Hôm qua, khi đọc một bài viết, mình đã thấy lòng nhẹ bẫng như được ai đó vỗ về. Một sự đồng cảm sâu sắc ùa đến, như thể những vết thương trong mình được chạm tới và dịu lại. Mình nhận ra, hóa ra quá trình chữa lành đã diễn ra âm thầm từ rất lâu rồi, chỉ là trước giờ mình chưa từng gọi tên được những thay đổi đó.
Mình từng sống dưới áp lực không đến từ ai khác ngoài chính bản thân. Suốt những năm phổ thông và đại học, mình luôn thuộc nhóm đứng đầu lớp, đạt giải học sinh giỏi thành phố, tham gia vòng loại quốc gia, từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia, đỗ đại học top đầu với 29/30 điểm, và luôn đạt học bổng. Mình tự hào vì sự cần cù, kiên trì, kỷ luật – chưa từng dậy muộn hơn 4h30 sáng hay đi ngủ trước 10h30 tối. Trong sâu thẳm, mình tin rằng mình là người xuất sắc và xứng đáng với những vị trí cao trong xã hội.
Nhưng cuộc đời sau cánh cổng đại học đã khác xa tưởng tượng.
Sau khi tốt nghiệp, mình trải qua quá trình tìm việc đầy chật vật. Dù chỉ vài tháng, nhưng mỗi lần gửi hồ sơ mà không được gọi, mình lại thất vọng nặng nề vì kỳ vọng quá lớn vào bản thân. Cuối cùng, mình cũng vào được một công ty nước ngoài lớn. Công việc ổn định, mình được đánh giá là nhân viên xuất sắc, luôn nhận mức tăng lương cao nhất phòng, và được sếp hứa hẹn tương lai tươi sáng.
Nguồn: Pinterest
Thế nhưng, mình lại cảm thấy không còn phù hợp với công việc văn phòng lặp đi lặp lại, ngày ngày nhìn vào màn hình máy tính và hàng nghìn con số. Mình cảm thấy bản thân không còn phát triển. Sau nhiều trăn trở, mình nghỉ việc để... đi bán quần áo.
Với bố mẹ mình – những người làm nghề giáo – quyết định đó là một cú sốc. Mình vẫn nhớ rõ lời bố mẹ: “Nuôi ăn học bao nhiêu năm giờ đi bán quần áo?” – với họ, bán hàng online là việc “không xứng đáng” với người có học.
Rồi thì những câu như “Con tôi nó làm linh tinh ấy mà”, hay “Học giỏi như chị Hoa mà để làm gì, cũng không nên cơm cháo gì”… cứ vang lên đâu đó mỗi khi có ai nói đến việc người nọ người kia học giỏi rồi cũng chẳng làm ông nọ bà kia, vẫn nghèo kiết xác như thường.
Nghe những lời ấy, mình thấy như một nhát dao lam sắc mỏng cứa vào lòng tự trọng. Mình không nói gì, nhưng bên trong là những cơn sóng ngầm âm ỉ – xót xa, tủi thân, và cả cảm giác bất lực khi không thể làm gì để chứng minh rằng những năm tháng học hành chăm chỉ ấy… không phải là vô ích
Dù vậy, ban đầu mình kinh doanh khá tốt. Có thời điểm fanpage đạt tới 70.000 người theo dõi, thu nhập có tháng lên đến 100 triệu – từ cách đây 6-7 năm. Đó là chút an ủi duy nhất giữa những lời xì xào và áp lực vô hình.
Rồi biến cố liên tiếp ập đến: mất fanpage vì thiếu kỹ năng, quảng cáo bị cấm, thời tiết thay đổi, rồi dịch COVID kéo dài suốt hai năm. Tất cả đổ dồn, khiến mình gần như gục ngã. Không còn lựa chọn, mình bán đủ thứ – đồ ăn, gia dụng, miễn là kiếm ra tiền.
Nhưng thu nhập giảm sút nhanh chóng, mình rơi vào cảm giác tự ti, tủi hổ. Nghề nghiệp không ổn định, hàng trăm triệu hàng tồn chất cao trong nhà, mỗi ngày đẩy xe đi bán hàng quanh chung cư… Mình thấy mình thất bại hoàn toàn. Mình từng ngồi một mình trong căn phòng ngập hàng hóa, tự hỏi: Tại sao lại nghỉ việc? Mình đã sai ở đâu? Tại sao từ một người học giỏi, nhiều thành tích, mình lại trở thành kẻ “bán hàng online không định hướng, không tương lai”?
Bước sang tuổi 35, mình chính thức chuyển hướng nghề nghiệp: từ người bán hàng online trở thành gia sư tiếng Anh tự do. Mình đồng hành cùng nhiều chị em học tiếng Anh, học IELTS, dạy các em học sinh cấp 3. Mình có thu nhập tốt hơn, thời gian linh hoạt, được yêu quý và tin tưởng bởi học viên, phụ huynh, và quan trọng nhất là – mình tìm lại được niềm vui trong công việc.
Mình nhận ra: mình vẫn còn giá trị, vẫn còn khả năng phát triển, và mình không phải là kẻ bỏ đi.
Giờ đây, mình không còn nắm chặt bất kỳ thứ gì như thể nó là mãi mãi. Mình hiểu rằng nghề nghiệp, thu nhập, vị trí – tất cả đều có thể thay đổi. Quan trọng nhất là mình không ngừng học, không ngừng vận động để bắt kịp thời đại.
Làm một người bình thường không sao cả. Thất bại cũng không sao cả.
Chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc, không gục ngã, thì ngày vui nhất định sẽ lại đến.