img_0

Làm thế nào để trở nên sáng tạo?

Đây là câu hỏi và sự theo đuổi của rất nhiều người, tổ chức lớn nhỏ. Trong suốt quá trình làm việc và cả đi đào tạo trước đây, mình cũng liên tục gặp câu hỏi này, tìm cách trả lời nó, hệ thống hoá các phương pháp và cố gắng đo lường. Thế nhưng khác với chuyện học tập một chuyên môn hay thừa hưởng một kĩ năng, nơi ta có thể hấp thu từng bước và chuyển hoá những kiến thức đó thành của mình, sáng tạo thật ra là một trạng thái, một tính trạng và đôi lúc là một thành tựu hơn là một thứ kiến thức có thể trang bị. “Trở nên sáng tạo” khó đạt cũng là vì thế.
Tốc độ phát triển của công cụ và công nghệ cũng rất nhanh và ồn ào, nó cứ phá banh các tiêu chuẩn cũ, thiết lập thang đo mới và rồi lại bắt chúng ta phải đau đầu tư duy theo những trào lưu ào ạt. Sáng tạo sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chơi này và liệu những người sáng tạo kiểu cũ còn chỗ đứng không?
Chia nhỏ câu hỏi ra để có thể có nhiều cụm giải pháp hơn cũng là một cách để tiến gần hơn tới đáp án. Định nghĩa sáng tạo là gì? làm sao để so sánh sự sáng tạo là “hơn” hay là “kém”?

Sáng tạo hơn?

Vậy thì nếu xoay câu hỏi “làm sao để sáng tạo hơn” theo một góc nhìn khác, thì chắc vấn đề có thể được nhìn thấy sẽ là “làm thế nào để có nhiều ý tưởng hơn, nhiều ý tưởng dùng được hơn, nhiều ý tưởng hay hơn…“. Với những gì đã được đề cập ở bài trước thì cái mà chúng ta có thể làm tốt nhất đó là tạo ra bối cảnh cho ý tưởng dễ dàng đến hơn. Hoặc bị động một chút, là đi tìm cái bối cảnh phù hợp để sáng tạo theo kiểu mình cảm thấy dễ dàng.
Do vậy nên mình quyết định \"phân loại sáng tạo\", việc này, ngắn gọn mà nói, chính là để nhận diện cái kiểu sáng tạo mà chúng ta đang triển khai nó là loại hình sáng tạo nào. Sau đó chúng ta sẽ phát hiện ra mình đang có một kiểu mindset để tạo mới ra thứ này thứ kia khá khác nhau, nhưng đều đang là sáng tạo cả. Và cuối cùng thì chúng ta có thể lựa chọn đóng góp sự sáng tạo của mình cho những môi trường phù hợp, tối ưu giá trị bản thân và sau đó là trở nên ưu việt hơn. Đây có thể là một giải pháp tiệm cận với cái câu hỏi lớn là “làm thế nào để trở nên sáng tạo hơn“.

Phân loại sáng tạo, theo mục đích và hình thái

Cơ chế của việc phân loại này là dựa trên nguyên tắc “ý tưởng sáng tạo sẽ đóng vai trò gì sau khi nó được sinh ra“, hay “sản phẩm của loại sáng tạo đó sẽ có những đặc tính gì“. Từ đó ta có thể thấy được mục đích cuối cùng của kiểu sáng tạo đó, và nó có thể được khái quát thành kiểu hình sáng tạo.
Việc phân loại sáng tạo như thế này không nhằm vào việc chia nhỏ các hoạt động và định hướng các hoạt động về một hướng riêng biệt cụ thể nào đó (như kiểu bạn sáng tạo kiểu A thì bạn chỉ nên làm kiểu A). Theo trải nghiệm của mình trong thực tế thì hầu như các hoạt động sáng tạo và các ý tưởng đều sẽ là tổng hoà của nhiều hơn một mục đích và luôn bổ trợ lẫn nhau. Nói thế nghĩa là trong hoạt động A cũng phần nào có những kiểu tính chất của hoạt động B và người làm ở 1 công ty có nhiều ý tưởng kiểu này thì cũng không bị giới hạn theo kiểu kia… vậy nên đừng quá cứng nhắc trong việc dán nhãn.
Rồi, nếu đã rõ ràng rồi thì hãy bắt đầu với…

Sáng tạo giải pháp (Problem-solving creativity)

Biểu hiện

Những người xoay sở và luôn tìm ra được một cách nào đó để xử lý vấn đề, họ là một nhà sáng tạo giải pháp. Một bức chân dung giản lược của loại hình sáng tạo này chính là khoảnh khắc ai đó hét lên sung sướng “có cách rồi” trong một tình thế bế tắc.
Loại hình sáng tạo này sẽ đến từ việc bạn có cho mình những góc nhìn, quan sát để tìm ra nhưng đặc tính của vấn đề mà bạn đang phải đối mặt, vận dụng kho tài nguyên về kiến thức và kĩ năng mình đang có để sáng tạo ra một giải pháp. Và khi giải pháp xuất hiện, nó giúp mọi thứ trở nên trơn tru dễ thở hơn.

