[Tóm Tắt & Review Sách] “Hồ” – Sự Ám Ảnh Cực Đoan Với Cái Đẹp
Tình yêu, dục tính, sự đau khổ, tính siêu thực...là những chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của nhà văn hàng đầu Nhật Bản Kawabata Yasunari. Ngòi bút của ông đi sâu vào từng tấn bi kịch của con người và thời đại, phơi bày ra những góc khuất mà người thường không thể nhìn thấu. Cuốn tiểu thuyết Hồ(tên tiếng Nhật là Mizuumi) là cột mốc đánh dấu sự chín muồi trong phong cách sáng tác của Kawabata, phản ánh trần trụi hiện thực xã hội và con người Nhật Bản hậu Thế chiến 2 và khát khao hướng tới một cái đẹp hoàn mĩ.
Giới thiệu tác giả
Kawabata Yasunari (sinh ngày 14/6/1899, mất ngày 16/4/1972 tại Osaka, Nhật Bản. Ông là một trong những tác gia tiêu biểu của đất nước “mặt trời mọc”, tiểu thuyết gia Nhật Bản đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn chương sau Rabindranath Tagore và Shmuel Yosef Agnon. Kawabata mồ côi khi mới lên 2, từ đó ông và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi Kawabata lên 7 tuổi, bà ngoại qua đời. Năm ông lên 9 thì mất chị. Ông ngoại mất khi Kawabata được 14 tuổi, sau đó ông phải về Tokyo sống với gia đình người dì. Ở tuổi đôi mươi, Kawataba bị cô gái ông hết lòng yêu thương từ hôn không một lời giải thích.
Chính tuổi thơ bất hạnh và cuộc sống cô đơn côi cút dưới sự ảnh hưởng của chiến tranh đã tạo nên cảm thức cô đơn, nghiệt ngã trong các tác phẩm văn chương của Kawataba. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.
Mặc dù hầu hết là những tác phẩm bi ca nhưng những cuốn sách của Kawabata Yasunari là sự phản ánh đa diện nền văn hóa cũng như tâm hồn Nhật Bản. Sự nghiệp văn chương của Kawataba để lại nhiều tác phẩm giá trị như: Lễ chiêu hồn, Vũ nữ Izu, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Hồ, Những người đẹp say ngủ,…
Tóm tắt tác phẩm
Tiểu thuyết Hồ là câu chuyện được kể đan xen giữa hiện thực và hồi tưởng của hai nhân vật chính: Momoi Gimpei – một thầy giáo dạy quốc văn, ba mươi tư tuổi bị đuổi khỏi trường vì quan hệ tình cảm với học sinh của mình và Miyako – một thiếu nữ ở độ tuổi hai mươi phải bán thân cho ông già bảy mươi tuổi Arita.
Mất bố từ nhỏ, Gimpei cùng mẹ sống ở gia đình nhà ngoại tại một ngôi làng nhỏ và chịu sự ghẻ lạnh từ họ hàng, điển hình là cô chị họ Yayoi. Thậm chí Gimpei còn bị chính người mẹ xinh đẹp bỏ rơi suốt thời thơ ấu. Nỗi mặc cảm về ngoại hình với đôi bàn chân xấu xí và khát khao tình cảm người mẹ đã biến Gimpei trở thành kẻ có thói quen bệnh hoạn. Đó là bám theo những cô gái của vẻ đẹp dịu dàng, để tìm kiếm cảm giác được gặp lại mẹ.
Trong khi đó, Miyako là một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng số phận đưa đẩy cô trở thành vợ bé, một món đồ chơi của ông già bảy mươi tuổi. Trong cuốn tiểu thuyết này, Miyako chính là hiện thân cho cái đẹp mà Gimpei đang tìm kiếm, khao khát. Một ngày nọ, trên đường trở về nhà từ ngân hàng, Miyako bị Gimpei bám đuôi. Bất cẩn, Miyako làm văng chiếc túi trong đó có toàn bộ số tiền cô dành dụm được suốt nhiều năm thanh xuân. Mặc dù tiếc nuối số tiền nhưng sợ hãi nên Miyako không dám quay trở lại để tìm. Trong khi đó, Gimpei dù rất hối hận nhưng lòng tham khiến hắn không trả lại và đốt hết những giấy tờ trong chiếc túi.
