Xin chào quý độc giả,
Trước hết, xin cám ơn sự ủng hộ của mọi người cho blog của Quang, nhờ đó mà mình đã đạt đến con số 2500 subscribers. Đây cũng là một con số khiêm tốn so với nhiều người khác, nhưng cũng là đủ ý nghĩa và cho mình thấy có trách nhiệm hơn về những gì mình đang chia sẻ.
Cho những ai chưa biết về mình, thì mình là một cựu du học sinh Mỹ, đã về nước được hơn 10 năm, và chuyển ngành hai lần. Lần thứ nhất là khi mình vứt bỏ tấm bằng kế toán để đi theo Tư vấn (Management Consulting) tại một công ty của Big 4, và lần hai là mình vứt bỏ Consulting để đi theo ngành Product. Mình có ý thức rất rõ sự khó khăn của chuyển ngành là như thế nào, và khủng hoảng nhân dạng ra sao khi bạn muốn làm điều đó.
Các bạn có thể đọc các notes của mình ở đây về quá trình tâm lý khi gặp những vấn đề này.
Trong bài viết này, mình sẽ kể cho các bạn những câu chuyện từng xảy ra với mình, những lần mình đã muốn vứt bỏ nghề Product, nhưng rồi vẫn chọn gắn bó với nó. Những câu chuyện thành công nghe sẽ truyền cảm hứng hơn, nhưng hôm nay, mình muốn chia sẻ với bạn những lần mình thất bại.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, khi các công ty sa thải bạn, họ luôn có cách để hợp lý hoá câu chuyện từ phía họ. Đừng để họ làm điều đó dễ dàng, vì khi thế giới này muốn đẩy bạn xuống, thì bạn càng cần tin tưởng chính mình.
Mùa đông năm ấy, tuần trước Tết, nhân sự gọi vào phòng. Tôi vừa mới join công ty được 2 tuần.
\"Anh X có nhắn là kết quả tasks tuần trước không ổn, công ty muốn kết thúc thử việc\".
Tôi sững sờ. Tôi không thể nghĩ chuyện này đang xảy ra với mình. Cảm giác tồi tệ như một học sinh chăm ngoan vừa bị bắt vì quay cóp, mọi thứ thật nhục nhã ê chề.
\"Nhưng anh mới tham gia hai tuần mà? Anh vừa mới hoàn thành task đầu tiên của mình cuối tuần trước, đang chờ feedback?\"
\"Thôi người ta đã không thích rồi anh còn cố làm gì nữa. Em được thông báo sẽ làm thủ tục nghỉ việc cho anh\"
\"Anh muốn nói chuyện với anh X. Bảo anh ấy gọi nói chuyện với anh\".
Trong thâm tâm, tôi cũng biết task vừa rồi tôi có thể làm hơi nhiều thời gian. Nhưng bài toán mới, tôi quen thiết kế trên figma, sếp lại bắt làm trên tool AzureRP là thứ tôi cần thời gian làm quen sử dụng. Tôi đã cố gắng thuyết phục là figma là một tool rất tốt (hồi đó chưa nổi như bây giờ), nhưng không ăn thua. Tôi cố hết sức, và nộp bài vào deadline để xin feedback cải thiện.
Anh X - CEO gọi cho tôi. Anh vừa nói vừa gặm bánh mỳ, trả lời cộc lốc, rằng anh thấy tôi bướng, không làm được với anh, tốt nhất nên chia tay sớm. Tôi nói với anh rằng tôi có thể thay đổi theo từng feedback, mọi thứ mới có 2 tuần, hơi sớm để kết luận.
\"Anh đã tuyển hơn 500 nhân sự, anh biết ai có thể làm việc được với mình. Chú không cần giải thích, kỳ kèo thêm làm gì. Anh sẽ trả chú lương full tuần, yên tâm,...\"
Tôi biết không thể thay đổi số phận, và sự bực bội của lòng tự trọng cũng khiến tôi im lặng. Tôi chấp nhận trải nghiệm sa thải đầu tiên, tâm trạng vô cùng tồi tệ.
