Chuyển đến phần nội dung
[Tóm Tắt & Review Sách]: “Bố Con Cá Gai” : Dấu Vết Tình Cha // [Tóm Tắt & Review Sách]: “Bố Con Cá Gai” : Dấu Vết Tình Cha // [Tóm Tắt & Review Sách]: “Bố Con Cá Gai” : Dấu Vết Tình Cha

[Tóm Tắt & Review Sách]: “Bố Con Cá Gai” : Dấu Vết Tình Cha

Cùng sinh hoạt ở một ngôi nhà chung gọi là “trái đất”, ngẩng mặt lên là bầu trời bao la mà đưa mắt nhìn xuống là mặt đất vững chãi,  cùng vươn mình đón những tia nắng sớm mai và cũng cùng hứng trọn cả những cơn mưa ồ ạt. Trong thời gian qua, ai cũng trải nghiệm sự sống nhưng không phải ai cũng có cơ hội được sống một cách trọn vẹn. Thế gian vẫn luôn nghiêm khắc và lạnh lùng mà tiếp tục quỹ đạo của nó, không ngừng chuyển động, chiếu những tia nắng hay “xả” những cơn mưa. Nói đơn giản hơn nghĩa là trong cùng một không gian, thời gian thì mỗi bản thể, mỗi cá nhân sẽ có một số phận riêng biệt và thái độ nhìn nhận cuộc đời khác nhau. Có những người đang oằn mình đau khổ nén tiếng khóc vào trong thì đương nhiên cũng có những người đang mỉm cười hân hoan với hạnh phúc của chính mình. Có người vì khi sáng gặp chuyện xui xẻo không may mà liền cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng và cho rằng cuộc đời họ chỉ toàn là những chuỗi ngày tồi tệ nhưng họ đâu biết ngoài kia tồn tại những mảnh đời bất hạnh đang đứng trên ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết đang cầu nguyện không ngừng vì cảm thấy biết ơn đấng tạo hóa đã cho họ cơ hội được sống trên cuộc đời, dù chỉ là một nửa sự sống. Đến với tác phẩm Bố Con Cá Gai, bạn sẽ được chìm đắm trong một thế giới phản chiếu những mảnh đời khác nhau, từng cá nhân đều có những câu chuyện riêng, những cuộc đấu tranh, những nỗi khổ không thể tránh khỏi và cách họ đối diện, nhìn nhận và vượt qua chúng, dù có chiến thắng được số phận hay không thì với tôi, họ vẫn luôn là những con người rực rỡ,hiển hách và có một nhân cách thật đáng trân trọng.

I.Tác giả

Cho Chang-in sinh năm 1961, là một tiểu thuyết gia Hàn Quốc đến từ Seoul. Ông đã tốt nghiệp cử nhân và cao học tại trường đại học Chung-Ang. Trước khi bước vào thế giới văn học với tư cách là một tiểu thuyết gia, ông làm phóng viên cho một tạp chí và một công ty báo chí. Ông được biết đến chủ yếu qua các tác phẩm văn học, đặc biệt là những câu chuyện thể hiện sự nhạy bén trong việc khám phá và mô tả tâm lý nhân vật. Một trong những tác phẩm gây dựng nên tên tuổi của ông là Bố Con Cá Gai, Cây Zelkova trong tương lai xa,  Người gác hải đăng,..

 Các tác phẩm của ông tập trung vào việc khai thác những khía cạnh tinh tế của tâm lý con người, đặc biệt là trong các mối quan hệ cá nhân và gia đình. Các nhân vật trong tác phẩm của ông thường đối diện với những thử thách nội tâm và xã hội, từ đó phản ánh sự phức tạp của cuộc sống con người. Ngôn ngữ văn chương chuyên nghiệp, nhịp nhàng nhưng cũng không thiếu đi nét giản dị, tính chân thực và cách miêu tả đầy tinh tế và cảm xúc.

