ĐĂNG KÝ
×

Liên hệ với chúng tôi

“Tản mạn chuyện bếp” cùng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Tại trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn vừa diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách “Chuyện của món” cùng tác giả Đào Thị Thanh Tuyền với chủ đề “Tản mạn chuyện bếp” do trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn và Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) phối hợp tổ chức.

“Tản mạn chuyện bếp”

Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền ký tặng đọc giả “Tản mạn chuyện bếp”

Thú vị câu chuyện món ăn vùng miền trong “Chuyện của món”

Trong buổi giao, các bạn sinh viên đã được nghe kể về những câu chuyện thú vị của tác giả khi đi và trải nghiệm những nét đẹp, đặc trưng của từng món ăn vùng miền và kể lại trong cuốn sách “Chuyện của món”. Các bạn sinh viên thể hiện niềm thích thú khi được nghe tác giả chia sẻ về câu chuyện, những nơi mà tác giả đã đi qua.

Các bạn sinh viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi rất hay về chủ đề ẩm thực, du lịch và văn hóa các vùng miền của Việt Nam. Cụ thể như, có một bạn sinh viên của lớp Bếp 05 có hỏi như sau: “Trong những chuyến đi trải nghiệm để viết sách của cô, thì ẩm thực của miền Tây có để lại ấn tượng cho cô không?”

Đối với tác giả Đào Thị Thanh Tuyền thì món cá rô nấu mẻ để lại nhiều ấn tượng, và tác giả cũng có kể thêm đôi chút về món bánh xèo có nước cốt dừa, đó là một món ăn lạ, ban đầu ăn thì chưa quen lắm nhưng đi nhiều và trải nghiệm nhiều thì cũng quen dần với mùi vị món ăn miền Tây. “Trong quá trình đi, giao thoa văn hóa thì tôi mới thấy được rằng, muốn có được cái nhìn của một người bản xứ và khẩu vị của mình cũng phải thay đổi theo khẩu vị của người bản xứ thì mình mới có được tình yêu để viết về món ăn của nơi đó”, tác giả Thanh Tuyền chia sẻ.

“Chuyện của món” là “ghi chép lại từ những câu chuyện ký ức, sự quan sát và bằng kinh nghiệm bếp núc với những món ăn gia đình quen thuộc mà không phải tiệc; những món ăn hàng quán quê mùa hay món ăn đặc biệt của vùng miền nào đó.

Chuyện của món là câu chuyện chung trên nền tảng kỷ niệm riêng của từng người, từng gia đình, có thể giống hay khác nhau nhưng đều có cùng ký ức để hồi tưởng khi gặp lại món ăn ngày xưa mẹ nấu. Chuyện của món là câu chuyện mẹ kể, mẹ làm… đó là những điều thật hạnh phúc. Giữ lại ký ức làm nên chuyện của món, coi như tôi nấu giùm cho bạn một bữa cơm, đãi bạn một món bánh, đưa bạn đi ăn một món ngày xưa…”.

“Tản mạn chuyện bếp” cùng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Giao lưu “Tản mạn chuyện bếp” cùng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Nhớ thương các món ăn trong ký ức

Nhà văn Ái Duy đã chia sẻ về cuốn sách “Chuyện của món”: “Ngay từ cái tựa “Chuyện của món” với trang bìa minh họa một đôi tay phụ nữ đang khéo léo chế biến thực phẩm trong gam màu dĩ vãng, người tinh ý sẽ nhận ra ngay hồn cốt cuốn sách dày dặn và trang trọng này của Đào Thị Thanh Tuyền hoàn toàn không phải là một cẩm nang dạy nấu ăn hay khảo cứu hướng dẫn.

Là những câu chuyện nhớ thương từ các món ăn trong ký ức, hay lắng nghe các món ăn hiện đại kể chuyện ngày xưa?

Ai cũng có một quê hương, một ngôi nhà tuổi thơ, một người mẹ với căn bếp xưa cũ và những mâm cơm gia đình. Những hình ảnh quá bình thường, vốn là chuyện cơm bữa mà khi còn ở trong nó chẳng mấy ai nhận ra cho đến khi rời xa, hoặc mãi đến lúc tự tay nấu nướng, làm một mâm cơm cho người thương của mình.

Có gì đâu, chỉ là nồi cơm nóng, xoong cá kho, tô canh chua, ngọn rau luộc và chén mắm kho quẹt… mà đem theo cả ký ức tới cùng trời cuối đất. Biến những điều thường tình, và có tính riêng tư ấy, thành một câu chuyện có lớp lang, trải rộng trên khắp đất nước, rồi đọng lại thẳm sâu trong lòng mỗi người là điều không hề dễ dàng.

“Chuyện của món” với hơn ba trăm trang in phần nào giải tỏa được nỗi niềm này, dù tác giả khiêm tốn “là câu chuyện chung trên nền tảng kỷ niệm riêng của từng người, từng gia đình, có thể giống hay khác nhau nhưng đều có cùng ký ức để hồi tưởng khi gặp lại món ăn ngày xưa mẹ nấu. Chuyện của món là câu chuyện mẹ kể, mẹ làm… đó là những điều thật hạnh phúc”.