Nó tồi tệ vì tôi đã nghỉ chỗ làm trước đó sau 2 năm, do cảm thấy bất công.
Tôi phát hiện ra sếp trên của tôi thay vì bảo vệ, thì sau lưng đổ hết việc, trách nhiệm và tội lỗi lên đầu tôi. Rồi phe phái đánh nhau, sếp bỏ sang công ty mới, bảo tôi hãy cẩn thận sẽ bị đánh, nhưng không nói cụ thể lý do.
Phe ở lại họ lôi tôi vào phòng họp, giao cho luật sư doạ đuổi việc tôi vì một lý do rất vớ vẩn: tiết lộ bí mật công ty tại một cuộc họp nội bộ với những thông tin chẳng ai thèm quan tâm.
Họ cảnh cáo khiến tôi chán công ty, và tôi nộp hồ sơ 2 chỗ. Tôi có offer cả hai: một chỗ là Zalo, dream job của tôi, hai là chỗ này, không phải dream job - nhưng mà ở Hà Nội.
Tôi không chọn vào Zalo thời đó, vì không muốn vào HCM. Tôi muốn lập gia đình với vợ tôi bây giờ - ở Hà Nội.
Việc bị đuổi việc trước Tết như một cái tát vào mặt. Đã thế, tôi còn nhận được một cuộc điện thoại từ sếp cũ. Ông ta nói rằng vừa hóng được tôi nghỉ việc, giờ thế nào?
Tôi hỏi chỗ mới của anh còn cần người không? Sếp cười bảo không còn chỗ cho tôi đâu.
Tôi cười nhạt, thì ra ông ta gọi là để cười thêm vào mặt mình 🤣. Ông ấy cay vì hôm chia tay ông ý tôi không tham dự.
Tôi có lỗi vì đã quá bực mình vì đống hỗn độn tôi phải hót, mà quên mất ổng cũng đã từng tạo cơ hội cho tôi để được lên xử lý đống hỗn độn ấy.
Một trong những cảm giác layoff nhớ đời nhất - khiến về sau tôi cũng chả sợ bị layoff nữa
Sáng sớm đến công ty, tôi nhìn thấy thẻ ăn sinh nhật của tôi ở trên bàn. Ra là tháng trước tôi sinh nhật, thì khoảng tháng sau tôi sẽ được một bữa ăn đặc biệt bởi căng tin.
Tôi gia nhập công ty năm ngoái vào tháng sinh nhật, lúc đó mới thử việc nên không có tiêu chuẩn sinh nhật. Vậy là đã hơn một năm rồi, ngày này cuối cùng cũng đến.
Tôi có họp với sếp lúc 11h, rồi sau đó là đi ăn. Khi vào họp, tự dưng thấy có chị HR ngồi đó.
Sếp tươi cười nói tôi ngồi xuống, trấn an dù tôi đang thấy có gì đó sai sai,...
Và cuối cùng đấy là buổi thông báo tôi sẽ không được ký tiếp hợp đồng năm sau, họ thông báo trước 3 - 4 tuần. Họ cố tìm một lý do nào đó, nào là dự án A, B chậm hơn kế hoạch, trong khi tôi luôn inform sếp mọi lý do chính đáng về tiến độ vì sao dự án lại chậm,..
Biết bị đuối lý, vị sếp cuối cùng cũng hết tươi cười, nói thẳng là không hài lòng với tôi ở 2 việc:
1. Sếp được nghe tôi viết blog, chia sẻ nghề nghiệp trên Linkedin và mạng xã hội. Điều này không phù hợp với vấn đề liêm chính trong công ty. Thay vì làm những thứ này, tôi có thể nhận thêm việc của công ty để làm, nhưng tôi thường từ chối những việc lan man, không có ý định rõ ràng, cụ thể.
2. Sếp không hài lòng việc tôi gửi mail cho CEO Công Ty, nói về việc phản đối chính sách mới sẽ phạt nếu có đồ cá nhân để trên bàn sau giờ làm, và có đội sao đỏ trong công ty sẽ có quyền đi vứt đồ cá nhân của mọi người. Theo lời sếp, đáng ra tôi nên nói chuyện với nhân sự - đơn vị thành lập ra đội sao đỏ, thay vì email thẳng cho CEO.
