Chuyển đến phần nội dung
×

Liên hệ với chúng tôi

[Tóm tắt & Review Sách] "Haroun Và Biển Truyện": Giá Trị Của Văn Chương

[Tóm tắt & Review Sách] "Haroun Và Biển Truyện": Giá Trị Của Văn Chương

1.    Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

Salman Rushdie là nhà văn Anh gốc Ấn Độ. Ông sinh năm 1947 tại Bombay, đây là thời kỳ mà đất nước giải phóng khỏi thực dân Anh. Có thể nói, cuộc đời ông gắn liền với lịch sử quốc gia, một thời kỳ có sự đan cài giữa cũ và mới, giữa rực rỡ và hỗn loạn. 

 

Salman Rushdie là nhà văn viết truyện dành cho thiếu nhi tuy nhiên ông lại sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại, các tác phẩm vì thế mà đồ sộ, đòi hỏi người đọc phải vận dụng kiến thức, liên văn bản để tìm ra tầng nghĩa bề sâu mà tác giả ẩn giấu. Đặc biệt, ông sinh ra trong gia đình theo đạo Hồi - Islam, một tôn giáo khá phức tạp tại Ấn Độ. Ông cũng thường xuyên vận dụng các chất liệu văn hóa - văn học, tôn giáo của mình để sáng tác. Sau khi xuất bản cuốn sách Những vần thơ của Quỷ Satan, ông đã nhận về bản án fatwa (tử hình) từ giáo chủ Ruhollah Khomeini năm 1989 với tội danh báng bổ tôn giáo (Hồi giáo). Từ đây, nhà văn liên tục chịu sự truy sát. Vì thế, ông đã rời bỏ gia đình của mình mà sống lưu vong ở nơi khác, tránh sự giết hại của những giáo đồ cuồng tín. Điều đó được nhà văn phản ánh, thể hiện rõ trong tác phẩm Haroun và Biển truyện, sáng tác vào năm 1990. 

Nguồn:https://apnews.com/article/salman-rushdie-satanic-verses-india-ban-4b389bd17238c50c7a1373bc38896490.

Bằng cách kể chuyện khôi hài, hấp dẫn, viết cho thiếu nhi nhưng lại khéo léo lồng ghép các yếu tố dân tộc để định vị nước nhà, tình hình văn hóa đang đứng giữa lằn ranh giữa cái cũ và cái mới không thể xóa nhòa. Ông đã nhận về giải thưởng "The Best of the Booker" năm 2008. Có thể nói, đây không chỉ là cây bút mang tầm vóc Ấn Độ mà cả toàn châu Á. 

Những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến: Những đứa con của nửa đêm (1981), Những vần thơ của quỷ Satan (1988), Haroun và Biển truyện (1990) v.v

Haroun và Biển truyện như tôi có đề cập đến, được sáng tác vào lúc ông sống lưu vong và xa cách vợ con. Trong đó, tác phẩm đặc biệt ở chỗ ghi lại cảm xúc, sự yêu thương của nhà văn với mong muốn dành tặng đứa con trai trong những tháng ngày xa cách. Năm chữ cái đầu ghép lại thành tên của con trai Rushdie – ZAFAR. Tác phẩm liên văn bản với Đại dương truyện (Ấn Độ), Nghìn lẻ một đêm (Arab); người tìm truyện Caliph Haroun al- Rashid, Zembla – xứ thần tiên trong Ngọn lửa xanh nhạt của Vladimir Nabokov, Zenda – xứ hư cấu trong Người từ xứ Zenda của Athony Hope, Xanadu- hành cung của Thành Cát Tư Hãn; Alice ở xứ sở diệu kỳ – Lewis Carroll; Hoàng tử bé của Saint Exupéry. Và ta còn nhận ra được motif tìm mộng trong tác phẩm cũng như đây là loại truyện đồng thoại (không chỉ là truyện cho trẻ con).

