Trong cuộc sống, nhiều bậc phụ huynh luôn đặc biệt quan tâm đến điểm số của con cái. Nhưng họ lại quên rằng, điều quan trọng hơn cả thành tích chính là sức khỏe tinh thần của con trẻ. Muốn trẻ có một nội tâm mạnh mẽ và đầy đủ, cha mẹ không thể thiếu sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và tình yêu vô điều kiện. Vậy, làm thế nào để trao cho con cái tình yêu mà chúng thực sự cần?
Hãy cùng tìm hiểu 7 cấp độ yêu thương con cái dưới đây, bạn sẽ có câu trả lời.
Cấp độ 1: Được ăn no mặc ấm, những nhu cầu nhỏ được đáp ứng
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ rơi vào một ngộ nhận: Họ sợ con bị nuông chiều nên cố tình không đáp ứng một số nhu cầu nhỏ của con.
Nhưng trên thực tế, cảm giác nghèo khó sẽ khiến trẻ nảy sinh cảm giác thiếu thốn về tâm lý. Ngược lại, đáp ứng hợp lý một số nhu cầu nhỏ của trẻ không những không khiến chúng trở nên tham lam, mà còn khiến chúng cảm thấy mình quan trọng.
Hãy để trẻ được ăn no mặc ấm và thỏa mãn một số mong muốn nhỏ. Khi ấy, trẻ mới không bị ràng buộc bởi cảm giác thiếu thốn, và có một tuổi thơ vui vẻ, trọn vẹn.
Cấp độ 2: Được cha mẹ tận tâm đồng hành, cảm giác an toàn tràn đầy
Nhà giáo dục nổi tiếng Lưu Dũng của Trung Quốc có hai người con vô cùng xuất sắc: Con trai ông là Tiến sĩ Tâm lý học Harvard, cũng là một tài năng xuất sắc của Học viện Âm nhạc Juilliard. Con gái ông đỗ vào Đại học Columbia với vị trí thủ khoa và sau đó nhận học bổng toàn phần để học tại Trường Kinh doanh Wharton.
Khi chia sẻ về bí quyết nuôi dạy con, Lưu Dũng nói: \"Giáo dục gia đình quan trọng nhất là sự đồng hành. Từ thời thơ ấu đến tuổi vị thành niên, đều cần đồng hành để cùng chia sẻ niềm vui, cùng cười và cùng trưởng thành với con\". Dù công việc bận rộn, ông vẫn dành thời gian bên con.
Đặc biệt, khi con trai ông mới đến Mỹ, vì không thích nghi được với môi trường và bị bạn bè cùng trang lứa xa lánh, cậu bé trở nên nhút nhát và tự ti. Lưu Dũng thường đưa con đi dã ngoại, cùng con đào giun, trồng rau, thậm chí tổ chức các cuộc thi chạy hoặc ném bóng với con. Chính nhờ sự đồng hành chất lượng cao của cha, cậu bé dần mở lòng và thử giao tiếp lại với mọi người.
Như câu nói: \"Tình yêu và sự đồng hành trong tuổi thơ là ánh sáng trong cuộc sống tương lai\". Những khoảnh khắc ấm áp và vui vẻ giữa cha mẹ và con cái sẽ được nội tâm hóa thành năng lượng tinh thần, trở thành tấm áo giáp giúp trẻ vượt qua giông bão.
Cấp độ 3: Không bị so sánh với người khác, không hoàn hảo cũng không sao
Một cuộc khảo sát cho thấy, hành vi mà trẻ em không thích nhất ở cha mẹ là: \"Luôn so sánh mình với con nhà người ta\".
\"Con thấy không, bạn X lại đứng nhất lớp, học hỏi bạn đi!\", \"Sao con nhà người ta thông minh thế, còn con thì làm gì cũng không nên hồn?\", \"Cùng một thầy dạy, sao con lại kém đến vậy?\",...
