và khó thu hút được các ứng viên có năng lực phù hợp vào đội ngũ của mình.

Với mong muốn hướng đến một thế giới công sở hạnh phúc hơn, Michelle Gibbings đã chắt lọc những kinh nghiệm xương máu của mình vào cuốn sách “Sếp tồi” (tựa gốc: “Bad Boss”). Cuốn sách mang đến cho bạn góc nhìn toàn cảnh về môi trường công sở thông qua ba vai trò: làm việc cho một người sếp tồi, quản lý một người sếp tồi và chính mình là một người sếp tồi. Ba vai trò này cũng tương ứng với ba phần chính của sách. Ở mỗi phần, Michelle Gibbings định hướng bạn đọc đi qua 4 bước: Đánh giá tình hình → Lập chiến lược → Hành động → Chiêm nghiệm.

Nếu bạn đang làm việc với một người mà bạn cho là sếp tồi, có thể bạn sẽ nghĩ: “Quyển sách này toàn viết về họ chứ không liên quan gì đến mình”. Thực tế không phải vậy. Mỗi phần của cuốn sách đều giúp bạn nhìn nhận lại các động lực, hoàn cảnh của bản thân nơi công sở; đồng thời tìm hiểu những nhu cầu, động lực lẫn áp lực mà sếp của bạn đang trải qua. 

Tác giả cho biết: “Trong các tổ chức, mọi người kết nối với nhau – thông qua các mối quan hệ, cơ cấu thứ bậc, quy trình làm việc, vai trò, quyết định và trách nhiệm – tạo nên một hệ thống tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Các vị sếp cũng như các nhân viên không làm việc đơn độc. Những kết nối giữa họ và cách họ cảm nhận, trải nghiệm cũng như quản lý các áp lực lẫn kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Hành động của bất kỳ cá nhân nào trong hệ thống cũng sẽ tác động và tạo ra các kết quả tích cực hoặc tiêu cực đến những người còn lại. Những tác động dây chuyền này có thể gây ra ảnh hưởng nhẹ nhàng hoặc sâu sắc, tùy thuộc vào mức độ tác động. Bạn càng gây áp lực lên hệ thống này thì phản lực quay trở lại bạn sẽ càng lớn”. 

Xuyên suốt cuốn sách, Michelle Gibbings thường xuyên giới thiệu nhiều mô hình, công cụ quản trị, giao tiếp và tâm lý thú vị: cách áp dụng tháp nhu cầu Maslow vào bối cảnh công việc; 5 bước quan trọng để tham gia một cuộc đàm phán hoặc một cuộc trò chuyện hiệu quả và mang tính xây dựng với sếp; “3 chữ C” để quản lý tốt căng thẳng… Không chỉ vậy, ở mỗi chương sách đều có phần Phút tự vấn với rất nhiều câu hỏi được đặt ra, giúp bạn tự soi chiếu những thách thức mình đang gặp phải.

Cách để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi


Về cơ bản, không ai muốn mình bị gắn mác “sếp tồi” hay cố tình trở thành một người sếp tồi, chỉ là họ chưa có điều kiện hay chưa biết cách để làm tốt hơn mà thôi. Nếu bạn đang ở vai trò quản lý, Michelle Gibbings sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hành vi lãnh đạo của mình. Từ đó, bạn sẽ biết cách xác định những điểm còn thiếu sót nơi bản thân, tạo ra các chiến lược phù hợp nhằm cải thiện khuyết điểm: xây dựng 10 thói quen lãnh đạo hiệu quả, nhận biết 5 cái bẫy cản trở bạn phát triển, học cách xây dựng đội ngũ hỗ trợ bạn …

Theo Michelle, khả năng lãnh đạo không được thể hiện qua chức danh hay quyền hạn, mà chính là vai trò của bạn trong tập thể. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất biết rằng để thành công, họ phải cân nhắc nhu cầu và mục tiêu của “chúng tôi” chứ không chỉ của “tôi”. Họ biết rằng điều quan trọng nhất không phải là bản thân họ mà là tập thể và những gì tập thể cần.

“Mỗi chúng ta là một cá nhân độc nhất và điều đó nghĩa là mỗi nhà lãnh đạo cũng là một cá nhân độc nhất. Các hành động cần thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo của bạn sẽ khác với những gì mà mọi người xung quanh bạn có thể cần phải làm. Thế nên bạn cần tạo ra một quyển cẩm nang của riêng bạn, trong đó viết đầy các chiến lược cũng như chiến thuật có thể giúp bạn đạt được vị thế lãnh đạo tốt nhất với tính chính trực, sự chân thực và lòng can đảm” - Michelle viết.

Tuy đề cập đến những vấn đề tiêu cực nhưng những trang sách của “Sếp tồi” không nhằm chỉ trích hay phê phán bất kỳ ai. Thay vào đó, mục tiêu chính của cuốn sách là mang đến sự thay đổi hiệu quả và tích cực cho môi trường công sở. Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ được đọc những câu chuyện đời thực về các nhân viên đã thay đổi hoàn cảnh của họ, các vị sếp đã thay đổi phương pháp lãnh đạo của họ và các nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã nhận ra vai trò mà họ cần đảm nhận nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.

Nhìn chung, việc tạo ra một môi trường nơi nhân viên và lãnh đạo có thể phát triển mạnh mẽ là nỗ lực của cả tập thể. Vậy nên bất luận vai trò của bạn là gì – dù là nhân viên, sếp hay lãnh đạo, sếp của sếp hay lãnh đạo của lãnh đạo – cuốn sách này khuyến khích bạn làm thật tốt vai trò đó. Nó thúc đẩy bạn nghiêm túc xem xét vai trò của mình trong guồng máy của tổ chức và chủ động làm những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc.

Như tác giả đã viết:“Người ta không thể chiến thắng trận đấu nếu chỉ nhờ vào nỗ lực của một cá nhân, mà mỗi cá nhân đều đóng một vai trò riêng biệt và chính nỗ lực chung của cả tập thể đã tạo nên thành công trên sân đấu”.

* Về tác giả:


Michelle Gibbings là một chuyên gia về môi trường công sở, một người tận tâm muốn tạo ra những môi trường làm việc nơi cả cấp lãnh đạo lẫn các nhân viên đều có thể phát triển mạnh mẽ và đem đến những kết quả tích cực. Michelle từng làm việc trong một số tổ chức lớn trên thế giới, hầu hết là ở các vị trí quan trọng. Bà đã từng giữ vai trò nhân viên, lãnh đạo và cả lãnh đạo cấp cao.

Bà là tác giả của cuốn sách Step Up: How to build your influence at work (tạm dịch: Nâng cao: Cách xây dựng ảnh hưởng của bạn tại nơi làm việc) và cuốn Career Leap: How to reinvent and liberate your career (tạm dịch: Bước nhảy vọt nghề nghiệp: Cách đổi mới và nâng tầm sự nghiệp của bạn).

Michelle thường chia sẻ kinh nghiệm của bà thông qua nhiều phương tiện truyền thông như The Sydney Morning Herald, The Australian, Australian Financial Review, Herald Sun, CEO Magazine, HR Director, Today show và nhiều kênh radio khác nhau.

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...