Không chỉ Gimpei, Miyako mà những luồng nhân vật xung quanh anh ai ai cũng đều mang một cuộc đời không mấy hạnh phúc, không có tình yêu hay dù có tình yêu cũng không được trọn vẹn. Họ cô đơn trong chính cuộc đời của mình, họ đều là những tâm hồn không tìm được sự đồng điệu trong xã hội. Những con người trong Hồ cứ quanh quẩn trong mớ cảm xúc, những ham muốn sâu thẳm của riêng mình, từ đó những câu chuyện trong quá khứ của họ cũng dần được phơi bày.
Sự khát khao cái đẹp hoàn mỹ giữa hiện thực méo mó
Cuốn tiểu thuyết đi theo sự đam mê cái đẹp một cách cực đoan của nhân vật Gimpei, dần trở thành những câu chuyện rùng mình, phơi bày ra góc khuất đen tối trong tâm hồn con người và xã hội. Sau khi đọc xong cuốn sách, đa số chúng ta đều cảm thấy Gimpei là một con người khó hiểu, thậm chí là bệnh hoạn, gã bị ám ảnh bởi phái nữ, liên tục đeo bám những người phụ nữ đẹp trên đường, thậm chí có những suy nghĩ, lời nói khiếm nhã với họ. Tất cả xuất phát từ những khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần, từ nhỏ Gimpei đã thiếu thốn tình thương của mẹ, lại bị căn bệnh nước ăn chân khiến cho đôi chân trở nên xấu xí, chính vì vậy, Gimpei khao khát khai phá ra những vẻ đẹp bên trong những người phụ nữ. Đó là người chị họ xinh xắn ngày còn bé chơi cùng gã, là cô nữ sinh Hisako vụng trộm với gã, là cô gái Miyako đánh mất chiếc túi với hai trăm ngàn yên, là cô gái Machie gã vô tình gặp trên đường, là cô gái trong nhà thổ với giọng nói êm dịu, nhẹ nhàng. Việc đeo bám đó dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của Gimpei, gã liên tục lặp lại hành động ấy như một thói quen, một cơn nghiện khó bỏ.
“Lời nói dối một khi được thốt ra, sẽ bám theo kẻ nói dối mãi không rời. Lời nói dối bám theo Gimpei tựa như cái cách Gimpei bám theo những cô gái. Và có lẽ tội ác cũng như vậy. Tội ác một khi đã phạm phải, sẽ bám theo kể gây ra nó khiến cho tội ác ngày một thêm chồng chất. Thói quen xấu là thứ như vậy. Một lần bám đuôi phụ nữ sẽ khiến Gimpei phải bám đuôi thêm lần nữa. Dai dẳng như chứng nước ăn chân. Nó không ngừng lan từ chỗ này sang chỗ khác. Chứng nước ăn chân hè năm nay dù có dịu bớt thì sang hè năm sau nó lại nổi lên.”
Gimpei ám ảnh bởi cái đẹp đến mức, gã thậm chí còn nảy sinh ra ý định giết chết họ để có thể giữ chân họ bên mình mãi mãi, đây là tư tưởng của những kẻ sát nhân bệnh hoạn, là đại diện cho mặt tối của xã hội Nhật Bản hậu thế chiến.