Cho Chang In đã đóng góp đáng kể vào nền văn học Hàn Quốc với những tác phẩm tinh tế và chân thực, phản ánh sâu sắc các vấn đề xã hội và tâm lý. Sự khéo léo của ông trong việc xây dựng những câu chuyện đa diện và cảm động giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống con người. Các tác phẩm của ông không chỉ được đón nhận nồng nhiệt trong nước mà còn thu hút sự chú ý của độc giả quốc tế, chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng và vai trò quan trọng của ông trong cộng đồng văn học toàn cầu.

II. Tác phẩm

Bố Con Cá Gai ( 가시고기 – Thornfish ) được xuất bản năm 2000, là cuốn sách bán chạy với 3 triệu bản bán ra và được chuyển thể thành phim. Cuốn tiểu thuyết này có lối hành văn đặc biệt ở chỗ là sự kết hợp đan xen giữa ngôi kể thứ nhất – lời người con trai Daum và ngôi kể thứ ba – người kể chuyện.

Câu chuyện thu hút sự quan tâm từ mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ, lớn bé, giới tính nữ hay nam bởi lẽ sự nhẹ nhàng trong cách hành văn của tác giả nhưng cũng không kém phần mới mẻ, sáng tạo trong lối sáng tác về một tình phụ tử thiêng liêng mà ta thường ít thấy được nhắc tới hơn so với tình mẫu tử. Song tình cảm nào cũng đều thiêng liêng và đáng trân trọng. Tác giả đã họa nên một bức tranh tình cảm giữa cha và con trai thật đáng ngưỡng mộ, vượt lên trên mọi trở ngại, nghịch cảnh của cuộc đời, hai trái tim ấy luôn bao bọc, soi sáng và sưởi ấm lẫn nhau, họ dựa vào nhau mà sống.

Tóm tắt tác phẩm

Tác phẩm có nhan đề tiếng Hàn là 가시고기 khi được dịch sang tiếng Việt là Bố Con Cá Gai. Quả là một nhan đề kì lạ và mới mẻ. Chỉ khi đọc, cảm nhận và chiêm nghiệm về tác phẩm này thì bạn mới hiểu được trọn vẹn ý nghĩa nhan đề của cuốn sách này. Cuốn sách viết về nhân vật Jeong Ho Yeon, một nhà thơ đầy tài năng và triển vọng nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, vì để trở thành một người chồng mẫu mực và lý tưởng trong mắt vợ mình, anh đã từ bỏ sự nghiệp văn chương đang trên đà phát triển và chuyển sang biên dịch, làm việc ở nhà xuất bản và tòa soạn. Ấy vậy mà vẫn không đủ thỏa mãn với người phụ nữ đam mê hội họa và đầy tham vọng kia. Thế rồi, vợ anh bỏ sang Pháp để nuôi dưỡng ước mơ hội họa, cô đã tự tay dỡ bỏ mái ấm gia đình mà họ đã cùng nhau gầy dựng. Anh và đứa con trai đã vịn vào nhau mà sống. Nhưng rồi bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi đứa con trai duy nhất mà anh yêu quý lại bị chẩn đoán mắc căn bệnh máu trắng quái ác. Người bố là anh đã phải vật lộn điên cuồng chỉ mong có thể gánh hết phần đau thay cho con mình. Cuối cùng, anh đã qua đời vì căn bệnh ung thư sau khi bán đi một bên giác mạc của mình để lấy tiền chạy chữa cứu người con trai. Với tôi, dù xét theo góc độ nào thì đây cũng chính là một câu chuyện có cái kết buồn đúng nghĩa. Tuy nhiên, dù đau lòng, trăn trở thì tôi cũng học được cách chấp nhận một sự thật rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng kết thúc có hậu mà đôi khi chính những điểm còn khuyết, những điều chưa hoàn hảo ấy lại là một phần giúp chúng ta học được cách trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.

 

Bố Con Cá Gai – người bố xem đứa con là mục đích sống duy nhất của mình.

