×

Liên hệ với chúng tôi

5 điều quan trọng để phỏng vấn thành công

1. Do your research- Chuẩn bị, chuẩn bị, chuẩn bị

Mình muốn nhấn mạnh nhiều lần là việc tìm hiểu về công việc, công ty là cực kì quan trọng! Em sinh viên nào hỏi “Công ty chị bán thuốc gì, doanh số bao nhiêu” là bị gạch tên ngay. Muốn biết công ty có sản phẩm gì thì lên mạng vào website chính thức tìm. Không những cần phải biết sản phẩm trên thị trường của công ty, mà bạn còn phải biết Nghiên cứu và Phát triển có những sản phẩm nào trong tương lai, biết đối thủ cạnh tranh của công ty này là ai. Doanh số của sản phẩm có thể dễ dàng được tìm thấy trong các Earning Reports mỗi quý và mỗi năm. Ở Việt Nam có thể website chưa phát triển bằng. Nhưng nếu bạn ở Mỹ, bất cứ công ty public nào cũng có website và các thông tin doanh số đa phần ai cũng có thể vào tìm.

Mình luôn dặn mọi người- nếu câu hỏi của em có thể dễ dàng tìm được câu trả lời với một cái click trên mạng, thì tuyệt đối đừng hỏi. 

2. Have future directions- Phải có định hướng tương lai

Đừng bao giờ nói với nhà tuyển dụng là em cần việc làm nên làm gì cũng được, hay em tới đâu hay tới đó. Bạn còn trẻ, ai cũng hiểu là bạn cần thời gian và kinh nghiệm để tìm hiểu định hướng từ từ, và cũng chẳng hi vọng bạn làm công việc này trong suốt 5-7 năm. Nhưng ít nhất phải biết trong tương lai muốn theo đuổi cái gì, biết mình thích những công việc hoạt động nào. Và việc nộp đơn vào công ty này sẽ giúp được gì trong cái development plan của bạn. 5 năm sau bạn hình dung cuộc đời mình ra sao? Nếu được chọn một công việc lý tưởng trong đời thì đó là công việc gì? Bạn phải có định hướng thì sếp tương lai mới có thể giúp bạn phát triển kĩ năng và tạo cơ hội thăng tiến. Không ai bắt bạn phải vạch ra kế hoạch 5 năm rõ ràng từng tháng từng ngày. Nhưng nếu không hề có định hướng thì rất dễ nhìn ra khi họ hỏi vài câu là cho về luôn.

New heights

3. Ask great questions- Câu hỏi súc tích, cụ thể, và có ý nghĩa  

Chị có thích công việc này không? Anh thấy công ty này như thế nào? Công ty làm ăn tốt không chị? Đừng bao giờ hỏi những câu chung chung như vậy. Cách nhận dạng những câu thế này để tránh là bạn hãy thử xem có thể trả lời trong một từ duy nhất 

  • Chị có thích công việc này không? Có.
  • Anh thấy công ty này như thế nào? Tốt.
  • Công ty làm ăn tốt không chị? Tốt.

Thay vì hỏi cho có những câu vô nghĩa, thì hãy cụ thể hơn:

  • Chị thích công việc này ở chỗ nào?
  • Tại sao lúc xin việc anh lại chọn công ty này mà không phải là công ty khác? Anh thích công ty này ở những điểm nào?
  • Lúc mới vào làm anh gặp những khó khăn gì?
  • Văn hóa của công ty ra sao? Mọi người có hòa đồng hay cạnh tranh?
  • Tương lai công ty trong 5 năm tới anh thấy như thế nào?  

Hoàn toàn chấp nhận được nếu bạn khéo léo hỏi ngược lại họ những câu họ đã hỏi bạn nhé.

