aotrang.vn xin trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành. Tác phẩm là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
“Ông già Nam Bộ nhiều chuyện”
Nhà văn Trần Bảo Định được bạn đọc nhớ đến với tên thân thuộc là “Ông già Nam Bộ nhiều chuyện”. Đến với “Đất Việt trời Nam liệt truyện”, ông đã lần lượt khơi lại lịch sử từ dân gian trên vùng đất Nam Bộ qua nhiều thời kỳ khác nhau. Bộ truyện gồm ba tập Thượng (246 trang), Trung (280 trang) và Hạ (324 trang). Nếu như tập Thượng (hồi thứ nhất) từ năm 1620… là thời kỳ mở mang và thống nhất giang sơn thì tập Trung (hồi thứ hai) từ năm 1859… là thời kỳ giữ gìn và bảo vệ xứ sở, đến tập Hạ (hồi thứ ba) từ năm 1900… là thời kỳ chuyển biến và tái kết nối đứt gãy văn hóa bởi cuộc xâm lược của thực dân Pháp để nối liền mạch sống giống nòi.
Đất Việt trời Nam liệt truyện là tuyển tập các truyện ngắn dân gian được xem như bộ sử thi anh hùng; phản ánh một cách bao quát và sâu sắc những biến động thời đại, khơi sáng vẻ đẹp tâm hồn và khí phách của nhân dân Nam Bộ hơn ba trăm năm mở mang bờ cõi, bảo vệ và phát triển quê hương. Người bình dân Nam Bộ cũng trực tiếp góp phần tái kết nối mạch sống dân tộc Việt Nam trên phương diện lịch sử và văn hóa nghệ thuật.
Mở đầu tuyển tập, Đất nước – vừa như đề từ vừa như sự dẫn nhập. Đất nước tôi, ba lần Tuyên ngôn Độc lập/ Mấy ngàn năm, tranh đấu với thời gian/ Máu anh hùng tô non sông cẩm tú/ Mồ hôi dân kết đọng ngọn lúa vàng”. Nhà văn Trần Bảo Định nêu cao tinh thần tự cường, khẳng định nền độc lập của nước Việt, của dân Việt. Nhắc nhớ ba lần tuyên ngôn Độc lập, nhất là thơ thần “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) sáng tác trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077; “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi (1380 – 1442) sáng tác năm 1428; “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (02.9.1945). Lịch sử công cuộc mở cõi, bảo vệ, phát triển vùng đất Nam Bộ trước sau chính là phần tiếp nối thống nhất và toàn vẹn, gắn bó chặt chẽ với toàn bộ truyền thống lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt.
XEM THÊM>>Sách hay: Người mẹ “giàu có” cùng con bay vào tuổi thơ yêu thương
Từ thưở mang gươm đi mở cõi…
Hồi thứ nhất – Từ năm 1620… phản ánh giai đoạn lịch sử Đàng Trong và Nam Kỳ với công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam. Bên cạnh cuộc thư hùng giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, nổi bật trên nền lịch sử thời đại ấy là những người anh hùng đại diện cho ý chí và khí phách của người bình dân: Đỗ Thanh Nhơn, Lê Xuân Giác, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa… và hàng loạt những anh hùng không tên tuổi cùng góp máu xương cho công cuộc thống nhất non sông vĩ đại. Có thể nói, Đất Việt trời Nam liệt truyện kết dệt bằng những sợi chỉ xuyên suốt lịch sử lẫn đan cài trong đó những sợi chỉ phong tục tập quán, sinh hoạt nghệ thuật, đạo đức luân lý, nhận thức tư tưởng.
Hồi thứ hai – Từ năm 1859… phản ánh thời kỳ thực dân Pháp chính thức xâm lược nước ta. Bước ngoặt lịch sử làm thay đổi toàn diện dòng chảy thời đại. Nhà văn Trần Bảo Định tập trung thể hiện ý chí kiên gan bất khuất của nhân dân Nam Kỳ cùng với nhân dân cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Hàng loạt hình tượng anh hùng bình dân lấy thân đền nợ nước như: hai mươi dũng sĩ đất Gò Công; nghĩa sĩ Sáu Chóp Chài; má thằng Trợt và chú Năm với đôi trâu hào khí; Sáu cận vệ; lão Tám với thằng Nhanh… có thể xem là khúc bi tráng ca vang vọng trong cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ thời bấy giờ.
Đối tượng của cái nhìn nghệ thuật ở hồi này dịch chuyển từ các nhân vật anh hùng được sử sách lưu danh (như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt, Nguyễn Trung Trực…) đến các nhân vật anh hùng vô danh.
Và chính các anh hùng vô danh mới thể hiện toàn bộ chủ đích nghệ thuật của Trần Bảo Định, cho thấy tư tưởng: Nhân Dân Anh Hùng!
Chưa có bình luận nào!