Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) đề cập đến trải nghiệm nội tại khi bạn cho rằng bản thân không tài giỏi, thông minh như những gì người khác nghĩ về bạn. Mặc dù định nghĩa này thường được áp dụng trong phạm vi trí thông minh và thành tích, nhưng nó cũng có liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo và bối cảnh xã hội.
Hiểu một cách đơn giản, khi mắc hội chứng kẻ mạo danh, bạn luôn cảm thấy mình là kẻ kém cỏi, thất bại trong ở vài lĩnh vực trong cuộc sống mặc cho bạn đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng nể trong những lĩnh vực đó.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi các nhà tâm lý học Suzanna Imes và Pauline Rose Clance vào những năm 1970. Ban đầu, khi khái niệm Imposter Syndrome được giới thiệu, nó được áp dụng chủ yếu với những người phụ nữ thành công nhưng không cảm thấy xứng đáng với các thành tích của họ. Kể từ đó, thuật ngữ trên đã được công nhận và sử dụng rộng rãi hơn. Bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hội chứng kẻ mạo danh, bao gồm từ địa vị xã hội, nền tảng công việc, đến kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn.
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể để bạn có thể hình dung rõ nét hơn về những người mắc hội chứng này:
- Bạn vừa bắt đầu khởi nghiệp, tuy nhiên, bạn không muốn chia sẻ hay khoa trương về bản thân vì bạn chưa đủ chuyên môn, kinh nghiệm lẫn kiến thức so với những người ở cùng lĩnh vực. Điều này khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ giả tạo và kém cỏi.
- Bạn được đề cử một giải thưởng, nhưng bạn lại cảm thấy mình là một kẻ mạo danh tại lễ trao giải bởi bạn cho rằng những gì mình đã thực hiện được chưa đủ tiêu chuẩn để được mọi người công nhận.
Sự dạy dỗ và ảnh hưởng từ gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức và tính cách của mỗi con người. Khi việc nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ có phần kiểm soát, nghiêm khắc, bảo vệ quá mức hay quá xem trọng thành tích sẽ tăng tỷ lệ xuất hiện hội chứng này ở trẻ em.
Hội chứng kẻ mạo danh xuất hiện phổ biến ở những người đang trải qua giai đoạn chuyển đổi và đang thử nghiệm những điều mới mẻ. Vì thế, việc thay đổi môi trường học tập, môi trường làm việc sẽ dễ làm bạn cảm thấy choáng ngợp nếu không có khả năng thích nghi tốt, và điều đó cũng dễ dẫn đến hội chứng kẻ mạo danh. Áp lực để đạt được mục tiêu và thành công nhưng lại thiếu kinh nghiệm ứng phó với mọi tình huống có thể khiến bạn cảm thấy không phù hợp trong công việc và môi trường mới. Ví dụ, khi mới bước vào trường đại học, các yếu tố như môi trường sống, bạn bè xung quanh, khối lượng bài vở… thay đổi, từ đó bạn cảm bạn cảm thấy như thể mình không phù hợp với việc học đại học và không đủ khả năng để tiếp tục.
Một số kiểu tính cách nhất định có nguy cơ mắc hội chứng kẻ mạo danh cao, bao gồm:
- Niềm tin vào năng lực bản thân thấp: Sự tin tưởng vào bản thân luôn tác động lớn đến khả năng thành công của bạn trong bất kỳ tình huống nào.
- Chủ nghĩa hoàn hảo: Yếu tố này đóng một vai trò quan trọng đối với người mắc hội chứng kẻ mạo danh. Họ luôn cầu toàn trong mọi tình huống, chẳng hạn như họ vạch sẵn trong đầu những gì nên nói trong một cuộc hội thoại và không cho phép bản thân phát ngôn sai. Ngoài ra, chủ nghĩa hoàn hảo có thể khiến họ thường xuyên trì hoãn và gặp khó khăn khi nhờ sự giúp đỡ từ người khác do tiêu chuẩn tự đặt ra cho bản thân quá cao.
- Sự nhạy cảm (Neuroticism): Đây là một yếu tố trong mô hình nhóm năm tính cách lớn (big give personality dimensions) bao gồm Openness (Sự cởi mở), Coscientiouness (Sự tận tâm), Extraversion (Sự hướng ngoại), Agreeableness (Sự dễ chịu), Neuroticism (Sự nhạy cảm). Những người thuộc nhóm tính cách liên quan đến Neuroticism (Sự nhạy cảm) có khuynh hướng buồn bã, ủ rũ và thường trải qua các cảm giác lo âu, bất an, phiền muộn và tội lỗi.
Hội chứng kẻ mạo danh và chứng rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder) có nhiều điểm tương đồng. Người bị rối loạn lo âu xã hội có thể cảm thấy bản thân không thuộc một nhóm xã hội hoặc các tình huống giao tiếp thường ngày.
