“It is nothing to die. It is frightful not to live” ( Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ ) – Victor Hugo. Cái chết là đích đến cuối cùng mà tạo hóa ban cho chúng ta, không ai muốn chết, kể cả những người được lên thiên đường bằng con đường của cái chết. Và lại càng không có con người đích thực nào muốn sống một cuộc đời vô nghĩa, héo mòn. Một cuộc sống tẹp nhẹp, méo mó, vô giá trị còn đáng sợ hơn là việc đối mặt với “thần chết”. Và giá trị của một sinh mệnh không nằm ở số năm họ tồn tại mà là việc họ đã làm được những gì ý nghĩa cho cuộc đời. “Chết” là một lẽ thông thường, tự nhiên không thể tránh khỏi nhưng sống một cuộc đời ý nghĩa, có giá trị lại nằm ở sự lựa chọn của mỗi người. Việc tiệm cận với cuộc sống vô nghĩa, đớn đau được tái hiện lại trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao, độc giả liệu sẽ tìm được giá trị và ý nghĩa của một cuộc sống đích thực, hoàn hảo hay không? Cùng tôi tìm hiểu áng văn thời đại này nhé.
I.Tác giả
Nam Cao (1917 - 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình trung nông ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ.
Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa
.Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề “sống và viết” rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Sau Cách mạng, ông là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).
Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tập trung vào hai đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
lớn. Ông có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông là nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.
Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: “Sống mòn”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “ Giăng sáng”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Đôi mắt”. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
II.Tác phẩm
Đời thừa được viết và đăng báo lần đầu tiên vào năm 1943, đây là một tác phẩm đặc sắc của Nam Cao nói về số phận của giới tri trức trong nhưng năm trước cách mạng. Ở đây, ta thấy được một nghịch lý rất lạ, lòng nhân đạo của nhân vật cũng chính là sợi dây dẫn đến bi kịch cho chính cuộc đời họ, rồi từ trong cái bi kịch ấy ta lại thấy hiện lên những thứ tình cảm khác, ấy là tình vợ chồng, tình cha con, tình người. Và có lẽ ấn tượng nhất ấy là tấm lòng yêu văn chương sâu sắc đến day dứt của nhân vật Hộ.
1.Tóm tắt tác phẩm
Câu chuyện đã khắc họa rõ nét thực tại khắc nghiệt lúc bấy giờ khi người trí thức tiểu tư sản nghèo bị chính cuộc sống của mình lưu đày.Hộ là một nhà văn trẻ đầy hoài bão, nhưng những ước mơ ấy đã bị thực tại tàn nhẫn nghiền nát. Anh không chỉ phải đấu tranh với nghèo khổ, mà còn bị cuốn vào bi kịch của chính mình. Dù là một nhà văn coi trọng nghệ thuật, Hộ dần trở thành kẻ vô dụng, phải viết ra những tác phẩm thiếu chất lượng, viết cho xong, cho nhanh rồi lại tự dằn vặt mình. Hộ, với tư cách là người trí thức và người chồng, đều rơi vào bi kịch của một cuộc sống “thừa thãi”. Nhưng chính trong bi kịch ấy, lại bộc lộ một khát khao mãnh liệt: Hộ muốn sống có ích, sống có giá trị cho xã hội, không cam chịu kiếp sống vô nghĩa.
Tấn bi kịch của người trí thức nghèo
Hộ là người có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn nâng cao giá trị đời sống của mình bằng sự nghiệp có ích cho xã hội và được xã hội công nhận nhưng chỉ vì gánh nặng cơm áo hằng ngày mà kết cục chẳng được gì, trở thành kẻ vô ích, sống một đời thừa.
Hộ từng ôm ấp một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương và vì nó thì Hộ có thể hy sinh tất cả. Đói rét không có nghĩa lý gì. Đối với hắn nghệ thuật là tất cả. Ngoài nghệ thuật ra không còn gì đáng quan tâm cả. Hộ khao khát vinh quang, Hộ luôn nghĩ đến tác phẩm của mình sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời. Đó không phải là sự thèm khát vô danh của một kẻ phàm tục mà đó chính là niềm khát khao, sự khẳng định trước cuộc đời của một cá nhân có ý thức về mình, về giá trị sự sống, không muốn sống một cách mờ nhạt, vô nghĩa.