Sự so sánh không chỉ mang lại áp lực lớn cho trẻ, phá hủy cảm giác tự tin của chúng mà còn làm tổn thương mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Không so sánh, cho phép trẻ phát triển theo nhịp độ của riêng mình chính là cấp độ thứ ba của tình yêu. Thay vì buộc trẻ tìm kiếm hình bóng thành công ở người khác, hãy giúp trẻ tìm ra con đường riêng của mình để sống một cuộc đời rực rỡ.
Cấp độ 4: Có thể tức giận, cảm xúc được bao dung
Khi trẻ nổi giận, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc phụ huynh là ngăn chặn. Nhưng việc không cho phép trẻ tức giận không khiến cảm xúc tiêu cực biến mất. Chúng chỉ bị đẩy sâu hơn vào nội tâm, dần trở thành một chiếc dao găm trong lòng trẻ.
Thực tế, khi trẻ không dễ thương nhất, đó lại chính là lúc chúng cần tình yêu thương nhất. Trong cuốn sách Kỷ luật tích cực, có kể một câu chuyện: Một cậu bé 4 tuổi thường xuyên tức giận, cha càng ngăn cấm, cơn giận của cậu càng dữ dội. Một ngày nọ, khi cậu lại nổi giận, cha cậu bỗng quỳ xuống và hét lớn: \"Cha cần một cái ôm!\".
Cậu bé ngạc nhiên, cha cậu lại nói: \"Cha cần một cái ôm!\". Cậu dừng khóc, bước đến ôm cha một cách ngượng ngùng. Cha cậu lập tức ôm chặt cậu vào lòng. Sau một lúc lâu, cha nói: \"Cảm ơn con, đây chính là điều cha cần\". Cậu bé mím môi nói nhỏ: \"Con cũng vậy\".
Thay vì nói \"Không được khóc\" một cách thô bạo, một cái ôm ấm áp có thể kích hoạt những điều tốt đẹp trong tâm hồn trẻ. Từ hôm nay, khi đối mặt với cảm xúc tiêu cực của trẻ, hãy kiên nhẫn và thấu hiểu hơn. Nhìn thấu sự ấm ức và buồn bã ẩn sau cơn giận, trẻ mới có thể thoát khỏi cảm xúc tiêu cực và làm chủ cảm xúc của chính mình.
Cấp độ 5: Được bày tỏ ý kiến, lời nói được lắng nghe
Một người mẹ từng lên mạng chia sẻ rằng cô cảm thấy con gái mình ngày càng không nghe lời.
Cô sắp xếp cho con học toán vào cuối tuần, nhưng con lại đòi đi tham quan viện bảo tàng cùng bạn. Cô khuyên con đọc sách, nhưng con nói mình thích xem phim tài liệu hơn. Ngay cả chuyện ăn mặc, con cũng \"kén chọn\" và không hài lòng với sự sắp xếp của mẹ.
Hai mẹ con thường xuyên tranh cãi vì những chuyện vặt vãnh.
Nhiều phụ huynh chỉ ra rằng, thực ra đây là giai đoạn trẻ bắt đầu có chính kiến – một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành. Theo các chuyên gia, nhu cầu được lựa chọn và kiểm soát là bản năng tự nhiên của con người.
Chỉ khi trẻ tự mình quyết định, cuộc sống mới thực sự ý nghĩa. Nếu ép buộc trẻ làm theo ý mình, chúng sẽ không bao giờ có thể làm chủ chính mình.
Bạn hỏi ý kiến, trẻ nói \"Tùy\". Bạn đưa ra lựa chọn, trẻ bảo \"Đều được\". Bạn trao cơ hội, trẻ đáp \"Sao cũng được\". Những đứa trẻ như vậy có vẻ dễ nuôi, nhưng thực ra rất đáng thương và đáng lo.