2.    Tóm tắt, bình truyện

Nhân vật:

+ Rashid Khalifar: Người kể chuyện / Chúa Ba Hoa

+ Haroun Khalifar: con của người kể chuyện

(Sengupta: ông hàng xóm, Oneeta: vợ của Sengupta; Buttoo Hợm Hĩnh;)

+ Tiểu thủy thần Iff

+ Butt- Chim đầu rìu

+ Mali – người làm vườn

+ Cô nàng Lẻo Mép

+ Công chúa Batcheat và Hoàng tử Bolo

+ Đại tướng Kitab

+ Giáo chủ Khattam – Shud xứ Chup: kẻ thù của truyện/ văn chương/ ngôn ngữ

Tóm tắt:

Tại vương quốc Aifbay có thành phố u buồn, u buồn đến mức quên cả tên gọi của mình. Sâu trong thành phố, có cậu bé hay cười tên là Haroun, đứa con duy nhất của vị Chúa Ba Hoa Rashid Khalifar. Rashid có người vợ tên là Soraya- người vợ hết mực thương yêu chồng và hay ca hát.

Rashid trả lời Haroun khi cậu thắc mắc làm thế nào mà bố cậu lại có thể kể được nhiều chuyện đến vậy. Nhưng lần nào ông cũng nói là ông lấy những “ dòng truyện” ấy từ Đại Dương Truyện bao la được các Tiểu Thủy Thần lắp đặt, dẫn vào vòi Vòi nước vô hình để phục vụ cho việc kể chuyện của Rashid.

Mỗi lần đến cuộc bầu cử thì các nhân vật “tai to mặt lớn” đều mời Rashid đến để kể chuyện tại cuộc vận động tranh cử. Trước giờ chẳng ai có thể tin tưởng được miệng lưỡi của nhà chính trị, chủ yếu là mọi người tin Rashid vì ông thừa nhận mọi chuyện mình kể hoàn toàn là hư cấu, xuất phát từ trí tưởng tượng.

Vào một ngày Haroun mắc cơn mưa rào trên đường trở về, thấy bà Oneeta đứng khóc trên ban công còn bố thì thò đầu ra cửa sổ. Đó là ngày Soraya bỏ đi cùng ông Sengupta, đúng 11 giờ sáng. Khi cô ấy rời đi, Rashid đã cầm chiếc búa và đập vỡ tất cả đồng hồ trong nhà. Lúc này, Haroun mới trách bố mình là: “Để làm gì kia chứ? Chuyện đã không có thật thì còn được tích sự gì?”. Kể từ đó, Haroun bị mắc kẹt mãi trong 11 giờ, cụ thể là cậu sẽ không tập trung được quá mười một phút.

Rashid được mời biểu diễn trong các cuộc bầu cử quan trọng ở thị trấn G và thung lũng K. Nhưng Rashid đứng trên sân khấu, miệng ông chỉ nói được: “Ặc, ặc, ặc”.

Sau đó bố con Haroun đến chỗ ngài Buttoo Hợm Hĩnh và tại đây, Haroun gặp Tiểu thủy thần Iff. Haroun đã giữ lấy Dụng cụ ngắt mạch và buộc Tiểu thủy thần Iff phải dẫn cậu đến thành phố Gup (buông truyện) để gặp Ngài Hà Mã và khôi phục lại khả năng kể chuyện cho bố cậu. Và cả hai cùng đi đến hành tinh Kahani – nơi được xem là “ Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất”. Sở dĩ tốc độ quay của Mặt Trăng Kahani rất nhanh nên người bình thường ở Trái Đất không thể quan sát bằng các thiết bị thiên văn. Tiểu thủy thần và Haroun được trở trên Chim đầu rìu Butt đến Cực Bắc của Kahani, nơi chứa Nước Ước. Khi Haroun uống nước và bắt đầu ước thì cậu không thể tập trung bởi nó quá mười một phút. Sau đó Haroun uống phải nước truyện bị “ô nhiễm” từ nước truyện của đại dương bao la. Những “dòng truyện” này bị ô nhiễm bởi các nguồn “phân truyện” do tên giáo chủ độc tài Khattam Shud, thủ lĩnh phe Chupwalas, Giáo Chủ của Bezaban đổ vào.