“Em đã bao giờ bắt gặp cảm giác đó chưa? Cái cảm giác: Ôi! Thật tiếc, chỉ một lần lướt qua nhau rồi mãi mãi cách xa.... Anh thì bắt gặp nhiều lắm. Con người này sao mà khiến ta yêu mến quá chừng, cô gái này sao mà xinh đẹp quá chừng, trên đời không thể có kẻ thứ hai hút hồn ta đến vậy, ta tình cờ sượt qua người ấy trên đường, hoặc ngồi gần người ấy trong rạp hát, hoặc cùng bước xuống bậc thang lúc rời khỏi khán phòng sau một buổi hòa nhạc rồi cứ thế cách xa mà chẳng thể bắt gặp lần thứ hai trong đời. Dẫu là như thế, song ta chẳng thể níu chân một kẻ không quen để bắt chuyện. Đời là vậy ư? Những lúc ấy, anh buồn muốn chết, và trở nên như kẻ mất hồn. Muốn bám theo người ấy đến cùng trời mà không được. Bởi nếu muốn bám theo đến cùng trời, thì chỉ còn cách giết chết người ấy mà thôi.”
Tuy vậy, mặc dù cả cuộc đời Gimpei chỉ tôn thờ và tìm kiếm cái đẹp nhưng đến cuối câu chuyện lại là hình ảnh của một người phụ nữ xấu xí gã bắt gặp trong lễ hội đom đóm. Phải chăng những người phụ nữ đẹp như mẹ Gimpei, Yayoi, Hisako, Miyako, Machie đều là hư ảo còn người phụ nữ xấu xí cùng anh trò chuyện, cùng anh uống rượu mới chính là hiện thực đầy tàn nhẫn? Cũng như chính xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, sau thất bại trong Thế chiến thứ II, Nhật Bản và người dân vốn tràn ngập lòng tự tôn đã lộ ra bản chất thật, không còn là một đất nước xinh đẹp như nó vốn đã từng. Bao viễn cảnh, hình tượng tốt đẹp bị sụp đổ, con người khi bị mất niềm tin, chỗ dựa trở nên hoang mang giữa hiện thực, không phân biệt được đâu là hư, đâu là thực.
“Tìm thấy cô gái ở lễ hội bắt đom đóm, bị ảo ảnh về một hài nhi bám theo chỗ bờ đê, và giờ thì ngôi uống với một phụ nữ tình cờ gặp trên đường, Gimpei dường như không dám tin tất cả những chuyện đó đều diễn ra trong một đêm. Hắn không dám tin chính vì người phụ nữ này quá xấu. Bởi thế nên Gimpei buộc phải đặt ra giả thiết rằng, việc nhìn thấy Machie xinh đẹp trong lễ hội bắt đom đóm là ảo mộng, còn việc ở cùng với người phụ nữ xấu xí trong một quán rượu rẻ tiền là hiện thực, và Gimpei có cảm giác như thể mình đang uống với người phụ nữ của hiện thực ở đây để đi tìm cô gái trong ảo mộng. Người phụ nữ này càng xấu thì càng tốt. Như thế may ra mới thấy được hình bóng gương mặt của Machie.”
Nỗi cô đơn bủa vây
Tác phẩm được lấy bối cảnh sau Thế chiến thứ II – Khi nước Nhật đang rơi vào trạng thái hỗn loạn cả về mặt kinh tế lẫn xã hội sau khi thua trận. Gimpei cứ đi, đi theo những cô gái gã gặp, mông lung, vô định. Bước đi đó của gã, vừa là hành trình của một kẻ khiếm khuyết ở tuổi trung niên, cô đơn khát cầu cái đẹp gã vĩnh viễn không thể vươn tới. Nhưng hơn cả, đấy còn vừa là hành trình gã tìm lại bản ngã, tìm lại chính mình giữa muôn vàn mảnh vỡ quá khứ đang xâm lấn, chồng chéo vào hiện thực của cuộc khủng hoảng căn tính, căn cước đã hằn sâu vào tâm hồn.