Khi cha mẹ dùng tình yêu làm điểm tựa, cho phép trẻ tham gia vào các quyết định và khuyến khích chúng bày tỏ ý kiến, bạn sẽ phát hiện rằng: Trẻ không hề bướng bỉnh như bạn nghĩ. Khi trẻ được nhìn nhận và tôn trọng, chúng sẽ ngày càng trưởng thành, có chính kiến và cuối cùng đưa ra những quyết định đúng đắn.
Cấp độ 6: Không bị kiểm soát quá mức, tình yêu cũng cần có giới hạn
Nhà tâm lý học người Đức Erich Fromm từng nói: \"Đối lập với giáo dục là sự thao túng. Nó xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào khả năng phát triển của trẻ, cho rằng chỉ khi người lớn chỉ dẫn từng bước, trẻ mới có thể phát triển bình thường. Tuy nhiên, kiểu thao túng này là sai lầm\".
Điều này hoàn toàn đúng. Cha mẹ buông lỏng không quan tâm con cái là vô trách nhiệm. Nhưng kiểm soát từng hành động nhỏ của con cái cũng là một dạng thảm họa. Tình yêu thực sự của cha mẹ dành cho con không chỉ là sự bảo vệ mà còn là sự buông tay.
Sự bảo vệ giúp trẻ có đủ điều kiện để lớn lên, còn sự buông tay là món quà quan trọng hơn, giúp trẻ học cách tự lập.
Cấp độ 7: Có thể đáp lại tình yêu, thực hiện giá trị bản thân
Mùa thi đại học năm ngoái tại Trung Quốc, có một câu chuyện đã gây xúc động mạnh trên mạng: Một người cha 58 tuổi từ quê nhà, cách nơi con trai thi hơn 200 km, lặn lội đến tiếp sức cho con. Vì không có tiền mua hoa, ông hái một bông hướng dương từ ruộng của mình, cầm chặt trên tay.
Khi con trai bước ra khỏi phòng thi, nhìn thấy cha, cậu liền quỳ xuống: \"Cảm ơn cha vì đã nuôi con khôn lớn suốt bao năm qua\". Hình ảnh ấy được một phóng viên chụp lại, gây xúc động mạnh mẽ. Khi được hỏi về dự định sau kỳ thi, chàng trai trả lời ngắn gọn: \"Con dự định đi làm thêm vào mùa hè để kiếm tiền đóng học phí\".
Một nhà văn nổi tiếng từng nói: \"Cuộc sống này trở nên tươi đẹp không phải vì cảnh sắc hùng vĩ, mà vì bạn gặp được ai đó, được sưởi ấm trái tim. Rồi đến một ngày, bạn cũng trở thành mặt trời nhỏ, đi sưởi ấm người khác\".
Giáo dục thực sự không dạy trẻ cách chiến thắng, mà dạy chúng cách yêu thương. Một đứa trẻ biết ơn và không quên nguồn cội, dù có tạm thời lùi bước, vẫn sẽ tự mình đứng dậy, bằng ý chí và nỗ lực của bản thân mà đạt được thành công trong cuộc đời.
Ngược lại, những đứa trẻ chỉ biết nhận mà không biết cho đi, khi mất đi sự bao bọc của cha mẹ sẽ dễ dàng bị xã hội đào thải.
Lời kết:
Nhất định phải nhớ rằng, bạn yêu con mình, chứ không phải những thành tích của chúng. Dù con có giỏi hay không, đó vẫn là con của bạn
Yêu con là bản năng của cha mẹ. Nhưng cách trao đi tình yêu mà trẻ thực sự cần lại là điều chúng ta cần học cả đời. Trên hành trình vừa học hỏi vừa khám phá ấy, cuối cùng chúng ta sẽ nhận ra: Tình yêu thực sự không phải là sự hy sinh, đe dọa hay ép buộc, mà là sự thấu hiểu, chấp nhận, và giúp con phát triển đúng như con vốn là.