Khattam Shud- Hoàng tử của Im Lặng và Địch Thủ của Lời Nói. Xứ Gup và Chup được ngăn cách bởi Đường Hoàng Hôn. Nhờ tài năng của các Đầu Trứng ở Nhà Máy QTPTKGT mà xứ Gup kiểm soát được vòng quay của Kahani, vương quốc Gup được tắm trong Ánh Nắng bất tận. Thuở trước, người dân Guppee đã dựng lên Bức Tường Năng Lượng bất khả xâm phạm và vô hình – Chattergy.

Loại rau hay gì đó rất dày, vung vẩy các xúc tu thực vực trong không khí. Chính những vạc rau ấy là một bông hoa tím nhạt Thợ Làm Vườn Mali có nhiệm vụ gỡ, tháo rối những Dòng truyện (vì đại dương như một mái tóc dài). Hai tên thủy quái gớm ghiếc thuộc họ Cá Thần Tiên (toàn thân có chục cái mồm), gọi là Cá Lắm Mồm. Đôi cá lắm mồm này gồm Bagha, Goopy. Nhiệm vụ của họ là nuốt các truyện kể vào và ở dạ dày, một mẩu từ truyện này kết hợp với một ý tưởng ở truyện kia, được phun ra thành truyện mới. Các truyện cũ xuất phát từ cực Nam của Kahani. Mali; Cá Lắm Mồm (Bagha, Goopy và Butt ở lại dưới Vịnh). Ở Lạc Viên, Haroun đc thấy Đại tướng Kitab, sau đó là Vua Chattergy, Hoàng Tử Bolo và Công Chúa Batcheat, Đầu Trứng, người có đầu hòi nhẵn, có bộ ria to đùng – Ngài Hà Mã (người Haroun xem giống Butto Hợm Hĩnh).

Sau đó Haroun được gặp lại ba cậu – người bấy giờ bị tình nghi là gián điệp bị  bắt ở Đường Hoàng Hôn. Khi đi qua hành lang của hoàng cung xứ Gup, Haroun nhận ra nhiều Trang Sách nửa quen nửa lạ. Ví dụ: “Bolo và Cây Đèn Thần”, “Bolo Chàng Thủy Thủ” , “Bolo và Juliet”, “Bolo ở Xứ Sở Diệu Kỳ”. Chàng đi theo Lẻo Mép đến Đại Điện.

Rashid thuật lại sự việc xảy ra ở Đường Hoàng Hôn, lúc này Vương Quốc Chup hoàn toàn rơi vào “Mật giáo Bezaban”, Khattam Shud đã đàn áp Lời Nói mạnh mẽ. Vì thế, từ  trường học đến tòa án và sân khấu đều phải đóng cửa không thể hoạt động vì Luật Im Lặng, những giáo đồ cuồng tín họ sẽ điên rồ đến mức khâu môi mình và hy sinh bản thân vì đói khát. Bezaban (không có lưỡi) là pho tượng khổng lồ được điêu khắc từ băng đen, mọc lên giữa cung điện- chỗ ở của giáo chủ. Đại lễ Bezaban sắp đến và công chúa sẽ được khâu miệng, làm vật hiến tế.

Tại vương quốc Gup, Hoàng Tử Bolo không được xem trọng và Công Chúa cũng không phải là mẫu hình nhân vật có trong truyện cổ tích, cô có chiếc mũi xấu xí và giọng hát gây phẫn nộ.