Có lẽ bạn đang tự hỏi “Bố con cá gai” có nghĩa là gì mà tôi nhắc đi nhắc lại không ít lần từ nãy đến giờ phải không? Bạn biết loài cá gai chứ? Cái loài cá mà “Rất kỳ lạ. Cá gai mẹ sau khi để trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết”.Anh Jeong Ho Yeon chính là một cá gai bố như thế.

Anh đã từng là một đứa trẻ lớn lên ở cô nhi viện. Vùng vẫy khi phải trải qua một hành trình tuổi thơ thiếu đi tình yêu thương của mẹ và vắng mặt cả sự dìu dắt từ người ba. Đương nhiên rồi, anh cũng đã từng là con của một người ba kia mà. Anh cũng đã có khoảng thời gian được sống cùng cả ba lẫn mẹ nhưng sự hạnh phúc đủ đầy ấy nào có được dài lâu. “Vào một ngày nọ, mẹ đã lên chuyến tàu đầu tiên rồi mãi mãi không trở về”. Còn người bố kia thì đã bỏ anh lại trước đồn cảnh sát rồi quay người đi mãi mãi không trở về sau khi đã bảo anh uống vốc thuốc chuột rồi chết cùng ông mà không thành. Đó là lý do anh đã thề sẽ không trở thành người như bố của anh. Đó là một trong những yếu tố xây dựng nên tình cảm bền vững của anh giành cho đứa con trai của mình.  “Lúc đó anh không hiểu phải tự sống bằng sức của mình nghĩa là thế nào. Nhưng anh đã nghĩ rằng mình sẽ không sống như bố.”

Từ khi “cá gai con” được sinh ra,  nó đã trở thành trọng tâm của cuộc đời anh, mọi thứ trong cuộc sống anh đều xoay quanh tâm điểm là nó. Việc con mình phải chịu đau đớn mỗi ngày do việc hóa trị hành hạ làm anh càng đau xót con hơn. Trên cương vị của một người làm ba, càng khó khăn hơn cho anh khi phải lựa chọn giữa việc tiếp tục cho cơn đau đớn của việc điều trị hành hạ con mỗi ngày dù cho bệnh tình không có kết quả nhưng chí ít sẽ duy trì được sự sống của con hoặc để con được xuất viện và sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình một cách tự do, thoải mái và không phải chịu đau đớn nữa. Vì lượng bạch cầu xấu trong máu cao nên biện pháp cuối cùng mà y học hiện đại có thể giúp con của anh là việc truyền tủy sống. Anh đã bấu víu và xem việc đó như một luồng ánh sáng cuối cùng giúp cha con anh. Nhưng rồi nguồn ánh sáng của ngọn hải đăng kia đã lu mờ giữa biển trời thênh thang kia. Thế là con thuyền phải chọn cách rút lui.

Có mấy ai lại đi bán chung cư, vất vả chạy đông chạy tây chỉ để có tiền trang trải viện phí cho con và còn mua cho nó nào là “áo khoác đắt tiền hơn cả bộ âu phục”, đủ bộ truyện 7 viên ngọc rồng và cả đĩa game Thời đại hàng hải. Với một người cha không còn gì ngoài tình thương như anh, anh đã cho con sống những ngày còn lại thật vui vẻ và hạnh phúc, những cơn đau thắt quặn không còn bủa vây lấy Daum mà thay vào đó là nụ cười tươi luôn hiện hữu nơi khuôn mặt đáng yêu của em.

Anh là một người coi trọng nghệ thuật, xem trọng thơ ca và luôn làm việc chân chính. Bản thân chỉ viết khi những cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim, không chấp nhận những thứ thơ ca, những con chữ thấp hèn, đê tiện để đối lấy lợi nhuận hay những thứ thơ viết ra không có giá trị nhân văn, không hướng đến con người, không mang giá trị cho cuộc sống. Ấy vậy mà, đứa con trai – Daum chính là giới hạn duy nhất và cũng là cuối cùng của anh. Tôi tin chắc rằng bất cứ ai đọc được tiểu thuyết này cũng đều phải rùng mình trước ngọn lửa yêu thương cháy bỏng của anh dành cho đứa con bé bỏng của mình. Vì con, anh vứt bỏ đi cả đạo đức nghề nghiệp mà bản thân đã đeo đuổi bấy lâu, anh cố gắng viết chỉ mong chi trả được viện phí cho con mình.