Ví dụ, đôi khi bạn đang trò chuyện với ai đó và bất chợt lo lắng như thể họ sắp phát hiện ra sự kém cỏi của mình. Hoặc có thể bạn đang trình bày một bài thuyết trình và cảm thấy bạn cần nhanh chóng kết thúc nó trước khi có ai nhận ra rằng bạn thực sự không thật sự phù hợp để truyền tải bài thuyết trình đó.
Mặc dù các triệu chứng của chứng lo âu xã hội có thể thúc đẩy sự xuất hiện của hội chứng kẻ mạo danh, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người mắc phải hội chứng này đều mắc chứng lo âu xã hội hoặc ngược lại. Hội chứng kẻ mạo danh có thể khiến những người bình thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi họ bị rơi vào tình huống khiến họ nghĩ rằng mình kém cỏi và không xứng đáng.
Để vượt qua hội chứng kẻ mạo danh, bạn cần đối mặt với một số câu hỏi thường khiến bạn gặp khó khăn như sau: “Mình thực sự nghĩ gì về bản thân?”, “Liệu bản thân có xứng đáng được yêu thương khi sống là chính mình?”, “Mình có cần phải tỏ ra hoàn hảo để mọi người chấp nhận mình không?”… Để vượt qua những cảm xúc tiêu cực, bạn phải học cách cảm thấy thoải mái khi đối mặt với một số định kiến bạn tự đặt ra cho chính mình. Việc này không hề dễ dàng vì bạn thậm chí có thể còn không nhận ra mình đang áp đặt những niềm tin tồi tệ về bản thân. Tuy nhiên, những cách thức sau đây có thể sẽ giúp được bạn:
Bạn nên thử mở lòng mình và trò chuyện với người khác về cảm giác của bản thân. Những niềm tin phi lý sẽ có xu hướng biến mất khi bạn mở lòng chia sẻ về những khó khăn mà mình đã trải qua với người mà bạn tin cậy.
Mặc dù điều này nghe hơi khác thường, nhưng bạn hãy cố gắng giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh giống bạn. Nếu bạn thấy ai đó có vẻ lúng túng hoặc đang chật vật xoay xở mọi thứ một mình, hãy thử bắt chuyện và làm cầu nối để họ hoà nhập với mọi người hơn. Điều này giúp bạn củng cố niềm tin vào bản thân rằng bạn cũng có khả năng giúp đỡ người khác.
Nếu bạn luôn nghi ngờ, tự ti về năng lực của bản thân và cho rằng bản thân kém cỏi trong nhiều tình huống, hãy tìm cách đưa ra đánh giá thực tế về khả năng của mình. Bạn có thể viết ra những thành tích bạn đã đạt được và những điều bạn nghĩ mình giỏi, sau đó so sánh nó với phần tự đánh giá của bạn.
Đừng quá chú tâm vào việc thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo, thay vào đó, hãy cố gắng hoàn thành mọi việc một cách chỉn chu và tự thưởng cho bản thân khi đã can đảm hành động. Ví dụ, trong một cuộc trò chuyện nhóm, hãy cố gắng đưa ra ý kiến hoặc chia sẻ một kinh nghiệm bản thân.
Khi bạn bắt đầu suy ngẫm về khả năng của mình và thực hiện từng bước tiến nhỏ, hãy đặt câu hỏi liệu những suy nghĩ tiêu cực của bạn về bản thân có hợp lý hay không? Có đúng đắn không khi bạn cho rằng bản thân là một kẻ vô dụng, với tất cả những thành tựu mà bạn đã đạt được? Hãy tin tưởng vào những thành tựu của bản thân và tiếp tục thực hiện các kế hoạch trong cuộc đời mình một cách tự tin, bạn sẽ nhận ra mình có thể làm được rất nhiều thứ.
6. Ngừng so sánh bản thân với những người xung quanh
Bất kể khi nào bạn so sánh bản thân với người khác, bạn lại vô thức tự “chỉ ra” thêm nhiều thiếu sót của mình, khiến bản thân cảm thấy không đủ tốt hoặc không xứng đáng với những gì bạn đang có. Thay vào đó, trong các cuộc trò chuyện, khi đối phương đang chia sẻ về cuộc sống và thành tựu của mình, hãy tập trung lắng nghe, thật sự quan tâm và học hỏi từ kinh nghiệm của họ.
Nếu sử dụng Facebook, Instagram, TikTok… quá mức, bạn sẽ cảm thấy tự ti và cho rằng bản thân thật nhỏ bé. Thực tế, mạng xã hội chỉ là nơi để người dùng tự do thể hiện những gì họ muốn. Việc lạm dụng mạng xã hội và cố gắng xây dựng một hình ảnh không phù hợp với con người thật của bạn chỉ khiến bạn gia tăng cảm giác thua kém và làm hội chứng kẻ mạo danh trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn nên chú tâm vào cuộc sống thực của mình, tập luyện thể thao cũng như ăn uống lành mạnh sẽ làm cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.