4. Don’t burn any bridges- Việc gì cũng có hậu quả 

Không biết những ngành nghề khác thì như thế nào, nhưng từ khi vào đại học, điều đầu tiên thầy hiệu trưởng truyền đạt cho sinh viên là: ngành dược nhỏ lắm các em, đừng làm điều gì phải hối tiếc vì em không đi đâu mà tránh khỏi tai tiếng mình gây ra. Người Mỹ gọi là “Don’t burn any bridges”. Hồi đó mình cũng chưa tin lắm, nghĩ bụng nhỏ vừa thôi, chứ làm gì mà nhỏ dữ vậy. Bây giờ đi làm mới thấy thế giới trong ngành nhỏ hơn cả mình tưởng.

Hôm nọ có phỏng vấn các bạn sinh viên vào công ty, cả văn phòng đang ngồi bàn bạc đau đầu xem giữa hai ứng cử viên thì chọn ai vì một nửa thích bạn này, nửa còn lại thích bạn kia, và cả hai đều xứng đáng như nhau. Một người trong nhóm hỏi “Có ai biết trường em này học không? Có quen ai để hỏi thăm xem, thêm ý kiến thứ ba dễ quyết định”. Cái trường đó lạ hươ lạ hoắc, chưa ai nghe tên bao giờ. Thế mà một anh nhớ ra là có người quen đang giảng dạy ở đó nên nhắn tin ngay lập tức (thời buổi hiện đại, không cần chờ bồ câu đưa thư). 2 phút sau, người kia nhắn lại “Em sinh viên này có năng lực, học giỏi, khả năng phỏng vấn rất tốt. Nhưng tôi hơi do dự vì em này không hòa đồng được với các bạn cùng khóa vì quá cạnh tranh và đối xử với mọi người không được tốt”.

Trong vòng chưa đầy 5 phút, bạn này từ top candidate bị đánh tuột xuống ngay lập tức. Tuy mọi người vẫn ngồi cân nhắc thêm để quyết định đúng đắn, nhưng không khí trong phòng khác hẳn. Sau đó thì không biết có phải vì lí do này hay còn nhiều lí do khác, bạn này không được job offer. Nói thế để mọi người thấy nếu có thêm thắt câu chuyện của mình một tí có thể không sao, nhưng đừng bịa quá đáng, đừng nói xấu sếp cũ hay đồng nghiệp, và đừng gây tai tiếng, vì lúc nào họ cũng có thể gọi đến chỗ làm cũ của bạn để kiểm chứng, dù họ có quen biết hay không.

5. Be confident, passionate, but realistic- Tự tin, đam mê nhưng phải thực tế

Sự tự tin rất dễ nhìn thấy trong quá trình phỏng vấn. Cách bạn nói, cách bạn ngồi, dáng đứng, dáng đi, người Mỹ gọi là “how you carry yourself”. Như mình đã từng đề cập đến trong bài Làm việc ở Mỹ- Làm sao để tồn tại và nổi bật?, người châu Á hay bị thiệt thòi khi cạnh tranh với người Mỹ về vấn đề tự tin. Chúng ta hay có gì nói đó, ít phô trương, nên đôi khi bị cho là thiếu tự tin. Đặc biệt là phụ nữ, điều này lại càng quan trọng hơn vì phụ nữ vốn rụt rè, mặc cảm hơn đàn ông về khả năng của mình (sẽ bàn ở blog khác). Nếu ý thức được vấn đề này, bạn sẽ biết được mình nên tỏ ra như thế nào khi phỏng vấn.

Những người đam mê công việc mình làm, có hoài bão, biết mình muốn gì và làm sao để đạt được mục tiêu, cách nói chuyện của họ rất khác và dễ nhận ra, không như với những bạn nhàng nhàng lơ tơ mơ. Họ truyền cảm hứng cho người đối diện, họ rất hào hứng, rất tích cực. Nhà tuyển dụng ở Mỹ cực kì thích những người trẻ có đam mê. Nhưng có một ranh giới giữa tự tin đam mê và cái nhìn thực tế. Bạn không thể muốn làm Director trong 2 năm được hay Vice President trong 5 năm. Làm sao để truyền đạt được sức sống của mình một cách khiêm nhường và thực tế là một nghệ thuật bạn phải hoàn hảo.

building-joy-planning-plans.jpg

Chúc các bạn trẻ may mắn!