Hoàng Tử, bố con Haroun và quân đội Gup tiến vào ĐHH và gặp được Mudra – chiến binh bóng tối của Chup (lặng lẽ), anh ta không thể giao tiếp dược bằng lời nói mà bằng ngôn ngữ cử chỉ và chỉ có Rashid mới phiên dịch lại được. Tại xứ bóng tối này, cái bóng cũng “nhanh nhẹn” lạ thường và có thể tách ra khỏi chủ nhân. Sau đó thì Haroun, Tiểu thủy thần, Mali và Cá Lắm Mồm đi về hướng khác, cứu nguồn truyện bị ô nhiễm còn với Rashid và Hoàng Tử Bolo thì giải cứu công chúa.

Đúng vào lúc nguy hiểm nhất, Haroun đã uống nước ước còn sót lại trong chai và ước: “Tôi ước gì, Mặt Trăng Kahani này sẽ quay, để cho nó không còn nửa sáng nửa tối nữa… Tôi ước nó quay, ngay lúc này, quay, sao cho mặt trời chiếu thẳng xuống Con Tàu Bóng Tối, mặt trời giữa trưa, tròn đầy, nóng bỏng”. Và cậu đã giải thoát bản thân mình khỏi sự mắc ket của thời gian ở phút 11. Song, Cái Nút được nối với cần cẩu cũng ngả nghiêng rũ xuống dưới ánh mặt trời.

Về phía Rashid và Hoàng Tử Bolo, tưởng chừng cứ tán hưu tán vượng nói nhảm thì đội quân Gup sẽ nhanh chóng thua nhưng vì tranh luận kế sách dữ dội nên cả đội quân đề đồng tình, giúp đỡ nhau đánh trận. Còn đội quân Chupwala thì ô hợp bất hòa, ngờ vực lẫn nhau và phản loạn, bỏ rơi nhau. Sau đó, nhóm thiếu nữ bịt mũi đen đổ ra đường, choàng lên cổ các chiến binh Guppee vòng hoa giọt tuyết màu đen, mừng ngày Giải phóng. Hoàng Tử Bolo thì cứu được Công Chúa Batcheat vì giọng hát kinh khủng của nàng đã vang dội cả thành trì. Cuối cùng, Khattam – Shud bị đầu pho tượng Bezaban ngã xuống đè lên mà chết.

Sau đó Haroun và Rashid tỉnh dậy, Haroun vẫn còn ngờ vực về giấc mơ nên đã hỏi bố cậu. Rashid thì không trả lời trực tiếp mà sửa soạn đến buổi tranh cử sắp diễn ra. Haroun đi thay đồ và nhận ra được phong bì của các bạn trên hành tinh Kahani mà Haroun đã phiêu lưu cùng họ. Rashid bước ra sân khấu cùng tiếng vỗ tay nồng nhiệt, ông bắt đầu kể về "Haroun và Biển truyện”.

Cuối tác phẩm, sau cơn mưa thành phố u buồn chợt nhớ ra tên gọi của mình, đó chính là Kahani – nghĩa là truyện. Sau đó bố con về tới căn nhà, Soraya đã trở về và tỏ ra chán ghét Sengupta.

 

 

Bình truyện

Trong truyện có vài điểm người đọc có thể lưu ý: 

Thứ nhất là, nhân vật Haroun bị mắc kẹt trong thời gian.

Ngày mà Soraya bỏ đi, Rashid đã cầm búa và đập nát tất cả đồng hồ trong nhà. Haroun trở về nhà thì thấy bố thò đầu ra ngoài cửa sổ và khóc, nếu trời không mưa có lẽ người khác sẽ nghĩ bố cậu không khóc. Khi cậu biết sự thật, cậu đã quát vào mặt bố mình những câu mà Sengupta hay thủ thỉ với mẹ cậu, rằng: "Để làm gì kia chứ? Chuyện đã không có thật thì còn được tích sự gì". Thế nên từ đây, Rashid đã không còn can đảm, sống với nghề kể chuyện của mình. Không biết vì lý do gì, có thể như Tiểu thủy thần Iff đề cập, đó là QTPTKGT mà Rashid đã hủy gói cước lấy những câu chuyện kể, tức là "dòng truyện" từ Đại Dương Truyện.

