×

Liên hệ với chúng tôi

3 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Là Người Có Tư Duy Sâu Sắc (Và Cách Rèn Luyện)

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao mình mãi loay hoay với một vấn đề, trong khi người khác lại tư duy nhanh chóng và giải quyết nó một cách dễ dàng?

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng “người đó thực sự thông minh hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn mình”. Tuy nhiên trên thực tế, khả năng tư duy có chiều sâu để xử lý tình huống đôi khi không phụ thuộc vào trí thông minh hay số năm kinh nghiệm, mà được quyết định bởi cách bạn tiếp cận vấn đề. Tin tốt là bạn có thể rèn luyện khả năng này qua những thói quen đơn giản hàng ngày mà Linh chia sẻ dưới đây.

1. TƯ DUY TIỀM THỨC VÀ TƯ DUY Ý THỨC?
Theo giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman, con người có hai quy trình tư duy riêng biệt gọi là hệ thống 1 và hệ thống 2. Trong đó hệ thống 1 là tư duy về tiềm thức, nhanh và trực quan. Còn hệ thống 2 là kiểu tư duy có ý thức, dựa trên phân tích. Khi hệ thống 1 hoạt động, bạn ra quyết định theo trực giác. Với hệ thống 2, bạn kiểm tra trực giác để đảm bảo chúng chịu được sự giám sát. Đây là loại suy nghĩ có chủ đích, đòi hỏi nỗ lực tinh thần, sự tập trung và chú ý đáng kể. 
Ví dụ, khi muốn mua một chiếc điện thoại mới, bạn không chỉ chọn ngay mẫu mình thích nhất (Hệ thống 1), mà còn dừng lại, so sánh giá cả, đánh giá các tính năng, và cân nhắc xem mẫu nào đáp ứng nhu cầu tốt nhất (Hệ thống 2).
Sẽ có nhiều tình huống bạn cần tư duy theo hệ thống 1, như khi thấy một quả bóng bay về phía mình, bạn phản xạ giơ tay đỡ ngay lập tức mà không cần suy nghĩ quá lâu 😀. Tuy nhiên khi nói về việc rèn luyện suy nghĩ sâu sắc, chúng ta đang đề cập đến cách tư duy theo Hệ thống 2. Và đây là cách để bạn phát triển cách suy nghĩ sâu sắc của mình:
2. BẠN LUÔN GIỮ TRẠNG THÁI TÒ MÒ

Hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng tò mò là thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao?”. Tuy nhiên sự mò của một người suy nghĩ sâu sắc sẽ không chỉ dừng lại ở những câu hỏi trên bề mặt như vậy. Dưới đây là 3 cách tò mò giúp bạn ngày càng tư duy sâu sắc hơn: 

(1) Đừng chỉ tò mò, hãy tò mò có chiến lược: Bạn không chỉ tò mò vì hứng thú mà bạn có mục đích rõ ràng. Bạn muốn tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tổng thể, muốn nhìn vào những điều mà người khác bỏ qua.
Ví dụ, thay vì chỉ hỏi \"Vì sao dự án này thất bại?\", bạn sẽ tiếp tục đào sâu: \"Điều gì đã khiến nhóm làm sai hướng ngay từ đầu? Mọi người có thiếu sự hỗ trợ từ công cụ hay hệ thống nào không? Nếu thay đổi điều A, điều B thì kết quả có khác đi không?\". Hãy để sự tò mò của bạn dẫn dắt cả quá trình phân tích, không phải chỉ dừng lại ở những câu trả lời rời rạc.
(2) Kết nối các ý tưởng từ sự tò mò: Sự tò mò chỉ là bước đầu. Điều khiến bạn suy nghĩ khác biệt là biết cách kết nối các ý tưởng lại với nhau. Đây là nền tảng cho những ý tưởng \"độc đáo nhưng hợp lý\". Vì bạn không chỉ thấy một hiện tượng mà còn liên kết với các lĩnh vực khác để tạo ra chiến lược mới thú vị, bao quát hơn.
Mỗi tuần, hãy chọn một chủ đề bất kỳ và nghiên cứu sâu. Sau đó, thử ghép nó với một lĩnh vực hoàn toàn khác. Ví dụ: Nếu bạn đang học về tâm lý học, hãy tự hỏi liệu những nguyên tắc đó có thể áp dụng vào cách quản lý nhóm làm việc không? Quá trình này không chỉ giúp bạn hiểu sâu mà còn khuyến khích bạn tận dụng hiệu quả những kiến thức đã tích lũy được. 
(3) Thực hành sự tò mò không phán xét: Một vấn đề lớn khi chúng ta tò mò là thường vội vã phán xét các câu trả lời. Điều này dễ khiến bạn đánh mất đi cơ hội tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh khác của vấn đề. Để sự tò mò thực sự mang lại kết quả, bạn cần cho phép bản thân tiếp cận thông tin mà không gắn bất kỳ phán xét nào vào nó - ít nhất là trong thời điểm ban đầu.
Ví dụ, thay vì bác bỏ một ý kiến trái chiều, hãy nghĩ thêm một chút: \"Vì sao người đồng nghiệp lại tin điều đó? Có điều gì trong kinh nghiệm của họ mà mình chưa từng trải qua không?\". Với cách phản ứng bình tĩnh như vậy, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn.
Để rèn luyện trạng thái này, bạn có thể dành 5 phút mỗi ngày để viết ra tất cả các câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn mà không tìm câu trả lời ngay. Việc này không chỉ giúp bạn giải phóng suy nghĩ mà còn rèn luyện não bộ để không bị bó hẹp trong lối tư duy cũ. Khi quay lại với các câu hỏi này vào ngày hôm sau, bạn sẽ thấy những ý tưởng mới mẻ xuất hiện.
3 cách tò mò giúp tư duy sâu sắc hơn
3. BẠN CẢM THẤY ỔN KHI MỘT MÌNH