Mặc dù tác phẩm không được đi theo bất cứ trình tự không gian, thời gian xác định nào nhưng có một điểm chung duy nhất giữa cả quá khứ xa, quá khứ gần và hiện tại chính là nỗi buồn và sự cô đơn. Hồ không phải là một cuốn tiểu thuyết tình yêu giải trí, một màu xám xịt của sự lạc lõng, cô đơn phủ lên tác phẩm. Nỗi cô đơn của từng nhân vật gặm nhấm trong mỗi trang sách. Tác phẩm được viết bằng một giọng văn trầm buồn, không kém phần ma mị và đi theo diễn biến tâm lí nhân vật, lột tả sự ám ảnh về nỗi cô đơn trong tâm hồn con người. Gimpei cô đơn bởi từng người tình từng đi qua cuộc đời gã đều không còn có thể gặp lại, gã luôn khao khát đi tìm kiếm vẻ đẹp của người phụ nữ. Gimpei coi đó chính là niềm an ủi duy nhất của gã trong thời điểm bấy giờ, thế nhưng gã cũng nhận thức được việc vẻ đẹp sẽ không thể tồn tại mãi mãi, và rồi gã sẽ lại lẻ loi, lạc lối.
“Sang buổi chiều ngày hôm sau, Gimpei vẫn không thể ngăn mình đến tìm cô gái ở con dốc có hàng ngân hạnh. Cô gái thánh thiện ấy hầu như chẳng bận lòng trước sự đeo bám của Gimpei, vậy thì bằng cách nào Gimpei có thể làm hại cô cho được? Hắn tự nhủ. Đó là cảm giác như thể nỗi ngậm ngùi trước bóng chim nhạn đang bay về trời. Là cảm giác như khi đứng dõi theo sự chảy trôi của cái thời khắc đang bừng sáng ở ngay kia. Gimpei đâu có biết cuộc đời hắn ngày mai sẽ ra sao, còn cô gái cũng đâu thể cứ xinh đẹp mãi.”
Gimpei khao khát có được vẻ đẹp, sâu xa hơn nữa là khát khao có ai đó yêu thương phần xấu xí trong mình, gã chỉ còn biết ghen tị với những tình yêu xung quanh.
“Gimpei trở mình, xoay người về phía Machie và Mizuno. Gimpei đang nguyền rủa thì đúng hon là ghen tị với hạnh phúc của họ. Nhắm mắt lại, lát sau hắn thấy hiện ra ảo ảnh hai người leo lên ngọn lửa đang bốc cháy và rung rinh lướt qua trên mặt nước. Hắn coi đó như là bằng chứng cho thấy hạnh phúc của họ chẳng kéo dài lâu.”
Một nhân vật khác không kém quan trọng trong mạch truyện là Miyako, tưởng chừng là một người phụ nữ giàu có, một tiểu thư đài các được chồng cưng phụng như một bà hoàng, thế nhưng chuyện giữa Miyako và Arita không phải là một tình yêu đơn thuần, mà đơn thuần là sự cho và nhận, Arita cho Miyako tiền tài, Miyako đổi lại sẽ trao nhan sắc và sức trẻ cho ông. Giữa một người đàn ông có tiền, nhiều tuổi, căm hận đàn bà và một người đàn bà trẻ đẹp, đẹp thì chuyện tình cảm nam nữ thuần khiết gần như bất khả thi.
“Vì cả lòng tự tôn lẫn sự bất cần đối với bản thân, Miyako không định bụng ghen tuông với ông già Arita. Nhưng hễ lần nào nàng buột miệng nói ra những lời bóng gió, vì dẫu gì nàng cũng là phụ nữ, thì ông già liền làm một bộ mặt khó chịu tới mức cơn ghen của Miyako cũng phải đóng băng. Miyako thấy lòng hoang lạnh. Tuy nhiên, sự thù ghét đàn bà của ông hình như không hoàn toàn sinh ra do tính ghen tuông của đàn bà. Và hình như cũng không hẳn vì ông đã già. Miyako có đôi lúc từng cười khẩy: đàn bà thèm gì ghen tuông với một kẻ ghét đàn bà từ trong xương tủy chứ, nhưng khi nghĩ đến tuổi tác giữa ông già Arita và bản thân, nàng thấy thật nực cười khi nói tới chuyện ông già yêu hay ghét đàn bà.
Miyako nhớ lại rằng mình thèm được như cậu bạn của em trai và người yêu cậu ta.”