Hộ theo đuổi một sự nghiệp nghệ thuật chân chính, giấc mộng văn chương, hoài bão lớn lao, lý tưởng đẹp đẽ nhưng lại mâu thuẫn với thực tế hằng ngày. Vì mãi lo về tiền bạc, vật chất, về những điều tẹp nhẹp, vô nghĩa lý do đời sống cơm áo gạo tiền nên Hộ phải viết nhanh, viết vội. Mỗi khi đọc lại bài báo hay cuốn sách xuất bản có tên mình, Hộ lại đau khổ, dằn vặt, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn. Đó chính là sự khốn khổ nhưng lại bất lực của một người mà cả đời đeo đuổi lý tưởng văn chương. Dù nhận thức được bản thân đã đánh mất cái chất văn, chất nghệ thuật đích thực nhưng nào Hộ có làm được điều gì khác? Hộ thấy mình chỉ viết “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, thêm một vài ý tưởng thông thường khuấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Với Hộ “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương rồi nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
Tấn bi kịch của Hộ chính là ở điểm đó, đó là tấn bi kịch của con người muốn sống có ý nghĩa, có ý thức nâng cao giá trị đời sống của mình bằng một sự nghiệp lao động nghiêm túc, có ích cho cuộc đời nhưng lại phải sống như một kẻ vô ích, sống một đời thừa.
Tấn bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất
Với Hộ, trên cả lý tưởng nghệ thuật đó chính là lý tưởng tình thương. Ấy vậy mà Hộ lại cứ sống tàn nhẫn, thô bạo, gây khổ sở cho vợ con, chà đạp lên nguyên tắc sống cao đẹp của mình.
Gia đình Hộ được hình thành bằng nghĩa cử cao đẹp của tình yêu cao quý, Hộ đã cuối xuống nỗi đau của Từ, đưa một bàn tay cầm lấy tay của Từ giữa lúc Từ đau đớn vô bờ bến. “Từ bị tình nhân bỏ với một đứa con vừa mới sinh”. Nghĩa cử tình thương ấy ta được thấy ở một hiệp sĩ và một người nghệ sĩ. Hộ đã nuôi Từ, nhận làm bố cho đứa con thơ, chính thức nhận Từ làm vợ, đứng ra làm ma chay, tế lễ cho mẹ Từ. Những mâu thuẫn cũng từ ấy mà sinh ra, những đứa con “nhiều đẹn”, “nhiều sài” cứ liên tục được sinh ra ngày đêm khóc la, đau bệnh. Hộ điên lên vì phải xoay tiền thuốc, hắn cáu gắt với vợ con, với bất kì ai, với chính mình. Hộ cảm thấy buồn “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng đứt rồi”
Muốn thoát khỏi tình cảnh “đời thừa” thì Hộ chỉ còn một cách là thoát ly vợ con, rũ bỏ trách nhiệm gia đình để rảnh rang theo đuổi sự nghiệp văn chương thế nhưng bản tính nhân hậu của Hộ không cho phép anh làm điều ấy. Hộ xem tình thương là tiêu chuẩn, xác định tư cách làm người. Không có tình thương, con người chỉ là quái vật, anh đã hy sinh hoài bão nghệ thuật để giữ lấy tình thương dù đó là một sự hy sinh quá lớn. Hộ có một quan niệm nhân sinh cao đẹp “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên đôi vai của người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ mà kẻ mạnh là kẻ biết giúp đỡ người khác trên chính đôi vai của mình.” Với suy nghĩ như vậy, Hộ đã chiến thắng về mặt tinh thần nhưng thất bại về sự nghiệp văn chương.
Vậy là muốn sống có hoài bão, có ý nghĩa thì lại phải sống vô nghĩa như một người thừa. Đành phải hy sinh sự nghiệp để giữ lấy tình thương. Đã là con người thì không thể chà đạp lên tình thương. Xoáy sâu vào bi kịch của người trí thức nghèo, tác phẩm làm toát lên lời kết án xã hội nặng nề, ngột ngạt đương thời đã tước đoạt giá trị, ý nghĩa của sự sống và đầu độc tâm hồn, phá hoại nhân cách của con người, không cho con người được sống một cuộc sống tử tế, xứng đáng.