Anh luôn muốn con được hạnh phúc, được sống trong khỏe mạnh và làm những điều mình muốn. Không phải bị dồn nén, gò bó và chịu cực hình từ cơn bệnh máu trắng gây ra. Đó là hy vọng, là mong muốn, là lý tưởng sống duy nhất mà anh theo đuổi. “Có lần tôi từng hỏi bố. Rằng sau này bố thích tôi trở thành gì. Bố đã cười thật tươi rồi trả lời. Rằng bố mong tôi sẽ hạnh phúc. Vì thế nên dù tôi có trở thành gì đi chăng nữa, chỉ cần tôi hạnh phúc là bố vui rồi.”

Và đến cuối cùng, khi chứng kiến thấy con mình dần khỏe mạnh sau khi được điều trị truyền tủy sống vào người từ số tiền mà anh đã hiến đi một bên giác mạc để cứu lấy sự sống của con – đứa con trai quý giá, tài sản tinh thần duy nhất mà anh có trong cuộc đời đầy khốn khổ của mình. Anh đã lạnh lùng tạm biệt con, gửi con lại cho người vợ cũ – người vợ đã nhẫn tâm bỏ rơi anh và con. Mặc dù rất yêu con, dù cho con là nguồn sống, là hơi thở cuối cùng của anh nhưng vì biết căn bệnh ung thư gan oái oăm của mình đã biến chứng đến giai đoạn cuối. “Anh đang đối diện với nỗi đau như là một cách chuộc lỗi với đứa trẻ” .Tình yêu của anh dành cho đứa bé đến cuối cùng vẫn bao la, đong đầy như thể ngày đầu đón nó đến với thế giới này.

Chú cá gai con – đứa bé mà trên đời này chỉ yêu duy nhất người bố cá gai của mình

 Daum – em bé mười tuổi đã trải qua 2 lần tái phát đầy đau đớn của căn bệnh máu trắng. Lúc nào cũng phải hóa trị, phải tiêm, phải chích, phải khoét đục trên cái cơ thể nhỏ bé, ốm yếu kia. Chỉ nghĩ thôi cả tôi cũng không dám tưởng tượng nỗi đau khủng khiếp đó hành hạ cơ thể của một đứa bé từ ngày này qua tháng nọ đã đau đớn đến nhường nào. Ấy thế mà Daum không bao giờ khó chịu, cộc cằn hay tỏ ra bực bội khi phải tiếp nhận việc điều trị. Nhưng dẫu sao thì Daum cũng chỉ là một đứa bé, nên trong suy nghĩ non nớt kia khi phải gồng gánh đau đớn từ bệnh tật, thỉnh thoảng em nghĩ “Giá như tôi được chết khi đang ngủ thì tốt biết mấy” “Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết được ạ?” Lời nói của đứa bé ngây thơ nhưng lại như cây dao găm sắt nhọn đâm thủng cả mấy trái tim đang khỏe mạnh ngoài kia.

Daum luôn tích cực, vui vẻ, và có phần già dặn hơn những bạn cùng tuổi. Dù đau đớn hay oằn mình điều trị thì em cũng luôn giữ một tinh thần lạc quan mà không xem mình là khác thường, không tự cho mình là một đứa trẻ dị biệt so với các bạn khác. Em đã sớm nhận thức được bản thân mình và còn biết suy nghĩ cho mọi người xung quanh.