Những giá trị mang lại

Những cải thiện đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống. Chúng ta đang tạo ra thêm rất nhiều giá trị bằng việc tìm thấy và giải quyết các vấn đề đang có. Chúng ta có thêm biết bao nhiêu thời gian mỗi ngày nếu tình trạng kẹt xe giảm đi một nửa mức độ nghiêm trọng? Ngày xưa đó bao nhiêu người đã phải chết vì những căn bệnh mà giờ đây y học dễ dàng chữa trị? Hay người ta sẽ sẵn sàng trả cho bạn hàng núi tiền nếu bạn biết cách dự khắc phục những lỗ hổng an ninh mà một hệ thống đang gánh lấy.
Giải quyết vấn đề đang có là việc dễ hiểu, nên kiểu sáng tạo này thật dễ để nhìn nhận giá trị.
img_1

Chân dung người hưởng lợi

Có những người đồng đội có năng lực sáng tạo giải pháp cao sẽ giúp bạn luôn trong tâm lý an tâm, vì biết khi có sự cố xảy ra mình biết nhìn về đâu để tìm giải pháp. Mình đã từng làm việc với những bạn nhân sự có tư duy này, các bạn mang đến cho mình một niềm cảm hứng thú vị và cảm giác mọi rủi ro đều bớt nguy hiểm đi khá nhiều.
Lần gần nhất trong một sự kiện mà phía địa điểm tổ chức hy vọng người tham dự sẽ có trang phục kín đáo, một bạn khách vô tình đến với trang phục hơi vượt mức cho phép. Chỉ trong khoảnh khắc thôi một bạn thực tập sinh đã liên hệ ngay với một gian hàng về cổ phục để cho bạn khách được mặc trang phục truyền thống. Giải pháp sinh ra làm đẹp lòng tận 3 bên: tiêu chí của ban tổ chức được tuân thủ, bạn khách mời không những không cảm thấy bị yêu cầu quá nghiêm khắc mà còn thích thú với trải nghiệm mới còn phía gian hàng thì lại được quảng bá sản phẩm của mình miễn phí. Đó chính là giá trị của người sáng tạo giải pháp.
Các công ty, tổ chức về về giải pháp sẽ rất cần nhóm kỹ năng này. Ví dụ công ty luật, dịch vụ kế toán, tư vấn kinh doanh hoặc digital product design. Nếu bạn là một người luôn giỏi xoay sở thì cơ hội để bạn trở nên sáng tạo hơn đó là hãy sáng tạo ở những nơi này.

Tiềm năng có thể trở thành

Người sáng tạo giải pháp sẽ càng lúc càng có giá trị khi giải pháp của họ giải quyết được những vấn đề lớn hơn. Nếu bạn cảm thấy mình thích đi tìm giải pháp, thích đương đầu và đánh gục vấn đề, hãy tìm cách phát triển dần kĩ năng nhìn nhận, khám phá và phân tích các đặc điểm của chúng nó, sau đó sáng tạo ra giải pháp. Hãy bắt đầu với những vấn đề be bé, quen thuộc và đi lên dần. Nơi nào có vấn đề, nơi đó sức sáng tạo của bạn sẽ dễ phát triển.
Song song với việc đó là bổ sung kho nguyên liệu kiến thức, vì giải pháp chỉ chui ra để đấm nhau với vấn đề khi bạn có đủ trải nghiệm và hiểu biết rộng rãi để lôi chúng nó ra khi cần thiết. Thật ra thì dù là sáng tạo kiểu nào thì cái hoạt động bổ sung kiến thức này vẫn sẽ không bao giờ thay đổi, nên có thể từ mục sáng tạo tiếp theo mình sẽ không đề cập đến nó nữa
Vậy, sau khi hiểu được lý do vì sao để trả lời cho câu hỏi cách để trở nên sáng tạo hơn, chúng ta lại nên phân loại nó, bạn cũng đã được tiếp xúc với một loại hình sáng tạo đầu tiên là \"sáng tạo giải pháp\"