Nghe xong lý do, tôi tươi cười hiểu, không cần níu kéo gì nữa.
Nhân sự đưa tôi tờ giấy, bảo tôi ký xong chiều đưa lại. Tôi bảo tôi sẽ bàn giao rồi ký, xong đi ăn trưa.
Khi tôi lên đã quá giờ ăn trưa, tôi ngồi 1 mình trong căng tin rộng lớn với bữa ăn sinh nhật nguội lạnh với dòng chữ Happy Birthday. Cảm giác hài hước hệt như Water White đang tự ngồi nhìn chiếc bánh hamburger sinh nhật của mình sau khi phải chạy trốn lưu vong.
Mở điện thoại lướt, tôi nhận ra mình vừa bị đá khỏi hệ thống công ty. Tôi đã bị đuổi khỏi mạng công ty ngay trong cuộc họp đó mà không biết.
Ăn vội vàng chạy xuống, tôi hỏi và yêu cầu IT cho tôi kết nối lại để tôi còn bàn giao. Họ suy nghĩ và chấp mất cả tiếng để khôi phục lại hệ thống để tôi có thể gửi một goodbye letter theo đúng tiêu chuẩn nghỉ việc do tôi đặt ra.
Những đồng nghiệp lảng tránh phải nhìn tôi. Qua ánh mắt họ, tôi hiểu họ đã biết rồi. Không sao, tôi sẽ tự đi chào họ trước khi rời đi.
..Buồn chán, tồi tệ, và cảm thấy mình thất bại. Chắc chắn rồi.
Tôi viết post này ra không phải để khoe. Những chuyện này chẳng có gì đáng để khoe cả.
Tôi viết vì nghĩ rằng mình hiểu chính xác các bạn đã và đang trải qua những gì. Tôi là người hít cùng bầu không khí công sở với các bạn, không phải với vị thế người ngoài ngồi rung đùi cười các bạn, xem các bạn đánh nhau.
Vấn đề về lương bổng là một chuyện.
Vấn đề khổ tâm hơn là về lòng tự trọng, về việc mình đã làm sai những gì, mình đã không đủ tốt ở đâu.
Nếu bạn là một người trách nhiệm và có tiêu chuẩn cao, mình tin bạn cũng sẽ làm một thứ đầu tiên đã thành phản xạ: trách bản thân xem mình có sai ở đâu không, mình có thể làm tốt hơn được không.
Chính vì thế, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Bạn không có suy nghĩ là đây là lỗi của người khác, mà là lỗi của bạn?
Điều này khiến bản cảm thấy tệ hại với chính bản thân mình.
Nếu bạn có khả năng dằn vặt và kiểm điểm khắt khe, bạn sẽ còn vất vả nhiều hơn nữa. Sẽ có thể mất vài ngày, đến cả tháng trời để vượt qua.
Thế nên nhớ đừng quên nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nhé, mình đã nói bạn ở đây👇.
Còn giờ mình bày cho bạn điều khó khăn mà tôi rất vất vả học được sau nhiều lần dằn vặt bản thân.
Thời đại layoff, họ cho bạn nghỉ vì họ không cần bạn nữa.
Nhưng họ không nói là họ tệ, họ sẽ nói là bạn kém.
Họ muốn đổ lỗi cho bạn, để những người còn lại thấy họ tử tế.
Những đồng nghiệp kia họ cảm thấy vui vì mình an toàn chứ ít ai muốn an ủi bạn.
Tất cả bỏ mặc bạn với nỗi buồn bực thất vọng với chính mình.
Và với những người càng có trách nhiệm, thì việc nhận trách nhiệm càng trở thành thói quen, càng dễ bị thao túng.
Đừng để họ làm thế dễ dàng!!!.
Tôi sẽ trích một đoạn diễn biến tâm lý mà tôi đã từng trải qua, được bạn Kim Kì Diệu viết khá chính xác ở đây.