Haroun biết mình đã lỡ lời nhưng không có thể nào rút lại câu nói nhét vào miệng mình được nữa, nên cậu vẫn cảm thấy ấy nấy với bố. Nhưng cậu cũng không thể thoát ra được sự đau buồn khi mẹ cậu rời bỏ gia đình này, đúng 11 giờ và để lại lá thư như lời tạm biệt cuối cùng. Ta có thể bắt gặp điều này trong tác phẩm Alice ở xứ sở diệu kỳ – Lewis Carroll. 

Haroun không thể nào tập trung được quá 11 phút, nhưng các hoạt động như ăn cơm, làm bài kiểm tra Toán thì cần thời gian nhiều hơn 11 phút nên nó đã gây cản trở đời sống sinh hoạt, học tập của cậu. Điều này khiến bố cậu rất lo lắng.

Thứ hai là, lời mắng của đứa bé Haroun 

"Chuyện đã không có thật thì còn được tích sự gì?" - câu nói của gã Sengupta và Haroun. Đây là câu nói thường xuyên xuất hiện đi và xuất hiện lại trong tác phẩm. Toàn bộ hành trình của Haroun, là cả quá trình giải thiêng cho văn chương và tìm kiếm những giá trị của văn chương. Cậu bé đã mắng vào mặt người bố của mình để rồi cậu phải ân hận vì lỗi lầm mình gây ra là khiến bố mất đi Khẩu Khiếu vĩnh viễn.

Nhưng rồi khi cậu bắt gặp Tiểu thủy thần Iff, các nhân vật khác trong thế giới mà cha đã luôn kể cho cậu? Cậu đã mong muốn cứu chuộc lỗi lầm và giúp cha khôi phục lại Khẩu Khiếu của mình. Sẽ ra sao nếu thế giới không còn lời nói? văn chương bị hủy hoại? Sẽ ra sao nếu loài người chỉ ích kỷ và nhỏ nhen như Sengupta khò khè?

Tất cả điều ấy đã được thể hiện rõ khi cậu bước chân vào khám phá tác phẩm Haroun và Biển truyện. Tất cả những gì xảy ra và tất cả những gì cậu không nhìn thấy được nhưng chắc gì nó đã không có thật? Chỉ là do cách chúng ta cảm nhận. 

Thật chất Chúa Ba Hoa - Rashid kể chuyện được ở cuối tác phẩm cũng vì sự tin cậy của con mình. Đó là cách mà Rushdie muốn nói với con trai. Khoan hãy vội trách bố vì sao đã sáng tác ra các tác phẩm hư cấu để rồi làm gì kia chứ? Phải rời bỏ gia đình và sống lưu vong vì "Chuyện đã không có thật thì còn được tích sự gì?". Nhưng ông không thể làm gì khác, sáng tác là cách để ông bày tỏ tâm tư, tái tạo lại thế giới và dùng nó để phản ánh thực tại. Ông không thể làm gì khác vì đó là nghề mà ông đã lựa chọn để sống cùng chứ không chỉ để người khác nhớ đến ông qua tác phẩm. Khi ông ngừng sáng tác, đó cũng chính là lúc mà Rashid trong tác phẩm ngừng kể chuyện vậy. Và nhà văn chỉ có thể tiếp tục sự nghiệp sáng tác khi người đọc tin tưởng và dành sự mong đợi cho anh ấy.  Rushdie sáng tác ra tác phẩm này chỉ để dành tặng cho đứa con trai yêu quý khi vừa mới biết đọc chữ được, ông hy vọng rằng cậu sẽ tự hào về bố cậu về ngành nghề mà ông theo đuổi cũng như con đường mà ông lựa chọn. Tình yêu của ông đối với con luôn cao quý và sâu sắc hơn hết nếu chúng ta biết cách để thấu hiểu, cảm nhận. Nếu người đọc chỉ máy móc, dựa vào tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp tác giả để bình phẩm tác phẩm thì đó là những người đọc thiếu chuyên nghiệp và nhận xét họ đưa ra là không còn công bằng đối với nhà văn. 