Khi một mình, bạn không bị ảnh hưởng bởi ý kiến hay cảm xúc của người khác. Tâm trí trở nên tự do, cho phép bạn khám phá những suy nghĩ thật sự bên trong. Những khoảnh khắc yên tĩnh này giống như một cuộc trò chuyện nhỏ với chính bạn: \"Tại sao điều đó lại làm mình bận tâm? Làm sao để mình cải thiện điều đó?\". Đây không chỉ là lúc để bạn hồi tưởng mà còn đặt nền tảng cho sự tự hiểu mình sâu sắc hơn.

Thời gian một mình cũng giúp bạn tránh được sự phân tâm, tạo điều kiện để nhìn sâu vào bản chất của vấn đề. Thay vì chỉ dừng lại ở bề mặt, bạn có thể liên kết ý tưởng với những trải nghiệm hoặc kiến thức khác để tạo ra góc nhìn mới. Bạn có thể tự hỏi: \"Liệu vấn đề này có liên quan đến điều gì mình từng trải qua trước đây không?\". Chính khả năng kết nối này giúp bạn phát triển tư duy sáng tạo và sâu sắc hơn.

Quan trọng hơn, một mình là thời điểm lý tưởng để bạn xây dựng chiều sâu nội tâm. Người suy nghĩ sâu sắc tận dụng những phút giây này để viết nhật ký, suy nghĩ hay tự phản ánh vấn đề. Một mẹo nhỏ để rèn luyện khả năng này là dành ra một \"khoảng trống yên lặng\" mỗi ngày với chính mình. Linh cảm thấy điều này cần thiết dù một ngày của bạn bận rộn như thế nào. Ngay cả khi bạn là một người hướng ngoại và thoải mái với những cuộc trò chuyện cùng người khác, cũng hãy dành 5 phút, 10 phút để giao tiếp với chính mình. Đó là cách bạn xây dựng trạng thái cân bằng trong tâm trí.

4. BẠN KHÔNG NGẠI ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG ĐIỀU PHỨC TẠP

Hứng thú với những điều phức tạp không phải là đặc điểm của số đông. Song khi là người có suy nghĩ sâu sắc, đó là một phần không thể thiếu trong cách bạn nhìn thế giới. Trong những tình huống trông có vẻ lộn xộn (hay thực tế là vậy), bạn sẽ có xu hướng dành thời gian tìm kiếm các mối liên hệ giữa những yếu tố khác nhau. Dưới đây là 1 số câu hỏi giúp bạn gợi mở những vấn đề phức tạp:

(1) Nguồn gốc thực sự của vấn đề này là gì? Hãy tự hỏi vấn đề này (1) bắt đầu từ đâu, (2) những yếu tố nào dẫn đến nó, và liệu (3) đó có phải là nguyên nhân cốt lõi hay chỉ là một biểu hiện trên bề mặt.
(2) Những giả định nào bạn đang mặc định mà chưa kiểm tra? Điều này giúp bạn nhận ra những suy nghĩ hoặc góc nhìn có thể sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng.
(3) Mối liên hệ giữa các yếu tố trong vấn đề này là gì? Xác định cách các phần của vấn đề tương tác với nhau giúp bạn hiểu rõ cấu trúc của sự phức tạp và tìm ra các điểm mấu chốt để giải quyết.
(4) Nếu tiếp cận vấn đề từ một góc nhìn khác, điều gì sẽ thay đổi? Hãy thử thay đổi hoàn toàn quan điểm hoặc giả định của bạn và xem liệu cách tiếp cận mới có thể mang lại giải pháp hoặc thông tin mới mẻ không.
(5) Có những mô hình tương tự nào mà bạn có thể học hỏi không? Liên kết vấn đề với những tình huống tương tự trước đó có thể giúp bạn nhận ra các bài học hữu ích.
Một số câu hỏi giúp bạn gợi mở những vấn đề phức tạp
LỜI KẾT: HÃY SUY NGHĨ VỀ... CÁCH BẠN SUY NGHĨ

Linh biết có nhiều bạn cho rằng những người thông minh hoặc có thiên hướng nghệ thuật như nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ mới có thế mạnh trong việc tư duy sâu sắc. Song đó chỉ là cách bạn tự giới hạn tiềm năng của mình.

Trên thực tế, tư duy sâu sắc không phải kỹ năng “độc quyền” của những “tâm hồn triết học”, cũng không dành riêng cho những thiên tài. Đó đơn giản là sự kiên nhẫn với chính những câu hỏi của mình, cùng khả năng mổ xẻ vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Nếu bạn thấy mình luôn tò mò, thoải mái khi ở một mình, và không ngại đối đầu với những điều phức tạp, rất có thể bạn đã sở hữu kỹ năng này rồi. Ngay cả khi bạn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào trong 3 dấu hiệu trên, cũng đừng lo ngại. Bạn có thể bắt đầu phát triển chúng ngay từ bây giờ. Và bạn sẽ sớm nhận được kết quả như mong đợi!