Cũng giống như người bố của mình, chú cá gai con dành trọn tình cảm của mình cho bố. Một đứa nhóc mười tuổi đang trải qua căn bệnh quái đản ấy vậy mà thứ em muốn không phải là khỏi bệnh, là khỏe mạnh nhanh chóng mà là em muốn được lên thiên đường thật nhanh để tốt cho “người bố nghèo rớt” của em, để bố không phải chật vật lo lắng trả tiền viện phí cho em. Ngay cả lúc vừa hoàn thành xong ca chữa trị đau đớn thì câu hỏi đầu tiên sau khi tỉnh dậy của em không phải là than phiền vì đau đớn hay đòi hỏi, vòi được mua cho một thứ gì đó mà lại là hỏi thăm mắt bố đã khỏe  lại chưa. Ngay cả khi rất hận, rất ghét, ghét đến độ không muốn nhìn thẳng vào mắt mẹ - người mẹ năm ấy đã bỏ rơi hai bố con em nhưng vì sợ bố giận mình, vì nghĩ nếu nói mình yêu mẹ thì bố sẽ không ép mình phải sống với mẹ, phải rời xa bố nên Daum đã chủ động mở lời với mẹ “ Con chào mẹ. Con nhớ mẹ lắm.” “Nó đang tỏ ra thân thiện với mẹ, chỉ vì nó nghĩ làm thế sẽ thay đổi được suy nghĩ của anh”

Cả Daum và bố đều yêu thương nhau như thế. Nhưng đến cuối cùng cái chết đã khiến bố đẩy Daum ra xa. Trong cuộc chia ly đầy đau khổ, gượng ép, dù không biết vì sao bố lại lớn tiếng với mình, lại lạnh lùng đưa mình lại cho mẹ nhưng Daum vẫn luôn nghe lời bố - việc trước giờ em vẫn làm. Dù không muốn xa bố nhưng vì là một đứa trẻ ngoan, em vừa “Bật khóc nức nở. Vừa đi vừa khóc, mỗi lúc một xa dần” sau khi nghe bố bảo “Con đi ngay đi. Tuyệt đối không được quay đầu lại. Con hãy thật mạnh mẽ chạy về với mẹ đi”

Đến khi chia tay bố, em vẫn nghĩ cho người bố dấu yêu của mình nên đã tự khắc họa khuôn mặt mình lên miếng gỗ để lại cho bố cá gai. Và với sự gần gũi, thân thiết của thói quen giữa bố và em như trước đây, Daum đã yêu cầu bố “Tai của bố ấy mà. Con muốn chạm vào một lần thôi. Bố cho con chạm vào một lần có được không?”, yêu cầu giản đơn nhưng đầy tình yêu thương ấy thật khiến người ta đau lòng.

Cảm nhận cá nhân

Dù không muốn nhưng tôi phải chấp nhận sự thật rằng bố cá gai và chú cá gai con đã mãi mãi không thể gặp lại nhau một lần nào nữa. Hiện thực phũ phàng đã tàn nhẫn cướp lấy mạng sống của người bố và để lại bé cá gai con lạc lõng với người mẹ kia. Không nhiều tác phẩm làm tôi khóc chỉ qua việc đọc nhưng với Bố con cá gai lại là ngoại lệ. Việc bản thân liên tục không cầm được nước mắt và cảm thấy như có cái gì đó bóp chặt lấy trái tim, làm nghẽn cả đường thở của tôi cho thấy tác phẩm đã thật sự đưa người đọc chạm tới giá trị chân thiện mỹ. Khởi tự trái tim tác giả và truyền đến, làm lay động cả tâm hồn, trái tim của độc giả. Cách tác giả khắc họa các nhân vật và diễn biến tâm lý đã khiến tôi cảm thấy như mình đang đứng bên lề của cuộc sống, chứng kiến sự đau khổ của các nhân vật trong câu chuyện. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về sự chia ly mà còn là một bài học quý giá về sức mạnh của tình cảm và khả năng chịu đựng của con người trong những hoàn cảnh bi kịch, nghiệt ngã nhất. Bố con cá gai không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nó phản ánh những vấn đề lớn hơn về cuộc sống, tình yêu, sự chia ly, và khả năng chịu đựng. Tác phẩm nhấn mạnh rằng dù cuộc sống có thể tàn nhẫn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ánh sáng và hy vọng trong những điều nhỏ bé.

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...