Hộ không thể từ bỏ tình yêu thương để sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa, nhưng cũng không thể cân bằng giữa tình cảm và những lo toan cơm áo gạo tiền. Giữa những trăn trở không nguôi, người văn sĩ có lương tri đã bật khóc như một đứa trẻ trước mặt vợ mình. Anh không thể từ bỏ cái đẹp trong nghệ thuật, nhưng cũng không thể chối bỏ lương tri của bản thân. Trong một cuộc đời "thừa thãi," Hộ rơi vào tình thế bế tắc, giữa những mâu thuẫn không thể giải quyết.
Bài học hiện thực và nhân đạo rút ra từ tác phẩm:
Bài học hiện thực
1. Sự khắc nghiệt của đời sống: Tác phẩm mở ra bức tranh chân thực về những khó khăn mà người trí thức lúc bấy giờ phải chịu đựng. Lên án xã hội tàn nhẫn, bất công đã dồn ép, chà đạp lên sự sống của con người, khiến nó trở nên móp méo, trần trụi và nhớp nháp
2. Mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn: Hộ là hình mẫu điển hình cho sự giằng co giữa đam mê nghệ thuật và những lo toan thường nhật. Cuộc sống không chỉ là một chuỗi lý tưởng, mà còn là những lựa chọn khó khăn và đôi khi phải hy sinh lý tưởng nghệ thuật mà mình đeo đuổi.
3. Sự tha hóa con người: Dưới sức ép của cuộc sống, con người dễ dàng đánh mất bản chất tốt đẹp của mình. Có thể con người sẽ trượt dài trên con đường của sự tha hóa, mất nhân hình hay nhân tính. Bi kịch của Hộ là một minh chứng cho việc áp lực có thể dẫn đến sự thoái trào về nhân cách và lương tri.
Bài học nhân đạo
1. Tình yêu thương là chỗ dựa: Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thương trong cuộc sống. Chính tình yêu thương và sự đồng cảm mới hoàn thiện được con người. Không có tình yêu thương thì con người chỉ sống trong cuộc đời của một con quỷ dữ.
2. Khát vọng đồng cảm: Hộ, mặc dù đang chìm trong bi kịch, vẫn giữ cho mình những giá trị nhân văn. Tác phẩm kêu gọi sự đồng cảm và trân trọng những nỗ lực của con người, bất kể hoàn cảnh.
3. Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống: Đời thừa khuyến khích mọi người hãy tự vấn về giá trị sống của mình. Một cuộc sống chỉ dựa vào vật chất sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc thật sự; điều quan trọng là tìm thấy ý nghĩa và không sống một đời thừa thải, vô nghĩa.
III. Cảm nhận cá nhân
Nam Cao, với ngòi bút sắc sảo và tinh tế, đã khéo léo phơi bày vẻ đẹp tâm hồn của con người qua các nhân vật như Chí Phèo, Hộ, Điền hay Thứ. Dù phải đối mặt với những khắc nghiệt của cuộc sống, ánh sáng ấy vẫn tồn tại, chỉ bị che khuất bởi nghèo đói và bất hạnh. Ông không những chỉ ra bi kịch của tầng lớp tri thức trong xã hội cũ, mà còn thông qua cái nhìn nhân văn của mình, khắc họa được ánh sáng lương tri ẩn sâu trong họ: đó là tình thương, lý tưởng và hoài bão vĩnh cửu, không bao giờ phai nhạt. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là một bức tranh bi kịch, mà còn phản ánh những mâu thuẫn nội tâm mà nhiều người phải đối mặt. Đó rõ ràng là sự giằng co giữa lý tưởng và hiện thực, giữa đam mê nghệ thuật và nhu cầu sinh tồn. Điều ấy không chỉ khiến tôi mà các độc giả đều có chiêm nghiệm sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống và những điều thật sự quan trọng mà con người cần theo đuổi trong cuộc đời.
Đồng thời, Đời thừa cũng mang lại cho tôi và bạn đọc một niềm tin vào sức mạnh của tình thương và lương tri. Mặc dù các nhân vật phải đối diện với nhiều khó khăn, họ vẫn giữ trong mình những giá trị nhân văn, một ánh sáng le lói giữa bóng tối. Điều này khiến tôi nhận ra rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, lòng nhân ái và khát vọng sống có ý nghĩa vẫn luôn tồn tại.
Tóm tắt bởi: Trà Giang - Bookademy
Chưa có bình luận nào!