Chính ám ảnh bị bỏ rơi, bị coi thường và sự thù hận đã khiến con người ta ngày ngày sống trong sợ hãi và luôn cảm thấy cô đơn. Các nhân vật luôn khao khát cảm giác được yêu thương, được sẻ chia, được tự do sống với cảm xúc của mình. Hisako là người con gái hiếm hoi Gimpei dành một tình cảm chân thành, tuy nhiên, mối tình thầy trò sai trái đó cuối cùng cũng bị gia đình Hisako phát hiện khiến hai người buộc phải chia xa. Những nỗi ám ảnh của Gimpei một lần nữa càng bị găm sâu thêm vào trái tim hắn. Đến đây, ta thấy một kẻ biến thái, bệnh hoạn như Gimpei cũng chỉ là một cá thể cô đơn, đáng thương, gã đã trải qua biết bao biến cố, mất mát, mãi vẫn không tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
“Thầy hiểu rồi. Em chẳng cần phải hạ mình xuống thế giới của thầy đâu. Hãy chôn chặt tận đáy cùng những gì thầy đã khơi ra ở em. Bằng không sẽ đáng sợ lắm đấy. Từ cái thế giới cách xa em, cả cuộc đời này thầy vẫn mong về những kỷ niệm với em và biết ơn em.\"
\"Nếu có thể quên được thầy, em sẽ quên.\"
\"Phải rồi, như thế sẽ tốt hơn.\" Gimpei vừa nhấn giọng, vừa cảm thấy đau đớn bởi một nỗi buồn như bị dao đâm.”
Liệu có phải, chính vì sự cô đơn nên những con người trong xã hội ấy mới khao khát tình yêu đến như vậy? Khao khát tình yêu, khao khát được đồng cảm nên mới bị thu hút bởi nhau? Nhưng khao khát thoát khỏi sự cô đơn có nên là lý do để bắt đầu những tình yêu sai trái? Chuyện tình cảm giữa thầy giáo và học sinh, chuyện tình cảm giữa một ông già và một cô gái trẻ hay thậm chí là yêu đơn phương người yêu bạn thân mình đều là những điều không nên. Chúng ta không nên vịn vào bất cứ lý do gì cho những hành động sai trái của mình. Hơn hết, chúng ta vừa ghê tởm, vừa thương cảm cho số phận của Gimpei, cho những mất mát, khiếm khuyết của gã. Đây có lẽ cũng là nỗi niềm chung của người dân Nhật Bản thời hậu chiến, họ buồn trong sự hiện hữu của thiên nhiên, của sự tồn tại mơ hồ.
“Kiếp sau tôi sẽ sinh ra làm một chàng trai trẻ có bàn chân đẹp. Còn em hãy cứ như bây giờ. Hai chúng ta sẽ cùng múa vở ba lê trắng.” Niềm khao khát của Gimpei phát ra thành những lời độc thoại.”
Cảm nhận chung
Nhìn chung, Hồ là một cuốn tiểu thuyết vô cùng đặc sắc của Kawabata Yasunari. Không chỉ nội dung mà chính nghệ thuật kể chuyện cũng trở thành một điểm nhấn của tác phẩm mà không phải bất cứ nhà văn nào cũng có thể làm được. Mạch truyện không theo trình tự không gian, thời gian nhưng vấn khiến người đọc hiểu rõ được cốt truyện, hiểu rõ được về cuộc đời của từng nhân vật chính là một biệt tài của một nhà văn đoạt giải Nobel. Toàn bộ tác phẩm được bao trùm bởi một màu u buồn, tối tăm. Nó như một bản nhạc trầm buồn, một bức tranh xám xịt về đất nước Nhật Bản hậu Thế chiến. Con người đều bế tắc trong nỗi bất hạnh của chính mình, dù cố gắng vẫy vùng vẫn không tìm được lối thoát khỏi cái hồ đẫm bi thương ấy. Nhật Bản thời hậu chiến thông qua ngòi bút của Kawabata Yasunari hiện ra thật đau lòng biết bao.
--------------------------------------------------
Tóm tắt bởi: Ngọc Minh - Bookademy
Hình ảnh: Long Quân