Nhìn ra lỗi của chính mình, với mình là điều rất dễ. Đôi khi, quá dễ - nó gọi là Self blame syndrome. Dễ tới mức mình thành tội đồ, mải mê tự trách cứ mà không kịp nhận ra người khác cũng có lỗi - mà lại đổ hết lên cho mình.
Thế giới cân bằng kiểu dở hơi, người toàn đổ lỗi, người toàn tự nhận lỗi.Con bé mình luống cuống xin lỗi, sợ người khác giận, sợ làm hỏng chuyện. Mà quên đi cảm giác _bất công_ nhen nhúm ở bên sâu bên trong. Thường phải đến vài ngày, thậm chí dài tới cả năm trời sau, mình mới có thể nhận ra rằng _mình cũng xứng đáng nhận được một lời xin lỗi._
Nếu cảm giác tội lỗi đang nhen nhúm, chính lúc này, bạn cần yêu thương mình nhất. Đời đang cho bạn cơ hội để nhận ra bạn không cần tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài nữa.
Các doanh nghiệp họ đã tẩy não bạn quá lâu để có lợi cho họ trong việc layoff.
Bạn phải học cách yêu mình từ bên trong, nhìn mình với thân phận mình chính là, bỏ qua cái danh phận mà công ty cũ đã bỏ rơi bạn.
Hãy nhớ: bạn còn cần đứng lên để kể cho nhà tuyển dụng câu chuyện của bản thân theo cách của bạn.
Ngay từ bây giờ: hãy chụp lại màn hình những lời khen, nhận xét tích cực từ những dự án thành công của bạn.
Khi layoff, bạn có thể mở chúng ra xem để nhìn thấy bạn cũng đã xuất sắc và cố gắng thế nào.
Một số người thân không cần phải biết - như nhà tôi là ví dụ.
Trong mắt bố mẹ, tôi sẽ luôn là một kẻ thất bại khi nghỉ việc.
Mẹ tôi làm thuê cho một tổ chức 20 năm, bố tôi làm 2 tổ chức, mỗi nơi đều hơn 10 năm.
Sẽ là vô nghĩa để tôi có thể giải thích cho họ về hành trình chuyển việc với hơn 10 công ty của mình để tìm thấy chính mình.
Vậy làm sao để họ không biết?
Nếu bạn còn ở với bố mẹ, bạn hãy đi ra ngoài làm việc. Ra quán cafe, đến nhà người yêu,... Bạn có thời gian để kể về trải nghiệm này khi mình đã qua nó, còn người thân thế hệ trước chỉ làm cho mọi chuyện phức tạp hơn.
Tôi còn nghe chuyện một cậu bạn mất việc nhà nước, vợ còn đang có con nhỏ, họ hàng sang chơi, cứ phải chui ra chạy trốn vì sợ bị hỏi sao chưa có việc.
Hãy bình tĩnh tìm cho mình một thói quen, một nơi làm việc, để gặm nhấm vết thương, và tìm kiếm cơ hội mới.
Mọi thứ đâu sẽ có đó, thịt chó rồi sẽ có mắm tôm.
Hãy học triết lý này của Trấn Thành 😂: Không ai sống thiếu ai mà chết được đâu.
Hãy chăm sóc tinh thần và thể chất mình, rồi sẽ làm lại được.
Các công ty đến giờ vẫn vậy, họ còn lạ gì.
Họ vẫn sẽ hỏi bạn doạ dẫm: \"Vì sao bạn nghỉ chỗ cũ? Hãy giải thích gap của bạn suốt X tháng qua?\"
Bạn cần đối mặt và có câu trả lời cho thuyết phục, kể cả khi chỗ cũ họ làm tổn thương bạn.
Bạn đang ở đáy tinh thần, vậy trả lời chỗ mới thế nào? Liệu bạn sẽ nói là do bạn kém? Hay do công ty cũ?
Cả hai câu trả lời đều tệ…
Mình gợi ý bạn câu trả lời ở đây.
…Hai bên không còn tiếp tục nữa do thay đổi về chiến lược của công ty.
Đây là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp.
Trả lời vừa trung dung, vừa đúng bản chất, và không đặt bạn ở vị thế kém.