Tuy nhiên, cuốn sách này không chỉ dừng lại ở đó mà đã vượt rất xa ra khỏi sự đơn điệu kể lể nhớ nhung. Người viết đã dụng công rất nhiều và mất không ít thời gian công sức sưu tầm biên soạn để tránh bị cảm tính và sa vào “Mùi của mùa xưa”.

ThS. Trần Xuân Bách, Thạc sĩ Ẩm thực học tại Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand đã có đôi lời nhận xét sau khi đọc xong cuốn sách “Chuyện của món” như sau: “Miếng ăn tưởng như là chuyện cỏn con hằng ngày mà sao quan trọng quá vì mỗi ngày, ai cũng sẽ hỏi: ‘Nay ăn gì?’ Nhưng cần gì cao lương mỹ vị, ăn ba bữa là ngán, cần gì thịt độc cá lạ, ăn một lần là tởn, chỉ là con gà mái trong vườn, là con cá vừa đánh ngoài khơi, là cây cải xanh mơn mởn bẻ cọng giòn ngọt, là giọt nước mắm nấu sánh đậm mùi quê, vậy mà thành cái hồn của bếp, cái nếp của nhà, bao tháng năm tảo tần nuôi đàn con khôn lớn.

Trong những câu chuyện của cô, bữa cơm bình dị của má trải dài những tháng năm từ ngày bé cho đến khi lớn khôn dựng vợ gả chồng xen lẫn những chuyến phiêu lưu từ Bắc chí Nam, ngồi quán cóc, ăn bánh canh, húp canh chua nghe nặng trĩu một mối tình nồng nàn với từng hạt gạo, từng cơn sóng, từng buổi chiều tà quê hương. Đọc Chuyện của món là ‘ăn’ những tâm tình, ‘uống’ những chuyến lãng du, để ngẫm về một tình yêu dạt dào với ẩm thực Việt.”

Cuốn sách “Chuyện của món” được ra mắt trong năm 2024, do Chibooks và nhà xuất bản Lao Động phát hành, thuộc tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks.

 “Tản mạn chuyện bếp” cùng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tại giao lưu

XEM THÊM>>Chibooks trao tặng tủ sách “Lan tỏa yêu thương” cho trường Cao đẳng Việt – Mỹ

Vài nét về tác giả Đào Thị Thanh Tuyền

Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền sinh năm 1959 tại Diên Khánh, Khánh Hòa. Chị tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật năm 1981. Chị bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1997 và đã có 16 đầu sách được xuất bản.

Nếu mảng truyện ngắn được xem là “nội lực” của một nhà văn với các đề tài về con người, cuộc sống… bằng cái nhìn của một người viết từng trải, những suy nghĩ về tình yêu, hôn nhân, triết lý cuộc đời…. qua các tác phẩm: Đêm cuối năm, Mảnh vỡ cuộc sống, Nơi không có đêm, Đã có những chiều rất bình yên, Trà đá, cơm trưa văn phòng và nhạc Pháp, Tàu hủ, bánh, trà và cà phê…

Thì, tạp bút cũng là một thế mạnh khác của một người có cơ hội đi nhiều, bằng sự quan sát tinh tế, từ chiêm nghiệm cuộc sống qua thể loại tạp bút, một dạng ghi chép về những chuyến đi như: Khánh Hòa – chuyện đất, chuyện người, Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro, Nha Trang điểm hẹn, Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ, Nha Trang mùa đẹp nhất, Chuyện của món…

Và chị có quan điểm sáng tác như sau: “Để thời gian không trôi qua một cách lãng phí”.

 “Tản mạn chuyện bếp” cùng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Xin giới thiệu cùng đọc giả các tác phẩm đã xuất bản của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền

  1. Đêm cuối năm (Tập truyện ngắn, 2002).
  2. Khánh Hòa – chuyện đất, chuyện người (Tập bút ký, 2003).
  3. Những con dốc đến trường (Truyện dài, 2006).
  4. Chuyến xe chở cả mùa xuân (Tập truyện ngắn, 2007).
  5. Mảnh vỡ cuộc sống (Tập truyện ngắn, 2008).
  6. Nơi không có đêm (Tập truyện ngắn, 2010).
  7. Ngày hôm nay là một món quà (Truyện dài, 2012).
  8. Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro (Tạp bút, 2012).
  9. Nha Trang điểm hẹn (2013).
  10. Đã có những chiều rất bình yên (Tập truyện ngắn, 2013).
  11. Trà đá, cơm trưa văn phòng và nhạc Pháp (Tập truyện ngắn, 2016)
  12. Thế hệ gối ôm (Tạp bút, 2017)
  13. Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Tạp bút 2019, Chibooks)
  14. Nha Trang mùa đẹp nhất (Tạp bút, 2021, Chibooks)
  15. Tàu hủ, bánh, trà và cà phê (Tập truyện ngắn, 2023)
  16. Chuyện của món (Tạp bút, 2024, Chibooks)

Chủ đề tương tự


Quảng cáo