Thứ ba là, Mặt trăng Kahani. 

Trong Haroun và Biển truyện, Kahani được xem là "Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất", đây là nơi xuất hiện Đại Dương Truyện, là nơi đầu nguồn của nguồn truyện. Kahani còn có ý nghĩa khác, là truyện kể. Đây là nơi mà người kể chuyện Rashid kết nối với các "dòng truyện" trên đại dương bao la để phục vụ cho việc kể truyện của mình. Sở dĩ người Trái Đất không quan sát thấy hành tinh này vì tốc độ quay của nó rất nhanh. Hình tượng mặt trăng Kahani có thể truy nguyên về hình tượng mặt trăng trong văn hóa Ấn Độ, mặt trăng là đại diện cho cảm xúc, cảm tính và trí tưởng tượng. Có thể nói mặt trăng Kahani là thế giới mà Rashid đã luôn sống trong đó, như người nghệ sĩ luôn sống trong thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Đại dương trên Mặt Trăng Kahani bị ô nhiễm bởi những nguồn "phân truyện", do tên giáo chủ độc tài - Khattum Shud đổ vào. Các nguồn "phân truyện" này sẽ làm rối các cốt truyện có sẵn, gây ra chi tiết bạo lực hoặc tạo ra những câu chuyện tệ hại. Như những "dòng truyện" thực tế, sự xuất hiện của các tác phẩm kém chất lượng sẽ gây "ô nhiễm" nền văn học thế giới. Vì thế, chúng ta cần phải có những người anh hùng như cậu bé Rashid để giải cứu "dòng truyện" thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Và đó là ý nghĩa của Kahani, truyện kể. Truyện kể là đời sống, truyện kể sẽ đem lại niềm vui cho nhân loại và đọc truyện là cách để văn chương "luôn sống". 

Thứ tư là, Đường Hoàng Hôn.

Đường Hoàng Hôn, con đường ngăn cách hai vương quốc Gup và Chup dựng lên bởi Bức Tường Năng Lượng bất khả xâm phạm và vô hình – Chattergy. Như tôi từng đề cập đến, nhà văn sinh ra vào giữa thời khắc chuyển giao, thời kỳ có sự đan cài giữa cũ (văn hóa Ấn Độ) và mới (văn hóa của thực dân Anh). Vì thế, Đường Hoàng Hôn ngụ ý trong xã hội Ấn Độ đã luôn tồn tại những người hoặc chỉ theo văn hóa cũ, hoặc tiếp thu thêm nền văn hóa mới, thậm chí có người phủ định cái cũ (lạc hậu). Nhưng, khi thực dân Anh vào xâm chiếm Ấn Độ thì trước hết người dân cũng cần ý thức được nền văn hóa của dân tộc mình rồi hẳn tiếp thu, tiếp xúc với nền văn hóa nước khác. Cũng như có tồn tại trường hợp phản văn hóa khi tiếp thu nền văn hóa mới, như ở Việt Nam khi thực dân Pháp vào xâm lược. Người dân Việt Nam giỏi được đưa sang nước khác đào tạo, chẳng hạn Nhật Bản nhưng tựu trung lại, họ vẫn đứng về phía dân tộc, tiếp thu tư tưởng, chữ viết của Pháp chỉ để hiểu người Pháp mà đánh bại họ chứ không đồng nghĩa với quy phục họ. Điều ấy cũng giống với cách người Ấn Độ khi tiếp xúc với văn hóa nước khác vậy. 