Quan trọng nhất: đấy cũng là sự thật
Đừng để công ty tẩy não là bạn kém
Bạn xứng đáng có được sự tôn trọng của chính mình.
Hãy chứng minh mình là người đáng để đầu tư.
Trong thời đại AI, nếu bạn bị cho nghỉ việc, thì đây là thời điểm vàng để học thêm những kỹ năng mới. Vì bạn vừa có thời gian, và nếu biết sử dụng AI, bạn sẽ còn học nhanh hơn trước rất nhiều.
Những lúc thất nghiệp, mình đã học được và build được những dự án khiến mình tràn trề năng lượng (trong thời gian chờ job). Một số trong đó gồm :
- Học cách làm podcast
- Hoàn thiện cuốn tiểu thuyết fantasy đầu tay
- Học cách làm website trên wordpress
- Học cách xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân trên Facebook, Threads, Substack, Linkedin
- Học cách làm Product Portfolio
- Học cách xây dựng một cơ chế quản lý kiến thức cá nhân (Personal Knowlege Management)
- Học cách sử dụng AI
Mình đang học:
- Xây dựng sản phẩm với VibeCoding
- Tự động hoá nội dung qua Automation AI
- Xây dựng làm khoá học trên Wordpress
Đây là thời điểm vàng để bạn học cách xây và tạo ra một cái gì đó cho riêng bạn. Đã qua rồi cái thời của bố mẹ chúng ta, nơi doanh nghiệp cho ta một danh phận để khoe với đời rằng mình chẳng thua kém ai.
Nếu bạn tò mò muốn mình giúp đỡ cách học một số điều ở trên, thì hãy giúp mình điền vào form ở dưới 👇 nhé.
Thời kỳ layoff là lúc bạn lọc friends rất tốt.
Những ai tránh né mình là bạn biết họ chỉ muốn chơi với nhân dạng thành công của bạn thôi, còn bạn đang thất bại họ tránh bạn như tránh hủi.
Hãy kệ họ đi, xây lại hình ảnh của mình. Khi bạn thành công, họ sẽ xun xoe trở lại, lúc ấy bạn tha hồ mà ngó lơ họ.
Hãy giữ lấy những người bạn sẵn sàng tào lao chia sẻ với mình, dù cho mình đang có việc hay không.
Hãy biết ơn những ai sẵn sàng ngồi nghe bạn than vãn mà không phán xét. Họ là những người bạn tốt.
Hãy tha thứ cho những người bảo bạn nói ít thôi, hãy nói điều tích cực chứ đừng nói tiêu cực. Họ chẳng xấu xa, họ đã nói cho bạn sự thật.
Tôn trọng ranh giới họ muốn, giữ họ ở vòng ngoài, vì họ chỉ cần như vậy thôi.
Nếu bạn chưa có cộng đồng, hãy tham gia group này để cùng cười và tấu hài cùng tôi với những meme jokes về thất nghiệp và layoff.
Giống như con rắn sẽ có lúc phải lột da, layoff và thất nghiệp là những lúc đời cho bạn chậm lại để tận hưởng cảm giác khi nghỉ hưu nó sẽ như thế nào.
Chúng ta đang bước vào một thời đại mới, cần một tư duy mới về cái gì gọi là ổn định, cái gì gọi là phát triển. Những gì trường lớp và các doanh nghiệp dạy nó bạn quá tụt hậu so với những gì đang và sẽ diễn ra.
Truyền thông sẽ liên tục tấn công các bạn, khiến các bạn cảm thấy lo lắng và bất an. Đây là lúc tuyệt vời nhất để học cách tìm lại chính mình.
Hãy viết những gì mình muốn làm ra, và làm chúng.
Bạn xứng đáng với nhiều hơn những hình mẫu và nhân dạng mà thế giới này quy chụp cho bạn.
Nếu phải đặt cược vào điều gì đó, hãy đặt cược vào chính mình, bạn nhé!
Chúc bạn luôn sẽ yêu thương và tìm thấy chính mình, dù có đang làm công sở hay không.