Cuối cùng, bức tường ấy cũng bị phá hủy bởi lời ước nguyện của Haroun cùng sự chiến thắng của đội quân Gup. Ngày mà Mặt Trời đã soi chiếu đến xứ sở của vương quốc Chup. Khi đó, các cô nàng xứ Gup đổ xô ra đường ăn mừng chiến thắng của đội quân kia, chào mừng ngày thái bình trở lại và họ được tiếp tục nói chuyện, sinh hoạt, học tập. Cũng giống như năm mà tác giả sinh ra, nước Ấn đã được giải phóng khỏi thực dân Anh. Và người dân đã vui mừng, đất nước đã trở lại trạng thái phát triển đi lên. Văn hóa đã không còn bị kiềm hãm, khiến người dân phải sống trong tình trạng buộc phải tri nhận, tiếp thu nền văn hóa mới mà lãng quên nền văn hóa cũ. 

Trong tác phẩm, có chi tiết, đội quân xứ Gup thì đeo bịt mũi đỏ, còn xứ Chup thì đeo bịt mũi đen. Đó là cách tác giả phản ánh, phê phán chiến tranh phi nghĩa. Chiến tranh của những thằng hề, cuộc chiến không ý nghĩa gì cả. Và hòa bình mới đem lại hạnh phúc cho nhân loại thật sự. 

Thứ năm là, pho tượng Bezaban. 

Pho tượng Bezaban được xây dựng để các tín đồ tôn sùng. Vì văn học Ấn Độ là văn học tôn giáo, các tác phẩm phần lớn đều mang đậm màu sắc tôn giáo. Salman Rushdie xây dựng pho tượng trong tác phẩm ngụ ý nói đến Hồi giáo, nói đến án tử hình của tác giả nhận phải. Như trong cuốn Những đứa con của nửa đêm, ông bố đọc thấy chi tiết đứa con khắc họa hình tượng người bố xấu tính như vậy, là để ám chỉ mình nên đã hỏi Rushdie. Nhưng Rushdie không hiểu và còn giận ngược lại cha mình. Ông nói rằng truyện chỉ là hư cấu, nhân vật trong truyện làm gì có thật mà bố lại đem nó để soi chiếu bản thân mình ở đó. Bố của Rushdie cũng là người am hiểu văn chương nhưng điều này lại không hiểu, thật sự thì cũng khó nói. 

Giáo chủ của đạo Hồi - Ruhollah Khomeini sau khi ban án tử hình, cũng như pho tượng, buộc nhà văn phải câm lặng vì lý do nhà văn đã viết ra những điều ám chỉ, báng bổ tôn giáo thật không thích đáng. Bằng chứng là pho tượng này khiến người dân xứ Chup, các tín đồ hành động hết sức vô lý, họ buộc phải im lặng. Đó là lệnh của tên giáo chủ đặt ra, mọi hoạt động sinh hoạt nói chuyện hay học tập đều buộc ngừng lại. Có những người nguyện trung thành đến mức khâu môi mình lại, không ăn uống gì để hy sinh và chứng tỏ lòng thành của mình. Đó là điều hết sức nhảm nhí, tôn giáo đã không đem lại niềm vui và niềm tin yêu cho nhân loại thì tại sao lại bắt người khác phải chết theo cách đó. Mật giáo Bezaban đã không đem lại lợi ích, cuộc sống ấm no cho con người thì đã thôi, còn hủy hoại cả đời sống tinh thần và thể xác vì đức tin mù quáng, đó là điều hết sức vô lý. 

Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ kỹ lưỡng thì thế giới do văn chương tạo ra là hoàn toàn khác với thế giới thực tế. Nói đúng hơn là tên giáo chủ trong tác phẩm Haroun và Biển truyện mới đích thị là ám chỉ giáo chủ của Đạo hồi, vì ông đã ban ra lệnh hết sức vô lý và ngăn cấm Rushdie sáng tạo. Ông viết Những vần thơ của quỷ Satan không có mục đích báng bổ tôn giáo mà nó chỉ là tác phẩm kết tinh từ hoạt động sáng tác của chính nhà văn, mang lại niềm vui cho nhân loại theo cách họ cảm nhận, như cách mà Rashid thể hiện trong tác phẩm. Bên cạnh việc Rushdie xây dựng hình tượng Khattum Shud - kẻ thù của lời nói, hoàng tử của câm lặng để nói về hành động của giáo hủ đạo Hồi thì nó cũng mang một ý nghĩa hết sức lớn lao. Nhiều người cũng như Sengupta, như Khattum Shud lại chỉ quá chú trọng vào đời sống thực tế, bỏ qua các giá trị mà văn chương mang lại. Là khi thời đại mà công nghệ AI đã phát triển tân tiến, làm con người quên mất giá trị mà các tác phẩm văn chương mang lại. Đôi khi chúng ta trong đời sống thực tế cũng bị bóp nghẹt bởi những điều hết sức vô lý, mà chúng ta lại coi nó là quan trọng. Có những người chỉ mãi theo đuổi sự nghiệp mà quên sự bồi đắp giá trị về mặt tinh thần bằng các tác phẩm văn học. Điều ấy dễ khiến con người trở nên bực bội và nóng nảy hơn, người ta chỉ chăm chăm vào đời sống vật chất mà đánh mất nhân cách bản thân. Có thể nói, văn chương tạo ra một thế giới tuy không có thật và không thể phủ nhận được sự tồn tại của trí tưởng tượng nhưng nó giúp xoa dịu nỗi đau của bản thân và sống trong thế giới văn chương, đồng cảm với các nhân vật trong văn chương thì có gì là sai trái khi đời sống thực tế hạn chế tầm nhìn bản thân mình? Đó cũng là cách để ta lựa chọn "sống" cho riêng mình, thế giới mà chúng ta hình dung sẽ thật thú vị biết bao. 

Kết luận

Haroun và Biển truyện là cuốn tiểu thuyết mà cá nhân tôi cảm thấy tâm đắc nhất, tuy viết cho thiếu nhi nhưng người lớn cũng có thể đọc được, không giới hạn mọi độ tuổi. Sự yêu thích, động viên của độc giả là niềm cảm kích lớn đối với nhà văn. Tác phẩm cũng một mặt nói lên giá trị của văn chương, vai trò người đọc mặt khác cũng phê phán, đấu tranh kịch liệt cho những kẻ có ác tâm hủy hoại văn chương và tiêu diệt ngôn từ. 

Vật chất quan trọng trong đời sống thật tế thì đã sao chứ. Chúng ta cũng cần có những tác phẩm đủ để bồi đắp tinh thần và học hỏi tư tưởng, cách sống của nhà văn. Cũng sẽ đến ngày những va chạm, những mối quan hệ đem lại nhiều điều khiến tinh thần ta đi xuống, cũng sẽ có lúc ta mệt mỏi vì mãi chạy theo vật chất mà quên mất đạo đức và ý nghĩa của cuộc sống. Vậy nên tìm về với văn chương cũng là cách để chúng ta "sống", tìm kiếm những ý nghĩa, giá trị cao quý từ tác phẩm cũng như sâu sa hơn là từ nhà văn. 

Thông qua hành trình của Haroun ta còn thấy được giá trị mà những nhà văn chân chính đã để lại trong tác phẩm của mình. Các tác phẩm kém chất lượng là những tác phẩm chỉ đưa ra những lời khuyên răn một cách giáo điều, máy móc mà có khi nhà văn còn không mấy tin vào điều đó. Sự thiếu trung thật trong sáng tác sẽ để lại nỗi thất vọng nơi người đọc và chúng ta cũng cần có những nhà phê bình thành thạo để có thể kiểm chứng và đánh giá tác phẩm một cách xác đáng để trả lại sự "trong lành" cho văn học thế của đất nước và lớn hơn là nền văn học thế giới.

 

Tóm tắt bởi: Trần Kim Hương – Bookademy.

Hình ảnh: Trần Kim Hương – Bookademy. 

Bình luận Chia sẻ

Đánh giá bài viết

Bình luận

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^ 3^)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

// ... existing code ...